Nông nghiệp đô thị giải pháp xây dựng thành phố thông minh

Với việc sát nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây và một phần của 2 tỉnh Hòa Bình và Vĩnh Phúc, diện tích đất nông nghiệp Hà Nội đã lên trên 197.790 ha, chiếm 58,9% diện tích tự nhiên và dân số nông thôn với trên 2,27 triệu lao động chiếm 56% lực lượng lao động toàn thành phố, giúp Hà Nội trở thành một địa phương có nền sản xuất nông nghiệp lớn ở đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp mới chiếm 2,3% tổng sản phẩm xã hội (GRDP) đặt ra nhiều vấn đề cần trao đổi về nông nghiệp trong xây dựng Thủ đô. Bài viết đề cập đến vấn đề đặt ra và giải pháp mở mang nông nghiệp đô thị của Thủ đô.
anh-chup-man-hinh-2024-06-12-luc-163712-1718185066.png
Nông nghiệp đô thị tạo không gian xanh và phát triển cân bằng. (Ảnh tạp chí Tài chính.vn)

1. Nông nghiệp đô thị theo góc nhìn nghiên cứu

Nông nghiệp đô thị hay thông minh còn gọi là nông nghiệp chính xác với mục tiêu làm cho canh tác nông nghiệp hiệu quả, và mang lại lợi nhuận cao cả trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy hải sản.

Mục tiêu của chương trình nông nghiệp thông minh nhằm vào phát triển và thương mại hóa các công nghệ nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình nghiên cứu, tăng cường kết nối, phát triển liên kết với công nghiệp để phát triển kỹ năng và dịch vụ cộng đồng. NNĐT là xu hướng phát triển nhằm đảm bảo an toàn LTTP cho đô thị. Ở nước ta, tuy đã xuất hiện NNĐT, nhưng quy mô còn nhỏ và dường như chưa có mô hình hoàn chỉnh.

Theo tổ chức Phát triển Liên Hơp Quốc (UNDP), Nông nghiệp đô thị (NNĐT) là hoạt động sản xuất các loại thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp dựa trên quỹ đất và nguồn nước ở khu vực đô thị. Hoạt động này dùng phương pháp sản xuất chuyên canh, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, chất thải đô thị và tập trung vào phát triển nông nghiệp bền vững.

Gần đây, xu hướng phát triển NNĐT đã được nhìn nhận toàn diện và hệ thống hơn. Mạng lưới Nông nghiệp Đô thị Thế giới định nghĩa, NNĐT là ngành sản xuất, chế biến và tiếp thị thực phẩm, nhiên liệu và các sản phẩm đầu ra để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng trong các thị trấn, thành phố.

Theo khái niệm của Mạng lưới chuyên đề canh tác thông minh châu Âu, canh tác thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (ICT) vào nông nghiệp. Cuộc cách mạng này phối hợp ICT với những thiết bị chính xác như Intẻnet vạn vật (IoT), cảm biến, định vị toàn cầu, quản lý dữ liệu lớn (Big data), thiết bị bay không người lái (Drone), người máy (robot)... nhằm tạo điều kiện để người dân tăng thêm giá trị sản xuất và đưa ra những quyết định khai thác, quản lý hiệu quả.

Đóng góp của NNDT với đời sống dân cư đô thị phụ thuộc vào thuận lợi và khó khăn sinh kể và nhận thức về kiểm soát, giám sát rủi ro. So với nông nghiệp truyền thống, NNĐT có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt có thể cung cấp cho thị trường đô thị sản phẩm với chi phí thấp.

Là nền sản xuất nông nghiệp đa chức năng, NNĐT giữ vai trò tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng, cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ. có thể giải quyết được khó khăn cho cư dân đô thị. Đây là giải pháp khả thi trong xây dựng đô thị thông minh, đóng góp vào những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng xanh, tạo nguồn lương thực, thực phẩm an toàn, sản xuất hoa cây cảnh và tạo đa dạng việc làm.

Những thành phố thực sự quan tâm đến phát triển NNĐT, có thể tự đáp ứng đến 100% nhu cầu nông sản tươi sống. Sử dụng tầng mái ở New York (Mỹ) có thể tăng gấp đôi không gian cần thiết để cung cấp rau xanh cho toàn Thành phố, trồng cây xanh trong thành phố có thể giảm được đáng kể lượng rác thải thực phẩm. Phong trào làm vườn cộng đồng đã mở ra cơ hội và cung cấp không gian cho người dân trồng cây làm thực phẩm hoặc giải trí trong các đô thị.

Ở nước ta, tuy đã xuất hiện nông nghiệp thông minh, nhưng quy mô nhỏ và dường như chưa có mô hình hoàn chỉnh. Việc áp dụng NNĐT thông minh còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiếu nghiên cứu về các mô hình quản trị phần mềm phù hợp với nhu cầu của các chuỗi giá trị. Khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh còn nhiều hạn chế; thiếu sự kết nối trong điều kiện thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp chưa phát triển,  Ngoài ra, suất đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao và NNĐT đòi hỏi cao hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống, Nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp hạn hẹp trong khi cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa được xây dựng và ban hành kịp thời.

2. Đặc thù nông nghiệp Hà Nội, nét riêng của nông nghiệp đô thị Thủ đô

Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.359,82Km2 và trên 8,53 triệu dân với dân số  ở nông thôn nông thôn chiếm 50,9% dân số thành phố. Thủ đô có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã; gồm 175 phường, 21 thị trấn và 383 xã. Phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nông dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái kết hợp cùng giá trị văn hóa của các làng nghề. Hà Nội có thể tạo động lực quan trọng để phát triển mạnh kinh tế xã hội Thủ đô.

Với quỹ đất nông nghiệp chiếm 58,9% diện tích tự nhiên, đất lâm nghiệp có rừng chiếm 6,1%, nuôi trồng thủy sản 4,5% và đất nông nghiệp khác khoảng 2%. Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, nông thôn Hà Nội đã khởi sắc, kết cấu hạ tầng được nâng cấp, kinh tế nông thôn phát triển, môi trường có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhiều nơi đã trở thành những làng quê đáng sống với 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có mức thu nhập bình quân đầu người từ 15,7 triệu (năm 2010) lên 59,4 triệu VNĐ (năm 2022) và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,25% xuống còn 0,37% trong cùng nthời gian. Nhờ sự chỉ đạo đồng bộ cuả Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố cùng với sự lãnh đạo sát sao của các huyện, xã và sự vào cuộc quyết liệt của mọi tầng lớp dân cư,kinh tế xã hội nông thôn đã có những thành công, đưa Hà Nội trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM.

Theo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân” và thực hiện Nghị Quyết của Hội đồng ND, UBND thành phố đã có những chương trình và các kế hoạch hành động cụ thể. Theo đó, ngành nông nghiệp Thủ đô đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp Đô thị trong giai đoạn từ 2022 đến 2026. Đề án đã tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp thực hiện đối với đối tượng chính là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trung tâm dịch vụ; hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất, làm dịch vụ nông nghiệp và các cơ quan quản lý, tổ chức có liên quan.

3. Nông nghiệp đô thị và ảnh hưởng của nhu cầu phát triển Thủ đô

Không gian NNĐT có thể phân thành 3 vùng theo đặc điểm của quá trình đô thị hoá. Đó là: vùng nông thôn ven đô, đô thị ven đô và vùng nội đô. Trong phân tích tình hình phát triển NNĐT ven đô, các nhà nghiên cứu cho rằng, nông nghiệp Hà Nội và nhiều thành phố thường phát triển theo mô hình 3 vành đai, bao gồm vành đai nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp đa dạng và nông nghiệp thích ứng.

Khi đất nông nghiệp thuộc quyền quản lý của chính quyền đô thị, đất nông nghiệp được giao cho nhà đầu tư, nông dân mất đất canh tác. Mặt khác, đất nông nghiệp manh mún, không liền mạch nên việc mở rộng canh tác và đầu tư sản xuất gặp nhiều khó khăn. Các HTX nông nghiệp bị giải thể hoặc ngừng hoạt động, dẫn đến đất đai bị bỏ hoang hóa. Với những hạn chế về tuổi tác, trình độ học vấn và kỹ năng làm việc, nông dân khó có cơ hội tìm kiếm việc làm. Trong quá đẩy nhanh đô thị hóa, NNĐT giữ vai trò quan trọng để đảm bảo sinh kế và việc làm cho cư dân nghèo.

Nông nghiệp đô thị không chỉ đóng vai trò tích cực trong chiến lược bền vững sinh kế, tạo nguồn thu GDP dựa trên giá trị gia tăng từ đất nông nghiệp mà được xem là hướng đi khả thi để giải quyết những bất cập liên quan đến quá trình đô thị hóa; hướng tới xây dựng đô thị sinh thái và cảnh quan bền vững trong tương lai.

Phát triển NNĐT sẽ từng bước thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống chuyển sang sản xuất nông sản hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phương pháp canh tác theo hướng sinh thái, bền vững, đảm bảo an toàn, giảm thiểu tác động ô nhiễm, cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị. NNĐT đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đô thị hóa xanh, thông minh và bền vững. Phát triển NNĐT sản xuất sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn, an ninh dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe cộng đồng, đảm bảo không chỉ phát triển nông nghiệp toàn diện, bao trùm mà còn là cách bảo tồn được các giống, loài cây trồng và vật nuôi.

anh-chup-man-hinh-2024-06-12-luc-163721-1718185065.png
Phát triển nông nghiệp trong đô thị hóa   (Ảnh Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

Từ quan điểm phát triển hệ thống LTTP bền vững, Hà Nội còn gặp khó khăn trong phân phối và tiêu dùng nông sản. Quá trình đô thị hóa tác động mạnh tới sự đa dạng, mật độ và khoảng cách của các điểm cung cấp thực phẩm. Điểm bán thực phẩm đô thị đa dạng hơn nhiều so với nông thôn. Người tiêu dùng thành phố tiếp cận thực phẩm qua những nơi bán hàng năng động như chợ truyền thống, các điểm bán thực phẩm hiện đại, siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích.Nhu cầu nông sản thành phố phụ thuộc không nhiều theo thời vụ, khẩu phần ăn của người dân có thêm thực phẩm du nhập từ nước ngoài và giá cả đóng vai trò quan trọng trong quyết định lựa chọn của người tiêu dùng.

Trong những thập niên gần đây, an toàn thực phẩm đã trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu. Năm 2013, Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước có nhiều sai phạm về an toàn thực phẩm. Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, 89% người tiêu dùng thế giới đang tiêu thụ thực phẩm không an toàn. Mức độ đô thị hóa nhanh tạo áp lực lên việc cung cấp thực phẩm truyền thống. Việc sử dụng quá mức đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như lạm dụng chất kháng sinh, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và kiểm soát lỏng lẻo hoặc nhập khẩu lậu; thiếu truy xuất nguồn gốc là những tác nhân gây mất an toàn thực phẩm.

Hà Nội có hệ thống thực phẩm đa dạng với nhiều lựa chọn khác nhau, trong khi lúa gạo là thực phẩm chính, thì sở thích và cách lựa chọn ngày càng thay đổi, thịt lợn tăng nhanh những năm gần đây và tiêu thụ các loại rau xanh trở nên rất quan trọng. Mặc dù sản phẩm sữa không được ưa chuộng trong chế độ ăn truyền thống nhưng xu hướng tiêu dùng đang ngày càng mở rộng. Việc lựa chọn thực phẩm đủ chất dinh dưỡng và mùi vị ngon, hấp dẫn ngày một gia tăng.

Sở thích lựa chọn thực phẩm có sự khác biệt giữa các thế hệ. Trong đó, giới trẻ có xu hướng thích tiêu thụ thực phẩm hiện đại có nguồn gốc phương Tây, còn người cao tuổi lại thích tiêu thụ thực phẩm truyền thống. Hành vi tiêu dùng hướng tới “ăn ngon miệng hơn” đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng bữa ăn trong ngắn và dài hạn. Người tiêu dùng ngày nay thường lựa chọn ăn bên ngoài vì lý do thuận tiện, tiết kiệm thời gian nấu nướng và chi phí rẻ hơn so với nấu nướng tại nhà.

Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến 2030 và tầm nhìn 2045 xác định định hướng nông nghiệp sinh thái. Với Hà Nội, Luật Thủ đô sửa đổi đã xác định tầm nhìn đô thị sinh thái, bền vững và khẳng định rõ vai trò của Nông nghiệp đô thị. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, gắn sản xuất với cung ứng và tiêu dùng Lương thực thực phẩm, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Theo đó, đã quy định Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của mọi tác nhân trong toàn hệ thống, được thực hiện đồng thời ở nhiều cấp từ Trung ương tới địa phương dưới sự giám sát, điều hành thống nhất và xuyên suốt của Chính phủ. Xây dựng đề án Phát triển Nông nghiệp đô thị theo hướng tích hợp thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia có cơ sở pháp lý và xuất phát từ thực tiễn Thủ đô.

4. Phát triển Nông nghiệp đô thị Hà Nội và việccần vân dụng trên địa bàn

Theo các nhà nghiên cứu, NNĐT đóng vai trò then chốt đối với an ninh lương thực và được phát triển trong những thành phố thông minh, NNĐT có tiềm năng sản xuất lương thực thực phẩm, đặc biệt là những nông sản dễ hỏng và có giá trị cao. Ngày càng có nhiều mối quan tâm đến canh tác thương mại cây trồng phi lương thực như trồng hoa hoặc tận dụng không gian trồng cây trên các bức tường thành phố.  Đây là những vấn đề quan hệ mật thiết với kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ.

 Có nhiều hình thức phát triển NNĐT; bao gồm cả canh tác trên mặt đất, trên mái nhà, thủy canh, nhà kính và những công nghệ khác. So với hoạt động nông nghiệp truyền thống, NNĐT sử dụng nhiều vốn, cơ sở vật chất, công nghệ và lao động; được cho là nền nông nghiệp công nghiệp hóa, có thể tận dụng thị trường để phát triển mạng lưới thông tin và giao thông, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và thương mại liên vùng. NNĐTmuốn phát triển bền vững phải theo cách tiếp cận liên ngành. Ở nhiều quốc gia, lương thực-thực phẩm là một trong những chính sách quản trị đô thị quan trọng. Trên toàn châu Á, chính sách lương thực được coi là nhiệm vụ của các bộ về nông nghiệp. Trên thực tế, ngành nông nghiệp đã tập trung vào tăng cường sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và thực hiện mục tiêu an ninh lương thực quốc gia nhưng NNĐT chưa được đề cập cụ thể trong các quy hoạch nông nghiệp và sử dụng tài nguyên quốc gia.

Tổ chức An toàn thực phẩm toàn cầu cho biết, hệ thống lương thực-thực phẩm được nhiều cơ quan khác nhau giải quyết nhưng có ít sự phối hợp. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội có 11 quy hoạch liên quan đến nông nghiệp nhưng phần lớn đã bị biến đổi và phải điều chỉnh do tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, đã phá vỡ không gian nông nghiệp để nhường chỗ cho các khu nhà ở và hạ tầng đô thị. Đây là thách thức mà cư dân đã lên tiếng yêu cầu cần có giải pháp và sự phối hợp liên ngành. Để vượt qua các khó khăn, thách thức nhằm đạt được các lợi ích to lớn do chuyển đổi số và nông nghiệp thông minh mang lại, các nhà phân tích cho rằng, cần triển khai đồng bộ và làm tốt một số giải pháp dưới đây:

Khuyến khích nông nghiệp thông minh trên cơ sở nghiên cứu thị trường và các nhu cầu của cư dân đô thị trong phát triển NNĐT;

Chính phủ cần ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi nhằm huy động tốt mọi nguồn lực để thực hiện cách mạng nông nghiệp thông minh;

Đầu tư công nghệ phù hợp nhằm tạo sinh khí mới với những mô hình nông nghiệp thông minh, tạo ra nông sản độc đáo, an toàn và có khả năng cạnh tranh cao; 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng kiến trúc tổng thể Chính phủ số và kinh tế số trong ngành nông nghiệp, xác định rõ nhu cầu dịch vụ chức năng của hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp để thiết kế nền tảng số tập trung và khung cơ sở dữ liệu số đồng bộ giữa các nhóm ngành theo cơ cấu từ trung ương đến địa phương;

Cần có đầu mối tập trung để thiết kế cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin, tránh hiện tượng tự phát khi chưa có các tiêu chuẩn kết nối chung;

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận NNĐT;

Triển khai thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến tích hợp, đồng bộ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phục vụ nông nghiệp. Theo đó, cần chú ý đến công nghệ tự động hoá sản xuất nông nghiệp phù hợp với hộ nông dân nhỏ, gắn với truy xuất nguồn gốc là những lĩnh vực cần ưu tiên nghiên cứu để có thể ứng dụng được ngay .

Thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong NNĐT, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp thu các công nghệ nông nghiệp thông minh, phương thức quản trị số phù hợp nhằm tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả cao...