Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 3

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 3.

Từ đường phái 3 chi nhất có 9 loại hiện vật trong đó có 3 đôi câu đối cổ. Di chúc và những cuốn Gia phả Bùi tộc, đặc biệt là chiếc ấn Đại Đô đốc Tây Sơn của ông Bùi Hữu Hiếu cũng được đặt trong Từ đường và là những hiện vật quý giá.

Khu Di tích dòng họ Bùi Hữu cũng gồm khu lăng mộ, nơi yên nghỉ của cụ tổ Bùi Thượng Công và các bậc con cháu về sau.

 Ngày 22 tháng 9 năm 2000, khu Di tích dòng họ Bùi Hữu được công nhận là khu Di tích Văn hóa của tỉnh Thanh Hoá.

Hiện vật: Ấn Đại Đô đốc Tây Sơn: Theo Gia phả dòng họ Bùi Hữu, khi sắp từ trần ông Bùi Hữu Hiếu đã giao lại chiếc ấn cho con trai là Bùi Hữu Huân và con cháu dòng họ Bùi Hữu lưu truyền giữ gìn cẩn thận cho đến ngày nay. Chiếc ấn nay được đặt ở Từ đường dòng họ Bùi Hữu ở làng Thượng Văn (Ngọc Thiện xưa), xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá.

 Ấn đúc bằng đồng, hình chữ nhật, chiều rộng 7cm, chiều dài 10,5 cm, dầy 1cm, núm tay cầm hình trụ cao 2,8cm, thắt giữa, trên hơi loe, đường kính 2cm, trên đỉnh núm có khắc chữ “Thượng”. Từ mặt ấn lên đỉnh núm cao 3,8cm. Lưng ấn khắc dòng chữ Hán Nôm: “Bính Thìn niên quý xuân cát nhật tạo”. Mặt ấn khắc dòng chữ Hán Nôm: “Hữu Bật đạo Tổng, Hữu Chi các vệ Đại Đô đốc”.

 Như vậy, ông Bùi Hữu Hiếu được phong Đại Đô đốc dưới triều Cảnh Thịnh năm Bính Thìn (1796).

 Tư liệu dân gian và trong “Địa chí Nông Cống”: Ngoài những tư liệu trình bày ở trên của dòng họ Bùi Hữu, ở địa phương Nông Cống còn lưu truyền nhiều truyền thuyết, nhiều câu chuyện về ông Bùi Hữu Hiếu và ông Vũ Văn Dũng, tương tự như Gia phả dòng họ Bùi Hữu ghi chép. Sách “Địa chí Nông Cống” ghi: Hiện có hai đình làng: Đình Xa Lý ở làng Xa Lý (xã Thăng Bình) thờ hai ông Thiếu Phó Trần Quang Diệu và ông Đại Tư đồ Vũ Văn Dũng. Đình làng Ngọ Xá (xã Thăng Bình) thờ ông Đại Tư đồ Vũ Văn Dũng. Trong nghi thức tế lễ ở hai đình chủ sự phải đọc hai bài văn tế. Nhưng có lẽ để che mắt nhà Nguyễn, nội dung hai bài văn tế chỉ ca ngợi phong cảnh tươi đẹp của hai làng Xa Lý và Ngọ Xá mà thôi. Riêng với ông Vũ Văn Dũng, ngoài tế tự mỗi năm một lần, 12 năm phải tế đại lễ [1]. Như vậy, sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, việc ông Vũ Văn Dũng chạy về Nông Cống có thể là thực. Còn người thứ hai là ai? Cho dù đó là ông Bùi Hữu Hiếu thì ngay từ khi đó (Năm 1802) người đương thời cũng không thể biết được vì ông Hiếu đã mai danh ẩn tích từ thời đó rồi.

 Một vài nhận xét: Qua các nguồn tư liệu địa phương: Gia phả dòng họ Bùi Hữu, qua di tích văn hóa của dòng họ, qua nguồn tư liệu dân gian, nguồn tư liệu từ “Địa chí Nông Cống”, đặc biệt là qua hiện vật-chiếc ấn Đại Đô đốc còn lưu giữ trong nhà thờ của dòng họ Bùi Hữu, chúng tôi cho rằng có một Đại Đô đốc Tây Sơn: Ông Bùi Hữu Hiếu mà giới nghiên cứu lịch sử chưa hề biết đến.

 Chúng ta đều biết rằng chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu khủng hoảng vào thế kỷ XVI, XVII và đến thế kỷ XVIII thì khủng hoảng toàn diện không chỉ biểu hiện bằng sự thối nát, tha hóa của giai cấp cầm quyền, chia cắt đất nước, chiến tranh xung đột giữa các tập đoàn phong kiến mà cũng biểu hiện bằng sự khổ cực vô cùng tận của giai cấp nông dân. Cho nên khởi nghĩa nông dân chống phong kiến ở các thế kỷ XVI, XVII, XVIII trở nên rầm rộ quyết liệt mà đỉnh cao nhất là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ ở ấp Tây Sơn, Bình Định và phát triển thành cuộc chiến tranh nông dân quy mô toàn quốc, làm nên những sự nghiệp kinh thiên động địa, lật đổ các tập đoàn phong kiến Nguyễn -Trịnh, lập lại nền thống nhất đất nước sau hàng trăm năm bị chia cắt, đập tan các đội quân xâm lược của các quốc gia phong kiến nước ngoài, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc, nâng địa vị Đại Việt lên hàng hùng mạnh ở Đông Nam Á, khiến đế chế Thanh (Trung Quốc) rộng lớn phải kính nể. Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ nông dân, nhà quân sự kiệt xuất, anh hùng dân tộc Quang Trung, phong trào Tây Sơn đã phát triển cao độ sức mạnh giai cấp, chủ nghĩa yêu nước nông dân, tinh thần dân tộc, lôi cuốn tất cả các dân tộc từ miền xuôi đến miền núi, các tầng lớp quý tộc đến bình dân bao gồm trí thức văn quan, võ tướng, các nhà chính trị, ngoại giao của chế độ cũ và hàng chục vạn nông dân tham gia. Nhiều người trong số nông dân áo vải đó trở thành những tướng lĩnh cao cấp, những nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc cùng với chủ soái thiên tài của họ là hoàng đế Quang Trung đưa phong trào Tây Sơn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu là một trong những người nông dân áo vải trưởng thành trong ngọn lửa bão táp của khởi nghĩa Tây Sơn.

 Tổ tiên dòng họ Bùi Hữu vốn ở Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An. Người đầu tiên từ Nghệ An ra Nông Cống, Thanh Hoá lập nghiệp, chiêu mộ nông dân khai phá lập nên làng Ngọc Thiện (nay thuộc thôn Thượng Văn, Xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá ) vào năm 1732 là cụ Bùi Hữu Doãn. Dòng họ Bùi Hữu qua các đời ngày càng đông đúc. Ông Bùi Hữu Hiếu là con ông Bùi Hữu Nhượng, cháu đời thứ 5 của dòng họ Bùi Hữu ở Nông Cống. Sau này (năm 1802), khi Tây Sơn sụp đổ, mai danh ẩn tích về sống ở quê nhà , ông xây dựng gia đình cùng bà Vũ Thị Đạt (người ở xã Thăng Bình). Hai ông bà sinh được 5 người con: Bùi Hữu Huân, Bùi Hữu Thạnh, Bùi Thị Vui, Bùi Thị Cẩn và Bùi Thị Mật. [2]

 Ông Bùi Hữu Hiếu sinh ra và lớn lên trong khoảng những năm 60 của thế kỷ XVIII, là thời điểm thối nát tột cùng của chế độ phong kiến Lê-Trịnh-Nguyễn. Nông dân toàn quốc và nông dân Nông Cống bị dồn vào bước đường cùng quẫn. Chỉ cần một đóm lửa là lòng căm thù của họ đối với chế độ đương thời sẽ bùng cháy thành biển lửa, chỉ cần một ngọn cờ đại nghĩa phất lên là nông dân sẽ vùng dậy từ bỏ lều tranh, ra đi chiến trận đòi lại công bằng, no ấm, những công lý tối thiểu của cuộc đời. Bùi Hữu Hiếu khi đó là một thanh niên có học, hẳn phải trải qua và cảm nhận được nỗi thống khổ điêu đứng nơi thôn dã quê ông. Trên mảnh đất Nông Cống quê hương ông còn những tấm gương sáng ngời bất tử của bà Triệu Thị Trinh, của tướng quân Nguyễn Chích. . . Rộng hơn thuộc trấn Thanh Hoá còn những tên tuổi sáng ngời Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Lai. . . Ông lại là một thanh niên văn võ song toàn. Văn là Nho học. Nho khi đó vào làng quê thì hoà hợp với tư tưởng nông dân, đề cao nhân nghĩa, công bằng, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, vì giai cấp, vì dân tộc, vì nước, vì dân. Tất cả những yếu tố đó thôi thúc ông Bùi Hữu Hiếu và em ông là Bùi Hữu Thự gia nhập quân đội Tây Sơn, đi theo lá cờ đại nghĩa.

 Do tài liệu hạn chế không cho phép chúng tôi khẳng định ông Bùi Hữu Hiếu và ông Bùi Hữu Thự tham gia phong trào Tây Sơn khi nào. Qua Gia phả dòng họ Bùi Hữu chúng ta chỉ có thể biết ông Bùi Hữu Hiếu tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch quan trọng, lập nhiều chiến công xuất sắc, được Vua Quang Trung tin dùng, được đứng vào hàng tướng lĩnh, trở thành Đô đốc dưới thời Quang Trung và được cử đi sứ sang Trung Quốc, bang giao với nhà Thanh. [3]

 Có thể nói năm 1789 là đỉnh cao nhất của phong trào Tây Sơn. Tháng 7 năm 1792 Quang Trung từ trần đột ngột để lại bao nhiêu công việc quân sự, chính trị ngoại giao, kinh tế còn dang dở. Cái chết của vua Quang Trung đã tạo nên bước ngoặt đi xuống của phong trào. Vua Cảnh Thịnh kế vị còn trẻ tuổi. Bùi Đắc Tuyên và phe cánh lộng quyền làm cho triều đình Tây Sơn nghiêng ngửa. Phía Nam thì quân Nguyễn Ánh ngày càng lớn mạnh và đang tấn công dữ dội nhà Tây Sơn. Trong tình hình khó khăn đó, Bùi Hữu Hiếu và các trọng thần ra sức chèo chống. Ông cầm quân tác chiến với quân Nguyễn Ánh [4]. Vì những công lao đó nên năm 1796 ông được vua Cảnh Thịnh phong làm Đại Đô đốc, trở thành một trong những trụ cột của chính quyền Tây Sơn.

 Nhưng do nhiều lý do mà chính quyền Tây Sơn ngày càng thất bại. Năm 1801 Nguyễn Ánh chiếm kinh thành Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh chạy xa giá ra miền Bắc. Tháng 3 năm 1802, mặt trận Quảng Bình của quân Tây Sơn tan vỡ. Nguyễn Ánh đánh tràn ra Bắc và chiếm được Nghệ An. Tháng 4 năm 1802 quân Nguyễn chiếm được Thanh Hoá. Tháng 6 năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm được Thăng Long. Vua Cảnh Thịnh cùng các em bị bắt ở Kinh Bắc (Bắc Ninh) và bị hành hình tại Phú Xuân. Nhà Tây Sơn hoàn toàn sụp đổ.

 Ông Bùi Hữu Hiếu và ông Vũ Văn Dũng chạy về ThăngThọ, Nông Cống , Thanh Hoá và ông Dũng bị bắt tại đây. Ngày 2 tháng 11 năm 1802, ông Vũ văn Dũng bị nhà Nguyễn hành quyết tại Phú Xuân cùng một số cựu thần của nhà Tây Sơn[5]. Ông Bùi Hữu Hiếu về quê mai danh ẩn tích trong sự đùm bọc che chở của họ hàng, bà con làng xóm, xây dựng gia đình và sống những ngày còn lại ở quê hương.

Mười ba năm đi theo phong trào Tây Sơn và chiến đấu, ông Bùi Hữu Hiếu đã lập nhiều chiến công, đóng góp đáng kể cho triều đại Tây Sơn. Từ một thanh niên nông dân bình thường, ông phấn đấu thành một trong số võ quan cao cấp, một trong những trụ cột của vương triều Tây Sơn chỉ mất 13 năm là một chuyện hi hữu phi thường trong đời một con người. Đó chính là thời thế tạo anh hùng. Ông là một tấm gương biết đem tài năng, trí tuệ, tuổi trẻ đấu tranh cho đại nghĩa, cho giai cấp, cho dân tộc, cho Tổ Quốc. Ông là niềm tự hào của dòng họ Bùi Hữu, của nhân dân Nông Cống, nhân dân Thanh Hóa và nhân dân cả nước.

 Kết thúc bài viết nhỏ này chúng tôi mong muốn bước đầu đề cập đến cuộc đời sự nghiệp của Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu. Sau bài báo này hi vọng một phong trào nghiên cứu sâu rộng và toàn diện, giải quyết những vấn đề lớn đang đặt ra khi nghiên cứu nhân vật lịch sử này. Hi vọng trong một ngày gần đây danh sách các tướng lĩnh triều đại Tây Sơn trong các tác phẩm nghiên cứu lịch sử và trong Quốc sử nước nhà có thêm một tên mới: Đại Đô đốc Bùi Hữu Hiếu.  

 (Còn nữa)

CVL

------------------------

[1] Huyện ủy-UBND Huyện Nông Cống, “Địa chí Nông Cống”, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 166, 308, 458-464.

[2] Bùi Hữu Thược chủ biên, Gia phả họ Bùi Hữu năm 2000, tr. 31

[3] Bùi Hữu Thược chủ biên, Gia phả dòng họ Bùi Hữu năm 2000, tr. 9

[4] Gia phả dòng họ Bùi Hữu, tài liệu đã dẫn, tr. 9

[5] Đại Nam Thực lục, tập 3, chính biên, đệ nhất kỷ II, Nxb Sử học,  Hà Nội. 1963, tr. 85.