Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 48

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.   

Kỳ 48.

Quân Việt reo hò xông vào thành chém giết. Triệu Trinh Nương thúc voi xông vào thành. Theo sau là một vạn quân Việt ào ào đốt phá chém giết quân Ngô. Tiếng cồng chiêng vang lên rung không gian như sấm, tiếng reo hò vang động, những biệt thự, nhà cửa bùng cháy. Thành Tư Phố phút chốc chìm trong biển lửa, tiếng reo hò của quân Việt, tiếng la hét của quân Ngô trước khi bị giết thất thanh. Thành Tư Phố hoàn toàn thất thủ, quân Ngô đại bại. 1 vạn quân Ngô còn lại trong thành bị tiêu diệt, Tiết Kính Hàn và Mao Phong bị bắt.

Thì ra trước đó, Triệu Trinh Nương đã cho 100 quân Việt mặc quân phục quân Ngô. Khi quân Ngô đại bại trong việc cướp trại quân Việt, bị đánh tơi tả phải chạy về thành Tư Phố, 100 quân Việt trà trộn vào quân Ngô, chạy vào thành. Chờ khi quân Ngô đóng cổng thành, 100 quân Việt đã giết lính gác, mở cổng thành, bắn tín hiệu để quân Việt xông vào cướp thành mà không cần bao vây thành tốn sức. Thành Tư Phố bị hạ, chính quyền đầu não của Đông Ngô ở Cửu Chân hoàn toàn sụp đổ. Nghĩa quân đã hoàn toàn làm chủ quận Nhật Nam và quận Cửu Chân. Đó là một thắng lợi to lớn làm rung động toàn Giao Châu và chấn động Đông Ngô, chấn động kinh đô Kiến Nghiệp bên bờ Trường Giang.

Nhưng trong trận Tư Phố, nghĩa quân chịu một tổn thất lớn lao. Chủ tướng Triệu Quốc Đạt khi đốc quân tiến vào thành thì bị một mũi tên tẩm độc từ trong thành bắn trúng vào cánh tay, nhưng vì mũi tên có độc nên Triệu Quốc Đạt đã hy sinh trong vòng tay của các tùy tướng của mình. Trận đánh kết thúc, Triệu Trinh Nương mới biết huynh của mình tử trận. Bà thét lên một tiếng đau đớn và gục xuống thi hài của Triệu Quốc Đạt. Đội nữ binh dìu Triệu Trinh Nương đứng dậy, các tướng hết lời động viên khuyên nhủ chia buồn cùng Phó chủ tướng. Ngay đêm đó và ngày hôm sau, toàn quân để tang, cắt đầu Tiết Kính Hàn, Mao Phong đặt lên đàn tế vong linh Triệu Quốc Đạt và 2.000 nghĩa quân đã hy sinh trong huyết chiến ở trận mai phục và trận hạ thành Tư Phố. Ngày hôm sau nữa, nghĩa quân đưa thi hài của Triệu Quốc Đạt và 2.000 nghĩa binh về mai táng ở sườn  núi Voi, hữu ngạn sông Mã. Triệu Quốc Đạt và các nghĩa sĩ đã trở về với đất mẹ, được bản nhạc của sóng gió sông Mã ru giấc ngủ thiên thu theo dòng thời gian bất tận.

Sau lễ tế vong linh, mai táng Triệu Quốc Đạt và các nghĩa sĩ hy sinh, Triệu Trinh Nương nói với tướng sĩ:

-Nay chủ tướng Triệu Quốc Đạt đã hy sinh, sự nghiệp chống giặc Ngô còn dang dở, rất cần một Chủ tướng để điều hành ba quân. Đề nghị các huynh bầu ra một chủ soái để đưa chúng ta đánh ra quận Giao Chỉ, lật đổ quân Ngô, giải phóng đất nước và báo thù cho Chủ tướng Triệu Quốc Đạt và những nghĩa sĩ đã hy sinh, những người dân Việt đã bị quân Ngô sát hại.

Tướng Lý Quốc nói:

-Nhụy Kiều tướng quân là Phó tướng, đủ tài đủ đức. Nay xin mời Phó chủ tướng ngồi vào ghế Chủ tướng để dẫn dắt huynh đệ chúng tôi tới thắng lợi.

Lý Quốc dứt lời, 1 vạn nghĩa binh hô vang:

-Xin Nhụy Kiều tướng quân ngồi vào ghế Chủ tướng đưa chúng tôi tiếp tục tiến ra Giao Chỉ giết giặc Ngô cứu nước.

Toàn quân lại hô vang:

-Chúc mừng Chủ tướng!

-Chúc mừng Chủ tướng!

Triệu Trinh Nương chắp tay và nói:

-Đa tạ các huynh đệ và tướng sĩ đã tín nhiệm. Ta sẽ cố hết sức cùng các huynh đệ và tướng sĩ ra sức giết giặc Ngô, thỏa lòng mơ ước và hoài bão của chúng ta, đáp ứng lòng mong mỏi của bách tính Lạc-Hồng.

Đó là năm 247, Triệu  Trinh Nương trở thành trụ cột của phong trào khởi nghĩa lớn nhất ở Giao Châu chống nhà Đông Ngô thế kỷ III. Từ Tư Phố, Triệu Trinh Nương đã sai các thám mã về các địa phương truyền mệnh lệnh, cắt cử các hào trưởng người Việt và thủ lĩnh nghĩa quân nắm lấy chính quyền các cấp thay cho chính quyền Đông Ngô đã sụp đổ, bảo vệ nhân dân để nhân dân an cư lạc nghiệp. Triệu Trinh Nương dự tính sẽ đem quân ra đánh Luy Lâu, giải phóng Giao Chỉ, đưa cuộc khởi nghĩa chống Đông Ngô lan tràn cả nước.

                                                  IV                                             

  Cuộc nổi dậy của nhân dân quận Cửu Chân do Triệu Trinh Nương lãnh đạo đã làm rung động Châu Giao và chấn động cả triều đình Đông Ngô ở Kiến Nghiệp (Nam Kinh) trên bờ Trường Giang. Vào một buổi sáng năm 247, Tôn Quyền phải thiết triều để bàn đối sách đối với Châu Giao, cử quân tướng sang đàn áp. Khi bá quan văn võ đã đông đủ, Tôn Quyền nói:

-Đất Giao Châu trong đó có các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam tuy xa xôi nhưng đông người nhiều của, nhiều vàng bạc châu báu, rất quan trọng đối với Đông Ngô ta. Mấy năm chiến tranh liên miên với Ngụy, Thục, Giao Châu đã cung cấp biết bao nhiêu lính tráng, phu phen và của cải, tiền bạc, góp phần làm cho Đông Ngô tồn tại và phát triển phồn vinh như ngày nay. Các khanh không biết điều đó sao?

Ngừng một lát Tôn Quyền nói tiếp:

-Tuy nhiên trưng thu nhiều, sưu cao thuế nặng, đồng hóa giết chóc nhiều thì gây hờn oán nhiều cho dân Việt xứ ấy. Vì thế, ta đã sai Lữ Đại là một người hiểu biết đạo Nho, giỏi vỗ về cai trị làm Thứ sử Châu Giao, Tiết Kính Hàn cũng là đồ đệ của Nho Gia làm Thái thú Quận Cửu Chân để vỗ về dân Việt, để vừa trưng thu được nhiều của cải nhưng dân Việt vẫn không phản đối. Nhưng Lữ Đại và Tiết Kính Hàn cũng là đồ vô dụng. Kết quả, quận Nhật Nam và Cửu Chân phản loạn, chính quyền hai quận đó sụp đổ. Thái thú, Huyện lệnh các huyện là người Ngô chạy trốn hết về Quảng Châu. Thái thú Tiết Kính Hàn, Đô úy và hàng vạn quân ở thành Tư Phố bị tiêu diệt, Thứ sử Lữ Đại mất tích đi đâu không rõ tung tích. Quận Giao Chỉ đang bị đe dọa hàng ngày. Nếu mất Giao Châu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đông Ngô, ảnh hưởng đến sức mạnh của ta trong cuộc chiến tranh với Ngụy, Thục, mất Giao Châu chúng ta sẽ mất một hậu phương cực kỳ quan trọng. Các khanh có kế sách gì để bình định Giao Châu chăng?

Một viên quan đứng dậy. Mọi người nhìn ra thì là quan Thái sử Gia Cát Khác, con Gia Cát Cẩn. Gia Cát Khác nói:

-Bẩm chúa công, Giao châu là đất của người Lạc Việt và Âu Việt. Dân xứ này nóng nực nên rất ương ngạnh và bất khuất. Dù trải qua 200 năm bị các triều Tây Hán, Đông Hán cai trị nhưng chưa bao giờ dân xứ đó chịu khuất phục. Năm 40, hai chị em Trưng Nữ Vương đã lật đổ chính quyền nhà Đông Hán và xây dựng độc lập được 3 năm. Năm 43, Hán Quang Vũ Đế phải dùng Phục Ba tướng quân Mã Viện. Mã Viện vừa dùng sức mạnh, vừa dùng mưu kế mới thu lại được miền đất Giao Châu. Nay Giao châu phản loạn lại do một nữ tướng tài ba lãnh đạo. Thần nghĩ phải cử một tướng tài ba như Mã Viện, vừa dùng quân sự và mưu trí thì mới thắng lợi được.

Tôn Quyền gật đầu:

-Khanh nói phải. Nhưng Đông Ngô ta tìm đâu cho được một tướng tài như Mã Viện ngày xưa?

Gia Cát Khác tiến cử:

-Bẩm chúa công, người đó không ai khác ngoài quan Ngự Sử Lục Dận, cháu gọi Đại Đô Đốc danh tiếng Đông Ngô ta là Lục Tốn bằng bác.

Tôn Quyền hỏi, đưa mắt tìm trong số các quan văn võ ngồi dưới:

-Quan Ngự Sử Lục Dận đâu?

Một người đàn ông khoảng 50 tuổi, lực lưỡng, mặt vuông, mắt gian xảo đứng dậy:

-Dạ bẩm chúa công, hạ thần là Lục Dận.

Tôn Quyền hỏi:

-Theo lời của quan Thái sử Gia Cát Khác, quan Ngự Sử có tài năng như ông bác của khanh là Lục Tốn chăng?

-Dạ bẩm chúa công, thần là cháu của Đại Đô Đốc Lục Tốn, tài không dám so sánh với bậc chú bác, nhưng nếu chúa công tin tưởng cho thần đi Giao Châu thần sẽ không làm hổ danh nhà họ Lục.

Tôn Quyền cười ha hả:

-Khá lắm, nay phong cho khanh chức Thứ Sử Giao Châu kiêm Hiệu úy, toàn quyền về dân sự, hành chính và quân sự, đem 5 vạn quân thủy bộ dẹp loạn Triệu Thị Trinh để Giao Châu vẫn nằm trong Đông Ngô của ta.

  Đoạn Tôn Quyền quay sang bảo quan Thượng thư bộ lại:

-Trao ấnThứ sử và ấn Hiệu úy cho Lục Dận để sớm ngày mai xuất phát Nam chinh!

-Dạ, thần tuân lệnh chúa công.

  Vào một buổi sáng, trên bờ Trường Giang, gần kinh đô Kiến Nghiệp, đạo quân thủy của Lục Dận theo sông Trường Giang ra biển, theo đường sông Bạch Đằng, vào Lục Đầu Giang Giao Chỉ, đạo bộ binh đi đường Quảng Châu, theo đường Lạng Sơn mà vào Thủ phủ Luy Lâu.

  Sau khi vào Luy Lâu, việc làm đầu tiên của Lục Dận là bình định, giữ vững quận Giao Chỉ, không cho thế lực của Triệu Trinh Nương lan rộng ra. Thực hiện kế hoạch đó, Lục Dận phái 2 vạn quân chặn con đường thiên lý từ Cửu Chân đi ra Giao Chỉ ở huyện Yên Mô (Ninh Bình). Mặt khác, Lục Dận dùng nhiều vàng bạc và chức vụ mua chuộc hào trưởng và các thủ lĩnh người Việt ở quận Giao Chỉ. Bên cạnh đó, Lục Dận dùng quân sự đàn áp chém giết những ai bị nghi ngờ chống đối quân Ngô. Vì thế, hàng vạn dân và thủ lĩnh, hào trưởng ở Quận Giao Chỉ đã bị giặc Ngô khống chế, khuất phục, hoặc không dám công khai ủng hộ nghĩa quân.

(Còn nữa)

CVL