Kỳ 12.
Với tư tưởng dân chủ thân dân sâu sắc như vậy, Nguyễn Trãi đi đến tư tưởng bình đẳng trong xã hội. Một trong những tư tưởng bình đẳng là lựa chọn nhân tài trong việc cầu hiền tài cho đất nước. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Trong chính trị, chọn hiền tài ra làm quan là vấn đề quan trọng sinh tử của chế độ, nó quyết định sự trong sạch, hiệu quả của bộ máy nhà nước, thành công hay không thành công trong xây dựng xã hội mới, quyết định sự thành bại của nền chính trị thân dân, dân chủ. Nguyễn Trãi kịch liệt phê phán nạn tư túi, hối lộ, bè cánh mà tuyển chọn và bổ nhiệm vào bộ máy nhà nước những người kém đức, kém tài năng. Với Nguyễn Kỳ Trãi, hiền tài dù xuất thân từ quý tộc hay bình dân ông đều quý trọng: “Trời không che riêng ai, đất không chỉ riêng ai, mặt trời, mặt trăng không soi riêng ai”[1]. Như vậy, Nguyễn Trãi có một quan niệm bình đẳng toàn diện về xã hội, về quyền sống và cả trên bình diện trí tuệ học vấn. Tư tưởng bình đẳng của ông ra đời trong hoàn cảnh xã hội phân chia giai cấp và đẳng cấp nặng nề là một hiện tượng hiếm hoi trong lịch sử tư tưởng phong kiến.
Lý do khiến cho Nguyễn Trãi có được tư tưởng dân chủ, thân dân sâu sắc vượt lên trên tư tưởng của thời đại bởi vì dù ông là trí thức lớn, lỗi lạc của giai cấp phong kiến nhưng suốt cuộc đời ông sống gian khổ, gần gủi với nhân dân, thấy được sức mạnh đoàn kết của nhân dân, thấy được sự hy sinh to lớn của nhân dân trong cuộc chiến tranh giải phóng tổ quốc khỏi ách thống trị của nhà Minh, thấy được cuộc sống nghèo nàn, gian khổ của nhân dân trong đời sống thường nhật, thấy được vai trò to lớn của nhân dân trong hoà bình xây dựng tổ quốc. Bản thân ông cũng nêu cao đạo đức trong sạch thanh bần, sống thanh đạm, gần gũi nhân dân, gần gũi thiên nhiên ngay cả khi ông là đại thần của triều Hậu Lê. Ông là tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, một lòng vì dân vì nước, vì một lý tưởng dân chủ, thân dân. Tư tưởng đó đã trở thành lý tưởng, thành bản chất máu thịt, thành lẽ sống của cuộc đời ông. Cuộc đời, tư tưởng của ông trong sáng đến kỳ lạ, sau này Lê Thánh Tông đã viết: “Ức Trai lòng sáng tựa Sao Khuê”.
Tư tưởng dân chủ, thân dân, đạo đức trong sáng của Nguyễn Trãi hoàn toàn đối lập với các thế lực chính trị đen tối trong triều đình Hậu Lê. Chúng căm thù ông vì ông phê phán những việc làm không vì dân vì nước của chúng, chúng không thể mặc sức tung hoành tham nhũng, áp bức bóc lột nhân dân, không thể tự do sống xa hoa phè phỡn. Nhân cái chết vô cớ đột ngột của vua Lê Thái Tông năm 1442, các thế lực gian thần quyết tâm diệt trừ Nguyễn Trãi. Chúng vu cáo ông là thủ phạm trong cái chết của Lê Thái Tông và quyết án chu di tam tộc. Đó là vụ án “Lệ Chi Viên” nổi tiếng thảm khốc trong lịch sử. Như vậy bản thân Nguyễn Trãi không chỉ viết, nói và làm cho tư tưởng dân chủ thân dân, mà chính ông và gia đình tông tộc đã phải hi sinh vì tư tưởng đó.
Quyền lợi nhân dân gắn với quyền lợi quốc gia: Không chỉ nhìn thấy sức mạnh của nhân dân, dân là gốc, Trần Quốc Tuấn cũng có con mắt biện chứng khi khẳng định quyền lợi của nhân dân không tách rời quyền lợi của nhà nước, quyền lợi quốc gia mà một triều đại tiến bộ đang đại diện. Trong “Hịch tướng sĩ” ông viết cho quân đội nhà Trần cũng là viết cho nhân dân khi đó, nếu như kháng chiến thất bại thì “…chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng vào tay kẻ khác. Chẳng những gia quyến ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị bắt đi. Chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục mà đến trăm năm sau tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là tướng bại trận. Lúc bấy giờ các ngươi muốn vui chơi phỏng có được không ?”[2].
Không được lòng dân thì thất bại: Nhà Hồ thay thế nhà Trần năm 1400. Nhà Hồ đã không thi hành chính sách thân dân, do đó tư tưởng dân chủ không có gì nhiều, duy chỉ có câu nói của Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng khi Hồ Quý Ly hỏi ông về kế sách kháng Minh: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. như vậy Hồ Nguyên Trừng đã tính tới yếu tố lòng dân, yếu tố dân chủ mà nhà Hồ không thể có được để thực hiện nhiệm vụ dân tộc, kháng chiến cứu nước.
Năm 1407 cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nước ta bị quân Minh thống trị áp bức bóc lột tàn bạo. Năm 1427 cuộc kháng chiến chống Minh do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo thắng lợi. Năm 1428 triều Hậu Lê được thành lập. Lê Lợi lên ngôi vua xưng là Lê Thái Tổ. Dưới triều Hậu Lê tư tưởng dân chủ, đường lối chính trị thân dân bước sang một giai đoạn mới cao hơn.
Trong nhiều bài chiếu thay Lê Lợi soạn thảo, Nguyễn Trãi khuyên răn các quan lại không được sống xa hoa lãng phí, phải để tâm đến nhân dân, phải “Lo trước cái lo của thiên hạ, không được tham lam lười biếng, phải theo nguyên tắc lấy lòng dân, lấy ý muốn của nhân dân làm ý muốn và chính sách của nhà nước và của quan lại. Bàn bạc công việc thế nào cho thuận lòng dân, không thể lấy điều muốn của một người mà cưỡng ép muôn triệu người phải theo. Từ nay trở đi phàm quan nào nói việc gì, nên lấy việc quân dân làm hơn, không nên lấy tình ý riêng làm trước”. [3].
Tư tưởng dân chủ, thân dân của Nguyễn Trãi là đỉnh cao trong lịch sử tư tưởng dân chủ thời phong kiến. Sau Nguyễn Trãi, bàn về dân chủ sâu sắc và toàn diện thì khó ai bằng ông.
Thế kỷ XVI Đào Duy Từ, nhà quân sự chính trị tài ba, khai quốc công thần của các chúa Nguyễn Đàng Trong cũng nêu lên tư tưởng nhân nghĩa: “Nhân là đức của lòng người. Nếu là tướng mà không dốc lòng nhân thì không thể cố kết nhân tâm được. Nghĩa là lẽ phải để cố kết lòng người. Không có nghĩa thì làm việc không có lẽ phải. Cho nên làm tướng trước hết phải biết nghĩa. Nghĩa đã rõ thì có thể dốc hết lòng trung báo ơn nước, xử sự đúng lẽ phải thì duy trì được lòng người”. [4].
Thời Tây Sơn là thời đầy biến động nên những tư tưởng dân chủ về lý luận rất ít. Nghĩa quân Tây Sơn và ba nhà lãnh đạo của họ: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chủ yếu hành động để thực hiện những tư tưởng dân chủ của nông dân. Đến đây coi như kết thúc những tư tưởng dân chủ, đồng thuận thân dân trong lịch sử tư tưởng phong kiến.
Thương dân phải bảo đảm ruộng đất cho nông dân, chăm lo phát triển nông nghiệp và các ngành nghề khác, khai hoang, miễn giảm tô thuế, không để nông dân bị biến thành nông nô, thi hành dân chủ, đoàn kết dân tộc, lấy xã tắc làm trọng, chăm lo thuỷ lợi, tịch điền…
Tư pháp: Tạo điều kiện cho dân khiếu nại và giải quyết dứt điểm khiếu nại, lấy người tài từ bình dân, trọng dụng trí thức cũ, diệt trừ tham nhũng, pháp luật nghiêm minh, tôn trọng quyền tự trị của công xã. Phải định chính sách với dân tộc thiểu số.
3. Cách thức thực hiện và thực hiện dân chủ đồng thuận, đoàn kết xã hội trong xã hội phong kiến.
a. Thực hiện dân chủ trong kinh tế: Nước ta dưới chế độ phong kiến, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cho nên ruộng đất là tài sản quan trọng có tính chất sống còn của chế độ, của các gia đình quan lại và của đại đa số nông dân. Khát vọng dân chủ của nông dân trước hết là quyền sống và quyền có ruộng đất. Những triều đại tiến bộ muốn chăm lo đời sống của nhân dân trước hết phải thực hiện chính sách để nông dân có ruộng cày cấy và phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Việc suy vi của một triều đại phong kiến Việt Nam do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nông dân bị quý tộc địa chủ phong kiến cướp đoạt ruộng đất, nền kinh tế nông nghiệp sa sút, nhân dân đói khổ, mâu thuẫn giai cấp gay gắt và xung đột giai cấp dẫn tới chiến tranh nông dân và nhiều triều đại bị lật đổ.
Từ triều Ngô đến Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần và Hồ, chế độ phong kiến Việt Nam tồn tại trên cơ sở nền kinh tế điền trang thái ấp. Về danh nghĩa, quyền sở hữu tối cao ruộng đất thuộc nhà vua (nhà nước ). Nhà vua lấy đất đai và các hộ nông dân sinh sống trên đất đó phân phong cho hoàng thân quốc thích, các đại công thần, các tướng lĩnh để họ lập nên hệ thống điền trang thái ấp. Chủ điền trang thái ấp chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu. Quyền sở hữu ruộng đất vẫn thuộc nhà nước. Chủ điền trang thái ấp không được biến nông dân thành nông nô. Điều này ở góc độ xã hội mà nói thì đó là một quy định nhằm bảo vệ người nông dân, bảo vệ và thực thi quyền dân chủ của nông dân ở các công xã.
Điều cơ bản trong việc thực hiện dân chủ, đem lại quyền lợi cho nông dân là nhà nước phong kiến phải bảo đảm cho nông dân có ruộng cày. Bên cạnh đất điền trang thái ấp, nông thôn Việt Nam tồn tại phổ biến hình thức ruộng đất công của công xã nông thôn. Công xã đã chia ruộng đất công cho thành viên của mình cày cấy và sinh sống. Truyền thống này có từ thời Hùng Vương, thời Bắc thuộc và qua các triều đại Ngô-Đinh-Tiền Lê-Lý -Trần-Hồ. Nhà Trần phát triển thêm một bước, đem ruộng đất công bán rẻ theo đơn vị diên (diên là mẫu thời Trần) cho nông dân cày cấy, mỗi diên là 5 quan tiền. Nhà Hậu Lê có bước phát triển đặc sắc hơn, năm 1429 Lê Thái Tổ ban hành chính sách quân điền mà nội dung là lấy ruộng đất công của công xã chia cho cả quan lại và nông dân cày cấy. Quan được số lượng nhiều hơn nông dân. Chính sách quân điền đã bảo đảm ruộng cày cho nông dân, cho những người cô quả, tàn tật, vợ con những người tù tội. Nông dân cày ruộng trở thành tá điền của nhà nước, phải đi lính, đi lao dịch, nộp tô, thuế cho triều đình. Với chính sách này nhà Hậu Lê đã biến công xã nông thôn thành cơ sở bóc lột của nhà nước nhưng mặt tích cực là nông dân có ruộng đất để cày cấy lâu dài. Đến thời Lê Thánh Tông chính sách quân điền được hoàn thiện. Chế độ tư hữu ruộng đất phát triển mạnh. Cho nên từ thời Hậu Lê cho đến khi chế độ phong kiến Việt Nam diệt vong, nền kinh tế của nhà nước phong kiến dựa trên cơ sở địa chủ tá điền.
Các triều đại phong kiến Việt Nam từ Ngô đến Hậu Lê khi tiến bộ đều ra sức chăm lo phát triển nông nghiệp bằng các chính sách đẩy mạnh khai hoang để tăng thêm diện tích cày cấy cho nông dân và lập những làng mới cho họ an cư lập nghiệp. Đẩy mạnh việc đắp, tôn tạo, củng cố và bảo vệ đê điều, đào sông mở mang thủy lợi ở miền đồng bằng trù phú sông Hồng, sông Mã, sông Lam. Đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất. Trên một diện tích thời Trần đã có thể cấy và thu hoạch 4 vụ. Nhà nước ra sức bảo vệ, phát triển lực lượng sản xuất, không chỉ bảo vệ người nông dân khỏi bị chủ đất biến thành nông nô mà pháp luật các triều đại còn nghiêm cấm việc giết trâu, bò nhằm bảo vệ sức kéo. Nhà nước ban bố nhiều đạo luật bảo vệ mùa màng. vua Lê Đại Hành đặt ra lệ “Tịch điền”. Các vua nhà Trần, nhà Hậu Lê thường xuyên vi hành về các vùng nông thôn khảo sát đời sống nông dân, xem xét việc sản xuât nông nghiệp. Người nông dân được hưởng lợi nhiều qua những chính sách kinh tế dân chủ đó.
Khi các triều đại còn hưng thịnh, một trong những chính sách quan trọng của nhà nước đối với nông nghiệp và nông thôn là miễn giảm tô thuế, giảm nhẹ gánh đóng góp của nhân dân, bảo đảm cho dân giàu nước mạnh. Đó là công việc mà các vua đầu triều Lý hay làm. Các vua Lý đã miễn giảm tô thuế, phát chẩn mỗi khi mất mùa đói kém, khi vua mới lên ngôi hay dịp đại lễ của quốc gia. Triều Hậu Lê (giai đoạn Lê Sơ 1428-1527) Nguyễn Trãi đã thay mặt Lê Lợi ban hành nhiều chính lệnh miễn giảm thuế cho nhân dân. “Tha hẳn hai năm điền, tô và các thứ thuế vàng, bạc, đầm nước, đồi nương và bãi dâu. Những người già 70 tuổi trở lên được miễn lao dịch. Nhà nào có người đi lính thì một suất trong nhà được miễn sưu dịch. Trong các hộ, hễ hộ nào thiệt hại vì binh mã thì do quan lộ, sở tại đến khám xét điều tra cho rõ ràng, sẽ tuỳ lựa mà miễn tô, thuế, tha sưu dịch”[5]. Các triều đại đã ban hành nhiều biện pháp “nới sức dân”, hạn chế bớt sự áp bức bóc lột. Bộ “Hình thư” nhà Lý quy định trừng phạt nặng kẻ thu lạm thuế.
Phong trào nông dân Tây Sơn đã thực hiện tư tưởng dân chủ bình đẳng của nông dân bằng hành động thực tế, “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”. Phong trào nông dân Tây Sơn thực hiện bình đẳng toàn diện nhưng chủ yếu thực hiện quyền có ruộng đất của nông dân, đã phân chia lại ruộng đất công làng xã cho nông dân có ruộng cày cấy, bãi bỏ các thứ thuế phi lý dưới thời Trịnh, Nguyễn. Vua Quang Trung đã ban bố nhiều chính sách, trong đó có chính sách giảm thuế cho nông dân, ra nhiều chiếu khuyến khích nông nghiệp. Nhìn chung khởi nghĩa nông dân hay bất cứ một phong trào dân tộc nào muốn thành công đều phải liên hệ nhiều mặt với làng xã về kinh tế, xã hội và quân sự. Phong trào Tây Sơn đã làm được điều đó nên đã thu được nhiều thắng lợi vẻ vang. Phong trào nông dân Tây Sơn là đỉnh cao nhất của phong trào dân chủ, thực hiện dân chủ của nông dân thời kỳ trung đại.
Bên cạnh việc phát triển nông nghiêp, các nhà nước phong kiến Việt Nam cũng đẩy mạnh phát triển công thương nghiệp, buôn bán trong nước và cả với các nước trong khu vực.
b. Cách thức thực hiện dân chủ trong chính trị: Mặc dù chính thể các nhà nước phong kiến Việt Nam là quân chủ chuyên chế tập quyền nhưng truyền thống dân chủ của nhân dân và dân tộc cũng chi phối mạnh mẽ và đôi khi trở thành tập quán chính trị dân chủ. Như khi Đinh Tiên Hoàng mất năm 980, Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi kế vị không đủ năng lực để giải quyết những nhiệm vụ nặng nề của quốc gia khi đó, Thái hậu Dương Vân Nga và triều thần đã đưa Thập đạo tướng quân Lê Hoàn của nhà Đinh lên ngôi vì sự bình yên của dân tộc, của đất nước. Năm 1009 Lê Ngọa Triều mất, triều thần và các sư tăng cao cấp đã tôn Lý Công Uẩn khi đó là Điện tiền chỉ huy sứ (chỉ huy quân cấm vệ của nhà Tiền Lê) lên ngôi lập ra nhà Lý, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho xã hội, cho dân tộc, cho chế độ phong kiến Việt Nam. điều đó chứng minh ý thức và tập quán dân chủ trong chính trị vẫn vô cùng mạnh mẽ. Những nhà lãnh đạo thời đó đã tính đến quyền lợi tối cao của dân tộc chứ không đặt quyền lợi của dòng họ chính thống lên trên. .
Trong các buổi thiết triều của các triều đại, đành rằng vua là người quyết định cuối cùng mọi công việc đại sự quốc gia nhưng trước khi vua quyết định, các đại thần văn võ bá quan được dân chủ bàn bạc. Đây không đơn thuần chỉ là nghi thức tư vấn mà trong khi nghị triều, các quan văn võ đã đóng góp được nhiều ý kiến hay cho vua quyết định, hoặc các quan đã phản ánh tình hình đất nước, nguyện vọng của nhân dân cho vua biết mà đi đến quyết sách đúng. Thực ra đó là nghị triều và là một nền tư vấn dân chủ. Nhà Lý đã nghị triều dân chủ như vậy. Đến nhà Trần càng được phát huy mạnh mẽ. Những công việc quốc gia đại sự nhà Trần đều cho triều đình bàn bạc, bàn bạc giữa những nhà lãnh đạo, bàn bạc với quân đội, bàn bạc với nhân dân. Năm 1282 nguy cơ giặc Nguyên -Mông xâm lược đã tới gần, triều đình nhà Trần đã họp hội nghị Bình Than (một địa danh ở Lục Đầu Giang). Đây là hội nghị của Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông với các vương hầu, quan lại, với các tướng soái cao cấp để bàn kế hoạch kháng chiến, định ra chủ trương đánh giặc cứu nước. Từ hội nghị này, tạo nên sự đồng thuận, nhất trí cao quyết tâm kháng chiến của giới quý tộc lãnh đạo, từ đó tạo nên sự đồng thuận nhất trí toàn thể quân đội và nhân dân.
Không chỉ bàn bạc thống nhất trong triều đình, tướng soái và quan lại mà nhà Trần cũng phát huy dân chủ thống nhất ý chí kháng chiến trong toàn dân. Đầu năm 1285, nguy cơ chiến tranh xâm lược đã đến gần, triều đình Trần triệu tập tất cả các bô lão trong toàn quốc về kinh đô họp hội nghị ở điện Diên Hồng để nhà vua hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão là những người có uy tín nhất ở các làng xã trong toàn quốc, đại biểu của toàn thể nhân dân đã mang đến cho triều đình ý chí của toàn dân quyết đánh giặc, quyết kháng chiến.
(Còn nữa)
CVL
--------------------
[1]. Nguyễn Trãi, Quân Trung Từ mệnh Tập, NXB Sử Học, H. 1961, Thư 19.
[2]. Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Tập 1, NXB Khoa học Xã hội, H. 1971, Tr. 21.
[3]. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, H. 1982, Tập 3, Tr. 71
[4]. Đào Duy Từ, Binh thư yếu lược, phụ hổ trướng khu cơ, H. 1970, Tr. 393.
[5]. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, H. 1982, T3, Tr. 277.