Kỳ 4.
III.VỀ BÀI “CÓ HAY KHÔNG ĐẠI ĐÔ ĐỐC BÙI HỮU HIẾU?”
Trả lời bài báo của Phan Duy Kha “Có hay không Đại Đô Đốc Bùi Hữu Hiếu?” (Tạp chí Thế Giới Mới-số 669-ngày 9-1-2006.
1. Tác giả Phan Duy Kha cho rằng: Trong tên tuổi các tướng lĩnh Tây Sơn, chưa hề tìm thấy tên tuổi Đại Đô đốc Bùi Hữu Hiếu. Trong các sách ghi về chiến dịch Quy Nhơn (1800-1801) không có tên Bùi Hữu Hiếu.
Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề không khó hiểu vì lịch sử là chân lý tuyệt đối, là khách thể, còn khoa học lịch sử chỉ là chân lý tương đối, là nhận thức, chỉ có thể khôi phục lại tương đối đúng với sự kiện lịch sử. Sách lịch sử không thể nào ghi chép hết được muôn nghìn sự kiện lịch sử diễn ra. Trường hợp phong trào nông dân Tây Sơn cũng vậy: Sách sử không thể chép hết được các sự kiện, các tướng lĩnh của phong trào này và chúng ta cũng không thể bảo đảm rằng đã đọc hết sách và đã sưu tầm hết các nhân vật, các sự kiện. Vả lại, có thể ông Bùi Hữu Hiếu không tham gia trận Quy Nhơn nhưng có thể tham gia mặt trận khác vì khi đó mặt trận Nam Trung Bộ giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh rất kịch liệt, đâu phải chỉ có ở thành Quy Nhơn.
2. Tác giả Phan Duy Kha viết rằng: Bị bắt ở Nông Cống là ông Vũ Văn Dũng. Trong số các tướng lĩnh Tây Sơn ra hàng hay bị bắt không thấy có tên Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu.
Chúng tôi cho rằng cùng chạy về Nông Cống với ông Vũ Văn Dũng là ông Bùi Hữu Hiếu, nhưng ông Hiếu đã quyết tâm trốn tránh, mai danh ẩn tích thì hiển nhiên là ông không có tên trong số quan chứcTây Sơn bị bắt ra hàng. Còn vì sao mà ông trốn tránh được, thoát khỏi được sự truy nã của vương triều Nguyễn thì đó là điều hy hữu nhưng là sự thực đã xảy ra. Nhưng đó không phải là cuộc sống “ung dung” như tác giả Phan Duy Kha đã viết mà là một cuộc sống khó khăn trong nhà kín hoặc trong hầm bí mật. Hầm bí mật không chỉ được phát hiện thời hiện đại để che giấu những chiến sĩ cách mạng mà đã được cha ông ta sử dụng từ lâu để đối phó với kẻ thù.
3. Với cuốn “Gia phả họ Bùi Hữu” do cụ Bùi Hữu Cán biên soạn năm 1942, tác giả Phan Duy Kha cho rằng: Sau 150 năm thì mối thâm thù của các vua quan nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn hầu như không còn tồn tại. Nhưng vì sao gia phả họ Bùi không chép ông Bùi Hữu Hiếu là Đại Đô đốc nhà Tây Sơn, một vinh dự. . . ?
Chúng tôi cho rằng khi đó vương triều Nguyễn còn tồn tại. Là nước thuộc địa nửa phong kiến nên ngoài luật thực dân, Việt Nam khi đó vẫn còn tồn tại luật và truyền thống trả thù của phong kiến, truy sát kẻ thù chính trị đến chín đời (nhiều đời). Dòng họ Bùi Hữu khi đó làm sao biết được mối thâm thù của nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn hầu như không còn tồn tại để mà ghi vào gia phả vinh dự có một Đại Đô đốc Tây Sơn? Vì sự an toàn tuyệt đối cho dòng họ mà ông Bùi Hữu Cán không ghi chức vụ đó của ông Bùi Hữu Hiếu vào gia phả, một việc làm cẩn trọng.
3. Tác giả Phan Duy Kha viết rằng: Trường hợp người anh sống sót trở về, sao không rõ trường hợp hy sinh của người em mà phải lấy ngày ra đi làm ngày giỗ ? Chúng tôi cho rằng khi tham gia chiến tranh với những chiến trường rộng lớn khác nhau, với nhiều trận đánh khác nhau, mỗi người ở một đơn vị chiến đấu khác nhau, ở chiến trường khác nhau thì dù là anh em cũng rất khó và không thể biết được tường tận nơi hy sinh, ngày hy sinh, phần mộ mai táng chính thức nơi nào. Đặc biệt trong hoàn cảnh quản lý quân đội và trình độ thông tin thời kỳ đó hạn chế, ông Hiếu không thể biết được ngày em mình hy sinh. Còn một khả năng khác, ông Hiếu có thể biết nhưng sau đó thì quên. Không ai không có lúc quên.
4. Tác giả Phan Duy Kha nghi ngờ chiếc ấn Đại Đô đốc nay hiện hữu ở Từ đường họ Bùi Hữu không phải là của ông Bùi Hữu Hiếu. Tác giả cho đó là ấn Đại Đô đốc của ông Vũ Văn Dũng, hoặc chỉ là do con cháu của họ Bùi Hữu khi “đào ao, làm nhà, cuốc vườn” nhặt được, ấn do đoàn quân của các ông Diệu, ông Dũng trước khi bị bắt đã quẳng lại. . .
Chúng tôi cho rằng thời đó ấn tín là thể hiện quyền lực của vị tướng soái đó cho nên ông Vũ Văn Dũng và Thiếu phó Trần Quang Diệu không thể để cho “đoàn quân” cầm giữ mà sau này “quẳng đi”. Thứ nữa là ông Trần Quang Diệu bị bắt ở Nghệ An, không thể từ Nghệ An ném ấn ra tận Nông Cống, Thanh Hóa. Còn ông Vũ Văn Dũng được phong Đại Đô đốc trước năm 1796 vài năm. Trong trận đánh Ngọc Hồi - Thăng Long năm 1789 đại phá quân Thanh, ông đã là phó tướng chỉ đứng sau vua Quang Trung. Còn ấn ở từ đường dòng họ Bùi Hữu ghi năm ra đời của ấn “Bính Thìn niên quý xuân cát nhật tảo”, tức là năm 1796, thời vua Cảnh Thịnh, sau ông Vũ Văn Dũng nhiều năm. Còn chiếc ấn do con cháu họ Bùi Hữu nhặt được là sự suy diễn của tác giả Phan Duy Kha. Chiếc ấn làm bằng kim loại, nếu vùi dưới nước và đất thì bị hao mòn và không còn nguyên vẹn. Còn chiếc ấn ở Từ đường dòng họ, Bùi Hữu Hiếu truyền cho con cháu và được họ giữ gìn cẩn thận. Kính mời tác giả Phan Duy Kha về thăm Nông Cống và Từ đường họ Bùi Hữu cùng chiếc ấn thì có lẽ lập luận của tác giả sẽ khác đi.
5. Tác giả Phan Duy Kha lập luận rằng vì sao nhân dân Nông Cống, Thanh Hóa thờ ông Vũ Văn Dũng, ông Trần Quang Diệu mà không thờ ông Bùi Hữu Hiếu, niềm tự hào của địa phương mình? Tôi cho rằng nhân dân Nông Cống thờ hai ông Dũng và Diệu là có lý do nhưng trong bài báo ngắn này chưa thể trình bày. Còn với ông Bùi Hữu Hiếu ẩn tích trốn tránh để khỏi bị triều Nguyễn truy nã thì làm sao nhân dân có thể lập đền thờ, như vậy khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Kể cả sau này khi ông mất thì dưới vương triều Nguyễn điều đó cũng không thể thực hiện được. Cần nói thêm, trong quá trình mai danh ẩn tích, một trong những nhân tố bảo vệ ông an toàn là do sự che chở của nhân dân địa phương Nông Cống.
6. Phần kết của bài báo, tác giả Phan Duy Kha cho rằng ngày nay có phong trào dịch gia phả và viết lại, tục biên gia phả, trong đó không ít người có ý đồ phô trương dòng họ của mình để mưu cầu này khác. . . gán cho tổ tiên ông cha mình “ông nọ bà kia”. Chúng tôi cho rằng ngày nay có hiện tượng quy tụ mồ mả, họp họ, viết gia phả, dịch gia phả nhưng mục đích thì không như tác giả Phan Duy Kha lầm tưởng. Mục đích các hoạt động như trên của các dòng họ là nhằm hiểu lịch sử thế thứ của dòng họ mình, đề bổ sung các thế hệ sau vào gia phả, để phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau về mọi mặt trong dòng họ, xây dựng sự phồn vinh và hạnh phúc. Hiển nhiên trong lịch sử dòng họ nếu có những người có công lao với địa phương, với đất nước thì phải ghi vào, nếu có những người như vậy mà chưa rõ thì phải nghiên cứu làm sáng tỏ. Điều đó không phải là “phô trương”, “mưu cầu” này khác. Có gia đình mới có dòng họ, có dòng họ mới có quốc gia. Cho nên dòng họ giàu mạnh thì góp phần quốc gia giàu mạnh. Truyền thống của các dòng họ chung đúc lại thành truyền thống dân tộc. Ở đây khi đánh giá các dòng họ Việt Nam, tác giả Phan Duy Kha cần phải hết sức cẩn trọng. Tác giả Phan Duy Kha đặt vấn đề: Trên cơ sở nào mà các bản gia phả sau này (của dòng họ Bùi Hữu) viết vào các năm 1970, 1984 và 2000 lại ghi ông Bùi Hữu Hiếu là vị tướng nổi tiếng Tây Sơn, tham gia các trận đánh lớn, còn đi sứ nhà Thanh nữa? Tuy còn phải nghiên cứu thêm nhưng chúng tôi cho rằng tác giả các bản gia phả này có cơ sở của họ. Đó là sự kế thừa các bản gia phả trước, những câu chuyện lưu truyền trong dòng họ và trong nhân dân Nông Cống về ông Bùi Hữu Hiếu, những di tích của khu Từ đường dòng họ Bùi Hữu đã được chính quyền tỉnh Thanh Hóa công nhận là Di tích Văn hóa của tỉnh, là chiếc ấn Đại Đô đốc của ông Bùi Hữu Hiếu, về những kết quả nghiên cứu của các nhà sử học tỉnh Thanh Hóa đã đi đến kết luận ông Bùi Hữu Hiếu là Đại Đô đốc Tây Sơn.
Tóm lại trong bài “Có hay không Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu?”, tác giả Phan Duy Kha do thiếu nhiều tài liệu về Tây Sơn, về ông Bùi Hữu Hiếu, về dòng họ Bùi Hữu, cho nên trong các lập luận của ông có nhiều suy diễn. Chúng tôi cho rằng ông Bùi Hữu Hiếu là Đại Đô đốc và là một nhân vật lịch sử của triều đại Tây Sơn. Kính mong các nhà nghiên cứu đi sâu hơn nữa tìm hiểu về cuộc đời hoạt động quân sự của ông trong hoạt động quân sự chung của phong trào nông dân Tây Sơn.
(Còn nữa)
CVL