Tham dự Hội nghị có đại diện các Sở, ban ngành thành phố, lãnh đạo các quận huyện, đại diện các Hiệp hội chuyên ngành, cùng đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết, Thành phố Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp năm 2021 là 197.793 ha, chiếm tỷ lệ 58,9% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là diện tích đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 43,6%), diện tích đất lâm nghiệp có rừng chiếm 6,1%, đất nuôi trồng thủy sản chiếm 4,5% và đất nông nghiệp khác chiếm 2%. ; dân số khu vực nông thôn trên 4,3 triệu người, chiếm 50,9% tổng dân số; lao động khu vực nông thôn 2,271 triệu người, chiếm trên 56% lực lượng lao động của Thành phố. Cuối năm 2022, sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 2,3% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố. Sản phẩm nông nghiệp làm ra mới đáp ứng 30 - 65% nhu cầu hơn 10 triệu người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Cụ thể với các tiểu ngành là nông nghiệp Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 65,6% sản phẩm gạo; thịt lợn hơi 94,1%, trái cây 28,8%; trứng gia cầm 94,2%. Lượng nông sản thực phẩm còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành trên cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Như vậy, tình hình an ninh lương thực, tính liên kết của Hệ thống sản xuất nông nghiệp đô thị - cung lương thực thực phẩm Thành phố rất cần những cơ chế chính sách, kế hoạch hành động cụ thể để sản xuất các sản phẩm có năng suất, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô là hết sức cấp thiết.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh đã phát triển đa dạng các kênh cung ứng, tuy nhiên, việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp tập trung và công trình hạ tầng kinh tế - xã hội dẫn đến một số diện tích đất nông nghiệp bị chia cắt, nhiều tuyến kênh mương, thủy lợi nội đồng bị ách tắc không phục vụ được tưới, tiêu... Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không ít nông dân bỏ ruộng, không sản xuất. Thành phố Hà Nội hiện có 11 quy hoạch liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nhưng phần lớn các quy hoạch này đều phải điều chỉnh bởi tốc độ đô thị hoá quá nhanh thời gian qua đã phá vỡ cảnh quan, không gian nông nghiệp, nhường chỗ cho các khu đô thị và hạ tầng đô thị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới suy giảm nhiều giá trị lịch sử văn hoá của nông nghiệp để lại từ ngàn xưa.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ của lực lượng lao động trẻ từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đã tác động trực tiếp đến lực lượng lao động sản xuất. Trong đó, phải kể đến tình trạng “già hóa” lực lượng sản xuất nông nghiệp, thiếu lao động vào thời vụ, sản xuất chủ yếu mang tính nông hộ manh mún, tự phát; chi phí sản xuất tăng cao. Do đó, tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao.
Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025 đã định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước. Hà Nội không chỉ có thế mạnh để phát triển nông nghiệp, mà còn có bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa. Nếu phát triển nông nghiệp đô thị vừa đảm bảo được an ninh lương thực, đảm bảo được nguồn thực phẩm bổ dưỡng và có thể gia tăng nguồn thu từ du lịch, trải nghiệm từ nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp đô thị của Thủ đô Hà Nội không chỉ dừng lại ở phát triển sản xuất mà cần kết nối chặt chẽ với an ninh dinh dưỡng và giải quyết được các thách thức về môi trường. Thực tế trên cho thấy việc phát triển nông nghiệp đô thị cần áp dụng tiếp cận toàn diện của chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng bền vững - là nơi cung cấp thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng và bao trùm là hết sức cần thiết. Hệ thống sản xuất thực phẩm bền vững cùng các hệ thống phân phối hiệu quả và bao trùm là một trong những giải pháp hữu hiệu cho những thách nói trên. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện “Đề án Nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026” thực sự phù hợp và cần thiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền nông nghiệp của Thủ đô, đơn vị tiên phong thực hiện và thử nghiệm nông nghiệp đô thị và trở thành mô hình điểm cho các tỉnh lân cận có mối quan hệ mật thiết với liên kết, giao thương với Hà Nội.
Tại Hội nghị, thay mặt Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO, đơn vị tư vấn xây dựng Đề án Nông nghiệp Đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn (2022 - 2026) và định hướng tầm nhìn những năm tiếp theo, PGS.TS.VS Đào Thế Anh đã trình bày các nội dung: Tính cấm thiết của Đề án; Căn cứ pháp lý xây dựng Đề án; Phạm vi đối tượng của Đề án; Đánh giá kết quả Nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn (2018 - 2022); Phân tích các yếu tố tác động tới quá trình thực hiện phát triển nông nghiệp Đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn (2022 - 2026); Quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án Nông nghiệp Đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn (2022 - 2026); Tổ chức thực hiện Đề án; Kết luận và Kiến nghị...
Còn tiếp...!