Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 1

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.
cvl2vl2-1728462974.jfif
 

Kỳ 1.           

I. QUAN HỆ KẾ THỪA TÀI SẢN VỢ CHỒNG TRONG QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT

1. Hoàn cảnh lịch sử: Chiến thắng Bạch Đằng của quân dân ta năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo đã đánh bại quân xâm lược Nam Hán, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc (179TCN-938), mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài cho dân tộc. Giai cấp phong kiến Việt Nam tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta trên con đường xây dựng xã hội và nhà nước phong kiến. Giai cấp phong kiến Việt Nam rất chú trọng xây dựng và phát triển luật pháp, một công cụ để quản lý và cai trị xã hội, đất nước.

 Năm 1009 Nhà Lý khi thay thế nhà Tiền Lê, đã ra sức phát triển xã hội phong kiến và nhà nước phong kiến trên một quy mô to lớn, đòi hỏi bức xúc phải có pháp luật thành văn. Đáp ứng nhu cầu đó, năm 1042 đời Lý Thái Tông (1028-1054) đã cho ra đời bộ luật “Hình thư”. Đó là bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử pháp quyền Việt Nam. Năm 1225 nhà Trần thay thế nhà Lý. Nhà Trần tiếp tục phát triển xã hội và nhà nước phong kiến mà nhà Lý còn dang dở. Nhà Trần không chỉ xây dựng bộ “Hình thư” mới mà cũng xây dựng hệ thống pháp luật.

Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ. Năm 1407 nhà Hồ bị quân Minh đánh bại, nước ta lại bị phong kiến Trung Quốc thống trị. Năm 1418, Lê Lợi và Nguyễn Trãi phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thọ Xuân Thanh Hóa. Năm 1427 với trận quyết chiến lược Chi Lăng-Xương Giang thắng lợi, nghĩa quân Lam Sơn đánh bại quân Minh, giải phóng hoàn toàn đất nước, khôi phục giang sơn độc lập. Năm 1428 Lê Lợi lên ngôi vua lập ra triều Hậu Lê, xưng đế hiệu là Lê Thái Tổ. Triều Hậu Lê chia làm hai thời kỳ: Thời kỳ Lê Sơ (1428-1527), thời kỳ Lê Trung Hưng (1533-1789). Thời kỳ Lê Sơ là đỉnh phát triển cao nhất của chế độ phong kiến Việt Nam nói chung và của triều đại Hậu Lê nói riêng. Trong thời kỳ Lê Sơ xuất hiện vị vua kiệt xuất là Lê Thánh Tông, sinh năm 1442, lên ngôi năm 1460 và trị vì đến năm 1497. Chính dưới triều Lê Thánh Tông đã hoàn thành biên soạn bộ Quốc triều Hình luật (Luật Hồng Đức), đỉnh cao nhất của pháp luật phong kiến Việt Nam.

2. Nội dung Quốc triều Hình luật: Quốc triều Hình luật gồm 13 chương, ghi chép thành 6 quyển bằng chữ Hán với 722 điều. Trong 13 chương có chương hộ-hôn (Hôn nhân gia đình) gồm 43 điều điều chỉnh các quan hệ hôn nhân gia đình. Chương điền sản gồm 59 điều quy định về kế thừa, ruộng đất, hương hỏa và những tội phạm trong lĩnh vực đó.

 Trong chế định về kế thừa, cha mẹ là chủ của tài sản nên khi cha mẹ mất con cái mới được quyền thừa kế. Luật quy định có hai hình thức kế thừa. Kế thừa theo di chúc nếu người mất để lại di chúc. Di chúc có thể là di chúc viết, có thể là di chúc miệng. Điều 366 quy định cha mẹ khi làm chúc thư phải tự tay viết, nếu không biết chữ phải nhờ quan viên trong làng xã viết hộ (di chúc miệng cũng phải ghi lại). Khi lập chúc thư phải có sự chứng giám của quan chức trong làng thì chúc thư mới hợp pháp. Quyền tự do của người viết chúc thư được pháp luật tôn trọng. Người đó có quyền để lại tài sản cho ai, cho con nào, mỗi con được bao nhiêu. Cha hoặc mẹ có quyền truất quyền thừa kế của một con nào đó nếu như nó là nghịch tử, bất hiếu. Không cho người con nào đó thừa kế cũng tức là từ bỏ đứa con đó. Theo thông lệ của Việt Nam, trước khi chia ruộng đất phải để 1/20 làm đất hương hỏa. Như vậy nếu người cha chết trước thì người vợ là chủ tài sản gia đình và khi bà mất đi có quyền di chúc lại cho con cái kế thừa. Mối quan hệ giữa vợ chồng về tài sản trong luật Hồng Đức thể hiện rõ ràng nhất trong trường hợp kế thừa không có di chúc. Luật quy định, nếu người chủ tài sản mất đi mà không để lại di chúc thì phải kế thừa theo luật của nhà nước, luật quy định những ai được hưởng, hưởng bao nhiêu tài sản, nhất nhất phải tuân theo luật. Trong trường hợp này luật quy định có hai hạng người được thừa kế: Hạng thừa kế thứ nhất là con cái, hạng thừa kế thứ hai là cha mẹ hoặc người thừa tự (nếu cha mẹ không còn). Hạng thừa kế thứ nhất chỉ phát sinh khi cha mẹ đã chết, các con trong hạng này gồm con trai, con gái, con vợ cả, con vợ lẽ, con nuôi, con nàng hầu với chủ tài sản trong văn tự có ghi thì cũng được thừa kế. Luật quy định các con của vợ cả bằng nhau. Phần các con vợ lẽ bằng nhau nhưng ít hơn phần con vợ cả.

 Quan hệ kế thừa trong hạng thứ hai chỉ phát sinh khi hôn nhân không có con mà một người (vợ hoặc chồng) đó chết. Quan hệ kế thừa hạng này được luật quy định với 3 loại điền sản trong những trường hợp cụ thể:

Thứ nhất loại phu gia điền sản tức là ruộng đất của nhà chồng cho hai vợ chồng khi xây dựng gia đình. Hai vợ chồng không có con, chồng chết trước. Luật quy định đối tượng được thừa kế trong trường hợp này là người vợ, đối tượng thứ hai là người thừa tự của chồng. Ruộng đất trong trường hợp này chia làm hai phần bằng nhau, một phần giành cho người thừa tự của chồng hoặc cha mẹ chồng, một phần dành cho người vợ. Vợ ở vậy được hưởng suốt đời, nếu tái giá, ruộng đất trên phải để lại cho nhà chồng.

 Thứ hai vẫn là phu gia điền sản. Hai vợ chồng có con, vợ chết trước chồng, chồng lấy vợ thứ hai, chồng chết trước vợ thứ hai. Luật xác định đối tượng thừa kế trong trường hợp này là con của chồng với vợ thứ nhất và người được thừa kế thứ hai là vợ kế. Ruộng đất được chia làm hai phần bằng nhau, 1/2 cho con của vợ trước, vợ kế được 1/3 của phần còn lại nếu như vợ cả có 1 con, người con của vợ trước được thêm 2/3 của nửa sau. Nếu như vợ cả có 2 con trở lên thì phần của mẹ kế bằng một phần của một con. Trong trường hợp này vợ kế không đóng góp gì trong tài sản cũng được hưởng một phần.

 Thứ ba là loại phu thê điền sản (Tài sản do hai vợ chồng của cuộc hôn nhân thứ nhất làm ra). Hai vợ chồng không có con, vợ chết trước. Đối tượng thừa kế trong trường hợp này là người chồng, thứ hai là bố mẹ vợ (hoặc người thừa kế của vợ). Ruộng đất chia thành hai phần bằng nhau, người chồng được 1/2, 1/2 còn lại chia 3. Người chồng được 2/3 của nửa sau, 1/3 của nửa sau thuộc bố mẹ vợ hoặc người thừa tự của vợ. Người chồng nếu lấy vợ khác vẫn được hưởng ruộng đất đó suốt đời. Trường hợp này tài sản có công của vợ làm nên nhưng vợ không còn thì bố mẹ vợ hoặc người thừa tự của vợ được hưởng. Một sự kế thừa không chỉ đơn thuần về kinh tế mà cũng là tình cảm của con rể đối với bố mẹ vợ dù rằng vợ không còn.

 Thứ tư là phu thê điền sản, không có con, chồng chết trước. Đối tượng được hưởng thừa kế trong trường hợp này là vợ, thứ hai là người thừa tự của chồng hoặc bố mẹ chồng. Theo luật định ruộng đất chia hai phần bằng nhau, người vợ được 1/2, tái giá được mang theo số ruộng đất này. 1/2 còn lại chia 3. Người vợ được tiếp 2/3 của nửa sau nhưng phần này nếu tái giá hoặc chết phải để lại cho nhà chồng. Người thừa tự của chồng hoặc bố mẹ chồng được 1/3 của nửa sau.

Thứ năm là thê gia điền sản, tài sản do gia đình nhà vợ cho hai vợ chồng. Hai vợ chồng có con nhưng con đã mất, vợ mất trước chồng, cha mẹ vợ còn sống. Đối tượng kế thừa trong trường hợp này là chồng, đối tượng thứ hai là cha mẹ vợ. theo luật ruộng đất chia làm hai phần bằng nhau, cha mẹ vợ được 1/2, chồng được 1/2 nhưng không được bán. Chồng chết, phần đất của chồng lại thuộc người thừa tự của vợ. Cách chia này là tôn trọng tình cảm nhưng tôn trọng nguồn gốc tài sản là phu thê điền sản.

 Thứ sáu, nguồn tài sản là thê gia điền sản. Hai vợ chồng có con nhưng con chết, vợ chết trước chồng, cha mẹ vợ cũng đã chết. Đối tượng được thừa kế là chồng và người thừa tự của vợ. Luật qui định chia ruộng đất 3 phần bằng nhau. Chồng được 2/3 toàn quyền sử dụng, 1/3 thuộc người thừa tự của vợ.

 Như vậy, theo Quốc triều Hình luật những chế định hôn nhân gia đình là thể chế hóa những quan điểm của Nho giáo nhằm xây dựng gia đình phụ quyền gia trưởng lấy đó làm cơ sở cho chế độ phong kiến. Tuy nhiên bộ luật đã tính tới yếu tố thực tế của xã hội, của phong tục tập quán Việt Nam, đề cao người cha nhưng không coi thường vai trò của người mẹ, đề cao người chồng nhưng không coi thường địa vị người vợ trong gia đình, đề cao con trai nhưng không xem thường con gái. Trong gia đình nếu người cha mất đi thì người mẹ là chủ của tài sản và được quyết định mọi việc quan trọng trong gia đình. Điều đặc biệt của luật Hồng Đức là chia tài sản cho con gái ngang bằng với con trai (điều 388). Không có con trai thì con gái thừa tự, như vậy khi không có con trai, con gái cũng được thừa kế hương hỏa thờ cúng cha mẹ.

 Trong 6 trường hợp kế thừa không có di chúc, tức là kế thừa theo luật định ở trên, trường hợp nào người vợ cũng được kế thừa tài sản, thậm chí cả người thừa tự của vợ. Kế thừa suốt đời hay không suốt đời, kế thừa nhiều hay ít tùy thuộc hoàn toàn vào nguồn gốc tài sản. Nếu như tài sản do hai vợ chồng làm ra, người vợ được kế thừa nhiều hơn và một phần lớn được kế thừa suốt đời. Tuy nhiên những trường hợp như phu gia điền sản, người vợ vẫn được thừa kế. Kế thừa theo luật Hồng Đức không chỉ là kế thừa tài sản, thiên về kinh tế, bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ, cho người vợ, đồng thời luật cũng tôn trọng bảo vệ tình cảm gia đình nhà vợ, gia đình nhà chồng của chàng rể, qua cách chia thấu tình đạt lý, tôn trọng và phù hợp với phong tục tập quán Việt Nam, bảo vệ đạo đức của con cái đối với cha mẹ, sự hòa thuận trong họ hàng thân thuộc. Luật kế thừa đó đề cao công sức của người vợ, của người phụ nữ đối với gia đình và xã hội. Quyền của phụ nữ được luật quan tâm và chú trọng. Đây là sự sáng tạo của nhà làm luật. Cho thấy pháp luật có hoàn thiện đến đâu cũng không thể thay thế hết được vai trò của phong tục tập quán từng tồn tại lâu dài và phổ biến trước khi có luật.

 Trong quan hệ tài sản vợ chồng, luật Hồng Đức không chỉ tính đến tài sản chung của hai vợ chồng mà cũng tính tài sản riêng của mỗi người. Pháp luật ghi nhận sự bình đẳng của người vợ trong tài sản chung của nhà chồng và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản do vợ chồng làm ra nên khi phân chia kế thừa phụ nữ được thừa nhận quyền tài sản của người phụ nữ. Người vợ cũng có quyền thu lợi trên phần di sản của chồng đã qua đời. Khi hai người còn sống, vợ và chồng đều bình quyền trong quản lý tài sản. Có quyền tư hữu tài sản ngang với chồng nên đàn bà thời Hậu Lê giữ vai trò kinh tế quan trọng trong xã hội và trong gia đình. Điều này luật Trung Hoa và luật Gia Long không có. Về điểm này luật Hồng Đức tiến bộ hơn luật châu Âu, châu Á phong kiến. Luật chú ý đến điền sản là tư liệu sản xuất quan trọng trong một xã hội kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo nhưng luật không gạt bỏ tư liệu sinh hoạt, của cải ra ngoài thừa kế của vợ và con.

Trong tất cả các điều luật về tài sản và kế thừa cho thấy chồng chết trước thì phần của vợ bao giờ cũng nhiều hơn các con, kể cả đối với con trưởng. Luật cũng đã nghiêm cấm người vợ khi tái giá hoặc người chồng vợ chết lấy vợ khác không được bán ruộng đất của gia đình do cuộc hôn nhân thứ nhất làm ra để bảo vệ tài sản cho con cái. Người thừa kế như vậy chỉ được hưởng một đời, khi chết phần ruộng đất người được kế thừa để lại cho các con của chồng hoặc của vợ hoặc cho người thừa tự làm hương hỏa. Luật cũng quy định người phụ nữ cũng được hưởng tài sản khi ly hôn.

 Ngoài ra, luật Hồng Đức đề cao vai trò của người phụ nữ hơn so với các luật phong kiến đường thời trong khu vực và trên thế giới. Đã đề cập và bảo vệ một số quyền lợi của phụ nữ trong gia đình và trong xã hội. Trước hết là vai trò của phụ nữ trong gia đình có quyền quản lý tài sản cùng chồng, khi chồng chết thì có quyền tự quản lý tài sản, có quyền thừa kế tài sản. Đó là sự khác nhau với phụ nữ Trung Quốc phong kiến. Người phụ nữ có quyền thừa kế ngang bằng với đàn ông. Khi chồng chết phụ nữ cũng có quyền sở hữu đối với tài sản riêng và được hưởng một phần giá trị tài sản do hai vợ chồng gây dựng nên. Nếu ly hôn do lỗi của chồng thì tài sản riêng (gồm cả điền sản và tư trang), người vợ có quyền mang về nhà mình. Trong gia đình có việc gì quan trọng, người phụ nữ có quyền tham gia bàn bạc với chồng.

 Luật Hồng Đức cũng nêu lên quyền bình đẳng. Đó là quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, quyền bình đẳng giữa nam và nữ, quyền bình đẳng dân tộc, quyền tư hữu, quyền được nhà nước bảo vệ hôn nhân, quyền được ly hôn của phụ nữ, quyền được học tập và giáo dục, quyền thuận tình kết hôn và lập gia đình. Quyền bà mẹ và trẻ em được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, quyền an sinh xã hội, quyền được chăm sóc sức khỏe. Luật Hồng Đức cũng mang tính nhân văn, tính nhân đạo như áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho phụ nữ phạm tội.

Tóm lại nét đặc sắc tiến bộ nhất của luật Hồng Đức là bênh vực bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Sở dĩ có điểm tiến bộ này là thời gian mà bộ luật ra đời lúc chế độ phong kiến Việt Nam đang đạt đỉnh cao và phát triển đến thời kỳ cực thịnh về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự. Trước đó mới gần nửa thế kỷ những chiến công chói lọi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh, hoàn thành giải phóng dân tộc vẫn còn tỏa ánh hào quang rực rỡ mà công lao đóng góp to lớn của nhân dân vào cuộc kháng chiến hẳn chưa phai mờ đối với triều đại Hậu Lê. Thời Lê Sơ cũng là lúc những tư tưởng thân dân của các nhà tư tưởng vĩ đại của Việt Nam, tiêu biểu như Nguyễn Trãi đã và đang phát triển chín muồi rực rỡ. Tất cả những hoàn cảnh đó đã ảnh hưởng to lớn đến tư tưởng của Lê Thánh Tông. Bản thân Lê Thánh Tông không chỉ là vị minh quân mà cũng là nhà chính trị, nhà lập pháp, nhà quân sự không chỉ ngồi trên ngai vàng cai trị mà ông đã đi “vi hành” không ít để nắm tình hình thực tiễn của đất nước. Ông thở hơi thở của nhân dân, của dân tộc, của thời đại. Ông biết nhân dân muốn gì, nhân dân cần gì. Tất cả đã đúc kết trong sự nghiệp chính trị của ông. Điều đó cũng đã làm nên tư tưởng lập pháp tiến bộ của ông và bộ Quốc triều Hình luật là đỉnh cao nhất của lịch sử lập pháp Việt Nam thời trung đại. Nhiều tư tưởng và kỹ thuật lập pháp của ông là đỉnh cao của tư tưởng pháp luật thế giới đương đại.

 Những tư tưởng tiến bộ nhân văn của luật Hồng Đức cho đến nay vẫn cũng nguyên giá trị khi chúng ta xây dựng luật, đó là luật pháp là công cụ bảo vệ nhân dân lao động, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, bảo vệ độc lập dân tộc, kiên quyết chống tham nhũng, cửa quyền, xây dựng một xã hội bình đẳng, pháp quyền, nhân văn, hiện đại.

Hà Nội tháng 9 năm 2013.

--------------------------
 TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Cao Văn Liên, Pháp luật các triều đại-Việt Nam và các nước, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 2009 (Tái bản).

2. Đại Việt sử ký toàn thư, T1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 1972.

3. Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, NXB Công an Nhân dân. Hà Nội, 2004.

4. Vũ Văn Mẫu. Cổ luật thông khảo, Quyển III, Đại học Luật Sài Gòn.

5. Luật Hồng Đức-Wikipedia tiếng Việt.

(Còn nữa)

CVL