Loạt mẫu xe giảm mạnh, có mẫu thấp hơn cả xe hạng A
Theo ghi nhận, Lynk & Co – một thương hiệu Trung Quốc đang mở rộng tại Việt Nam đang áp dụng chương trình hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho tất cả các dòng xe, gồm: Lynk & Co 06, 01, 05, 03+ và 09. Mức hỗ trợ dao động từ 36 - 109 triệu đồng tùy phiên bản.

Chưa đầy 3 tuần sau khi chính thức mở bán, Geely Coolray cũng nhanh chóng được áp dụng khuyến mại tương tự. Việc hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ giúp giá xe giảm xuống chỉ còn từ 511 - 596 triệu đồng, trở thành mẫu SUV hạng B có giá rẻ nhất phân khúc – thậm chí thấp hơn cả Kia Sonet (539 - 624 triệu đồng), một mẫu SUV hạng A.

Tháng 3 vừa qua, Omoda C5 ra mắt thêm phiên bản tiêu chuẩn mang tên Luxury, niêm yết 539 triệu đồng. Tuy nhiên, với chương trình ưu đãi dành cho 555 khách hàng đầu tiên đặt cọc trong tháng 4, mức giá chỉ còn 499 triệu đồng, thấp hơn cả Toyota Raize hay Kia Sonet, vốn là các mẫu xe cỡ nhỏ.

Trong khi đó, Haval H6 HEV - một mẫu C-SUV hybrid tiếp tục ghi nhận mức giảm sâu nhất thị trường. Tại đại lý, mẫu xe sản xuất năm 2023 (VIN 2023) được bán với giá 790 triệu đồng, thấp hơn tới 196 triệu đồng so với niêm yết.

Đáng chú ý, mẫu MPV Haima 7X – dù được định vị cạnh tranh với Toyota Innova Cross và Hyundai Custin vẫn khó tạo dấu ấn, dù đã được giảm gần 200 triệu đồng so với giá gốc 865 triệu đồng.

Nỗ lực tiếp cận thị trường nhưng chưa tạo được dấu ấn
Trong những năm gần đây, xe Trung Quốc đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam với đủ chủng loại: từ SUV, MPV cho đến các dòng xe điện, hybrid. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn vẫn chưa thể chiếm lĩnh được niềm tin người tiêu dùng.
Ông T. Hiếu – Giám đốc kinh doanh tại một đại lý ô tô ở Hà Nội – chia sẻ: “Không ít mẫu xe Trung Quốc hiện được bán tại Việt Nam thực chất đã ra mắt thị trường quốc tế từ nhiều năm trước.”

Đơn cử, mẫu SUV cỡ nhỏ Omoda C5 dù mới giới thiệu tại Việt Nam vào cuối năm 2024 nhưng đã được ra mắt lần đầu từ Triển lãm Ô tô Thượng Hải 2021. Còn Geely Coolray mới xuất hiện tại Việt Nam tháng 3 vừa qua lại là mẫu xe đã có mặt tại Trung Quốc từ 2018.
Những sự chậm trễ này khiến người tiêu dùng hoài nghi: Liệu Việt Nam có đang trở thành “bãi đáp” cho các mẫu xe cũ, tồn kho từ các thị trường khác?
Giá tốt, nhiều trang bị nhưng vẫn bị “ghẻ lạnh”
Dù có nhiều trang bị hấp dẫn, giá bán cạnh tranh, thậm chí ngang ngửa các mẫu xe Nhật, Hàn nhưng xe Trung Quốc vẫn chưa thể vượt qua rào cản niềm tin từ khách hàng Việt.
Nguyên nhân chính nằm ở thành kiến lâu năm về chất lượng. Trong quá khứ, nhiều mẫu xe Trung Quốc từng bị đánh giá thấp về độ bền, chất liệu nội thất, khả năng vận hành và đặc biệt là độ an toàn.

Thị trường cũng từng chứng kiến sự "chìm nghỉm" của các thương hiệu Trung Quốc như Zotye, Beijing, Chery... dù từng tạo nên làn sóng nhất định với các mẫu như Zotye Z8 hay Beijing X7.
Tâm lý giữ giá và thương hiệu quen thuộc chiếm ưu thế
Bên cạnh chất lượng, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua xe tại Việt Nam là giá trị bán lại. Xe Trung Quốc hiện chưa có thị trường xe cũ rõ ràng, mất giá nhanh và rất khó thanh khoản, khiến người mua e ngại.
Trong khi đó, các thương hiệu quen thuộc như Toyota, Hyundai, Kia, Honda hay VinFast lại giữ giá tốt, dễ bán lại và có hệ thống dịch vụ hậu mãi rộng khắp – yếu tố mà xe Trung Quốc vẫn còn thiếu.

Dù đã có sự cải tiến rõ rệt về thiết kế, công nghệ và chính sách giá nhưng xe Trung Quốc vẫn đang loay hoay trong hành trình chinh phục khách Việt.
Không chỉ phải cạnh tranh với các thương hiệu đã có vị thế vững chắc, ô tô Trung Quốc còn cần vượt qua rào cản tâm lý và định kiến lâu đời nếu muốn chiếm được thị phần thực sự trên thị trường ô tô Việt Nam.
Những đợt giảm giá “sốc” chỉ là giải pháp tạm thời – bài toán dài hạn vẫn cần được các hãng Trung Quốc giải bằng chất lượng thực sự, dịch vụ hậu mãi và chiến lược bài bản hơn.