Kỳ 9.
VII. PHÁP LUẬT PHONG KIẾN VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT PHONG KIẾN TRUNG QUỐC: SỰ GIAO THOA VÀ PHÁT TRIỂN
1. Lịch sử
a. Pháp luật phong kiến Trung Quốc: Pháp luật phong kiến Trung Quốc nằm trong thành tựu chung của nền văn hóa Trung Quốc. Pháp luật Trung Quốc có lịch sử lâu đời ngay từ thời cổ đại. Năm 221 TCN, sau khi đánh bại sáu nước Hàn, Sở, Triệu, Ngụy, Yên, Tề thống nhất Trung Quốc, nhà Tần đã xây dựng nền tảng cho chế độ phong kiến nói chung và bắt đầu xây dựng nền pháp chế phong kiến nói riêng. Thừa tướng nhà Tần là Lý Tư đã soạn bộ Tần luật, nội dung bao gồm hình sự, dân sự, tố tụng và quân luật. Tần luật ảnh hưởng nặng học thuyết Pháp trị của Hàn Phi Tử.
Đến nhà Hán (202 TCN-220 Sau CN ) đã lấy học thuyết Nho gia làm tư tưởng chính trị để cai trị. Nho là nền tảng cho mọi lĩnh vực chính trị, tinh thần và cả pháp luật. Hán Cao Tổ Lưu Bang đã sai Thừa tướng Tiêu Hà soạn bộ “Cửu chương luật ” gồm chín chương. Thời Hán Quang Vũ (23- 87) thêm 27 chương nữa vào “Cửu chương luật ”. Lý thuyết Nho gia từ đó vốn là một học thuyết chính trị được nâng lên thành quy phạm pháp luật, được nhà nước cưỡng chế để thực hiện.
Đời Tấn năm 267 đã ban hành Tấn luật. Đời Nam- Bắc triều ở nước Tề đã soạn Bắc Tề luật gồm 12 thiên, trong đó quy định 10 trọng tội, làm tiền đề cho nhóm tội thập ác sau này. Đời Tùy, Tạ Uy đã soạn luật Khai Hoàng, Luật Đại Nghiệp, 10 điều trọng tội đời Tề được luật nhà Tùy gọi là tội thập ác. Phạm tội thập ác, dù là hàng bát nghị được giảm nhẹ hình phạt ở các tội danh khác thì ở tội thập ác không được miễn giảm. Đời Đường Cao Tổ Lý Uyên (618-627) ra đời bộ luật Vũ Đức gồm 500 điều ban hành năm 624. Đến đời Đường Thái Tông (627-650 ) sai Phùng Huyền Linh soạn lại luật Vũ Đức thành luật Trinh Quán cũng gồm 500 điều. Trưởng Tôn Vô Kỵ đời Đường Cao Tông soạn bộ Đường luật Sở Nghị ban hành năm 653. Đến đời vua Đường Huyền Tông ( Đường Minh Hoàng) 713-756 ) thì có Đường luật Sở Nghị gồm 500 điều. Đường luật Sở nghị là bộ luật quan trọng bậc nhất trong nền pháp chế Trung Hoa, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến luật phong kiến Trung Hoa từ đó về sau và ảnh hưởng mạnh mẽ đến luật phong kiến Việt Nam.
Đời Tống Thái Tổ (Triệu Khuông Dận) cho nhóm Tạ Hiến biên soạn bộ Tống hình thống, sao lại luật đời Đường nhưng coi lệ có hiệu lực như luật. Đời Nguyên có luật Đại Nguyên Thống chế giống như Đường luật, cũng coi lệ có giá trị như luật nhưng phân biệt dân tộc sâu sắc trong luật. Đời Càn Long nhà Thanh, 1740 ban hành Đại Thanh luật lệ gồm 7 thiên, 47 quyển, 436 điều, có thêm phụ lệ gồm 1412 điều. Luật nhà Thanh còn đề cao lệ, hà khắc hơn trong phân biệt dân tộc. Đại Thanh luật lệ có ảnh hưởng lớn đến Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) của Việt Nam đời Nguyễn.
b. Pháp luật phong kiến Việt Năm: Năm 179 TCN, nước Âu Lạc bị nước Nam Việt của Triệu Đà đánh bại mở đầu cho việc phong kiến Trung Quốc thống trị Việt Nam hơn 1.000 năm (179 TCN-938). Năm 938 Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt 1.000 năm thống trị của phong kiến Trung Quốc đối với nước ta. Từ đó cho đến năm 1858, giai cấp phong kiến Việt Nam ra sức xây dựng một quốc gia phong kiến độc lập. Cùng với việc xây dựng bộ máy nhà nước, giai cấp phong kiến Việt Nam đã xây dựng luật pháp làm công cụ thực thi quyền lực. Năm 1042 Lý Thái Tông ban hành bộ luật Hình Thư. Hình Thư ra đời là một sự kiện quan trong trong lịch sử pháp chế Việt nam. Đời nhà Trần năm 1344, vua Trần Dụ Tông sai Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu soạn bộ Hình Thư. Ngoài Hình Thư, nhà Trần còn ban hành nhiều văn bản pháp luật khác tạo nên một hệ thống pháp luật. Năm 1400, khi phế truất nhà Trần thành lập triều đại mới, Hồ Quý Ly đã ban hành bộ Đại Ngu thông chế hình luật. Năm 1428 sau khi giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của nhà Minh, Lê Lợi lên ngôi lập triều Hậu Lê. Nhà Hậu Lê, thời kỳ Lê Sơ 1428-1527 là đỉnh cao của chế độ phong kiến Việt Nam về kinh tế, văn hóa, pháp luật. Đời Lê Sơ có nhiều văn bản pháp luật nhưng cơ bản nhất là bộ Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) được soạn thảo dưới triều vua Lê Thánh Tông, được ban hành năm 1483. Quốc triều hình luật là đỉnh cao nhất của pháp luật phong kiến Việt Nam so với các triều đại trước và cả các triều đại về sau trong phạm vi pháp luật phong kiến.
Suốt thời kỳ dài thời Lê Trung Hưng (1533-1789 ) tồn tại song song với các triều đại của các tập đoàn phong kiến như nhà Mạc (1527-1592), nhà Trịnh ở Đàng Ngoài (1592-1786), Chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1558-1784). Đây là thời kỳ chiến tranh biến loạn liên miên nên hoạt động lập pháp không có gì đáng kể, chủ yếu vẫn dùng luật thời Lê Sơ (1428-1527). Nhà Tây Sơn tồn tại ngắn (1771-1802) phải chống thù trong giặc ngoài liên tục nên chưa có bộ luật nào lớn được ban hành.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn, thiết lập Vương triều Nguyễn (1802-1945). Năm 1815 Gia Long Nguyễn Ánh cho ban hành bộ luật Gia Long (Hoàng triều luật lệ). Đây là bộ luật cơ bản nhất của vương triều Nguyễn, sử dụng qua các đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Các triều vua sau này chỉ lấy đó làm gốc để ban hành các đạo dụ, có bổ sung thêm bớt một số điều.
2. Sự tương đồng giao thoa giữa pháp luật phong kiến Trung Quốc và pháp luật phong kiến Việt Nam
Pháp luật phong kiến Trung Quốc và pháp luật phong kiến Việt Nam trước hết tương đồng nhau ở kỹ thuật lập pháp. Các nhà làm luật phong kiến Trung Quốc và Việt Nam quan niệm rất rộng về hình phạt. Hình phạt trong pháp luật phong kiến không chỉ áp dụng đối với tội phạm trong hình sự mà cũng là chế tài trừng phạt ngay cả trong các quy phạm dân sự như hôn nhân, gia đình, luân thường đạo lý, trong lĩnh vực hành chính. Quan điểm này làm cho hình phạt trong pháp luật phong kiến phổ biển trong cả dân sự và hình sự. Các nhà làm luật phong kiến Trung Quốc và Việt Nam quy định rất cụ thể, chi tiết từng hình phạt cụ thể cho từng hành vi và hậu quả phạm tội cụ thể.
Đạo Nho là tư tưởng chính trị của phong kiến Trung Quốc và Việt Nam. Cho nên pháp luật phong kiến Trung Quốc và pháp luật phong kiến Việt Nam đều thấm đượm tư tưởng Nho giáo và Nho giáo được thể chế hóa thành những quy phạm pháp luật, hình sự hóa tất cả những mối quan hệ vua tôi, cha con , chồng vợ, buộc toàn bộ thần dân phải trung thành với một triều đại, một dòng họ, kể cả khi triều đại và dòng họ đó đã thối nát. Luật đã hình sự hóa những quy phạm đạo đức như đạo hiếu của con cháu đối với cha mẹ, ông, bà, hình sự hóa các mối quan hệ vợ chồng. Tất cả nhằm xây dựng gia đình phụ quyền gia trưởng, tế bào của xã hội phong kiến châu Á. Trung quân là yêu nước. Luật trừng trị rất nặng những ai vi phạm chữ trung quân, phản vua là phản quốc. Tội này đứng đầu bảng tội hình sự, chắc chắn bị chu di tam tộc, giết cả những người không liên can, còn truy sát đến cửu tộc. Con cháu vi phạm đạo hiếu, vợ vi phạm đạo vợ chồng bị pháp luật trừng trị rất nặng. Các quan hệ quốc gia và gia đình như trên nếu vi phạm bị xếp vào nhóm tội thập ác, bao gồm tội mưu phản, mưu bạn, mưu đại nghịch, ác nghiệt, bất đạo, đại bất kính, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nội loạn. Phạm tội thập ác thì ngay đến hàng bát nghị vốn được miễn giảm hình phạt khi phạm các tội khác cũng không được miễn giảm.
Sự giao thoa giữa pháp luật phong kiến Việt Nam và pháp luật phong kiến Trung Quốc thể hiện rõ ràng hơn nữa ở hình phạt ngũ hình. Hình phạt thứ nhất là hình phạt xuy (đánh roi), thứ hai là phạt đánh trượng (đánh gậy), thứ ba là hình phạt đồ (buộc làm khổ sai), thứ tư là hình phạt lưu (đày đi xa), thứ năm là tử (giết chết) với hai hình thức chém và thắt cổ.
Tính chất bất bình đẳng, tính chất giai cấp và đặc điểm đều biểu hiện rõ rệt ở pháp luật phong kiến Việt Nam và pháp luật phong kiến Trung Quốc. Nhân trị kết hợp với pháp trị, lễ kết hợp với hình. Thậm chí một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) phần lớn lấy từ Đại Thanh luật lệ của nhà Mãn Thanh Trung Quốc.
Nguyên nhân sự giao thoa, tương đồng giữa pháp luật phong kiến Việt Nam và pháp luật phong kiến Trung Quốc có thể thấy rằng trong thời kỳ Bắc thuộc, phong kiến Trung Quốc đã du nhập văn hóa Trung Hoa vào Việt Nam, trong đó có chữ Hán, Nho giáo và pháp luật. Việt Nam kiên quyết chống lại việc đồng hóa, kiên quyết bảo tồn nền văn hóa dân tộc nhưng mặt khác vẫn tiếp thu những nhân tố tích cực của văn hóa Trung Hoa, bổ sung làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam. Sau khi giành được độc lập năm 938, giai cấp phong kiến Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển quốc gia phong kiến độc lập, xây dựng một thiết chế chính trị quân chủ chuyên chế tập quyền. Tư tưởng Nho gia và pháp luật phong kiến Trung Hoa phù hợp cho việc xây dựng tư tưởng chính trị và pháp luật phong kiến Việt Nam. Vì thế phong kiến Việt Nam đã tiếp thu mô hình nhà nước, tư tưởng chính trị Nho gia, pháp luật Trung Hoa để làm công cụ phục vụ cho giai cấp, cho nền thống trị của mình, tạo nên sự đồng thuận giao thoa ngay trong yếu tố pháp luật. Mô hình nhà nước chuyên chế tập quyền, tư tưởng chính trị Nho gia và pháp luật thể chế hóa tư tưởng chính trị ấy hoàn toàn thích ứng với một xã hội nông nghiệp lúa nước, tự túc, tự cấp với những giai cấp tương ứng với nó và với một nền văn hóa có nhiều nét tương đồng .
3. Sự sáng tạo và phát triển của pháp luật phong kiến Việt Nam so với pháp luật Phong kiến trung Quốc.
Dù là tiếp thu pháp luật phong kiến Trung Quốc, nhưng các nhà làm luật phong kiến Việt Nam đã sáng tạo và phát triển cho phù hợp với đặc thù của con người và phong tục văn hóa Việt Nam. Hình phạt ngũ hình trong pháp luật phong kiến Trung Quốc và pháp luật phong kiến Việt Nam cơ bản như nhau, nhưng luật Hồng Đức của Việt Nam khác là cho con cháu chịu đòn thay cho ông bà, cha mẹ nếu ông bà, cha mẹ phạm tội mà già yếu, vừa đề cao chữ hiếu, có tình người nhưng vẫn giữ nghiêm việc chấp pháp. Trong hình phạt đồ, pháp luật phong kiến Trung Quốc chia làm 5 bậc, luật Hồng Đức chỉ chia hình phạt 3 bậc, có phân biệt tội nhân là đàn ông và đàn bà. Trong hình phạt lưu, pháp luật phong kiến Trung Quốc thường quy định đày đi khỏi quê hương vĩnh viễn, ngược lại luật Hồng Đức quy định nếu cải tạo tốt, phạm nhân có thể được về quê hương sinh sống như người dân bình thường.
Trong các chế định hôn nhân gia đình, nét chung của luật phong kiến Trung Quốc cũng như Việt Nam là xây dựng gia đình phụ quyền gia trưởng, hôn nhân không tự do. Nhưng luật Hồng Đức trong các chế định hôn nhân gia đình tỏ ra tiến bộ hơn hẳn các bộ luật của các triều đại phong kiến Trung Quốc và cả luật phong kiến thế giới. Luật Hồng Đức có quy phạm pháp luật nhằm ngăn chặn quan lại, cường hào ác bá dùng quyền thế cưỡng bức hôn nhân, như quy định cấm con nhà quyền thế ức hiếp lấy con gái lương dân, nghiêm cấm quan lại lấy vợ nơi đang làm quan. Luật Hồng Đức cho phép phụ nữ ly hôn nếu chồng 5 tháng (chưa có con ) hoặc một năm (nếu có con ) không đi lại, được ly hôn nếu người con rể chửi mắng bố mẹ vợ vô lý. Luật Hồng Đức cũng khuyên trong ba trường hợp người đàn ông không nên bỏ vợ: Thứ nhất, khi lấy nhau thì nghèo nàn, nay giàu sang phú quý, thứ hai người vợ có hiếu để tang cha mẹ chồng đầy đủ ba năm, thứ ba khi lấy nhau vợ còn nhiều anh em thân thuộc, nay không còn ai thân thích. Đây là luật nhưng khuyên con người trong đạo vợ chồng dù đã hết tình nhưng còn nghĩa. Điều này chỉ có ở Luật Hồng Đức, chỉ có ở Việt Nam. Luật Hồng Đức cũng bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong gia đình. Luật quy định người vợ cả được quyền cùng bàn bạc công việc gia đình với chồng. Có lẽ luật xét công lao của vợ cả là người về gia đình chồng đầu tiên, có nhiều cống hiến cho gia đình chồng, dù đó là gia đình phụ quyền. Luật quy định không được lẫn lộn thê (vợ cả) thiếp (vợ lẽ), đem thê làm thiếp hoặc ngược lại thì gia chủ (người chồng) bị phạt nặng. Luật cũng quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của người chồng với vợ con. Chồng phải chung thuỷ với vợ. Chồng gian tình với vợ người khác bị lưu đày hoặc xử tử. Luật Hồng Đức và luật phong kiến việt Nam quy định rõ ràng con cái phải có nghĩa vụ phụng dưỡng chăm sóc, để tang, chịu tội thay cho ông bà, cha mẹ. Không được tố cáo ông bà, cha mẹ (trừ những tội luật cho phép). Phạm những tội bất hiếu như trên bị khép vào tội thập ác. Luật cũng trừng trị nghiêm khắc anh em đánh lộn nhau. Tất cả những điều quy định trên đều mang tính chất tiến bộ nhằm xây dựng một gia đình nền nếp, phù hợp với truyền thống Việt Nam.
Trong kế thừa tài sản, luật Hồng Đức quy định để đất hương hoả thờ tự ông bà cha mẹ rồi sau đó mới chia ruộng đất tài sản thừa kế. Điều này chỉ luật phong kiến Việt Nam mới có và luật đã tiếp thu truyền thống phong tục Việt Nam. Luật Hồng Đức bảo vệ quyền lợi người vợ trong kế thừa. Người vợ được hưởng tài sản trong cả ba loại tài sản theo luật định: Phu gia điền sản, phu thê điền sản, gia thê điền sản. Riêng phu gia điền sản khi đi lấy chồng khác (tái giá) hoặc là chết phải để lại cho nhà chồng. Với thê gia điền sản người vợ được hưởng suốt đời, tái giá vẫn có thể đem theo tài sản. Chế định tiến bộ này cũng chỉ có trong lụât Hồng Đức.
Như vậy trong luật phong kiến Việt Nam, đặc biệt là luật Hồng Đức, chế định hôn nhân gia đình và kế thừa tinh thần Nho giáo được thể chế hóa nhưng luật cũng thừa nhận phong tục tập quán Việt Nam. Luật bảo vệ trật tự gia đình nhưng cũng bảo vệ sự hoà thuận, quy định trách nhiệm rõ ràng của các thành viên gia đình, đề cao người trụ cột là người cha nhưng không xem thường người mẹ, người con gái, quyền lợi người phụ nữ ít nhiều được bảo vệ ở gia đình và cả trong kế thừa tài sản. Đó là nét đặc sắc trong pháp luật phong kiến Việt Nam, đặc biệt là luật Hồng Đức.
Trong luật Gia Long, khi đó chưa có khái niệm ngành luật nhưng bộ luật 22 quyển, 398 điều đã chia thành 6 loại luật tương ứng với công việc của sáu bộ phụ trách để áp dụng. Sáu loại đó là :
lệ bao gồm tội phạm và hình phạt.
1-Danh
2-Lại luật quy định về bổ nhiệm thăng giáng quan lại
3-Hộ luật quy định về số hộ gia đình và nhân khẩu
4-Lễ luật
5-Binh luật
6- Công luật.
Tóm lại văn hóa Việt Nam ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc do nhiều nguyên nhân lịch sử. Một trong các yếu tố đó là mô hình nhà nước phong kiến, tư tưởng chính trị Nho gia và pháp luật. Đó là sự giao thoa tương đồng trong mô hình chính trị, nhà nước và pháp luật.
Tuy nhiên trong khi tiếp thu tham khảo pháp luật phong kiến Trung Quốc, các nhà làm luật phong kiến Việt Nam đã phát triển, sáng tạo cho phù hợp với truyền thống, với phong tục tập quán. Tiêu biểu cho sự sáng tạo đó là luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật). Sự sáng tạo đó thể hiện rõ rệt trong luật hôn nhân gia đình, bảo vệ quyền lợi phụ nữ trong gia đình, trong kế thừa tài sản, trong hôn nhân. Điều đó nói lên quan điểm gia đình của người làm luật, gia đình không phải chỉ là gia đình phụ quyền của người đàn ông mà người phụ nữ là một trong những nhân tố quan trọng cấu thành gia đình, cho đó là gia đình phong kiến. Nhà làm luật nhận biết rõ rằng gia đình là tế bào của xã hội, của quốc gia. Gia đình có vững mạnh hòa thuận thì xã hội mới vững mạnh và mới bình yên. Những quy định trên không làm giảm tính chất gia đình phụ quyền gia trưởng mà còn làm cho nó được củng cố bằng nghĩa vụ và sự hoà thuận giữa các thành viên. Chính vì vậy, Luật Hồng Đức là đỉnh cao của nền pháp chế phong kiến Việt Nam ở mọi triều đại và có thể nói mang yếu tố tiến bộ và nhân đạo bậc nhất trong phạm trù pháp luật phong kiến Việt Nam và thế giới.
(Còn nữa)
CVL
------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại học luật Hà Nội, Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, NXB Công an nhân dân, HN. 2005.
2. Đại học luật Hà Nội, Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, NXB. Công an nhân dân, HN. 2004. 4-Vũ Thị Phụng, Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, HN. 1993.
5. Cao Văn Liên, Pháp luật các triều đại Việt Nam và thế giới, NXB. Thanh niên , HN. 2004.