Nông sản của Việt Nam liên tục đón nhận nhiều tin vui đầu năm

Từ đầu tháng 1/2024 đến nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam liên tục đón nhận nhiều tin vui khi các doanh nghiệp đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu, trong đó, kể đến gạo, cà phê, sầu riêng... Theo các chuyên gia, mặc dù năm 2024 vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu nông sản dự báo sẽ bùng nổ.
anh-1708309964.jpg
Nông sản của Việt Nam liên tục đón nhận nhiều tin vui đầu năm

Theo Tổng cục Thống kê, việc tăng trưởng giá trị hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu cho thấy hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp trong định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường. Trong bối cảnh các thị trường trên toàn thế giới có nhiều bất ổn, ngành công thương và ngành nông nghiệp đã thường xuyên cập nhật thông tin, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó khuyến nghị kịp thời cho người sản xuất, doanh nghiệp.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023 đạt hơn 53 tỷ USD, giá trị toàn ngành tăng trưởng hơn 3,8%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Nhiều loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu tăng về cả giá và số lượng. Nổi bật như gạo, nhiều tháng liền giá gạo Việt Nam ở mức cao nhất thế giới, trên 663 USD/tấn với gạo 5% tấm. Lần đầu tiên giá trị xuất khẩu cả năm đạt trên 4,7 tỷ USD tăng 38% so với năm trước đó. Ngoài việc xuất khẩu gạo đạt kỷ lục thì cà phê năm đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD, giá trị xuất khẩu sầu riêng cũng đạt hơn 2 tỷ USD.

Theo tính toán từ hiệp hội gạo, năm nay, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Bên cạnh mặt hàng gạo là mặt hàng sầu riêng. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh năm 2024 sẽ tăng thêm 30%. Các loại trái cây đặc sản khác như xoài, chuối, thanh long, dừa tươi... cũng đón nhận tin vui khi có nhiều đơn hàng ngay trong tháng đầu năm mới để lên đường đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia...

Hiệp hội rau củ quả cũng cho biết, hiện Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do - FTA, trong đó 15 FTA đang thực thi. Nhờ đó, xuất khẩu rau quả có lợi thế hơn từ ưu đãi thuế quan, giúp nâng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.

Trong năm 2024, Bộ Công thương cũng cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, liên kết thương mại mới, ký kết với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường.

Ngành gỗ và thuỷ sản vốn là hai ngành xuất khẩu chủ lực ghi nhận mức sụt giảm mạnh và không đạt mục tiêu. Nhưng bù lại, năm qua đã chứng kiến nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng. Theo Tổng cục thống kê, tính chung thu nhập của người sản xuất nông, lâm, thuỷ sản năm nay tăng trên 3% so với năm ngoái.

Ngoài ra, thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp đạt 12,7 tỷ USD, chiếm trên 42% thặng dư thương mại của cả nước. Theo nhiều chuyên gia, điều đáng mừng nhất của ngành nông nghiệp năm nay không chỉ là con số xuất khẩu chung mà còn là thu nhập của người nông dân được cải thiện nhờ giá bán nông sản tăng, giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành khá ổn định.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hà - Phó Vụ trưởng, Vụ thống kê Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, Tổng cục Thống kê - cho biết: "Không có hiện tượng được mùa mà mất giá, với chỉ số giá của người sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng 3,1%. Như vậy, người sản xuất có lợi nhuận cao trong sản xuất nông, lâm, thuỷ sản".

Ngành nông nghiệp đang chiếm tới 42% lực lượng lao động của nước nên giá trị gia tăng tạo ra trong lĩnh vực này có ý nghĩa trong việc cải thiện bộ mặt nông thôn, đời sống bà con nông dân.

Theo một số chuyên gia, những kết quả trên của ngành nông nghiệp khá là tích cực nhưng nhìn vào cơ cấu thị trường xuất khẩu năm nay thì chúng ta thấy vẫn tồn tại sự mất cân đối tại một số nhóm ngành hàng quan trọng. Và trong thời gian tới, cần tiếp tục đa dạng hoá thị trường, tránh việc bỏ trứng vào một giỏ.

Hơn nữa, để duy trì nhịp tăng trưởng ổn định của ngành nông nghiệp, theo các chuyên gia, ngoài việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, cũng cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.