Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 7

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 7.

 Để đào tạo Nho học có chất lượng cao, các triều đại phong kiến cũng tổ chức hệ thống trường học ngày càng quy củ. Có trường Quốc học ở Thăng Long (sau này là Huế ) và ở các địa phương như phủ lộ châu. Ở các địa phương, ngoài trường nhà nước cũng có trường tư nhân của các thầy đồ. Ngoài con em quý tộc, con em bình dân cũng được học hành và thi cử, trừ kẻ trộm cướp và con cái nhà trộm cướp, đào hát và con cái nhà đào hát, người đang tù tội và con cháu người tù tội. Nhà nước khuyến khích học hành bằng cách tôn vinh những người đỗ đạt cao, họ không chỉ được bổ nhiệm thành quan lại cao cấp trong bộ máy nhà nước mà ngay sau khi đỗ cũng được tôn vinh như lệ xướng danh, lệ vinh quy bái tổ, lệ nêu tên ở bảng vàng và lệ khắc tên vào bia đá. Chế độ đào tạo thi cử nghiêm ngặt đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Từ khoa thi Nho học đầu tiên năm 1075 đến kỳ thi cuối cùng năm 1919 nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức được 185 khoá thi, lấy đỗ 2. 906 Tiến sĩ, trong đó có 56 Trạng nguyên. Ngoài những người đỗ đạt cao còn tầng lớp đông đảo nhà Nho ở khắp thôn quê làng xã tạo nên một tầng lớp sĩ truyền bá học thuyết Nho giáo, đạo Thánh hiền, rường cột không thể thiếu được, là cơ sở vững chắc cho hệ tư tưởng Nho cho toàn xã hội.

 Một trong những hình thức quan trọng để đạo Nho thâm nhập và được thực hiện một cách triệt để là những tư tưởng của Nho giáo được nhà nước phong kiến Việt Nam thể chế hoá thành những quy phạm pháp luật, mượn bàn tay của nhà nước cưỡng chế buộc toàn dân phải tuân theo. Điều này được thể hiện rõ trong “Luật Hồng Đức”. “Luật Gia Long”. Những mối quan hệ lớn của xã hội vua-tôi, cha -con, chồng -vợ và các mối quan hệ khác được thể chế hoá thành những quy phạm pháp luật để trừng trị người vi phạm. Biểu hiện tư tưởng Nho trong pháp luật là quy định nhóm tội thập ác, trừng phạt tội là để bảo vệ triều đại, bảo vệ nhà vua, bảo vệ chế độ phong kiến, trong đó tội không trung với vua, xúc phạm xâm hại nhà vua đứng đầu bảng của nhóm tội này. Luật còn trừng trị 5 tội tiếp theo để bảo vệ chế độ gia đình phụ quyền gia trưởng, cơ sở của xã hội phong kiến, bảo vệ đạo hiếu nghĩa theo quan niệm của Nho giáo về một gia đình phụ quyền. Vi phạm tội thập ác ngay đến hàng quý tộc bát nghị cũng không được miễn giảm tội, không được chuộc tội bằng tiền. Thậm chí có những tội như bất trung với vua, chống lại nhà nước phong kiến bị tru di tam tộc, truy sát đến cửu tộc (nhiều đời ). Hình thức trừng phạt vô cùng tàn khốc.

 Pháp luật phong kiến thể hiện tư tưởng bất bình đẳng của Nho giáo trong xã hội, trong gia đình. Trong tố tụng, người đàn ông nhiều khả năng pháp lý hơn người đàn bà. Trừ tội thập ác còn các tội khác bọn quý tộc đều được miễn giảm hình phạt, được nộp tiền chuộc tội.

 Tóm lại, nhà nước phong kiến đã thể chế hóa những tư tưởng chính trị của Nho thành những quy phạm pháp luật để buộc nhân dân phải thực hiện, vi phạm là bị trừng trị. Đó là hình thức thâm nhập hữu hiệu nhất. Pháp luật phong kiến Việt Nam cũng như pháp luật phong kiến Trung Quốc có đặc điểm là nhân trị kết hợp với pháp trị, lễ kết hợp với hình. Thể chế hóa tư tưởng Nho vào pháp luật càng làm cho pháp luật thêm hoàn thiện và có hiệu quả, phục vụ đắc lực cho nhà nước phong kiến.

 Đạo Nho cũng tác động to lớn đến văn hoá, nghệ thuật và chính văn hoá, nghệ thuật đó chuyển tải những tư tưởng của Nho giáo. Nói cách khác, Nho đã dùng văn hoá, nghệ thuật để thâm nhập sâu rộng vào mọi tầng lớp nhân dân và muôn thế kỷ. Dòng văn học chữ Hán qua các triều đại, qua các tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn kiệt xuất chứa đựng nhiều nội dung, một trong những nội dung quan trọng là chuyển tải những nguyên lý của Nho gia. Những tư tưởng triết học, những thành tựu sử học và các khoa học xã hội khác thời kỳ phong kiến đều viết dưới ánh sáng, dưới quan điểm của Nho giáo dưới lăng kính nhãn quan cụ thể của từng tác giả.

Cuối cùng thì Nho giáo đã xâm nhập vào Việt Nam dưới hình thức những giá trị văn hoá xã hội. Văn hoá xã hội bao gồm những phong tục tập quán trong ma chay (hiếu), trong cưới xin (hỉ), trong lễ hội (lễ). Những sự kiện đó dù vẫn duy trì những phong tục tập quán cổ truyền của Việt Nam nhưng vẫn phảng phất những tư tưởng của Nho giáo từ hình thức, nội dung cho đến quy trình tiến hành. Điều này chúng ta thấy rõ ràng nhất trong thể hiện chữ hiếu trong ma chay. Một phần tư tưởng của Nho giáo đã hoà đồng với phong tục tập quán Việt Nam và biến thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu của văn hoá Việt Nam.

 Tóm lại với tư cách là tư tưởng của giai cấp phong kiến Trung Quốc, Nho giáo du nhập vào Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc, sau này trở thành tư tưởng chính thống của giai cấp phong kiến và của nhà nước phong kiến Việt Nam. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã ra sức tác động để Nho giáo xâm nhập và phát triển sâu rộng vào xã hội bằng con đường thừa nhận học thuyết này là tư tưởng chính trị chính thống của nhà nước, bằng con đường học hành thi cử, bằng thể chế hoá thành những quy phạm pháp luật. Nho giáo cũng bằng con đường văn học nghệ thuật, bằng phong tục tập quán để chuyển tải tư tưởng , thâm nhập sâu vào tận làng xã. Được như vậy vì Nho giáo đã tỏ ra là công cụ đắc lực của giai cấp phong kiến nhưng cũng phù hợp với văn hoá xã hội Việt Nam, phù hợp với một nền kinh tế nông nghiệp, văn hoá nông nghiệp và xã hội nông nghiệp, được nhân dân chấp nhận và trở thành một bộ phận không thể thiếu của văn hoá Việt Nam, nó không bài trừ mà càng làm phong phú thêm văn hoá Dân tộc quốc gia Việt Nam

 Những tư tưởng của Nho giáo nếu gạt bỏ những nội dung của thời đại cũ thì cho đến nay một số quan điểm vẫn cũng nguyên giá trị. Con đường thâm nhập của Nho giáo vào Việt Nam là những bài học kinh nghiệm quý giá cho những tư tưởng học thuyết hiện đại muốn xâm nhập sâu rộng vào xã hội Việt Nam thì cần phải biết làm gì và làm như thế nào.

(Còn nữa)

CVL

---------------------------                                           

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Lê Minh Tâm-Vũ Thị Nga chủ biên, Giáo trình nhà nước và pháp luật Việt Nam, NXB Công an nhân dân, H. 2004.

- Max kal Tenmark, Triết học Trung Hoa, NXB Thế giới, H. 1999

- Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, NXB Văn hoá-Thông tin, H. 1996.

- Cao Văn Liên, Lịch sử 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, NXB Lao Động, H. 2007.