Kỳ 17.
5. 8. Nhà Mạc (1527-1592).
Những năm 20 của thế kỷ XVI, tập đoàn phong kiến mạnh nhất khi đó là họ Mạc thâu tóm hết quyền hành vào tay. Tháng 12 năm 1526, Mạc Đăng Dung giết vua Lê Chiêu Tông. Ngày 15 tháng 6 năm 1527 Mạc Đăng Dung buộc vua Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi cho Dung, sau đó vua và hoàng thái hậu bị Dung giết chết. Khi đó Lê Cung Hoàng mới 21 tuổi, ở ngôi được 5 năm.
Như vậy, thời Lê Sơ kể từ lúc chiến thắng quân Minh, Lê Thái Tổ lên ngôi vua năm 1428 đến Lê Cung Hoàng trải qua 10 đời vua, trị vì 100 năm [1]. Thời Lê Sơ kết thúc mở ra những trang đen tối trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Thời kỳ thịnh trị chấm dứt, thời kỳ suy thoái, nội chiến bắt đầu với cục diện Nam-Bắc triều là biểu hiện đầu tiên.
Việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê chỉ vì quyền lợi ích kỷ của bản thân, của gia đình, dòng họ nên làm cho mâu thuẫn nội bộ giữa các tập đoàn phong kiến càng thêm gay gắt. Các tập đoàn phong kiến khác tìm cách chống đối nhà Mạc. Nguyễn Kim (quê ở Hà Trung, Thanh Hóa), một cựu thần nhà Lê đã tôn phò Lê Duy Ninh, con của Lê Chiêu Tông lên ngôi vua tức là Lê Trang Tông, thành lập Nam Triều ở vùng núi phía Tây Thanh Hoá, giáp biên giới Lào -Việt. Với Lê Trang Tông, thời Lê Trung Hưng (1533-1789) bắt đầu. Tháng 12 năm 1540 Nguyễn Kim kéo quân từ đất Lào đánh chiếm Nghệ An. Cuối năm 1543 Nam Triều chiếm Tây Đô (Thanh Hóa), cuộc nội chiến Nam-Bắc Triều bắt đầu và kéo dài gần 50 năm (1545-1592). Trong gần 50 năm, Nam-Bắc Triều đã đánh nhau 38 trận lớn nhỏ, có những trận quân số mỗi bên huy động lên 10 vạn người, tàn sát nhau khủng khiếp. Năm 1545, Nguyễn Kim kéo quân đến Ninh Bình thì bị nội gián nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết. Khi đó hai con trai của Nguyễn Kim còn nhỏ nên toàn bộ quyền lực ở Nam Triều vào tay con rể là Trịnh Kiểm (quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Năm 1570 Trịnh Kiểm chết, con là Trịnh Tùng thay thế. Ngày 25 tháng 11 năm 1592, quân Trịnh phá tan quân Mạc ở Kim Thành, Thanh Hà (Hải Dương). Vua cuối cùng của nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp bị giết chết. Nhà Mạc diệt vong. Từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp nhà Mạc trãi qua 5 đời vua, trị vì 62 năm[2].
5. 9. Vua Lê -chúa Trịnh (1592-1786)
Cục diện Nam-Bắc Triều kết thúc. Trịnh Tùng đem vua Lê về Thăng Long nhưng không trao chính quyền cho vua Lê mà biến triều đình nhà Lê thành hư vị. Trịnh Tùng buộc vua Lê phong cho mình Đô đốc nguyên suý Tổng quan quốc chính thượng phụ, tước Bình An Vương. Trịnh Tùng chỉ cho vua Lê thu thuế 1.000 xã, 5.000 quân túc vệ, 7 con voi và 20 chiếc thuyền rồng. Trịnh Tùng cho thiết lập một triều đình riêng-Phủ Chúa và một bộ máy hành chính riêng thâu tóm toàn bộ quyền lực vào tay. Cục diện vua Lê-Chúa Trịnh manh nha từ thời Nam-Bắc triều bây giờ thành sự thực. Mâu thuẫn giữa hai tập đoàn phong kiến Lê -Trịnh thường bùng phát với xu hướng triều đình nhà Lê bị chèn ép, nhiều vua Lê bị chúa Trịnh giết hại. Năm 1572 Trịnh Tùng đã giết chết vua Lê Anh Tông (Lê Duy Bang) ở Lỗi Dương (Thanh Hoá) khi nhà vua mới 42 tuổi. Năm 1595 trước sự áp chế quá đáng của Trịnh Tùng, vua Lê Kính Tông mưu giết chúa Trịnh. Việc bại lộ, nhà vua bị Trịnh Tùng giết hại năm mới 32 tuổi. Từ đó các vua Lê đành nuốt hận nhưng phải hoàn toàn khuất phục
5. 10. Chúa Nguyễn (1558-1784).
Trong khi cục diện Nam-Bắc Triều chưa kết thúc thì mâu thuẫn trong các tập đoàn phong kiến Nam Triều Trịnh -Nguyễn đã bùng phát. Sau khi thâu tóm quyền hành vào tay, Trịnh Kiểm đã giết chết em vợ là Nguyễn Uông (con cả Nguyễn Kim). Tính mệnh Nguyễn Hoàng, em Nguyễn Uông cũng bị đe dọa. Nghe theo lời Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một giải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời), Nguyễn Hoàng nhờ chị gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin Kiểm cho Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Trịnh Kiểm đồng ý với hi vọng Nguyễn Hoàng sẽ chết trong vùng đất khắc nghiệt. Năm 1558 Nguyễn Hoàng khi đó mới 34 tuổi được phong làm trấn thủ Thuận Hoá (ngày nay bao gồm Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam). Hoàng đã đem theo nhiều nghĩa dũng đồng hương Thanh Hóa vào lập nghiệp đất Đàng Trong. Từ năm 1558 đến năm 1619 là thời kỳ Nguyễn Hoàng và sau đó con là Nguyễn Phúc Nguyên ra sức xây dựng phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi Đàng Trong, xây dựng thực lực để trở thành một giang sơn riêng biệt. Mặt khác vẫn thần phục vua Lê chúa Trịnh. Từ năm 1619 trở đi khi thực lực đã mạnh, họ Nguyễn không phục tùng Lê-Trịnh nữa và bắt đầu cuộc nội chiến lâu dài khốc liệt giữa hai tập đoàn phong kiến lớn Trịnh-Nguyễn. Năm 1619 Trịnh Tùng đem quân chinh phạt họ Nguyễn mở đầu cho cuộc nội chiến. Từ năm 1627 đến năm 1672 hai bên đã 7 lần đánh nhau. Các vùng Quảng Bình, Nghệ An quanh năm bị biến thành bãi chiến trường núi xương, sông máu, gây bao nhiêu tang tóc đau thương cho nhân dân hai miền Nam-Bắc. Cuộc nội chiến kéo dài hàng trăm năm không phân thắng bại, cuối cùng hai bên phải lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm ranh giới, phía Bắc trở ra gọi là Đàng Ngoài, phía Nam trở vào gọi là Đàng Trong. Sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị các tập đoàn phong kiến phá vỡ vì quyền lợi ích kỷ của mình. Trong suốt thế kỷ XVII các chúa Nguyễn nhân cơ hội quốc gia Chiêm Thành ở phía Nam suy vong, tiến hành mở rộng lãnh thổ từ Quảng Ngãi xuống Bình Thuận. Phía Nam Bình Thuận là Thủy Chân Lạp của vương quốc Chân Lạp cũng đang trên đường suy vong tạo ra khoảng trống quyền lực, đất đai hoang hoá. Các chúa Nguyễn tiếp tục cho cư dân tiến vào phía Nam khai hoang phục hoá mở rộng lãnh thổ Đàng Trong đến Mũi Cà Mau, Rạch Giá vào cuối thế kỷ XVII.
Sang thế kỷ XVIII chế độ phong kiến Việt Nam bước vào cuộc khủng hoảng toàn diện và ngày càng sâu sắc.
Như vậy qua 500 năm xây dựng và phát triển, vào thế kỷ XVI chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu suy thoái và vào thế kỷ XVIII bước vào cuộc khủng hoảng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, tư tưởng, đạo đức. Các tập đoàn phong kiến chỉ biết quan tâm đến quyền lợi của bản thân gia đình và dòng họ, gây nội chiến chiến tranh tranh giành quyền lực, phá vỡ sự thống nhất đất nước, cam tâm bóc lột nhân dân một cách tàn bạo để ăn chơi sa đọa, đẩy nhân dân vào con đương khổ nhục, đói khát, mất ruộng đất nhà cửa, phiêu tán, chết chóc do đói khổ, chiến tranh. Chính sách phản động của nhà nước phong kiến đã triệt tiêu nền kinh tế hàng hoá thị trường, những nhân tố kinh tế tư bản chủ nghĩa không ra đời được, tức là Việt Nam vào thế kỷ XVIII vẫn không có những nhân tố mới để đưa xã hội phát triển theo chiều hướng tiến bộ chung của thời đại khi đó. Việt Nam vẫn bị giam hãm trong vòng xã hội phong kiến đã cực kỳ thối nát. Nguyên nhân khủng hoảng của chế độ phong kiến nằm ngay trong tư tưởng ích kỷ của giai cấp cầm quyền, thói tham lam vô hạn độ đã làm cho chúng không còn tư tưởng vì dân vì nước, quên mất đạo đức thánh hiền, quên mất nguyên lý “Dân vi bản”. Trong các thế kỷ này, tư tưởng cá nhân, dòng họ, tập đoàn chi phối toàn bộ các hoạt động, các chính sách của nhà nước. Cả dân tộc và nhân dân là nạn nhân của chính sách ích kỷ ấy của giai cấp cầm quyền.
Những nhiệm vụ cấp thiết của lịch sử Việt Nam khi đó là phải lật đổ chế độ phong kiến, đưa Việt Nam sang một hình thái kinh tế xã hội cao hơn: Hình thái kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa, mở đường cho xã hội Việt Nam phát triển. Tức là xã hội Việt Nam khi đó cần có một cuộc cách mạng dân chủ tư sản, lật đổ chế độ phong kiến, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển, mang lại ruộng đất cho nông dân, quyền dân chủ cho nhân dân.
Bi kịch của lịch sử ở chỗ làViệt Nam khi đó chưa có những tiền đề kinh tế, xã hội, tư tưởng cho một cách mạng tư sản do chính sách ức thương của nhà cầm quyền phong kiến. Giai cấp tư sản Việt Nam chưa ra đời để lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc cách mạng tư sản. Vì thế giai cấp nông dân, để cứu mình, cứu nước đã đứng dậy tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt chống chế độ phong kiến nhằm giải quyết những nhiệm vụ mà lịch sử đang đặt ra cho giai cấp, cho dân tộc trong thời đại đó
5. 11. Nhà Tây Sơn (1771-1802).
Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ năm 1771 ở ấp Tây Sơn thuộc huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định ngày nay). Sau 4 lần vào Gia Định tiến công liên tục, dũng mãnh trên khắp các mặt trận, quân Tây Sơn đã lật đổ nền thống trị của chúa Nguyễn tồn tại suốt 200 năm với 9 đời chúa, tiêu diệt hầu như toàn bộ quân Nguyễn, giải phóng toàn Gia Định. Ngày 18 tháng 9 năm 1777, chúa Nguyễn Phúc Dương cùng 18 tướng lĩnh và toàn bộ quân đội bị bắt và bị hành hình. Chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy về Định Tường, sau đó bị bắt ở Long Xuyên và bị giết chết ngày 19 tháng 10 năm 1777 lúc Thuần mới 24 tuổi. Chỉ còn Nguyễn Phúc Ánh khi đó 15 tuổi chạy thoát.
Do Nguyễn Ánh cầu cứu, triều đình Xiêm La cử thủy binh tiến vào xâm lược miền Nam nước ta. Tây Sơn lại mở cuộc phản công tiêu diệt quân thù. Tháng 12 năm 1784 thủy quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy từ Quy Nhơn tiến vào Gia Định rồi tiến thẳng vào Mỹ Tho (Định Tường). Trên đoạn sông Rạch Gầm-Xoài Mút của sông Mỹ Tho, Nguyễn Huệ bố trí một trận địa mai phục bao gồm thuỷ quân, bộ binh và pháo binh (pháo đặt ở các cù lao). Ngày 20 tháng 1 năm 1785, chiến thuyền quân Tây Sơn khiêu chiến và dụ được toàn bộ binh thuyền của quân Xiêm từ tổng hành dinh Sa Đéc vận động đuổi đánh quân Tây Sơn trên sông Mỹ Tho. Toàn bộ quân địch lọt vào trận địa mai phục và bị quân Tây Sơn đánh giết dữ dội. Chỉ trong 1 ngày, 4 vạn thuỷ binh, 400 chiến thuyền của Xiêm La cùng 4.000 quân Nguyễn Ánh bị tiêu diệt. Hai tướng Xiêm Chiêu Tăng, Chiêu Sương may mắn thoát chết chạy một mạch về Xiêm La. Sau trận này, người Xiêm sợ quân Tây sơn như sợ cọp. Nguyễn Ánh chạy ra đảo Thổ Chu, sau đó sang Xiêm lánh nạn. Đây là chiến thắng lừng lẫy, oanh liệt của quân Tây Sơn. Chiến thắng đã đè bẹp ý đồ bành trướng xâm lược của vương quốc Xiêm La đối với Đại Việt, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cực Nam của tổ quốc, trừng trị đích đáng hành động bán nước của Nguyễn Phúc Ánh. Từ vùng dậy làm nhiệm vụ giải phóng giai cấp, phong trào Tây Sơn đã vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc, đánh bại kẻ thù dân tộc, bảo vệ độc lập của tổ quốc. Ở chiến dịch Rạch Gầm-Xoài Mút, nghệ thuật quân sự của quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy thiên tài của Nguyễn Huệ được nâng cao hơn một bước.
Sau trận Rạch Gầm-Xoài Mút, lực lượng của Nguyễn Ánh hầu như bị quét sạch khỏi Gia Định (toàn bộ miền Nam tính từ Đồng Nai trở vào). Tây Sơn hầu như hoàn toàn làm chủ được miền đất Gia Định.
Trong 9 ngày của tháng 6 năm 1786, chỉ với 1vạn quân, Nguyễn Hụê đã tiêu diệt 3 vạn quân và nhiều đại tướng già dặn của quân Trịnh, hoàn thành chiến dịch Phú Xuân, làm chủ Hải Vân-Phú Xuân và một miền đất đến tận Nam sông Gianh. Tây Sơn làm chủ toàn bộ Đàng Trong.
Với ý chí thống nhất đất nước mạnh mẽ, Nguyễn Huệ đã vượt qua ý muốn của Nguyễn Nhạc, vạch kế hoạch tiến quân ra Bắc, lật đổ chế độ phong kiến nhà Trịnh. Quyết định của Nguyễn Huệ có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đưa phong trào nông dân Tây Sơn có quy mô cả nước, biểu hiện nhu cầu bức thiết của lịch sử, của nhân dân khi đó: Thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc.
Thực hiện chiến dịch tấn công ra Bắc Hà, Nguyễn Hụê dùng 1.400 chiến thuyền đánh chiếm Vị Hoàng (Nam Định). Ngày 18 tháng 7 thủy quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy nhanh chóng tiêu diệt ba đạo chủ lực quân Trịnh ở miền Hải Dương. Sớm 19 tháng 7 năm 1786 Nguyễn Huệ tiến vào Phố Hiến (Hưng Yên) thủ phủ trấn Sơn Nam. Từ Phố Hiến quân Tây Sơn tiến đánh Thăng Long. Ngày 21 tháng 7 quân Tây Sơn tiêu diệt thủy quân Trịnh ở bến Nam Dư (Nay là xã Trần Phú, Thanh Trì, Hà Nội). Chúa Trịnh Khải bỏ chạy lên Sơn Tây nhưng bị Nguyễn Trang bắt và tự sát chết. Cơ đồ nhà Trịnh bắt đầu từ Trịnh Kiểm (1645-1570) đến vị chúa cuối cùng là Trịnh Khải (1782-1786) kéo dài 248 năm, trải qua 11 đời chúa thì sụp đổ. Tháng 4 năm 1788 Nguyễn Huệ đem tượng binh và bộ binh đi gấp từ Phú Xuân ra Thăng Long giết Vũ Văn Nhậm làm phản, chỉ 10 ngày ra tới nơi và giết chết Vũ Văn Nhậm. Vua Lê Chiêu Thống do quá hoảng sợ chạy sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh để mong giữ vững ngai vàng. Đến đây chấm dứt thời Lê Trung Hưng (1533-1789).
Triều Hậu Lê do Lê Thái Tổ sáng lập sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi. Đời Lê Sơ từ đời Lê Thái Tổ (1428-1433) đến đời Lê Cung Hoàng (1522-1527) trải qua 10 đời vua. Đời Lê Trung Hưng tồn tại song song với nhà Mạc, với Trịnh-Nguyễn, Tây Sơn trải qua 18 đời vua, từ Lê Trang Tông (1533-1548) cho đến vua cuối cùng là Lê Chiêu Thống (1787-1789). Tổng cộng triều Hậu Lê trị vì được 361 năm, trải qua 24 đời vua.
Vốn có dã tâm xâm lược nước ta, lại được Lê Chiêu Thống cầu cứu, vua Càn Long nhà Thanh (Trung Quốc) điều động 29 vạn quân chiến đấu, 60 vạn dân binh phục vụ mở cuộc tấn công quy mô lớn vào nước ta. Quân Thanh chia làm 4 đạo tiến vào Đại Việt: Đạo chủ lực chiếm phần lớn binh lực do Tôn Sĩ Nghị, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) với chức “Chinh man Đại tướng quân” chỉ huy theo đường Lạng Sơn tiến xuống, đạo thứ hai do tri phủ Sầm Nghi Đống từ Cao Bằng tiến vào, đạo thứ ba do đề đốc Ô Đại Kinh tiến theo đường Tuyên Quang, đạo thứ tư từ Quảng Ninh đánh vào miền Đông Bắc.
Đêm 25 tháng 12 năm 1789 (30 tháng 12 âm lịch), quân Tây Sơn do vua Quang Trung Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, với chiến lược tấn công dũng mãnh thần tốc táo bạo đã tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược chỉ trong 5 ngày. Ngày 5 Tết âm lịch 1789 vua Quang Trung đã giải phóng Thăng Long và toàn bộ miền Bắc.
5. 12. Vương triều Nguyễn (1802-1945)
Năm 1784 khi Nguyễn Huệ lật đổ chúa Nguyễn thì Nguyễn Phúc Ánh khi đó 16 tuổi chạy thoát. Do sai lầm của Nguyễn Lữ để cho miền đất Gia Định lọt vào tay Nguyễn Ánh. Từ đó Nguyễn Ánh đã xây dựng lực lượng luôn tấn công nhà Tây Sơn. Năm 1792 Nguyễn Huệ mất đột ngột làm ưu thế nghiêng về Nguyễn Ánh.
Năm 1801 Nguyễn Ánh đem lực lượng tấn công chiếm kinh thành Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh phải chạy ra Bắc Hà. Tháng 3 năm 1802 Trấn Dinh (Nghệ An) lọt vào tay quân Nguyễn Ánh. Năm 1802 Nguyễn Ánh chiếm Thăng Long. Triều Tây Sơn sụp đổ.
Vương Triều Tây Sơn kể từ Thái Đức Nguyễn Nhạc đến Cảnh Thịnh hoàng đế tồn tại được 25 năm với các vị vua: Thái Đức Hoàng đế Nguyên Nhạc (1778-1793), Quang Trung hoàng đế Nguyễn Huệ (1789-1792) và Cảnh Thịnh hoàng đế Nguyễn Quang Toản (1793-1802). [3]
Sau khi lật đổ nhà Tây Sơn, năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua lập ra vương triều Nguyễn, đổi quốc hiệu Đại Việt thành Việt Nam (còn có tên Đại Nam), kinh đô Phú Xuân (Huế). Nguyễn Ánh lấy niên hiệu Gia Long, xây dựng một chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế cực đoan. Vua của Vương triều Nguyễn nắm toàn bộ quyền lực, giành lấy quyền khống chế cả nước, quyết định mọi công việc lớn nhỏ từ trung ương đến địa phương. Để tăng cường quyền lực cho vua, nhà Nguyễn đặt ra lệ 4 không: Không đặt chức tể tướng, không lấy học vị trạng nguyên trong thi cử, không đặt chức hoàng hậu trong tam cung, không phong vương cho hoàng thân quốc thích.
(Còn nữa)
CVL
[1] :Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng:Các triều đại Việt Nam, sách đã dẫn, tr. 175-176.
[2] :Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam, sách đã dẫn, trang 194.
[3] :Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng: Các triều đại Việt Nam, sách đã dẫn, trang 241.