Những vấn đề lịch sử Việt Nam - Kỳ 31

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Những vấn đề lịch sử Việt Nam” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022.

Kỳ  31.

 Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là tư sản nhưng không phải thuộc doanh nhân Việt Nam. Cho đến năm 2007 vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lên đến 21 tỉ USD, là một lực lượng kinh tế khá lớn ở Việt Nam.

 Những doanh nghiệp do vốn tư nhân của các doanh nhân Việt Nam đầu tư kinh doanh là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của đất nước. Những chủ nhân của các doanh nghiệp, xí nghiệp tư nhân là một bộ phận của doanh nhân Việt Nam, làm ăn có hiệu quả. Tính đến năm 2007 có khoảng 200.000 doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra còn có khoảng 3 triệu hộ kinh doanh cá thể. Những doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là kinh doanh trong lĩnh vực đấu thầu những công trình xây dựng đường sá, xây dựng nhà cửa, các khu chung cư, chế biến nông, thuỷ, hải sản, buôn bán trong các lĩnh vực dịch vụ mà chủ yếu là thực phẩm. Doanh nghiệp tư nhân làm chủ tư liệu sản xuất và kế hoạch nên năng động, bộ máy gọn nhẹ nên hoạt động có hiệu quả. Từ năm 1997 đến năm 2000 khu vực ngoài quốc doanh tăng trưởng 18,5 %, trong khi đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng 15 %,  khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tăng 12 %. Trong xu hướng phát triển của đổi mới và hội nhập, đặc biệt trong chính sách cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả thì thành phần kinh tế doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.

 Nhìn chung cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân còn non yếu so với các doanh nghiệp trên thế giới, không đủ sức cạnh tranh trên bình diện quốc tế. Trong thị trường nội địa với 70% dân số là nông dân thì sức mua còn thấp. Biến nông thôn Việt Nam thành một thị trường rộng lớn và đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế là một thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

8. 5. Tôn giáo Việt Nam

 Phật giáo: Phật giáo du nhập vào Việt Nam thế kỷ VI gồm phái Thiền Tông và Tịnh Độ Tông, sau đó kết hợp hai phái này thành phái Thiền thảo đường. Thế kỷ XIII ra đời phái Thiền trúc lâm Yên Tử do ba vị tổ sư Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang sáng lập. Qua một thời gian lâu dài thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, tháng 11 năm 1981 Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo tại Hà Nội đã thành lập “Giáo hội phật giáo Việt Nam”, thông qua Hiến chương, Chương trình hoạt động và bầu ra các cơ quan lãnh đạo: Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự. Tại Việt Nam tính đến năm 2007 Phật giáo có khoảng 10 triệu tín đồ. Trong thời kỳ hiện đại Phật giáo có chiều hướng gia tăng vì tôn giáo này hòa đồng với tín ngưỡng dân gian và hoà đồng với phong cảnh thiên nhiên Việt Nam.

 Công giáo: Được các nhà truyền giáo Bồ đào nha và Pháp truyền bá vào Việt Nam thế kỷ XVI. Đến cuối thế kỷ XVII ở Việt Nam đã có 35 vạn giáo dân và 70 linh mục người Việt Nam. Cuối thế kỷ XVIII nước ta đã có 68 vạn tín đồ, 365 linh mục và 8 giáo phận. Năm 1938 có 3.000 nhà thờ, 2.000 nhà nguyện, 1,5 triệu giáo dân, 979 linh mục. Ngày nay, Công giáo có khoảng 6 triệu tín đồ, 3 giáo tỉnh ( Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh), 25 giáo phận (Hà Nội :10, Huế : 6, Thành phố Hồ Chí Minh :9 ), 22.030 xứ đạo, 5390 nhà thờ, 42 giám mục, 2.700 linh mục, 84 dòng tu, 11.282 tu sĩ.

 Đạo Tin Lành: Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đạo Tin Lành được tổ chức Tin Lành Liên hiệp Phúc âm và Truyền giáo truyền bá vào Việt Nam. Năm 1911 Hội thánh Tin Lành được thành lập ở Đà Nẵng. Hiện nay đạo Tin Lành có khoảng 1,5 triệu tín đồ (20 dân tộc Tây Nguyên), khoảng 100.000 tín đồ là người dân tộc Mông, Dao, tổng cộng 40 dân tộc ở Việt Nam theo đạo Tin Lành. Hiện nay chức sắc (mục sư, truyền đạo) khoảng 500 người và 450 nhà thờ. Đạo Tin Lành ở Việt Nam có khoảng 10 hệ phái tổ chức khác nhau. Trong đó có các hệ phái lớn như Tổng Liên hội thánh Tin Lành Việt Nam ở miền Nam, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam ở miền Bắc, Hội thánh cơ đốc Phục Lâm, Hội thánh Bắp Tít,  Hội Cơ đốc truyền giáo v.v...Hiện nay đạo Tin Lành đang phát triển ở Tây Nguyên, Việt Bắc và Tây Bắc trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong việc truyền đạo, đạo Tin Lành rất tích cực sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

 Đạo Hồi: Người Chăm trước đó theo đạo Hindu được truyền bá vào từ Ấn Độ. Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV đạo Hồi được truyền bá vào và người Chăm tiếp nhận. Hiện nay Hồi giáo có khoảng 70 vạn tín đồ. Người Chăm theo Hồi giáo ở Ninh Thuận, Bình Thuận gọi là Chămbari, người Chăm Hồi giáo ở An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh gọi là Chăm Islam. Đạo Hồi đã hoà hợp với văn hoá, phong tục tập quán của người Chăm. Trước năm 1975, Hồi giáo ở Việt Nam có tổ chức Hội Đồng Giáo cả ở Châu Đốc (An Giang ) và “Hiệp Hội Chăm Hồi giáo Việt Nam”. Năm 1988 ở Thành phố Hồ Chí Minh có tổ chức “Ban quản lý tài chính Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh” đại diện cho tín đồ Hồi giáo thành phố.

Đạo Hòa Hảo: Tôn giáo địa phương, do Huỳnh Phú Sổ thành lập ngày 18-5-1939 tại làng Hoà Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Giáo lý của đạo Hòa Hảo tập trung trong 6 tập sách do chính Huỳnh Phú Sổ biên soạn bao gồm phần Phật giáo và phần tu thân. Tu thân phải tu theo “Tứ ân hiếu nghĩa” (Tứ đạo trọng ân): Ân cha mẹ, ân tổ tiên, ân đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào nhân loại. Giáo lý về Phật thì đơn giản. Như vậy đạo Hoà Hảo nhấn mạnh nghĩa vụ của con người đối với đất nước và gia đình. Đạo Hoà Hảo chủ trương tu tại gia, không ảnh, không tượng, không giáo phẩm, không chùa chiền. Hiện nay đạo Hoà Hảo có khoảng 2 triệu tín đồ.

 Đạo Cao Đài: Thành lập Đạo Cao Đài gồm 28 người mà chủ chốt là Phạm Công Tắc, Ngô Văn Chiêu, Lê Văn Trung, Nguyễn Văn Ca. . . Đạo Cao Đài thành lập ngày 19 tháng 11 năm 1926 tại chùa Từ Lâm (Gò Kén, Long Thành Trung, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh). Đạo Cao Đài là sự hợp nhất ba tôn giáo: Phật, Lão, Nho và 5 ngành đạo: Nhân, thần, thánh, tiên, Phật. Về giáo lý đạo Cao Đài có “Hiến chương đại đạo Tam kỳ phổ độ”, nội dung gồm những lời cầu xin cứu các linh hồn khỏi sa đọa trong đam mê trần tục, cầu xin hoà bình cho nhân loại, hoà hợp, hạnh phúc cho dân tộc, giáo hoá con người phát huy tính thiện, tình yêu thương, sự công bằng để cuộc sống thanh bình, tương thân tương ái. Bộ máy của đạo Cao Đài mô phỏng kiểu quân chủ lập hiến. Ngày nay đạo Cao Đài có khoảng 20 tổ chức, 2,5 triệu tín đồ, 2 vạn công chức. Tuyệt đại bộ phận giáo dân yêu nước, tu tại gia.

Ở Nam Bộ còn có Phật giáo Nam Tông từ Ấn Độ truyền bá vào từ thế kỷ thứ IV, tín đồ phần lớn là đồng bào Khơme, làm phong phú thêm văn hóa tôn giáo Việt Nam. Phật giáo Nam Tông cũng là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc.

 Nhà nước Việt Nam trước sau đều tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Cho rằng tôn giáo là một nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân, vì thế tôn giáo là một thực thể tồn tại trong chủ nghĩa xã hội, kể cả sau khi xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Cho nên, nhà nước ta ra sức nâng đỡ mặt tích cực của tôn giáo, công nhận pháp nhân các tổ chức tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tự do hoạt động. Trong khuôn khổ pháp luật nhà nước, các tôn giáo hoạt động vì sự phồn vinh của tôn giáo, vì sự phồn vính của Tổ quốc và đoàn kết dân tộc. Nghiêm cấm việc lợi dụng tôn giáo hoạt động chống phá nhà nước. Tháng 6 năm 2004 nhà nước đã ban hành “Pháp lệnh Tôn giáo” tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tôn giáo.

 Bên cạnh các tôn giáo trên, đại đa số nhân ta vẫn theo tôn giáo tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời, thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ cúng các anh hùng dân tộc, các anh hùng địa phương, những người có công lao trong việc lập làng, lập nước, những ông tổ của nghề nghiệp, những anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong sự nghiệp cứu nước với tư tưởng uống nước nhớ nguồn. Những năm cuối cùng của thế kỷ XX, khắp các vùng quê và đô thị người dân xây lại đền chùa, quy tập phần mộ tổ tiên dòng họ, tổ chức lễ hội tấp nập. Công lao và tấm gương của những người đã khuất là nguồn động viên to lớn cho những người còn sống trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống hiện tại và tương lai. Họ đã trở thành bất khuất.

9. Văn hoá-giáo dục-khoa học Việt Nam thời kỳ 1945-2014.

Cách mạng tháng Tám 1945 không chỉ mở ra một bước ngoặt, một thời đại mới cho xã hội Việt Nam mà còn mở ra một thời đại mới cho sự phát triển của nền văn hoá độc lập. Nền văn hoá độc lập này đã loại bỏ những yếu tố phong kiến, thực dân, xây dựng một nền văn hoá dân tộc, khoa học và đại chúng. Văn hoá Việt Nam thời kỳ này đã kế thừa và phát huy văn hoá dân tộc, giao lưu tiếp cận với nền văn hoá thế giới, kết hợp những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc với những giá trị văn hoá hiện đại.

 Trước hết là thành tựu về văn học: Văn học thời kỳ này đã phản ánh cuộc kháng chiến, phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ. Những nhà văn, những tác phẩm tiêu biểu xuất sắc trong thời kỳ chống Pháp như một rừng hoa rực rỡ. Tô Hoài với “Truyện Tây Bắc”, Nam Cao nổi tiếng với “Trận Phố Ràng” Nguyễn Văn Bổng với “Con trâu”, Nguyên Ngọc với “’Đất nước đứng lên”, Nguyễn Huy Tưởng với “Sau luỹ hoa”, “Đêm hội Long Trì”, Đoàn Giỏi viết “ Người người lớp lớp”, Hoàng Văn Bổng viết “Mùa mưa”, Võ Huy Tâm viết “Vùng mỏ”, Phượng Vũ viết “Hoa hậu xứ Mường”. Thơ trong kháng chiến chống Pháp cũng đạt nhiều thành tựu không kém văn xuôi. “Việt Bắc” của Tố Hữu, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm , “Tây Tiến”  của Quang Dũng, “Núi đôi” của Vũ Cao, “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. . . . Các nhà thơ mới đã đi theo kháng chiến để làm chiến sĩ  trên mặt trận văn hoá như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Cù Huy Cận, Phạm Huy Thông, Lưu Trọng Lư và ra đời nhiều kiệt tác để phục vụ nhân sinh,  kiên quyết đoạn tuyệt với dĩ vãng xưa, đi theo và xây dựng một nền văn hoá mới. Văn chương thời kháng chiến chống thực dân Pháp đã khơi dòng cho một dòng văn chương thời kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Văn xuôi thời chống Mỹ gắn với tên tuổi các nhà văn Anh Đức, Chu Lai, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Đào Vũ, Lê Lựu, Nguyễn Đình Thi. v. v. Văn xuôi thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới có Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Chu Văn, nhà văn trẻ mới nổi danh Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận”. Thơ thời chống Mỹ hòa với văn xuôi tạo nên một bản anh hùng ca ca ngợi cuộc kháng chiến lâu dài nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Các nhà thơ Tế Hanh, Lê Anh Xuân, Giang Nam, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Dương Hương Ly, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. . . là những thi nhân tiêu biểu. Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã khai sinh và nuôi lớn một dòng văn chương mới, dòng văn chương phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc, một trong những nhân tố mang lại cho quân dân ta sức mạnh tinh thần, từ đó biến thành sức mạnh vật chất chiến thắng quân thù, xây dựng cuộc sống mới. Văn chương thời kỳ hiện đại vì thế không chỉ là văn học nghệ thuật mà còn mang yếu tố sử thi, thấm đượm lịch sử dân tộc hào hùng nhưng đầy hi sinh, máu và nước mắt. Từ 1986 đến 2014 văn chương Việt Nam hiện đại cũng gặt hái được mùa về phương diện sáng tác văn xuôi, thơ, cả về phương diện phê bình lý luận, cả về lý luận văn học, đặc biệt là lý luận văn học thời kỳ đổi mới. Văn có tác giả Nguyễn Ngọc Tư. . . thơ có Nguyễn Thị Hồng Diệu đề tài về biển và hải đảo, Lý luận văn chương với những cây bút trẻ mà sắc sảo tay nghề như Cao Thị Hồng khi đề cập đến lý luận văn học gai góc và mới mẻ thời kỳ đổi mới.

 Cùng với văn chương của dân tộc, văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số cũng phát triển. Đội ngũ văn nghệ sĩ của 53 thành phần dân tộc người thiểu số ngày càng đông đảo, nhiều tác phẩm có giá trị ra đời. Chỉ tính 4 năm từ năm 2003 đến năm 2007 có 281 tác phẩm được nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ dân tộc, của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số và nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế. Văn thơ của các dân tộc thiểu số có bản sắc riêng, có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền văn học nước nhà với nhiều thể loại phong phú. Việc sưu tầm nghiên cứu văn hoá dân gian các dân tộc thiểu số được đẩy mạnh và kết quả đã ra đời hàng trăm công trình sưu tầm, biên soạn văn hoá dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, Chăm, Tày Nùng, Mông, Thái. .

 Nghệ thuật sân khấu với những kịch gia xuất sắc như Đào Hồng Cẩm, Lưu Quang Vũ, Tào Mạt, Học Phi v.v...Nghệ thuật điện ảnh cũng không ngừng lớn mạnh và gặt hái được nhiều thành công. Trong kháng chiến chống Pháp ta đã sản xuất được 15 bộ phim tài liệu. Từ 1954 đến năm 2007 nhiều bộ phim có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật ra đời như “Đầu sóng ngọn gió” (1966 ), “Luỹ thép Vĩnh Linh” (1970). “Tiếng nổ sau chiến tranh” (1976 ). “Vĩnh biệt khách không mời” (1973) của đạo diễn Ngọc Quỳnh. “Con mèo” (1965), “Con sáo biết nói” (1967),  “Những chiếc áo ấm” (1968),  “Chuyện ông Gióng”, “Thạch Sanh” (1976) của đạo Diễn Ngô Mạnh Lân. “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, (1972),  “Thành phố lúc rạng đông”, (1975), “Người chiến sĩ trẻ”, “Rừng o Thắm” (1967),  “Em bé Hà Nội”, (1974), ”Mối tình đầu” (1977), “Đất mẹ” (1980), “Bãi biển đời người” (1983) của đạo diến Nghệ sĩ nhân dân Hải Ninh. “Làng nổi” (1965), “Khói” (1967), “Chuyện vợ chồng anh Lực” (1971), “Đến hẹn lại lên” (1974), “Chuyến xe bão táp” (1977), “Những người đã gặp” của đạo diễn Trần Vũ. “ Nước về Bắc Hưng Hải” (1959), “Nguyễn Văn Trỗi sống mãi”, (1965), “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin” ( 1979), “Đường về quê mẹ” (1971), “Hoa thiên Lý” (1973) của đạo diễn nghệ sĩ nhân dân Bùi Đình Hạc. “Lửa trung tuyến” (1961), “Một ngày đầu thu” (1962), “Kim đồng” (1964), “Mùa gió chướng” (1978), “Cánh đồng hoang” (1980) “Vùng gió xoáy” (1981) của đạo diễn nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hồng Sến. “Trần Quốc Toản ra quân” (1971), “Người về đồng cói” (1973), “Ngày lễ thánh” (1976), “Câu chuyện làng dừa” (1977), “Người chưa biết nói” 1979), “Ai giận ai thương” (1982) của nữ đạo diễn Bạch Diệp. Điện ảnh trong thời kỳ đổi mới bắt đầu đi vào những góc cạnh đa dạng của cuộc sống thời mở cửa . Năm 2003 có nhiều phim dự giải Hội điện ảnh Việt Nam : Phim “Hải Âu” , “Vai diễn đầu đời”, “Hướng nghiệp”, “Ngoại tình” của hãng phim truyện Thành phố Hồ Chí Minh, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công” của hãng phim Hội nhà văn Việt Nam, “Đêm Bến Tre” của điện ảnh quân đội, “Người đàn bà mộng du” của Hãng phim truyện Việt Nam, “ Biên đội” của Hãng phim truyện Giải phóng. Từ 2003 đến 2007 điện ảnh Vịêt Nam đang cố gắng tìm tòi những bước đi mới và nhiều phim đã gây tiếng vang. Phim “ Võ lâm truyền kỳ” của hãng Phim Phước Sang, “Trai nhảy” của Hãng phim Thiên Ngân, “Chuông reo là bắn” của hàng phim Giải phóng, “Dòng máu anh hùng” của hãng phim Chánh Phương. Đặc biệt phim “Áo lụa Hà Đông” của Hội Điện ảnh Việt Nam đoạt giải Cánh Diều vàng 2007 và nhiều giải thưởng giá trị khác. Điện ảnh tư nhân trong thời kỳ này dù nhiều khó khăn trở ngại cũng đã góp phần làm đặc sắc thêm nền điện ảnh nước nhà. Nhìn chung dù có bước phát triển nhưng điện ảnh Việt Nam chưa phản ánh được những góc cạnh phức tạp trong chuyển mình của đát nước khi đi lên nền kinh tế thị trường, chưa hội nhập được với điện ảnh thế giới. Mảng đề tài phim lịch sử đem lại cho người xem tri thức lịch sử dân tộc, mang tính giáo dục cao bởi tính triết lý cụ thể của nó hầu như còn bỏ trống, nhường thị trường và màn ảnh cho phim nước ngoài tràn ngập.

(Còn nữa)

CVL