Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 10

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 10.

VIII. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DÂN CHỦ, ĐOÀN KẾT VÀ ĐỒNG  THUẬN  XÃ HỘI TRONG LỊCH SỬ PHONG KIẾN VIỆT NAM

1. Mở đầu.

 Trong lịch sử tư tưởng và chính trị của nhân loại, khái niệm dân chủ ra đời từ khi có nhà nước đầu tiên: Xã hội chiếm hữu nô lệ thuộc thời kỳ cổ đại. Các nhà nước Phương Đông cổ đại là các nhà nước quân chủ chuyên chế chủ nô, tư tưởng dân chủ rất hiếm hoi, may ra chỉ tìm thấy một vài tia sáng dân chủ trong một vài quan điểm của Lão Tử ở thời kỳ Xuân Thu (Trung Quốc). Ở các nhà nước phương Tây cổ đại do hoàn cảnh kinh tế, xã hội đặc biệt đã thiết lập được những thiết chế cộng hoà: Cộng hòa quý tộc chủ nô Xpác (Hi Lạp), La Mã, Cộng hòa dân chủ chủ nô  Aten (Hi Lạp). Đặc biệt ở Aten với thiết chế cộng hòa dân chủ chủ nô, với nền kinh tế công thương nghiệp phát triển, với tầng lớp chủ nô công thương và bình dân chiến thắng trên vũ đài chính trị đã tạo điều kiện cho những tư tưởng dân chủ cổ đại phát triển mạnh mẽ. Có thể nói, Aten là khởi thuỷ cho một nền cộng hòa dân chủ và những tư tưởng dân chủ cho toàn thể châu Âu.

 Bước sang hình thái kinh tế xã hội phong kiến với nhà nước quân chủ chuyên chế thì những tư tưởng dân chủ càng hiếm hoi. Ở phương Tây, khi chế độ phong kiến chuyên chế suy tàn, bước sang thời kỳ cuối cùng của hậu kỳ trung đại mới tìm thấy những tư tưởng dân chủ trong trào lưu Văn hoá phục hưng. Đó là sự manh nha của tư tưởng dân chủ tư sản. Tuy nhiên, ngay trong cuộc chiến tranh nông dân khốc liệt ở Đức chống lại chế độ chuyên chế, F. Ăngghen đã đề cao và đánh giá yếu tố dân chủ của phong trào.

 Vấn đề dân chủ mà chuyên đề này bàn tới chủ yếu là tìm hiểu những yếu tố dân chủ, đồng thuận trong xã hội phong kiến Việt Nam. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ hơn 1.000 năm của phong kiến Trung Quốc do giai cấp phong kiến Việt Nam lãnh đạo đã thành công. Giai cấp phong kiến Việt Nam bước vào xây dựng một quốc gia phong kiến độc lập với mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền. Thiết chế này được hoàn thiện mẫu mực dưới thời Lê Thánh Tông (tại vị 1460-1497). Tuy nhiên, khác với đa số chế độ phong kiến trên thế giới, chế độ phong kiến Việt Nam dù có phát triển tập quyền chuyên chế nhưng vẫn phải tôn trọng, bao dung những yếu tố, những nhiệm vụ có tính chất dân chủ. Các nhà tư tưởng, các nhà lãnh đạo cao cấp trong bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam, kể cả không ít vị vua ít nhiều mang tư tưởng dân chủ, nói và làm theo tư tưởng đó. Bởi vì dân chủ là truyền thống lâu đời của nhân dân Việt Nam, nó có tác dụng to lớn đến xã hội, chính trị, đến sự hưng vong của các triều đại. Các triều đại phong kiến Việt Nam liên tục phải đứng trước nhiệm vụ dân tộc (chống ngoại xâm bảo vệ hoặc giải phóng tổ quốc). Muốn hoàn thành được nhiệm vụ dân tộc, các triều đại không thể không giải quyết những nhiệm vụ dân chủ, phát triển kinh tế văn hóa xã hội, nâng cao đời sống người dân để đoàn kết nhân dân, để có sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ dân tộc. Cho nên ở thời kỳ hưng thịnh, chính sách của các triều đại mang tính dân tộc, tính giai cấp và tính nhân dân, một đường lối chính trị thân dân.

 Lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều không thể chối cãi, nếu không thực hiện dân chủ mà lại tiến hành áp bức bóc lột tàn khốc, đẩy nhân dân vào con đường đói khổ thì nhân dân sẽ tìm cách đối lập và chống lại. Khi đó dù có tàn bạo đến đâu, giả dạng lừa bịp đến đâu thì cuối cùng triều đại đó vẫn sụp đổ. Triều đại khác thay thế muốn đứng vững, muốn tồn tại, không thể không thoả mãn những nhu cầu dân chủ của nhân dân. Cho nên trong khuôn khổ của chế độ phong kiến, truyền thống dân chủ Việt Nam vẫn được phát huy, ý thức dân chủ vẫn được tôn trọng (dù có giới hạn). Đó là điểm độc đáo trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng là một trong những quy luật phát triển của xã hội Việt Nam và là quy luật hưng vong của các triều đại. Đường lối chính trị thân dân được các triều đại Việt Nam thực hiện nhằm nâng cao tinh thần dân tộc, phục vụ cho nhiệm vụ dân tộc. Dân tộc kết hợp với dân chủ sẽ mang lại sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù ngoại xâm. “Xưa nay một phong trào dân tộc thực sự bao giờ cũng chứa đựng một nội dung dân chủ nhất định. Bởi vì bất cứ giai cấp nào muốn đấu tranh giành lại chủ quyền dân tộc, hoặc muốn tự mình trở thành dân tộc thì không thể không đồng thời thực hiện những yêu cầu dân chủ nào đó đối với quần chúng nhân dân, lực lượng thành bại của phong trào dân tộc”. [1]

2. Quan niệm của một số nhà tư tưởng lớn Việt Nam thời phong kiến về dân chủ, đoàn kết và đồng thuận.

 Thực ra khái niệm dân chủ đầy đủ chỉ xuất hiện trong thời kỳ những nhà tư tưởng tư sản chuẩn bị tiền đề tư tưởng cho những cuộc cách mạng tư sản và chính thể tư sản. Trong lí thuyết, các tư tưởng gia của giai cấp tư sản đưa ra một cặp phạm trù nhân quyền và dân quyền. Nhân quyền là quyền của con người bao gồm quyền tư hữu tài sản, quyền tự do, quyền được nhà nước bảo vệ thân thể và tài sản. Trong quyền tự do gồm có quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do yêu đương, tự do học tập, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do buôn bán, tự do lập hội. Còn dân quyền có nghĩa là quyền của công dân, quyền chính trị, quyền đề cử, ứng cử, bầu cử vào các cơ quan Nhà nước.

 Khái niệm dân chủ trong thời kỳ phong kiến không được rõ ràng như vậy. Dân chủ trong thời kỳ phong kiến Việt Nam chủ yếu là dân chủ của nông dân và dân chủ đối với giai cấp nông dân. Vì nông dân là một giai cấp chiếm đa số ở một nước nông nghiệp. Nội dung cơ bản của dân chủ đối với nông dân là quyền được sống ấm no hạnh phúc, quyền có ruộng đất, quyền được học hành, mong muốn và khát vọng được nhà nước phong kiến quan tâm, giảm tô thuế, giảm áp bức bóc lột. Như vậy, dân chủ trong xã hội phong kiến thực chất là nhân quyền, còn dân quyền thực ra còn rất hạn chế. Các nhà tư tưởng của giai cấp phong kiến Việt Nam không bao giờ đưa ra khái niệm dân chủ một cách trực tiếp (do giới hạn của thời đại). Xuất phát từ những khái niệm và nội dung của tư tưởng chính trị Nho giáo, các nhà tư tưởng phong kiến Việt Nam đã đưa ra những khái niệm dân chủ một cách gián tiếp, những tư tưởng thân dân, vì quyền lợi của nhân dân. Những tư tưởng dân chủ gián tiếp đó nằm trong các lĩnh vực khác nhau như văn học, chính trị, luật pháp, quân sự.

 Ngay vào thế kỷ thứ III thời Bắc thuộc, trong cuộc đấu tranh chống quân Đông Ngô giải phóng dân tộc, bà Triệu Thị Trinh đã thay mặt nhân dân nói lên khát vọng làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống của mình. “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không thèm cúi đầu, cong lưng làm tì thiếp người ta”[2]. Khát vọng của bà Triệu Thị Trinh cũng là khát vọng chung của nhân dân ta khi đó. Đó là khát vọng dân tộc độc lập và hàm chứa ý thức dân chủ, khát vọng dân chủ của nhân dân.

 Dân là chủ: Tuân theo ý chí của dân.                                                     

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo đã đập tan cuộc xâm lược của nhà Nam Hán, kết thúc hơn 1.000 năm thống trị của phong kiến Trung Quốc, giai cấp phong kiến Việt Nam bắt tay vào xây dựng một quốc gia phong kiến độc lập. Năm 1009, nhà Lý thay nhà Tiền Lê. Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Trong “Chiếu dời đô”, Lý Thái Tổ viết “ Làm như thế để mưu việc lớn, chọn ở chỗ giữa làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”[3]. Như vậy việc lớn của nước nhà ngoài tuân mệnh trời cũng phải tuân theo ý chí của nhân dân. Ý chí của Lý Thái Tổ là ý chí của nhân dân mà nhà vua chỉ là người thừa hành. Đó là ý thức dân chủ mạnh mẽ của Lý Thái Tổ -người khai sáng vương triều Lý.

 Dân là chủ đất nước: Tư tưởng dân chủ của Lý Thường Kiệt được nâng lên một bước cao hơn khi ông khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, độc lập của Đại Việt, trong đó vua Nam ở, cũng tức là dân Nam làm chủ đất nước của mình. Điều đó như là một quy luật tạo hóa đã khẳng định sẵn ở “Sách trời”.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

 Dịch thơ:

Sông núi nước Nam vua Nam ở                                                               

Rành rành định phận ở sách trời

 Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm                                                              

 Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

 Vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần khi cai trị đã chủ trương lấy xã tắc làm trọng, xã tắc trên hết. Trung thành với quốc gia, với xã tắc là thước đo giá trị con người. Ông cho rằng nhà vua phải lấy ý muốn của thiên hạ (của dân) làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình[4]. Ở nhân dân, Trần Thái Tông nhìn thấy những giá trị cao quý của con người: “Mỗi người đều có ngọc minh châu trên thân mình, mùa xuân đến thì hoa nở vậy”[5]. Chính vì thế Trần Thái Tông tha thiết :”Muốn nghe tiếng nói của dân mà xem xét lòng dân cho biết tình trạng khó khăn của dân”[6].

 Dân là gốc: Nếu các vị vua Trần đã vận dụng tư tưởng dân chủ, thực hiện đường lối chính trị thân dân để xây dựng đất nước thì Trần Quốc Tuấn với con mắt là nhà quân sự thiên tài, ông đánh giá nhân dân ở vị trí rất cao. Ông cho dân là gốc của nước, của quốc gia, của triều đại, nguồn gốc của mọi chiến thắng kẻ thù. Năm 1300 khi ông ốm nặng ở Vạn Kiếp, vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi ông kế sách giữ nước: “Nếu chẳng may ông qua đời, giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách phải như thế nào ?”. Trần Hưng Đạo đáp: “…Tóm lại giặc cậy trường trận, ta lấy đoản binh, lấy đoản chế trường là việc thường của binh pháp. Nếu thấy quân giặc đến ồ ạt như lửa cháy, gió thổi thì dễ chế ngự. Nếu chúng đi chậm như cách tằm ăn, không cần của dân, không cần được chóng thì phải chọn tướng giỏi, xem xét quyền biến như đánh cờ vậy, tùy thời mà làm. Vua tôi đồng lòng, lòng dân không chia, anh em hòa thuận, cả nước góp sức, binh sĩ một dạ như cha con một nhà thì mới dùng được được. Vả lại khoan thứ sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước ” [7]. Như vậy trong tư tưởng của Trần Quốc Tuấn thì dân là gốc của nước, cho nên nhà cầm quyền phải khoan thứ sức dân, như ngày nay gọi là quyền dân chủ. Nhân dân được chăm sóc về đời sống vật chất và tinh thần, quyền sống được bảo đảm, có như vậy dân mới không đói khổ, nghèo nàn, sức dân mạnh mẽ, tức là sâu gốc bền rễ, chỉ như vậy mới đoàn kết được trên dưới, cả nước góp sức thì mới chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

 Thấy được sức mạnh của nhân dân: Người có đường lối thân dân, tư tưởng dân chủ cao nhất, toàn diện nhất không chỉ triều Hậu Lê mà trong toàn bộ xã hội phong kiến Việt Nam là Nguyễn Trãi (1380- 1442), khai quốc công thần nhà Hậu Lê, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Nhận thức của Nguyễn Trãi về dân chủ vượt lên trên quan niệm của giai cấp phong kiến, cũng vượt xa những người yêu nước thương dân trước đó. Trên cơ sở truyền thống dân chủ của nhân dân, của dân tộc, của những bậc tiền bối như Lý Thường Kiệt, Trần Thái Tông, Trần Quốc Tuấn…Trên cơ sở kinh nghiệm giải quyết những nhiệm vụ mà thời đại đặt ra, bằng cuộc sống thanh đạm gian khổ giữa nhân dân, Nguyễn Trãi đã xây dựng cho mình một tư tưởng dân chủ rộng rãi, sâu sắc mạnh mẽ và toàn diện hơn. Có thể không quá khi lấy lời của F. Ăng ghen đánh giá nhà dân chủ của phong trào nông dân Đức Tô ma xơ Mun xe để nhận xét về Nguyễn Trãi: “Ông quả là nhà dân chủ thực sự trong điều kiện có thể được trong thời đại bấy giờ ”[8].

 Nguyễn Trãi không chỉ thấy được dân là gốc mà còn thấy được sức mạnh to lớn của nhân dân : “Lật thuyền thấm thía dân như nước ”[9]. “Vả lại mến người có nhân là dân mà chở thuyền lật thuyền cũng là dân”[10]. Nguyễn Trãi thấy được nhân dân có sức mạnh có thể thay đổi được thời thế, làm nên bao điều kỳ diệu, có thể nâng đỡ triều đại, cũng có thể lật đổ triều đại. Ông nhận thức nhân dân là chủ thể của lịch sử. Ông coi cuộc sống và tâm tư của nhân dân là nền tảng thịnh suy của quốc gia. Vì vậy khi ông giải quyết nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho các lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn là giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của quân Minh, Nguyễn Trãi đã tìm được chìa khóa giải đáp là muốn cứu dân, cứu nước  thì phải dựa vào chính sức mạnh của nhân dân. Khởi nghĩa Lam Sơn đã “Giơ gậy làm cờ bốn phương dân cày tập hợp”[11]. Từ đó khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng, thành cuộc chiến tranh nhân dân sâu rộng nhất, toàn diện nhất trong lịch sử từ trước cho đến lúc đó, đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng tổ quốc sau 10 năm chiến đấu gian khổ.

Nguyễn Trãi không chỉ thấy được sức mạnh của nhân dân trong kháng chiến mà còn thấy được vai trò sức mạnh của nhân dân trong hòa bình xây dựng đất nước. Ông nhận thức nhân dân mà chủ yếu là nông dân là người làm ra nguồn sống cho xã hội cho nên ông cho rằng phải nhớ ơn họ : “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”[12]. Ông khuyên quan lại đương thời không được quên những đóng góp lớn lao của nhân dân, của những con người vô danh: “Những quy mô lộng lẫy đều là sức lực lao khổ của nhân dân”[13]. Nguyễn Trãi còn khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong sáng tạo văn hoá, một nền văn hoá dân tộc mà ông yêu thích. Đây là một phát triển mới làm sâu sắc tư tưởng thân dân so với thời Lý, Trần, Hồ.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới. NXB Sự thật, HN. 1970, Tr. 16.

[2]. Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên. HN. 1993, Tr. 33

[3]. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, Tập 2. Tr. 24, 242.

[4]. Dẫn theo Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Thái Tông, NXB Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004,  Tr. 132.

[5]. Dẫn theo Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Thái Tông, NXB Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, Tr. 141.

[6]. Thơ văn Lý-Trần, NXH Khoa học Xã hội, HN. 1977, Tập 3, Tr. 325.

[7]. Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2, NXH Khoa học Xã hội, HN. 1982. Tr. 80.

[8]. F. Ăng Ghen. Nhận xét về Tôma xơ Mun xe. Báo The Norther Stanr, 8-11-1845.

[9]. Nguyễn Trãi, Toàn tập, NXH Khoa học Xã hội, HN, 1969. Tập, Tr 84.

[10]. Nguyễn Trãi, Toàn tập, NXH Khoa học Xã hội, HN. 1969. t 1, trang 141.

[11]. Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo. Dẫn theo Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam. T\t1. NXB Khoa học Xã hội, HN. 1971, tr. 259.

[12]. Nguyễn Trãi. Bảo kinh giới 19.

[13]. Chiếu truyền bách quan không được làm những lễ nghi khánh hạ