Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 19

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 19.

-Cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Kỳ, Bắc Kỳ:

Phong trào Cần Vương do các cá nhân phong kiến yêu nước lãnh đạo: Sau khi Tự Đức chết, quyền lực triều đình Huế rơi vào tay Hội đồng phụ chính mà người đứng đầu là Tôn Thất Thuyết thuộc phái chủ chiến. Ông đã phế truất các vua thân Pháp như Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc và đưa Hàm Nghi lên ngôi.

 Ngày 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết cho quân đội đánh vào đồn binh Pháp và tòa Khâm sứ nhưng thất bại. Quân Pháp mở cuộc phản công và kinh thành Huế thất thủ. Tôn Thất Thuyết đem vua Hàm Nghi lên sơn phòng Quảng Trị. Ngày 13 tháng 7 năm 1885 vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, kêu gọi các văn thân và sĩ phu nổi dậy đánh Pháp, giúp vua cứu nước. Lời kêu gọi của vua Hàm Nghi đã dấy lên một phong trào chống Pháp mạnh mẽ ở Bắc và Trung Kỳ: Phong trào Cần Vương. Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Duy Cung, Bùi Điền, Nguyễn Đức Nhuận, Phạm Toản hoạt động ở Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định. Lê Trung Đình, Nguyễn Tú Tân, Nguyễn Bá Loan, Trần Văn Dự, Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Hàm đánh Pháp ở Quảng Ngãi, Quảng Nam. Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Nguyễn Tự Như, Trương Đình Hội, Đặng Hữu Phổ, Hoàng Văn Phúc hoạt động ở Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên. Nghĩa quân của Lê Ninh, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ, Phạm Cát Thu, Nguyễn Đôn Tiết, Nguyễn Hanh, Đinh Nha Hạnh, Nguyễn Phương, Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Trần Xuân Soạn, Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Cao Điền đánh Pháp ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá. Ở Thái Bình, Nam Định có nghĩa quân Tạ Hiên, Lã Xuân Uy, Đỗ Huy Liệu, Vũ Đức Lợi, Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Cao, Đốc Tích hoạt động ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh. Ở Phú Thọ có nghĩa quân Trần Văn Giáp. Vùng Tây Bắc có nghĩa quân Nguyễn Quang Bích. Phong trào Cần Vương bắt đầu từ năm 1885 kéo dài cho đến hết thế kỷ XIX, kể cả sau khi vua Hàm Nghi bị bắt (1-11-1888). Trong đó khởi nghĩa Ba Đình (Thanh Hóa), khởi nghĩa Bãi Sậy (Hưng Yên), khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) là tiêu biểu nhất cho phong trào Cần Vương rộng lớn.

 Khởi nghĩa Ba Đình năm 1886-1887 do Đốc học Phạm Bành (quê ở Thanh Hóa), Đề đốc Đinh Công Tráng (quê ở Hà Nam) và Nguyễn Khế lãnh đạo. Nghĩa quân dựa vào 3 làng Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh (Nga Sơn, Thanh Hoá) xây dựng thành cứ điểm Ba Đình chống Pháp.

 Khởi nghĩa Bãi Sậy (1885-1892) do Nguyễn Thiện Thuật (quê ở Hưng Yên) lãnh đạo. Nghĩa quân xây dựng căn cứ ở Bãi Sậy thuộc các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Mỹ Hào (Hưng Yên).

 Khởi nghĩa Hương Khê, Hà Tĩnh (1885-1896) do Phan Đình Phùng (quê ở Hà Tĩnh) lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất, lâu dài nhất của phong trào Cần Vương. Tham gia nghĩa quân có các tướng lĩnh xuất sắc như Cao Thắng, Nguyễn Chanh, Cầm Bá Thước. Nghĩa quân dựa vào rừng núi hiểm trở Hương Khê (Hà Tĩnh) làm căn cứ nhưng địa bàn hoạt động của nghĩa quân bao gồm cả Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Bình. Pháp mở những cuộc tấn công lớn. 28-12-1895 Phan Đình Phùng mất tại núi Quạt. Địch dùng 300 quân càn quét vào căn cứ. Khởi nghĩa đến đây thất bại. Phan Đình Phùng là người yêu nước điển hình của phong trào Cần Vương. Khởi nghĩa tồn tại lâu dài do biết sáng tạo và biết dựa vào nhân dân. Sau Hương Khê, phong trào Cần Vương chấm dứt nhưng nhiều nhà Nho yêu nước vẫn nổi dậy đánh Pháp như Võ Trứ, Kỳ Đồng, Mạc Đỉnh Phúc, Vương Quốc Chính.

 Phong trào chống Pháp của giai cấp nông dân: Giai cấp nông dân ngoài tham gia vào phong trào Cần Vương do các sĩ phu, văn thân yêu nước lãnh đạo còn tự mình đứng lên chống Pháp xâm lược. Nghĩa quân của Quản Báo, Lãnh Pha, Lãnh Hi, Đốc Nghi hoạt động ở Đông Triều Quảng Ninh.

 Trong số các cuộc khởi nghĩa nông dân, lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Đề Thám (Hoàng Hoa Thám quê ở Hưng Yên) lãnh đạo bùng nổ vào năm 1885. Yên Thế trở thành một căn cứ chống Pháp mạnh nhất thời kỳ đó, gây cho Pháp nhiều khó khăn trong công cuộc bình định. Từ năm 1890 có nhiều trận đánh dữ dội đã nổ ra. Ngày 29 tháng 1 năm 1909 Pháp mở cuộc tấn công đại quy mô do viên đại tá Batay chỉ huy phối hợp với tên việt gian Lê Hoan. Nghĩa quân Yên thế chiến đấu dũng cảm nhưng các tướng lĩnh lần lượt hi sinh. Hoàng Hoa Thám chạy về miền núi Tam Đảo (Thái Nguyên) và bị một tên phản bội giết hại. Khởi nghĩa Yên Thế thất bại sau 24 năm tồn tại.

 Không chỉ người Kinh mà đồng bào dân tộc thiểu số cũng đứng lên chống Pháp anh dũng. Người Thượng, người Khơ me tham gia chiến đấu trong các cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định, Trương Quyền, Thiên Hộ Dương ở Nam kỳ. Các thủ lĩnh người Thượng như Nơ tơ roong, An ma giơ hao, A ma van lãnh đạo người Thượng nổi dậy ở Tây Nguyên. Ở Bắc và Trung Kỳ đồng bào thiểu số theo ngọn cờ của các thủ lĩnh của họ nổi dậy. Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao lãnh đạo người Mường, người Thái ở Thanh Hoá, Hoà Bình. Người Thái ở Sơn La, Lai Châu nổi dậy với sự chỉ huy của Đèo Văn Toa, Cầm Văn Thanh, Cầm Văn Hoan, Thào Chếnh Lù. Đặng Trúc Thành chỉ huy người Mông và người Dao khởi nghĩa ở Yên Bái. Hà Cốc Thượng nổi dậy với người Mông ở Hà Giang, Tuyên Quang. Ở Đông Triều có nghĩa quân người Hoa của Lưu Kỳ.

-Phong trào đấu tranh mang xu hướng tư sản:

 Phan Bội Châu và phong trào Đông du (1901-1908): Vào đầu thế kỷ XX do cuộc khai thác lần thứ nhất của Pháp, kinh tế, xã hội Việt Nam chuyển biến đã làm chuyển biến tư tưởng, từ đó xuất hiện những xu hướng mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Vả lại, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo xu hướng và phương pháp cũ đã thất bại. Một số sĩ phu phong kiến thức thời tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản Tây Âu đã khởi xướng lên phong trào giải phóng dân tộc theo xu hướng tư sản mà người tiêu biểu là cụ Phan Bội Châu. Phan Bội Châu sinh năm 1867 ở huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Tháng 5 năm 1904 Phan Bội Châu thành lập Hội duy tân ở Quảng Nam. Tham gia Hội có các sĩ phu như Nguyễn Hàm, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân, Kỳ ngoại Hầu Cường Để (cháu 6 đời vua Gia Long) được tôn làm Hội chủ. Mục đích của Hội duy tân là dùng vũ trang bạo động đánh đuổi giặc Pháp, thành lập quốc gia độc lập theo chế độ quân chủ nghị viện. Phan Bội Châu chủ trương dựa vào Nhật Bản để đánh Pháp. Ông tạo nên phong trào Đông du nổi tiếng, đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản du học. Phan Bội Châu đã nêu lên một trong những nhân tố thành công của cách mạng Việt Nam là đoàn kết dân tộc để tạo nên sức mạnh. Ông cũng là người đầu tiên chỉ phương hướng ra nước ngoài tìm con đường cứu nước. Người đầu tiên đặt nền móng cho quan hệ Việt -Nhật sau này.

 Xu hướng ôn hòa cách mạng của Phan Chu Trinh: Phan Chu Trinh sinh năm 1872 ở Tiên Phước, Quảng Nam, đỗ Phó bảng năm 1901, 1903 làm Thừa biện Bộ lễ. Trong khi Phan Bội Châu chủ trương bạo động để giải phóng dân tộc thì Phan Chu Trinh muốn dựa vào thực dân Pháp, đánh đổ nền quân chủ chuyên chế, giành tự do dân chủ cho nhân dân. Theo Phan Chu Trinh nhờ dựa vào Pháp cải cách mà trình độ dân trí, dân khí của nhân dân ta được nâng cao, khi đó mới nói đến việc giành độc lập dân tộc. Chủ trương của Phan Chu Trinh được sự ủng hộ của Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyên (Quảng Nam), Nguyễn Bá Loan, Lê Tựu Thiết, Nguyễn Mai, Lê Đình Cẩn (Quảng Ngãi), Đặng Nguyên Cẩn (Nghệ An). Vì chủ trương ôn hòa cải cách nên Phan Chu Trinh kịch liệt phản đối chủ trương bạo động chống Pháp của Phan Bội Châu.

 Năm 1907 Phan Chu Trinh gửi thư cho Toàn quyền Bô, sau đó ông đi khắp nơi diễn thuyết đề cao dân quyền, hô hào thực hiện cải cách, gây nên phong trào rầm rộ ở Trung Kỳ như mở hiệu buôn, mở trường học, hô hào dùng chữ quốc ngữ (chữ cái La tinh ghi âm Việt), thể thao, cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn trang phục kiểu Âu -Tây.

 Dù chủ trương ôn hòa cải cách nhưng Phan Chu Trinh kịch liệt đã kích vào chế độ quan lại, phong kiến thối nát, điều đó đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Hơn nữa, ở một nước thuộc địa khi mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân, phong kiến đã cực kỳ gay gắt thì mọi chủ trương ôn hòa khi đi vào nhân dân vẫn biến thành bạo động như vụ chống thuế ở Trung Kỳ năm 1908. Vì thế, dù là ôn hòa cải cách cũng làm cho thực dân Pháp khiếp sợ.

 -Trường Đông kinh nghĩa thục: Do ảnh hưởng tư tưởng cải cách của Phan Chu Trinh, tháng 3 năm 1907, một nhóm sĩ phu yêu nước như Lương Văn Can (quê ở Hà Đông), Nguyễn Quyền (quê ở Bắc Ninh), Đào Nguyên Phổ, Phan Tuấn Phong, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Vũ Hoành, Phan Đình Đối, Phan Huy Thịnh, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Tăng Bí, Đặng Kính Luân, Nguyễn Văn Vĩnh đã thành lập Trường Đông Kinh Nghĩa thục tại Hàng Đào, Hà Nội. Nhà trường được phụ huynh học sinh và các nhà yêu nước ủng hộ tài chính. Trường có tới hàng nghìn học sinh gồm nam nữ, già trẻ. Nhà trường có ký túc cho học sinh ở. Học sinh không phải đóng học phí, còn được cấp giấy, bút, sách, vở. Trường có 4 ban: Ban giáo dục, Ban Tài chính, Ban Cổ động và Ban Trước tác. Học sinh học tập và nghiên cứu các môn: Lịch sử, Địa lý, Khoa học thường thức, chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp. Các kinh điển Nho giáo lỗi thời bị gạt bỏ khỏi chương trình. Nhà trường còn hô hào thực nghiệp buôn bán, bài trừ mê tín dị đoan, chống lối học hành thi cử xa rời thực tế, đả kích phong kiến tham quan ô lại, phê phán các nhà Nho thủ cựu, hô hào mở mang dân trí, chấn hưng công thương nghiệp, cổ vũ tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc. Đông Kinh Nghĩa Thục biên soạn nhiều sách giáo khoa tiến bộ, yêu nước lưu hành rộng rãi trong học sinh với nội dung tấn công vào chế độ thực dân, phong kiến. Đông Kinh Nghĩa Thục thực chất là một tổ chức cách mạng dùng trường học tuyên truyền cho một nền văn hoá dân tộc, dân chủ, cổ vũ cho phong trào đổi mới, nâng cao dân trí, dân khí của nhân dân. Ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục lan tràn khắp Bắc và Trung Kỳ. Đông Kinh Nghĩa Thục cũng gắn bó quan hệ với phong trào Đông Du. Thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu được dùng giảng dạy trong trường. Đồng lợi tế, Đồng thành xương là hai hiệu buôn của Đông Kinh Nghĩa Thục, cũng là cơ quan bí mật của phong trào Đông Du.

 Tháng 12 năm 1907 thực dân pháp đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục, bắt Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Lê Đại. Pháp còn cấm nhân dân không được lưu hành, tàng trữ tài liệu của nhà trường.

 Cống hiến to lớn của Đông Kinh Nghĩa Thục là ở chỗ tuyên truyền cổ động cho phong trào cách mạng, động viên tinh thần yêu nước, vận động nhân dân chuẩn bị bạo động vũ trang, chỉ cho nhân dân biết hướng tới những tri thức mới, góp phần vào việc phát triển văn hoá, ngôn ngữ dân tộc.

 -Phong trào đấu tranh của tư sản, tiểu tư sản: Thực dân Pháp thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai, đẩy mạnh, tăng cường áp bức bóc lột nhân dân Đông Dương trong đó có Việt Nam, làm cho mâu thuẫn dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp cực kỳ gay gắt. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời trong cuộc khai thác lần thứ nhất bây giờ phát triển về chất lượng và số lượng. Giai cấp tư sản Việt Nam ra đời. Tầng lớp tiểu tư sản ngày càng đông đảo. Các giai cấp mới bước lên vũ đài chính trị làm cho phong trào giải phóng dân tộc ngày càng rõ nét xu hướng mới.

 Ngày 10 tháng 2 năm 1930, khởi nghĩa bùng nổ do Việt Nam Quốc Dân Đảng, đảng của tư sản dân tộc và tiểu tư sản lãnh đạo. Khởi nghĩa bùng nổ ở Yên Bái, Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ, Sơn Tây, Phả Lại, Kiến An. Hà Nội chỉ ném tạc đạn phối hợp. Pháp nhanh chóng dập tắt được khởi nghĩa ở các địa phương. Ngày 15 tháng 2 năm 1930 thực dân Pháp dùng máy bay ném bom triệt hạ làng Cổ Am (Hải Dương). Hầu hết các lãnh tụ chủ chốt đều sa vào tay giặc, trong đó có lãnh tụ Đảng Nguyễn Thái Học. Khởi nghĩaYên Bái hoàn toàn thất bại và Việt Nam Quốc dân Đảng hoàn toàn bị Pháp tiêu diệt. 12 lãnh tụ Việt Nam quốc dân Đảng bị pháp hành hình ở pháp trường Yên Bái.

 Khởi nghĩa Yên Bái thất bại chấm dứt cuộc đấu tranh nhằm giành quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam của tư sản dân tộc quốc gia. Tư tưởng của tầng lớp này hoàn toàn thất bại trước nhiệm vụ lịch sử. Ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ nay về tay giai cấp vô sản. Khởi nghĩa Yên Bái đã cổ vũ lòng yêu nước, chí căm thù giặc của nhân dân ta. Khởi nghĩa tô thêm truyền thống bất khuất của dân tộc.

 -Phong trào của tiểu tư sản: Tầng lớp tiểu tư sản phát triển mạnh và ra đời trong cuộc khai thác lần thứ hai. Vì thế, trong những năm 20 thế kỷ của thế kỷ XX, phong trào tiểu tư sản phát triển mạnh mẽ. Họ thành lập các tổ chức chính trị. Sự phân hoá của Việt Nam Quang phục Hội đưa đến ra đời Tâm Tâm Xã (Tân Việt thanh niên đoàn) năm 1925 gồm Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, định ra điều lệ với mục đích giải phóng dân tộc, đem lại nhân quyền và hạnh phúc cho nhân dân. Ngày 19 tháng 6 năm 1924, một chiến sĩ của Tâm Tâm Xã là Phạm Hồng Thái (1895-1924) đã ném tạc đạn vào bàn tiệc chiêu đãi toàn quyền Đông Dương Méc lanh ở khách sạn Vích to ri a ở Sa Điện (Tô giới Pháp gần Quảng Châu). Méc lanh thoát chết. Bị cảnh sát truy đuổi gắt gao, Phạm Hồng Thái nhảy xuống sông Châu Giang và hi sinh anh dũng. Tiếng bom Sa Điện báo hiệu một giai đoạn đấu tranh mới của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam.

 Năm 1925 những sinh viên yêu nước của trường Cao đẳng Hà Nội gồm Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Lê Văn Huân, Phạm Triều, Trần Mộng Bạch, Nguyễn Đình Kiên thành lập Việt Nam nghĩa hoà đoàn, sau đổi thành Hội phục Việt, rồi Hưng Nam. Hội hoạt động tích cực trong cuộc đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu.

 Tháng 3 năm 1926 nhóm thanh niên yêu nước gồm Nguyễn Trọng Hi, Trần Huy Liệu thành lập Đảng Thanh niên ở Sài Gòn nhưng Đảng không có điều lệ, cương lĩnh và hệ thống tổ chức. Đảng hoạt động mạnh trong phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, cổ động cho cuộc tổng đình công lớn ở Sài Gòn đòi Pháp trả tự do cho nhà báo Nguyễn An Ninh.

 -Phong trào vô sản: Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 là sự kiện thế giới tác động mạnh mẽ nhất đến cách mạng Việt Nam. Cuộc cách mạng này kết thúc thời kỳ lịch sử cận đại, mở ra thời đại mới cho lịch sử toàn thế giới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, trong đó diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp xem ai thắng ai giữa vô sản với tư sản trên phạm vi thế giới. Cách mạng tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc thuộc địa, đặt các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa vào phạm trù của cách mạng vô sản. Từ trong bão táp rung chuyển của cuộc cách mạng này, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga, năm1922 là Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) đã tích cực giúp đỡ tinh thần và vật chất cho phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1919 Quốc tế Cộng sản được thành lập. Đây là tổ chức không chỉ của phong trào vô sản thế giới mà còn là tổ chức của phong trào giải phóng dân tộc, giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa châu Á, châu Phi.

 Trong hoàn cảnh quốc tế đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đi sang phương Tây tìm con đường cứu nước và năm 1920 tại Pa ri (Pháp) Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc từ trong “Luận cương về vấn đề dân tộc thuộc địa” của Lênin, đó là con đường theo chủ nghĩa Mác-Lênin, giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản. Những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tìm ra con đường cứu nước, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào Việt Nam đã tác động to lớn đến cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi vào quỹ đạo cách mạng vô sản, trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới.

(Còn nữa)

CVL