Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 49

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 49.

V

  Thấy chưa thể tiến ra Giao Chỉ tấn công thành Luy Lâu, từ thành Tư phố, Triệu Trinh Nương cho quân tiến ra xây dựng căn cứ Bồ Điền, huyện Dư Phát, quận Cửu Chân  (Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hóa). Bồ Điền là căn cứ có thể tấn công ra Giao Chỉ qua ngã Thần Phù, có thể dựa vào địa thế hiểm trở để cố thủ. Thung lũng Bồ Điền nằm giữa hai núi đá vôi, dãy Châu Lộc phía Bắc là đoạn cuối của núi chạy từ Hòa Bình vào, ngăn địa giới Ninh Bình và Cửu Chân. Dãy thứ hai là dãy núi Tam Đa ở phía Nam thung lũng, là đoạn chót của dãy núi chạy từ Tây Bắc về Nam sông Mã. Bồ Điền còn là căn cứ khi cần nghĩa quân có thể ngược dòng sông Lèn, sông Âu ra sông Mã về Quân Yên và về Núi Nưa. Trên núi Chung Chinh của Bồ Điền, nghĩa quân đã xây dựng bảy đồn lũy và một đồn quân doanh của Triệu Trinh Nương.

  Vào một buổi sáng, trong Tổng hành dinh của Triệu Trinh Nương, thám mã vào báo:

-Bẩm Nhụy Kiều tướng quân, tướng Ngô Lục Dận đang tiến vào Cửu Chân theo hai đường, đạo quân bộ tiến theo đường Tạc Khẩu, qua hành lang Hoằng Lương-Chính Đại-Bạch Ác, ngược sông Lèn đánh vào Bắc Bồ Điền, đạo Thủy quân theo đường biển, qua của sông Sung, cửa Lạch Trường đánh vào phía Nam Bồ Điền của chúng ta.

Triệu Trinh Nương nói:

-Cảm tạ huynh. Ta đã có cách phá giặc.

-Dạ.

  Triệu Trinh Nương cho 1 vạn quân chấn giữ phía Nam Bồ Điền, còn tự cầm 1 vạn quân tiến ra phía Bắc chống Lục Dận. Triệu Trinh Nương cưỡi voi trắng một ngà đi đầu, dẫn 1 vạn quân hành quân theo đường sông Lèn, sông Đào lên Yên Mô, huyện Vô Thiết, dàn trận ở một khu đất bằng phẳng nhưng hai bên có núi non hiểm trở. Đó là Núi Tam Điệp và phía Nam là đồi bãi của vùng Đồng Giao rậm rạp. Trong một buổi chiều mùa đông, 5.000 quân Việt dưới những lá cờ vàng óng tung bay phần phật chặn ngang đường tiến quân của 3 vạn quân Lục Dận. Khi lại gần quân Việt, Lục Dận cho dàn quân theo hình chữ nhất. Lục Dân biết đang đối mặt với người nữ Chủ tướng nổi tiếng là Triệu Trinh Nương, của một đội quân nổi tiếng. Quả nhiên, Lục Dận thấy lời đồn đại không sai, đó là một nữ tướng cực kỳ kiều diễm xinh đẹp. Trang phục của Triệu Trinh Nương toàn một màu vàng, áo chiến bào vàng, áo giáp đồng vàng, mũ đồng vàng có thắt khăn tang màu trắng để tang Triệu Quốc Đạt hy sinh trong trận Tư Phố. Con voi trắng một ngà mà Triệu Trinh Nương cưỡi nom rất hung dữ. Trên con voi và Triệu Trinh Nương, lá cờ màu vàng thêu chữ soái màu đỏ chói tung bay phần phật. Tuy nhiên, điều làm cho Lục Dận yên tâm là quân Việt chỉ khoảng 5.000 người so với 3 vạn quân của y thì quân Ngô có ưu thế binh lực rất lớn. Lục Dận thét lớn:

-Có ai ra bắt Triệu nữ tặc cho ta?

  Một tướng Đông Ngô võ phục màu đen, cưỡi ngựa đen, múa ngọn giáo xông ra. Bên quân Việt, tướng Lý Gia võ phục màu nâu, cưỡi ngựa màu nâu, tay vung trường thương xông ra như gió, miệng quát:

-Bọn chó Ngô hãy đền tội.

   Hai ngựa và người xáp nhau, giáo chạm vào trường thương tóe lửa kêu lên tiếng sắt thép. Quân hai bên reo hò vang động hòa cùng âm thanh vang rung không khí của tiếng cồng. Chỉ 10 hiệp, tướng Đông Ngô Mã Giang Long bị Lý Gia đâm một thương ngã ngựa. Trong hàng ngũ quân Việt, một mũi tên châm lửa bắn lên trời. Quân Ngô còn đang ngơ ngác thì Triệu Trinh Nương trỏ kiếm về phía trước thét to, giọng nữ vang lên lảnh lót:

-Toàn quân xông lên giết giặc Ngô trả thù nhà nợ nước!

  Chủ tướng chưa dứt lời, con voi một ngà đã xông lên dùng vòi cuốn lấy quân Ngô tung lên trời, chân thì xéo xác quân thù. 5.000 quân Việt dũng mãnh xông lên nhất tề chém giết. Trong khi đó, bên đồi Tam Điệp cánh hữu và đồi Đồng Giao cánh tả mỗi bên 2.000 quân tràn xuống đánh vào hai sườn quân Ngô. Quân Ngô dù đông nhưng bị lọt vào vòng vây, bị đánh ba bên tối tăm mặt mày, tan vỡ đội hình tháo chạy về phía Bắc. Quân Việt thỏa sức tung hoành chém giết. Thân người gục như chuối bị chém, máu chảy thành sông. Đất Yên Mô trời đất mịt mờ, không gian rung động trong tiếng reo hò, hòa với những âm thanh như sấm rền của cồng, chiêng. Đó là trận giáp lá cà khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh Ngô- Việt. Chỉ đến chiều tối, khi quân Ngô chạy hết về phía Bắc, quân Việt mới ngừng chiến. Quân Ngô bỏ lại trên chiến trường Yên Mô 1 vạn xác chết. Quân Việt 2.000 nghĩa binh đã hy sinh để trả thù nhà nợ nước.

  Sau trận huyết chiến ở Yên Mô, quân Đông Ngô bị tổn thất nặng nề, 1 vạn quân bị giết chết, nhưng thất bại nặng nề nhất là về tinh thần. Quân Đông Ngô hoàn toàn khiếp đảm trước lối đánh táo bạo dũng mãnh của quân Việt, đặc biệt là nữ Chủ tướng của họ. Khi con voi trắng một ngà xung trận thì ngựa chiến của Đông Ngô hoảng sợ quay đầu chạy làm cho các tướng Đông Ngô không thể giao chiến được. Con voi trắng đã dùng vòi dài cứ một lần cuốn vài ba lính Ngô tung lên trời quật xuống hoặc dùng chân dày xéo cho chết. Lại thêm chủ nhân của nó là một nữ tướng kiều diễm nhưng phi thường, múa đôi kiếm dài tỏa ánh hào quang, như cái máy chém quân Ngô tơi tả. Một vài tướng Ngô đã bắn trộm tên vào Triệu Trinh Nương, nhưng đường gươm nhanh như gió đã chém các mũi tên văng xuống đất. Trong xung trận, cứ gặp voi trắng và chủ nhân của nó thì quân Ngô chưa đánh đã hỗn loạn, chạy tan tác. Quân Ngô đặt cho Triệu Trinh Nương một biệt danh kính trọng là “ Lệ Hải Bà Vương” và truyền tụng một câu trong toàn quân:

“Hoành qua đương hổ dị

Đối diện bà Vương nan”.

  Lục Dận sai tiểu tướng của mình về Đông Ngô xin Tôn Quyền tăng viện. Ngô Quyền tăng cho Lục Dận thêm 2 vạn tinh binh và các tướng cao thủ của Đông Ngô và chỉ dụ cho Lục Dân phải tiêu diệt được Triệu Trinh Nương bằng mọi giá.

  Sau trận Yên Mô, dù tiêu diệt được nhiều sinh lực địch nhưng quân Việt cũng tổn thất nặng nề. Triệu Trinh Nương biết chưa đủ lực lượng tấn công ra Giao Chỉ liền lui quân về căn cứ Bồ Điền để bổ sung lực lượng. Lục Dận được tăng viện, tiến đánh Bồ Điền bằng hai mặt, mặt Bắc từ Yên Mô đánh thẳng vào, mặt Nam từ cửa Lạch Trường đánh vào nhằm ngăn chặn không cho Triệu Trinh Nương rút về căn cứ Núi Nưa theo đường sông Mã. Lục Dận xây dựng những cứ điểm, canh phòng nghiêm ngặt, không cho nhân dân quanh vùng Bồ Điền bổ sung lực lượng hoặc tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Trong 6 tháng ròng bao vây, Lục Dận mở 30 trận công phá vào Bồ Điền. Cả 30 trận, quân Việt từ sau các tường thành chiến lũy dùng tên và đá hộc bắn và ném ra như mưa, quân Ngô tổn thất nặng nề. Trong khi đó đạo quân phía Nam cũng không làm được gì trước chiến lũy kiên cố.

  Tấn công quân sự khó khăn, Lục Dận liền nghĩ tới kế ly gián và mua chuộc. Hắn cho rằng đã là con người thì ai cũng ham sống sợ chết, ai cũng ham công danh và phú quý, quyền cao chức trọng. Triệu Trinh Nương cũng là con người và có thể là một con người như thế. Nghĩ vậy, Lục Dận cho rằng trước hết hãy mua chuộc Nhụy Kiều Tướng quân. Hắn ra lệnh cho tùy tướng đem giấy, bút, mực đến và chong đèn trong Tổng hành dinh rất khuya để viết thư. Sáng hôm sau, Triệu Trinh Nương đang ngồi trong Tổng hành dinh để bàn cách phòng thủ chống địch thì một thám mã vào báo:

-Bẩm Chủ tướng, có một bức thư của quân Đông Ngô gửi cho chủ tướng.

-Ai đưa đến?

-Dạ, thư được buộc vào tên và bắn ghim vào gốc cây gần căn cứ của ta.

  Người lính trình thư lên. Triệu Trinh Nương mở thư đọc. Trong thư Lục Dận viết: “Kính gửi Nhụy Kiều tướng quân, tại hạ là Lục Dân, Thứ sử kiêm Hiệu úy tổng binh Giao Châu. Tại hạ nghe danh của Ngụy Kiều tướng quân từ lâu, rất lấy làm khâm phục chí lớn và tài năng của Nhụy Kiều tướng quân. Với tài năng đó, con đường vinh hoa, phú quý của Nhụy Kiều tướng quân thật rộng mở. Nay nếu như Nhụy Kiều tướng quân đem tài năng đó phục vụ cho nhà Đông Ngô ta thì tại hạ bảo đảm tâu Ngô Hầu phong Nhụy Kiều tướng quân làm Phó Thứ sử Giao Châu, kiêm phó Hiệu úy, phó tổng binh, kiêm Thái thú quận Cửu Chân, vinh hoa phú quý cực phẩm một thời, đồng thời vinh thăng tước hiệu “Lệ Hải Bà Vương” để ghi dấu ấn muôn thuở, cũng là chấm dứt được nạn binh đao, mang lại hòa bình cho bách tính Châu Giao thì thật là vạn phúc. Mong Nhụy Kiều tướng quân suy tính thiệt hơn. Tại Hạ chờ thư phúc đáp.

Nay kính thư.

Thứ sử kiêm Hiệu úy Tổng Binh Giao Châu: Lục Dận”.

  Triệu Trinh Nương đọc thư xong, giận tím mặt, đập tay xuống bàn:

-Bọn chó Ngô dám xem thường người Việt ta vậy sao? Mau đem giấy mực ra đây!

(Còn nữa)

CVL