Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 25

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ 25.

 Sự phát triển chính sách tăng cường đầu tư, đẩy mạnh khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã đưa lại một hệ quả ngoài ý muốn chủ quan của chúng. Đó là sự trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng của giai cấp công nhân Việt Nam.

 Trước chiến tranh thế giới lần thứ thứ nhất (1914-1918), đội ngũ công nhân Việt Nam mới có khoảng 10 vạn người. Đến năm 1929, theo thống kê của chính quyền thực dân, số công nhân thường xuyên làm việc trong các doanh nghiệp của tư bản Pháp là 221.052 người. Trong đó, công nhân công nghiệp và thương nghiệp là 86.624 người (bằng 39,2%), công nhân đồn điền: 81.168 người (bằng 86, 8%), công nhân mỏ: 53.240 người (bằng 24%). Ngoài ra còn có khoảng vài ba vạn công nhân làm thuê cho tư sản Việt Nam và tư sản ngoại kiều khác. Đó là chưa kể một số khá đông công nhân làm theo mùa hoặc công nhân gia công…mà cơ quan thống kê của chính quyền thực dân hồi đó không hề quan tâm tới.                         

Dưới chế độ thực dân phong kiến, người công nhân Việt Nam vừa là nô lệ làm thuê, vừa là nô lệ mất nước. Giữa những năm 20 của thế kỷ XX có 16.500 công nhân mỏ ở Hồng Gai, 2.500 công nhân mỏ ở Bắc Kạn, 1.500 công nhân mỏ ở Tràng Đà (Tuyên Quang). Tuyến đường sắt Bắc Kỳ-Vân Nam có 3.750 công nhân. Một trong những đồn điền cao su lớn ở Nam Kỳ sử dụng 3.600 công nhân, một đồn điền khác có 3.300 công nhân, 65 nhà máy xay xát ở Nam Kỳ, chủ yếu tập trung ở Sài Gòn-Chợ Lớn có 7.000 công nhân. Nhà máy dệt Nam Định có 2.000 công nhân. Xưởng sửa chữa tàu thuỷ ở Hải Phòng có 1.000 công nhân. Nhà máy gạch Đông Dương có 650 công nhân. Nhà máy in Viễn Thông có 600 công nhân. Còn những nhà máy, xí nghiệp sử dụng 400 công nhân thì rất nhiều.

 Đến năm 1929, ước tính Hà Nội có trên 2 vạn công nhân trong tổng số 13 vạn dân, bằng 15% dân số; ở Vinh-Bến Thuỷ có 7.000 công nhân, chiếm 38% dân số. Ở Hồng Gai-Đông Triều, đội ngũ công nhân mỏ tăng lên đến 35.900 người, trong đó công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ có 23.200 người, công ty than Đông Triều có  6.000 người, công ty than gầy Bắc Kỳ có 2.800 người, công ty than Kế Bào có  1.200 người3.

 Sống và lao động tập trung, gắn liền với sự phân công chuyên môn hoá trong dây chuyền sản xuất công nghiệp, đã rèn luyện cho người công nhân tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức và kỷ luật. Ngoài quá trình xã hội hoá lao động, những đặc điểm chung về đời sống kinh tế, về địa vị chính trị, cũng như về tiếng nói, về văn hoá, về tâm lý đã hình thành trong lịch sử dân tộc còn giúp cho giai cấp công nhân Việt Nam vượt qua được những trở ngại do chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp gây ra và kết thành một khối thống nhất trong toàn quốc. Trong nội bộ giai cấp công nhân không có tầng lớp công nhân quý tộc, không có mâu thuẫn về tiếng nói, về tôn giáo, về dân tộc.

 Thực dân Pháp chủ tâm chia rẽ công nhân Bắc, Trung, Nam. Chúng đặt ra những thể lệ lao động riêng cho từng xứ (Bắc Kỳ có 14 bản, Trung Kỳ: 8 bản, Nam Kỳ: 14 bản). Chúng gọi việc đưa phu mộ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ vào Nam Kỳ là sự “xuất cảng” nhân công. Song mọi thủ đoạn của chúng đều không đem lại kết quả mong muốn. Vì phần lớn công nhân mới xuất thân từ nông dân bị bần cùng hoá, còn nhiều mối liên hệ với nông thôn nên giai cấp công nhân Việt Nam ở thời kỳ này có nhược điểm là: Số công nhân lâu đời ít, trình độ văn hoá, trình độ kỹ thuật thấp, nhiều người chưa thoát khỏi những tư tưởng hẹp hòi, những tập quán sản xuất nhỏ lạc hậu. Tuy nhiên, cũng chính do vừa mới từ nông dân phá sản mà ra, giai cấp công nhân rất thông cảm với số phận bi thảm và nguyện vọng thiết tha của quần chúng nông dân. Đây là mặt cơ bản và là điều kiện thuận lợi để giai cấp công nhân thiết lập khối liên minh vững chắc với nông dân trong quá trình đấu tranh cách mạng. Nhờ vậy giai cấp công nhân Việt Nam có một sức mạnh lớn hơn nhiều so với tỷ lệ của nó trong tổng số dân cư. Sức mạnh đó sẽ còn được phát huy và nhân lên gấp bội một khi giai cấp công nhân Việt Nam, nhờ ánh sáng của chủ nghĩa Mác -Lênin giác ngộ được sứ mạng lịch sử của mình: Đi đầu trong cuộc đấu tranh đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành lại độc lập cho dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến lên xây dựng một nước Việt Nam mới không có người áp bức, bóc lột người.          

 Đời sống công nhân Việt Nam rất khổ cực vì bị thực dân, tư sản phong kiến bóc lột. Họ bị cưỡng bức lao động quá sức, thường phải làm trên 10 tiếng đồng hồ một ngày, bị buộc phải nhận mức khoán quá cao[1], và bị hành hạ vô cùng tàn nhẫn. Sinh mạng người công nhân bị thực dân coi không bằng súc vật. Có khi họ bị bắn giết tuỳ tiện, vô cớ.

 Tháng 3-1885, tên bang biện Kép đã bắn chết hai người phu làm đường sắt, rồi gửi lên cho tên trung tá Gôđa (Godart) “Chiếc đầu lâu mà hắn chặt để làm gương cho kẻ khác”1.

 Công nhân không chỉ bị bóc lột lao động thặng dư, mà còn bị cướp đi cả lao động tất yếu. Họ bị quỵt, bị ăn chặn, bị cúp phạt tiền lương và hạ thấp mức lương. Bọn chủ bán hàng hoá thiết yếu với giá cắt cổ và trừ vào lương, chi phí bảo quản tài sản, dụng cụ đều trừ vào lương. Tệ hại nhất là các khoản phạt tiền: Có trường hợp lương phải trả cho 50 công nhân trong 15 ngày và 75 đồng, chúng đã trừ đi 73 đồng tiền phạt, chỉ còn lại có 2 đồng chia cho 50 người, mỗi người được 4 xu trong 15 ngày công. Công nhân phải ăn cá ôi, gạo mục và không đủ no, ở không đủ giường chiếu, lán, trại. Khi bệnh tật phát sinh thì “người bệnh có đủ thời gian để chết trước khi được gặp thầy thuốc”. Những lời cam kết trong giao kèo đều bị bội ước. Bọn chủ còn tìm cách kéo dài thời gian khi giao kèo hết hạn. Là kẻ nô lệ làm thuê, người công nhân bị lừa đảo, ăn chặn, cướp công, hành hạ suốt đời từ khi ký vào “Bản giao kèo” bán sức lao động cho đến khi kiệt sức và bị nghiền nát trong guồng máy sản xuất tư bản chủ nghĩa ở thuộc địa.

 Sau chiến tranh thế giới thứ I (1914-1918), thực dân Pháp đã phải thay lối bắt phu cưỡng bách trước kia bằng cách “mộ phu” theo “giao kèo”. Chúng cho cai thầu đi mộ phu ở khắp các thành thị, nông thôn. Từ năm 1919 đến năm 1929 chúng đã mộ được trên 87.300 người ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ đưa vào Nam Kỳ, và trên  14.600 người đưa sang Tân Đảo và Tân Thế Giới. Cứ lấy được một người đi phu mộ, thì chủ tư bản thưởng cho cai thầu 10 -20 đồng hoa hồng và nộp cho ngân sách của chính quyền 20 đồng tiền thuê. Khi đã điểm chỉ vào bản giao kèo, thực chất là “điểm chỉ vào giấy bán đứt tính mạng và tự do của mình cho chủ tư bản”1 người đi phu mộ bị nhốt vào trại tập trung có lính gác, rồi bị áp tải đến các đồn điền, hầm mỏ. Trước cảnh tượng đó, ngay tên đại địa chủ Pháp Đơ Môngpơda (De Monpezat) cũng đã phải thốt lên: “đó là sự tái diễn cảnh chợ bán nô lệ ở giữa thế kỷ XX này”2.

 Khi đã bước chân vào làm trong các đồn điền, hầm mỏ, xí nghiệp, người công nhân bị bọn chủ tư bản tìm mọi cách bóc lột sức lao động mức tối đa.

Cho đến năm 1927, trừ Nam Kỳ, tất cả nơi khác chưa hề có một văn bản chính thức nào quy định giờ làm việc cho công nhân. Chủ tư bản tuỳ ý định số giờ lao động trong các doanh nghiệp của chúng. Mãi đến tháng 10-1927, nghị định của toàn quyền Đông Dương về “Nhân công bản xứ của châu Á làm theo giao kèo ở các đồn điền, xí nghiệp, hầm mỏ” mới đề ra mỗi ngày làm việc 10 giờ, kể cả thời gian đi về. Nhưng thực tế công nhân phải làm việc 12 - 14 giờ, có khi tới 15 - 16 giờ một ngày”3.

 Làm việc đến mức không còn thì giờ để kịp ăn uống và kịp cả thở nữa, người công nhân lại chỉ được trả một thứ tiền lương chết đói. Bọn chủ tùy ý quyết định tiền lương của công nhân. Lương ngày, lương tháng, lương khoán hình thức nào chủ đầu tư thấy lợi cho chúng, thì chúng áp dụng. Chúng thuê khá nhiều nhân công đàn bà và trẻ em để chỉ phải trả cho họ bằng 1/2 hoặc 1/3 tiền công của thợ đàn ông.

 Theo số liệu của chính quyền thực dân năm 1930, trung bình tiền công ngày của một công nhân chuyên nghiệp ở mỏ là 1,20 đồng, ở đồn điền là 1,47 đồng, ở xí nghiệp là 1,66 đồng. Còn tiền công ngày của một công nhân không chuyên ở các ngành tương ứng là 0,40, 0,41 và 0,51 đồng4. Nhưng đó chỉ là những số liệu ghi trên giấy. Thực tế là ở các mỏ than, thợ đàn ông chỉ được 0,30 - 0,32 đồng một ngày công, thợ đàn bà: 0,20-0,25 đồng, thợ trẻ em: 0,09 - 0,15 đồng. Ở các đồn điền cao su, tiền công thợ chỉ được 0,12 - 0,25 đồng. Ở các nhà máy dệt, đàn ông được trả 0,17 - 0,20 đồng, thợ đàn bà: 0,12 - 0,15 đồng, còn trẻ em từ 8 đến 10 tuổi thì được trả 0,07 đồng5.

 Kéo dài đến mức tối đa thời gian lao động, đồng thời giảm đến mức tối thiểu tiền lương của người công nhân, bọn tư bản thực dân Pháp đã bòn rút được những khoản siêu lợi nhuận thuộc địa béo bở hơn nhiều so với lợi nhuận thu được ở chính quốc.

 Một phần số lãi thu được bọn tư bản Pháp mang về nước để ăn chơi phè phỡn, phần còn lại dùng vào việc tái đầu tư. Thế là vốn đẻ ra lãi, lãi mẹ đẻ lãi con, cứ như thế chúng làm giàu nhanh chóng bằng cách vắt kiệt máu và mồ hôi của công nhân Việt Nam.

 Đã khổ vì chế độ bóc lột giá trị thặng dư tư bản chủ nghĩa, người công nhân lại càng khổ hơn nữa vì chế độ bóc lột ấy thường được kết hợp chặt chẽ với những hình thức bóc lột có tính chất phong kiến, siêu kinh tế.

 Bọn tư bản thực dân đã sử dụng cả một hệ thống nhà thầu, cai, ký, xếp nhiều tầng, nhiều loại để theo dõi[2], kiểm soát áp chế, hành hạ người công nhân trong sản xuất và đời sống. Được chủ tư bản dung túng, tầng lớp trung gian này giở đủ mọi mánh khóe để bóp nặn hành hạ người công nhân làm thuê. Chúng được tha hồ ăn của đút, cúp phạt, cho vay nặng lãi, mua rẻ tiền công non, mở đại lý bán hàng cho chủ hoặc nắm độc quyền bán những mặt hàng thiếu yếu cho công nhân với giá cắt cổ. Chúng còn bắt công nhân phải quà cáp, phục dịch chủ tư bản Pháp và bản thân chúng trong những ngày lễ, ngày Tết. Đó là chưa kể tệ đánh đập, chửi mắng, hãm hiếp, thậm chí giết người một cách vô tội vạ mà bọn cai ác ôn thường gây ra đối với công nhân làm thuê.

 Giờ làm việc quá dài, đồng lương chết đói, điều kiện ăn ở tồi tệ, lại thêm roi vọt, đấm đá, chửi mắng liên miên…đã khiến cho người công nhân làm thuê trong các đồn điền, hầm mỏ, xí nghiệp của bọn tư bản Pháp chẳng bao lâu đã ngã gục dưới sức nặng của chế độ lao động khổ sai.

 Tại những đồn điền ở Nam Kỳ và Cămpuchia, người ta thấy: Những người nông dân bất hạnh Bắc Kỳ chất phác và dũng cảm đến đó làm việc với hy vọng kiếm được miếng ăn và rồi mang được vài xu về làng. Nhưng sau 3 hay 4 năm, họ còn chỉ là những kẻ thân tàn ma dại: Sốt rét, phù thũng…Phần lớn những người ấy sẽ không bao giờ được trông thấy gia đình nữa. Thảng hoặc có một số người lê về được tới làng quê, thì đấy chỉ còn là những cái xác thật sự, không tiền và kiệt sức. Họ trở về để chết. Nhưng trước khi đó, họ gieo rắc ra xung quanh những mầm mống của bệnh tật, của sự nổi loạn và hận thù. Theo báo L’Humanité: Năm 1922 ở Công ty cao su cây nhiệt đới có 474 người chết, trong số 1.000 công nhân. Tính chung, tỷ lệ tử vong trong công nhân các đồn điền cao su là 45%. Ở các hầm mỏ, xí nghiệp, số phận của người công nhân cũng bi thảm như vậy. Là kẻ nô lệ làm thuê, người công nhân bị bóc lột đến tận xương tuỷ, là người nô lệ mất nước, họ hoàn toàn không có chút quyền tự do, dân chủ sơ đẳng nào.

 Thực dân Pháp cấm ngặt công nhân họp hành, lập hội và bãi công. Công nhân tham gia tổ chức và bãi công đều bị chúng ghép vào “tội hình”, “tội phá rối trị an”. Các nghị định của chính quyền thực dân ngày 11-11-1918 và ngày 25-10-1927 còn quy định rằng công nhân làm hư hỏng công cụ, làm hỏng cây cối hay mùa màng, tự gây cho mình thương tích, thậm chí làm ồn, hoặc nếu yêu sách không căn cứ… đều có thể bị phạt tiền, sa thải, phạt giam, phạt tù. Như vậy, vô luận xảy ra không có lợi cho chủ tư bản, thì chúng đều có thể dựa vào luật pháp để đàn áp công nhân. Tiếp theo nghị định ngày 26-8-1899, nghị định ngày 8-3-1924 bắt buộc mọi người thợ từ 18 tuổi trở lên đều phải lập một “sổ công nhân”. Đây là một thứ căn cước có tính chất cảnh sát để bọn chủ tư bản có thể theo dõi lai lịch, hành vi, thái độ của từng công nhân khi họ thuyên chuyển nơi làm việc.

 Bên cạnh luật pháp, toà án, cảnh sát, nhà tù của chính quyền thực dân ở nhiều nơi, bọn tư bản Pháp còn ngang nhiên lập ra cả một bộ máy bạo lực riêng để đàn áp công nhân.

 Ở khu vực Hồng Gai, đằng sau đội tuần cảnh vũ trang công khai, bọn chủ mỏ đã tổ chức ra mạng lưới mật thám, chỉ điểm bí mật để dò xét công nhân ở các tầng, các lò, các lán. Chúng còn lập nhà tù riêng, bắt bớ đánh đập, tra tấn, giam cầm những người mà chúng cho là có ý chống đối1.

 Ngoài những nỗi thống khổ mà riêng họ phải gánh chịu, giai cấp công nhân còn phải chịu chung nỗi khổ của cả dân tộc: sưu cao, thuế nặng và bị giam hãm trong vòng dốt nát.

 Như vậy, nỗi khổ của người nô lệ làm thuê lại càng tăng lên gấp bội bởi nỗi nhục của kẻ nô lệ mất nước, và ngược lại. Do đó, đối với giai cấp công nhân, kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc là một. Trong trái tim họ, mối thù giai cấp và mối thù dân tộc quyện vào

3. Phong trào công nhân                                                     

3. 1. Thời kỳ đấu tranh tự phát.

 Trong cuộc khai thác lần thứ nhất đến cuộc khai thác lần thứ hai, phong trào công nhân bắt đầu từ đấu tranh tự phát và tiến lên đấu tranh tự giác. Vì bị ba tầng áp bức bóc lột khổ cực, nên công nhân Việt Nam đã kết hợp đấu đấu tranh kinh tế, đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị. Từ hình thức đốt lán trại, bỏ trốn tập thể, họ đã nhanh chóng tiến tới đình công, bãi công.

 Ngày 22-2-1885, 45 phu bị bắt từ Bắc Ninh chuyển đi Kép để làm đường bộ lên Lạng Sơn đã bỏ trốn. Ngày 27-2-1885, toàn bộ 171 phu ở Đèo Quan (Lạng Sơn) bỏ trốn. Ngày 5-3-1885, 52 phu từ Kép đi Lạng Sơn bỏ trốn. Tháng 2-1886 toàn bộ số phu lấy ở Huế đi làm đường đèo Hải Vân đã giết tên chỉ huy công trường là Betxông, đốt phá dụng cụ và các bản thiết kế rồi bỏ trốn. Cuộc đấu tranh này có dính líu đến cuộc nổi dậy của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết.

 Tháng 12-1893, công nhân đường sắt ở Cao Ái, Lạng Giang và Đèo Bà (Lạng Sơn) bỏ trốn. Tháng 3-1894, công nhân làm cầu trên đường sắt Lạng Sơn bỏ trốn. Cũng trong tháng 3-1894, 446 người trong số 826 phu mộ từ Hải Dương, Bắc Ninh lên công trường đường sắt Phủ Lạng Thương bỏ trốn. Tháng 4-1894, 299 trong số 4.128 phu mộ ở 10 tỉnh Bắc Kỳ lên công trường đường sắt bỏ trốn. . .  Từ việc bỏ trốn tập thể đã kết hợp với những hình thức bạo động. Hình thức bạo động của công nhân kết hợp với đấu tranh yêu nước ngày một phát triển. Ngày 3-4-1892, công nhân công trường sắt Lạng Sơn đã cùng nghĩa quân tập kích đội quân do tên đội Môrixo chỉ huy trên đường Suối Chềnh đi Bắc Lệ. Ngày 1-7-1892, công nhân đường sắt Lạng Sơn phối hợp với nghĩa quân bắt cóc tên thầu khoán Vêdanh (Vézin). Cuối năm 1892 đầu năm 1893, nghĩa quân Lãng Pha phối hợp với công nhân ở vùng mỏ Quảng Yên mưu chiếm lại vùng Đông Triều.

(Còn nữa)

CVL

 

2.Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, T2. H. 1985. Tr. 187.

1. Ban cận đại Viện sử học Việt Nam, Một số vấn đề lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, NXB Lao động, HN. 1974, tr.142.

1 Trần Từ Bình, Phú Riềng đỏ. NXB Lao động, Hà Nội 1995, tr. 24

2. Dẫn theo Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, Tập 2, HN. 1985, Tr. 184.

3 Dẫn theo Ủy ban khoa học xã hội. Lịch sử Việt Nam. Tập 2. Tr 184.

4 Viện Sử học Việt Nam. Một số vấn đề về lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, Nxb Lao Động, Hà Nội. 1974, tr. 117.

5. Dẫn theo Ủy ban khoa học xã hội. Lịch sử Việt Nam, tập 2, Tr. 184.

[2] .Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, bọn tư bản thực dân thường sử dụng các loại cai sau đây: cai thầu, cai mộ, cai xu ba giăng, cai bếp, . Ở Mỏ cẩm Thái Nguyên có ba tầng thầu khoán: Tài Mùi nhận thầu trực tiếp với xếp chủ, xếp thổ nhận thầu lại của tài Mùi, rồi cai Côn lại nhận thầu chia hoa hồng cho xếp Thổ.

1 Sơ thảo lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (1929-1930). (Bản in rônêô), tr. 9-10