Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 1

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.
cvl2ab2-1721177831.jpg
 

Kỳ 1.

LTS: Năm 1858 thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược nước ta, mở đầu trang lịch sử cận đại của Việt Nam (1858-1945). Đây cũng là những trang lịch sử mà dân tộc ta không ngừng vùng dậy đấu tranh chống thực dân pháp. Hội Duy Tân và phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và Tiểu La Nguyễn Thành (Quảng Nam) là một trong những lá cờ tiêu biểu nhất của thời kỳ cách mạng này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc “Ông Gia Bến Ngự” là tiểu thuyết lịch sử mô tả quá trình hoạt động của Phan Bội Châu và những đồng chí của ông trong phong trào cứu nước này.

I

Tháng 12 năm 1873, xứ Nghệ miền Trung cũng như toàn xứ Đông Dương thuộc Pháp chìm trong giá rét, bầu trời u ám không thấy ánh nắng mặt trời, gió lạnh đưa cây cối rung lên xào xạc, lá vàng bay lả tả. Dưới bầu trời u ám đó, có một ngôi nhà tranh ba gian, vách buộc nan tre trát đất, ba gian bếp cũng lợp mái tranh vuông góc với ngôi nhà chính. Nhà chính và bếp hướng ra một cái sân vuông. Hai cạnh của sân không có nhà nhưng có những cây cau vươn lên thẳng tắp nghiêng mình theo gió. Chung quanh nhà là những mảnh vườn trồng rau và cải. Cải mùa đông đang nở hoa vàng chóe. Bên hè một con chó vàng đang co ro nằm chịu rét. Đó là nhà của ông Phan Văn Phổ và bà Nguyễn Thị Nhàn thuộc làng Đan Nhiễm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

  Như mọi nhà của nông thôn Việt Nam, giữa nhà ông Phổ gần vách kê một chiếc bàn thờ gia tiên, trên bàn thờ sát tường đặt bài vị gia tiên sơn son thếp vàng, trước bài vị đặt ba bát hương có cắm những cây hương đã cháy gần xuống gốc, rủ xuống bát những tàn nhang màu xám, hai bên bàn có đặt những lư hương đồng cắm những bó hương chưa đốt, dự trữ khi cần. Hai cây cột gỗ trước bàn thờ treo hai câu đối màu đen viết chữ Hán màu vàng lấp lánh. Dưới bàn thờ giữa nhà đặt chiếc bàn gỗ màu gụ, hai bên bàn kê hai ghế tràng kỷ dài cũng màu gụ chạm khắc hoa lá tinh vi đẹp mắt. Trên bàn đặt ấm trà và những chiếc ly uống nước. Đây là nơi ngồi uống trà và tiếp khách của gia chủ.

  Sáng nay sau bữa ăn sáng, ông Phan Văn Phổ mặc áo bông và ngồi uống trà. Bà Nhàn đem cho ông một ấm trà nóng. Ông Phổ rót nước, bê chén nhâm nhi, ông gật đầu hài lòng vì nước nấu bằng lá trà xanh nên tỏa mùi thơm ngon. Phía gian bên một cậu bé trai khoảng sáu tuổi mặc áo bông đang ngồi học bài, đó là con trai ông Phổ với bà Nhàn tên là Phan Bội Châu sinh năm 1867. Ông Phổ đặt ly xuống và gọi:

-Châu này!

-Dạ, thưa cha.

-Con đem cuốn “Tam tự kinh” mà cha đưa con ba ngày trước, con học đến đâu rồi? Có hiểu và nhớ gì không? Lại đây nói cha nghe thử.

Cậu bé rời bàn học, lại ngồi vào ghế trang kỷ đối diện với ông Phổ và nói:

-Thưa cha, con đã thuộc làu sách “Tam tự kinh” này rồi ạ.

Ông Phổ ngạc nhiên:

-Hả, mới có ba ngày mà thuộc rồi à. Giỏi quá, vậy nói những điều con hiểu cha nghe nào.

-Dạ.

Ông Phổ hỏi:

-“Tam tự kính” là sách của nước nào? Được ai biên soạn vào thời nào?

-Dạ thưa cha, “Tam tự kinh” là cuốn sách chữ Hán, sách do Vương Ung Linh (1223-1296) đời Tống biên soạn. Sang cuối đời Tống sách được Âu Thích Tư bổ sung. Đến thời Minh (1388-1464) được Lê Minh rồi đến đời Thanh (1644 đến nay) bổ sung vào. Sách này gồm 1000 chữ, bố trí ba chữ một câu có vần. Sách cần cho những người muốn học chữ Hán phải học “Tam tự kinh” để có số vốn chữ Hán để học cao hơn.

  Ông Phổ nhấp một ngụm trà, gật gù mà nói:

-Khá lắm, con nói nội dung cơ bản của sách xem nào?

-Dạ thưa cha, sách biên soạn để dạy vỡ lòng cho trẻ con Trung Quốc, nội dung rất phong phú, đề cập bản tính con người ban đầu là thiện nhưng lớn lên do nhiễm những thói xấu của xã hội mới trở nên mất dần bản tính ấy, cho nên phải chăm chỉ học tập, trau dồi kiến thức để trau dồi bản tính thiện.

-Ha, ha, ha... khá lắm, được lắm. Cuốn sách có những nội dung chính như thế nào?

-Dạ, thưa cha, sách có mấy nội dung chính, thứ nhất nói về bản tính con người là thiện, về tầm quan trọng của người thầy và vấn đề học tập của trẻ con, thứ hai sách dạy cho các em phải hiền thân với bố mẹ, hòa thuận với anh em, thứ ba sách dạy những kiến thức phổ thông từ cách đếm, về thời tiết bốn mùa, ngũ hành, lục cốc, lục súc, thủy. Sách còn giới thiệu những sách kinh điển của Nho gia và các trước tác của chư tử, thứ 5 sách trình bày sự phát triển hưng vong của các triều đại Trung Quốc từ Xuân Thu Chiến Quốc cho đến ngày nay và cuối cùng sách giới thiệu những gương hiếu học điển hình cho các em noi theo.

-Tuyệt với con trai. Vì sao sách gọi là “Tam tự kinh”?

-Dạ, thưa cha, “Tam tự kinh” nghĩa là kinh ba chữ. Kinh nghĩa là đạo lý không thay đổi.

-Con đã thuộc lòng hết chưa?

-Dạ, con thuộc hết rồi ạ.

-Mới ba ngày sao con thuộc hết?

-Dạ, con không rõ, con ham thích nên con nhanh thuộc ạ.

-Con đọc cha nghe mấy câu đầu xem?

-Dạ, nhân chi sơ tính bản thiện.

Chợt ngoài hè con chó vàng sủa lên. Ông Phổ nói:

-Con trai giỏi lắm. Thôi con đi học tiếp đi, cha có khách tới thăm.

-Dạ, con xin phép cha.

  Một năm sau năm 1874, buổi sáng cái nóng miền Trung đã bắt đầu lan tỏa, nắng lọt qua những tán cây cau, cây tre, rải loang lổ xuống khắp sân vườn. Ông Phổ vẫn ngồi uống nước chè xanh do bà Nhàn nấu. Ngồi trước mặt ông trên ghế tràng kỷ vẫn là cậu con trai nay đã 7 tuổi, ông bê ly nước uống và phe phẩy cái quạt mo cau. Ông Phổ khẽ hỏi:

-Năm trước cha đưa con một cuốn “Luận ngữ”, con đọc chưa và đọc có hiểu gì không?

-Dạ thưa cha con đọc rồi, con hiểu.

-“Luận ngữ” do ai viết?

-Dạ thưa cha, “Luận ngữ” do Khổng Tử và những đệ tử của ông biên soạn. Trong Nho đạo có bộ sách “Tứ thư ngũ kinh” là Đại học, Trang Tử, Trung Dung và Luận ngữ. Luận ngữ nằm trong bộ tứ thư đó. Các môn sinh, học trò của Khổng Tử nghe thầy của mình giảng thì ghi chép lại bài của thầy. Học trò của học trò lại ghi chép, truyền đạt cho môn sinh của mình. Có lẽ là một học trò của Tăng Sam là người cuối cùng chép luận ngữ 70-80 năm sau khi Khổng Tử đã mất.

-Nội dung cơ bản của sách Luận ngữ là gì?

-Thưa cha, sách luận ngữ có gồm 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu mà đặt tên và các thiên không có liên hệ gì với nhau. Nội dung chủ yếu, thứ nhất: Tam tư hậu thành, Quý Văn Tử làm việc gì cũng nghĩ đi xét lại đến ba lần rồi mới làm. Đức Khổng Tử nói: hai lần đã là khá vậy. Nội dung thứ hai là “Tứ hải huynh đệ", bốn biển anh em, quân tử kính mà không để thoát. Đối xử với người khiêm cung mà không vô lễ, trong bốn biển đều anh em một nhà cả. Nội dung thứ ba là "Trí lạc thủy", nghĩa là người khôn thích nước, nghĩa là người có nhân ái thì ưa thích và biến báo như nước. Thứ tư là “Thiết vấn cân chi” hỏi thiết tha nghĩ về sự gần, hỏi han tha thiết, suy nghĩ có dính dấp, đức nhân nằm ở đó.

(Còn nữa)

CVL