Nông dân Thái Lan lo sầu riêng Việt Nam giành thị phần ở Trung Quốc

Sau khi chuyến hàng sầu riêng tươi đầu tiên của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc hồi tháng 9, nông dân trồng sầu riêng Thái Lan đang ngày càng lo ngại sự cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường béo bở Trung Quốc.

Công nhân phân loại sầu riêng ở một nhà máy chế biến sầu riêng ở tỉnh Chanthaburi, Thái Lan. Ảnh: Xinhua

Busaba Nakpipat, một nông dân trồng sầu riêng Thái Lan, nói: “Trước đây, Thái Lan là nước duy nhất được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, trong khi Việt Nam chỉ xuất khẩu sầu riêng đã qua chế biến. Nhưng bây giờ Việt Nam đã là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi và điều đó làm tôi lo lắng”.

Busaba Nakpipat đã trồng sầu riêng hơn 30 năm và có thời điểm hoàn toàn xuất khẩu sang Trung Quốc. Với việc Việt Nam nằm gần Trung Quốc hơn và theo đánh giá của Nakpipat, sầu riêng Việt Nam có sự kiểm soát chất lượng tốt hơn, Thái Lan cuối cùng có thể bị tụt lại phía sau.

Bà đã đến thăm Việt Nam vào tháng 9 và chứng kiến nhiều vườn sầu riêng mà bà cho biết đang mở rộng với tốc độ vượt xa mong đợi của bà. “Việt Nam không trồng nhiều sầu riêng như Thái Lan nhưng không ngừng cải thiện. Có rất nhiều cơ hội cho ngành sầu riêng phát triển ở Việt Nam, trong khi ở Thái Lan, mọi người đang cạnh tranh với nhau”, bà nói.

Thái Lan, nước sản xuất sầu riêng lớn nhất thế giới, là nhà cung cấp sầu riêng cho Trung Quốc gần như không có đối thủ kể từ ít nhất là đầu những năm thập niên 2000. Năm 2021, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc tăng kỷ lục 68%, lên mức 875.000 tấn.

Từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay, Thái Lan đã đưa hơn nửa triệu tấn đến thị trường Trung Quốc với mức giá cạnh tranh. Sự gia tăng xuất khẩu báo hiệu rằng người tiêu dùng Trung Quốc đã phản ứng tích cực đối với sầu riêng Thái Lan, bất chấp các quy định phòng chống  Covid-19 nghiêm ngặt ở Trung Quốc, khiến các lô sầu riêng bị mắc kẹt ở biên giới trong hai tuần hoặc tối đa 30 ngày, làm giảm chất lượng của chúng.

Việt Nam và các nước xuất khẩu sầu riêng Đông Nam Á khác đã đàm phán xuất khẩu với Trung Quốc trong những năm gần đây, Aat Pisanwanich, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thương mại quốc tế của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết. Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên trở thành đối tác thương mại trái cây lớn của Trung Quốc nhờ vào mạng lưới hậu cần và vị trí gần gũi.

Trong quí 3 năm nay, kim ngạch ngoại thương của Sùng Tả, thành phố của Trung Quốc có đường biên giới với Việt Nam và là trung tâm xuất nhập khẩu trái cây qua biên giới của Trung Quốc, đã tăng 50%, lên mức 78 tỉ nhân dân tệ (11 tỉ đô la Mỹ).

Sakda Sinives, một chuyên gia nông nghiệp của Thái Lan, cho biết nông dân Việt Nam có lợi thế vì có thể thu hái sầu riêng để xuất khẩu muộn hơn so với ở Thái Lan nhờ các chuyến hàng của Việt Nam đến Trung Quốc mất ít thời gian hơn.

Ông nói: “Ngay cả khi không có sự khác biệt rõ ràng về hương vị, thì trái sầu riêng chín hơn từ Việt Nam sẽ dần được người mua ở Trung Quốc định giá cao hơn, trong khi giá sầu riêng từ Thái Lan sẽ giảm”.

Các vấn đề về cạnh tranh, ở trong nước lẫn trong khu vực, kiểm soát chất lượng, tham nhũng và chi phí từ lâu đã bị xem nhẹ khi sầu riêng Thái Lan thống trị thị trường Trung Quốc. Nhưng việc sầu riêng của Việt Nam gia nhập thị trường 1,4 tỉ người tiêu dùng này đã đặt nông dân trồng sầu riêng ở Thái Lan vào tình thế khó khăn.

Wootichai Kunjet, Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Thái Lan, nói: “Mùa thu hoạch sầu riêng của Việt Nam là từ tháng 6 đến tháng 11, trùng với mùa thu hoạch của sầu riêng ở miền nam Thái Lan. Thông thường sầu riêng từ miền nam thống trị thị trường nội địa và xuất khẩu sau khi mùa sầu riêng từ miền đông đất nước kết thúc. Nhưng hiện sầu riêng ​​miền nam phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ từ các vùng khác của Thái Lan mà cả Việt Nam”.

Chuyên gia Sakda Sinives cho biết nhiều thương lái sầu riêng ở Thái Lan, với khá nhiều trong số đó là người đại diện cho nhà nhập khẩu từ Trung Quốc, đã chuyển đến Việt Nam. Họ bị thu hút bởi tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhờ thời gian vận chuyển sầu riêng đến biên giới ngắn hơn, mặc dù vẫn còn ít trang trại sầu riêng ở Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

“Cũng có khả năng xuất hiện gian lận trong xuất khẩu vì thương lái hoạt động tại Việt Nam có thể xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc dưới nhãn mác của Việt Nam để bán được số lượng lớn hơn”, Aat Pisanwanich nói và cho biết điều ngược lại cũng có thể xảy ra.

Năm 2021, giới chức trách ở Thái Lan đã bắt giữ một thương lái nhập khẩu sầu riêng Việt Nam và dán nhãn là hàng Thái Lan trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Vào thời điểm đó, sầu riêng Việt Nam chỉ có giá giá 70 baht (1,95 đô la Mỹ)/kg, chỉ bằng một nửa so với giá sầu riêng Thái Lan.

Năm nay, theo trung tâm nghiên cứu Krungthai Compass (Thái Lan), khoảng cách về giá đã được thu hẹp. Aat Pisanwanich cho rằng điều này có thể khiến sầu riêng Thái Lan giảm giá khi cạnh tranh trở nên căng thẳng hơn.

Bất chấp những thách thức đó, Sakda Sinives khuyên các nông dân Thái Lan nên bắt đầu bán cho Trung Quốc nhiều sầu riêng tươi hơn, vốn thường có giá cao hơn. “Thái Lan có thể mở rộng thị trường toàn cầu cho sầu riêng dù không có người tiêu dùng nào bên ngoài châu Á thực sự thích ăn sầu riêng. Chúng ta nên nghiên cứu để giảm vị nồng của sầu riêng theo cách khoa học”.