Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 46

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 46.

-Sau khi thuần phục voi trắng, tăm tiếng của Nhụy Kiều tướng quân đã lững lẫy. Từ đó, cứ canh khuya chúng tôi đều nghe từ trong núi vọng ra sang sảng tiếng đọc bản đồng giao. Bản đồng giao này đã truyền ra khắp Cửu Chân, Giao Chỉ. Các huynh có thuộc không?

Một người lính:

-Để tôi đọc thử, đệ xem có đúng không nha:

“ Có bà Triệu tướng

Vâng lệnh trời ra

Trị voi một ngà

Dựng cờ mở nước

Lệnh truyền sau trước

Theo gót bà Vương”.

-Huynh đọc và nhớ hoàn toàn chính xác. Núi Quân Yên quê tôi đứng soi mình trên dòng sông Mã từ đó trở nên linh thiêng, huyền bí. Dân quê tôi và khắp Cửu Chân đều đồn đại: Núi Quân Yên biết nói, đá biết nói. Đá đã vâng mệnh trời báo cho dân biết bà Triệu Trinh Nương là thiên tướng giáng trần, đánh giặc Ngô, giúp dân cứu nước.

Một người lính đứng tuổi phân tích:

-Tiếng tăm của Triệu Trinh Nương đã lừng lẫy rồi nhưng phải nói bài đồng ca như một bài hịch kêu gọi bách tính tham gia khởi nghĩa chống giặc Ngô. Từ khi rời quê nhà lên Núi Nưa khởi nghĩa, nhân dân theo về rất đông, quân số đã lên 1 vạn người.

-Đúng rồi, có những bà mẹ dắt những cô con gái của mình lên xin tòng quân.

- Có được không?

-Được. Huynh không thấy có hai vệ nữ cùng Nhụy kiều tướng quân lên thăm chúng ta khi nãy à. Có thể đó là những con gái của bà cụ ấy. Trong quân chúng ta có một đội nữ binh xinh đẹp, nhưng các huynh nhớ đừng có xán vào mà tiêu mạng vì võ nghệ của các muội ấy rất cao cường.

-Có cả ông già mù cũng xin gia nhập để đem tiếng hát phục vụ khích lệ ba quân cứu nước.

-Đặc biệt là có bốn anh em họ Lý là cao thủ võ lâm, lại có tài thiện xạ, đã khởi nghĩa chống Ngô ở Bồ Điền, huyện Dư Phát, Cửu Chân, nay cũng đem quân về với chúng ta.

-Nghe nói có một thanh niên ở Lạch Trường, bị địch bắt sang Ngô đã giết vài tên lính cướp ngựa và chạy thoát về Núi Nưa gia nhập khởi nghĩa.

Một nghĩa quân nói như kết luận:

-Trong cái chảo nóng của quân Ngô rán mỡ dân Việt ta thì có muôn nghìn câu chuyện, lý do riêng của mỗi người để tham gia khởi nghĩa. Nợ nước là nợ chung, còn thù nhà thì mỗi người có một gia cảnh bi thương riêng nhưng đều đẫm máu và nước mắt.

Mọi người im lặng, nén giận căm thù xen cả tiếng thở dài. Mặt trời đã đứng bóng, thời gian đã chuyển sang trưa. Trên thao trường, một hồi trống vang dài báo hết giờ luyện quân buổi sáng. Tốp lính đứng dậy cùng đông đảo nghĩa quân nghỉ tập luyện về doanh trại ở những khu rừng rậm, nơi có bếp ăn do các nữ binh nấu để ăn trưa.

Ngay chiều hôm đó, tại Đá Bàn, nơi là Tổng hành dinh của quân khởi nghĩa, Triệu Trinh Nương đã gặp Triệu Quốc Đạt, Chủ tướng của cuộc khởi nghĩa. Đó là một căn nhà mái lợp lá cọ, vách ghép bằng những tấm phên đan bằng nứa, giữa nhà kê một bộ bàn ghế gỗ đơn sơ. Trên bàn, một chiếc ấm đất màu nâu đang bốc khói thơm mùi lá trà xanh, cạnh ấm là những chiếc bát sành cũng màu nâu bóng dùng để uống nước trà trong ấm. Cạnh bàn, một người đàn ông khoảng 35 tuổi, da ngăm ngăm đen, mắt sáng, mặt vuông chữ điền, phong thái đàng hoàng đĩnh đạc. Người đó chính là hào trưởng Triệu Quốc Đạt, hào trưởng vùng Quân Yên, nay là Chủ tướng của cuộc khởi nghĩa Núi Nưa. Triệu Quốc Đạt đang vừa uống nước chè xanh, vừa suy nghĩ hướng phát triển của cuộc chiến chống giặc Ngô. Một lính cận vệ vào báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, có Nhụy Kiều tướng quân muốn gặp.

-Cho muội ấy vào.

-Dạ.

Triệu Trinh Nương cùng hai vệ nữ đi vào. Cả ba cúi đầu chắp tay hành lễ:

-Dạ bẩm Chủ tướng.

Triệu Quốc Đạt gạt tay:

-Người nhà cả, miễn lễ.

Triệu Trinh Nương vẫn chắp tay nói:

-Dạ thưa huynh, muội vừa đi thanh tra vòng quanh căn cứ để xem xét cụ thể quân lương. Nghĩa quân đã lên 1 vạn và đã được huấn luyện kỹ thuật tác chiến cơ bản. Lương thực năm nay được mùa, đã tự túc được lương thực, giảm phần đóng góp của dân. Chúng ta có thể khởi binh tác chiến được rồi.

Triệu Quốc Đạt nói;

-Huynh cũng vừa nhận được tin của thám mã báo, bách tính quận Nhật Nam cũng đã nổi dậy hướng ứng cuộc khởi nghĩa của ta. Quan lại các cấp nhà Ngô đã chạy về Giao Chỉ và Quảng Châu.

Triệu Trinh Nương nói:

-Xét tình hình hiện nay và lực của ta và địch ở Cửu Chân và Nhật Nam, xét khí thế đang dâng cao và rầm rộ của bách tính, ngay ngày mai chúng ta có thể làm lễ tế cờ, tế thần linh thiên địa và xuất quân tấn công thành Tư Phố, trấn trị và là cơ quan đầu não của quân Ngô ở quận Cửu Chân. Nếu còn chần chừ sẽ bỏ lỡ thời cơ.

Triệu Quốc Đạt nói:

-Đúng như muội nói. Chiều có đầy đủ bốn anh em họ Lý và các tướng lĩnh sẽ bàn cụ thế. Bây giờ ta đi ăn cơm thôi. Quá trưa sang chiều rồi.

Hôm sau, một buổi sáng năm 247, tiếng cồng, trống vang lên khắp non ngàn Núi Nưa.1 vạn quân và các tướng lĩnh gươm, giáo, trường thương, cung tên đứng nghiêm trang làm lễ tế cờ, một rừng cờ vàng tung bay theo gió trên đầu nghĩa quân. Một lá cờ lớn cũng màu vàng đề chữ Soái màu đỏ được kéo lên bay phần phật theo gió. Mọi người hướng về chiếc bàn lớn đặt trên bệ đất cao, trên bàn đặt linh vị các vua Hùng, linh vị hai Trưng Nữ Vương, các bát hương nghi ngút khói, những bát rượu được rót ra, trên bàn còn đặt những khay trầu cau, những bát đèn dầu lạc cháy lung linh. Triệu Quốc Đạt trong bộ võ phục màu nâu, áo giáp đồng, đội mũ nhọn đồng, đốt hương cắm trên bàn thờ và quỳ xuống. Một cụ già mặc áo dài đen, đầu buộc khăn đen quỳ bên cạnh Triệu Quốc Đạt và đọc bài văn tế theo tiếng đệm của tiếng trống và tiếng cồng. Cứ sau một hơi dài ê a của cụ gìa dứt thì tiếng trống, cồng lại nổi lên và Triệu Quốc Đạt lại vái lạy tổ tiên thánh thần, mong các cụ tổ tiên anh hùng và các bậc thánh thần thiên địa phù hộ cho con cháu thắng lợi, giành độc lập cho giang sơn xã tắc, cứu lê dân qua khỏi cơn nước sôi lửa bỏng của họa ngoại xâm.

Sau lễ tế cờ, ngay hôm đó, Triệu Quốc Đạt và Triệu Trinh Nương dẫn 1 vạn quân rời khỏi căn cứ đi về miền Giàng đánh thành Tư Phố. Triệu Trinh Nương đi tiên phong, mặc áo giáp đồng, chít khăn vàng, đầu đội nón ngà, lưng thắt dải lụa, ngực che yếm vàng, chân đi guốc ngà, tóc cài trâm vàng, cưỡi voi trắng một ngà, hai bên hông mang hai thanh gươm, lưng mang cung tên, oai phong lẫm liệt và vô cùng xinh đẹp kiều diễm. 1 vạn quân đi rầm rập, bụi cuồn mù trời, cờ vàng bay phấp phới, giáo gươm tua tủa lên không trung. Triệu Quốc Đạt đi trung quân, tướng Lý Quốc và Lý Gia đi tả hữu, tướng Lý Sơn và Lý Hà đi hậu quân.Trên đường hành quân, thanh niên nô nức tòng quân. Bách tính dọc đường đem nước chè, nước sôi, xôi, bánh chưng ra đón nghĩa quân. Tiết trời đang mùa đông, gió lạnh thốc thổi. Khắp Cửu Chân và Châu Giao đang chấn động bởi cuộc khởi nghĩa ở Núi Nưa

                                                  III

  Quận Cửu Chân có con sông lớn nhất chảy qua là sông Mã và phụ lưu của nó là sông Chu. Sông Mã bắt nguồn từ nước Vạn Tượng (Lan Xạng), chảy qua Cửu Chân rồi đổ ra biển Đông bằng cửa chính là cửa Lạch Hới (giữa Hoằng Hóa và Sầm Sơn), cửa Lạch Trường giữa Hậu Lộc và Nga Sơn, cửa Yên Định và Hoằng Hóa tạo nên sông Lèn đi qua Hà Trung và Nga Sơn. Sông Mã dài khoảng 1024 dặm (512km), qua Vạn Tượng (Lào) khoảng 204 dặm, qua Cửu Chân khoảng 820 dặm. Phụ lưu của sông Mã là sông Chu bắt nguồn từ Sầm Nưa (Vạn Tượng), qua quận Quế Phong (Nghệ An) của Nhật Nam rồi chảy qua  miền núi Cửu Chân như Thường Xuân, Thọ Xuân và hợp lưu với sông Mã ở Ngã Ba Giàng (Ngã Ba Đầu). Từ Ngã Ba Đầu xuôi sông Mã xuống gặp một vùng đất rộng lớn bên hữu ngạn sông Mã, tre trúc cây cối xanh tươi. Đó là làng Giàng, nơi đứng sừng sững tòa trấn thành-thành Tư Phố, đó là nơi trấn trị đầu não của chính quyền Đồng Ngô ở quận Cửu Chân, nơi ở và cai trị của Thái Thú quận Cửu chân Tiết Kính Hàn và quan Đô Úy (phụ trách về quân sự) Mao Phong.

Tình hình Giao Châu nói chung và Cửu Chân nói riêng thời kỳ Đông Ngô cai trị rất loạn lạc. Dân tình không chịu nổi ách áp bức, bóc lột, đàn áp tăng lên gấp nhiều lần của nhà Đông Ngô so với các triều đại nhà Hán, cho nên đã nổi dậy chống lại khắp nơi. Đúng là “quan bức dân phản”.Từ Thứ sử Giao Châu Lã Đại cho đến bọn Tiết Kính Hàn, Mao Phong ăn không ngon, ngủ không yên, tìm cách đối phó nhưng hiện không có đối sách gì, nhất là đối với cuộc khởi nghĩa của hào trưởng Triệu Quốc Đạt và người em gái nổi tiếng của ông là Triệu Trinh Nương.

(Còn nữa)

CVL