Ông Già Bến Ngự (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 9

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Ông Già Bến Ngự” là Tập X trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 9.

-Nguyễn Thành thuở nhỏ học chữ Hán và tập võ nghệ, năm Ất Dậu 1885 ra Huế dự kỳ thi hương nhưng xẩy ra cuộc bạo động đêm 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885 do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo đánh Pháp ở Huế nhưng thất bại. Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi khi đó 15 tuổi chạy lên Sơn Phòng Tân Sở Quảng Trị, phát hịch Cần Vương. Con đường khoa cử chấm dứt, Tiểu La Nguyễn Thành về quê hương nuôi chí diệt thù cứu nước.

Khi chiếu Cần Vương ban ra, từ miền Trung đến miền Bắc các văn thân, sĩ phu yêu nước rầm rộ nổi dậy hưởng ứng. Kêu gọi dấy lên phong trào nhưng Tôn Thất Thuyết không có đường lối tổ chức, thống nhất lãnh đạo nên các văn thân, sĩ phu phải tự đứng ra chiêu mộ quân, tự lập căn cứ chống Pháp ở từng vùng riêng lẻ, tự mình đứng ra đảm đương mọi việc, không có sự trợ giúp chỉ đạo chung. Khi Kinh thành Huế thất thủ, Nguyễn Thành khi đó đang ở Huế tận mắt chứng kiến những hành động ngang ngược tàn bạo cướp bóc, tàn sát của giặc Pháp. Vì thế sau khi vượt đèo Hải Vân về quê, ông đã đứng ra tập hợp trai tráng vùng quê Thăng Bình, Quế Sơn ngày đêm luyện tập võ nghệ, học binh pháp, chờ ngày xông pha chiến trận.

Tháng 9 năm Ất Dậu (1885), Tiến Sĩ Trần Văn Dư giữ chức Sơn phòng sứ Quảng Nam, hưởng ứng phong trào Cần Vương quyết định đánh chiếm tỉnh Quảng Nam, kêu gọi Nguyễn Hàm đem quân phối hợp. Tiểu La Nguyễn Thành nhận nhiệm vụ chỉ huy đội quân đi tiên phong, cùng Trần Văn Dư tác chiến bất ngờ nên giành chiến thắng, lấy được nhiều súng đạn của Pháp. Tiếu La nói với Trần Văn Dư :

-Chúng ta nên về miền núi dựa vào địa thế hiểm trở mà chống giặc.

Trần Văn Dư nói:

-Các tướng lĩnh của ta không chịu lên miền núi.

  Tiểu La Nguyễn Hàm một mình rút quân về miền núi Ô Gia huyện Đại Lộc lập căn cứ chống Pháp. Tháng 10 năm 1885 sơn phòng của Trần Văn Dư thất thủ, ông bị Pháp bắt và sát hại tháng 12 năm đó.

  Đầu năm 1886, Nghĩa hội Cần Vương Nam-Ngãi-Định được chính thức thành lập, tôn Nguyễn Duy Hiệu làm Hội chủ, lập trụ sở ở Trung Lộc, huyện Quế Sơn. Nguyễn Duy Hiệu viết thư mời Tiểu La Nguyễn Hàm tham gia và cử ông giữ chức Tán tương quân vụ. Từ đây nhân dân trong vùng gọi ông là Tán Hàm.

  Tán Hàm tổ chức chia quân thành cơ, đội, đề ra kỷ luật, thưởng phạt nghiêm minh, ngày đêm ra sức luyện tập võ nghệ, học tập binh pháp. Để mở rộng địa bàn kháng chiến, Tán Hàm đề nghị Nguyễn Duy Hiệu thành lập thêm các căn cứ phía nam của tỉnh như căn cứ núi Gai,  La Nga, Eo Gió, An Lâm, lập kho quân lương ở Dốc Trâm, mở các lò rèn đúc vũ khí ở Đông Linh, Phước Cang và nơi chế hỏa pháo, tạc đạn ở Phước Hà. Đây là thời gian nghĩa quân Cần Vương ở Quảng Nam phát triển rầm rộ nhất, dân chúng các nơi hưởng ứng tham gia đông đảo, các phú hào, tiểu nông, thương gia đóng góp lương thực, tiền của khá nhiều. Tuy vậy do lập thêm căn cứ, quân sĩ đông, chi phí tăng lên cho nên quần chúng đóng góp không đủ. Tán Hàm đã xin gia đình mình bán 30 mẫu ruộng để chi dùng vào việc quân.

  Sau khi phát triển lực lượng, Tán Hàm liền mở các cuộc tập kích các đồn binh của Pháp và triều đình, làm quân địch hoảng sợ lo phòng thủ. Tháng 11 năm Bính Tuất 1886, quân Pháp và quân Nam triều dưới sự chỉ huy của Đại tá Braxlini mở các cuộc hành quân lên Ái Nghĩa, Đại Lộc để tiêu diệt nghĩa quân. Nghĩa quân đã mai phục ở các địa thế hiểm trở, chờ nửa đêm khi địch ngủ say bất ngờ tấn công tiêu diệt. Địch mở đường máu chạy về Thu Bồn phối hợp với quân Pháp ở đây. Thừa thắng, Tán Hàm tấn công vào Thu Bồn, Pháp bại trận bỏ Thu Bồn chạy về Đà Nẵng, nghĩa quân làm chủ hoàn toàn Quảng Nam. Thanh thế nghĩa quân vang dậy.

  Khi tên đại Việt Gian Nguyễn Thân đem quân tấn công Nghĩa hội Cần Vương ở Quảng Ngãi và Đốc phủ sự Trần Bá Lộc đem đội quân lính tập từ Nam Kỳ ra miền Trung đánh dẹp Cần Vương Bình Định, Phú Yên thì nghĩa quân lâm vào tình thế nguy khốn. Nguyễn Duy Hàm cử Tán Hàm đem quân vào Quảng Ngãi rồi sau đó vào Bình Định tiếp cứu đánh cho quân địch tổn thất nặng nề. Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc thua trận rút lui nhưng lực lượng nghĩa quân cũng bị suy yếu nhiều. Qua hai trận Quảng Ngãi và Bình Định, Nguyễn Thân đánh giá cao tài quân sụ của Nguyễn Hàm nên căn dặn tướng sĩ phải hết sức cẩn thận với Nguyễn Hàm, trong khi giao chiến cấm không được khinh suất chuốc lấy thất bại vì Nam- Ngãi dụng binh duy Hàm nhất Nhơn. Tức là ở Quảng Nam và Quảng Ngãi về tài dụng binh chỉ Nguyễn Hàm là số 1.

  Sau khi Đồng Khánh lên ngôi, Pháp mở chiến dịch quân sự quyết liệt tấn công các căn cứ Cần Vương ở khắp nơi. Tại Quảng Ngãi, sau trận kịch chiến với Nguyễn Thân, lực lượng nghĩa quân suy yếu, thủ lính Nguyễn Bá Loan qua đời, Cần Vương ở Quảng Ngãi chưa tan rã nhưng không đủ sức tấn công giặc nữa. Đang khi đó Nguyễn Thân đem quân ra Quảng Nam phối hợi với quân Pháp và quân triều đình tấn công vào căn cứ nghĩa quân Tân Tĩnh ác liệt, tại trận kịch chiến ở Gò May, nghĩa quân đại bại, Tân Tĩnh bị đốt cháy san bằng. Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiên phải giải tán lực lượng. Phan Bá Phiên uống thuốc độc tự tử. Nguyễn Duy Hiệu tự trói mình cho giặc bắt và tự nhận hết trách nhiệm rồi chịu chết.

  Khi đó nghĩa quân còn rất ít, lẩn quất ở miền núi Quảng Ngãi. Tán Hàm và Hồ Học dùng mưu lược chiến đấu suốt cả năm trời, Nguyễn Thân không thể tiêu diệt được. Tuy vậy tình hình cáng ngày càng xấu đi. Cuối năm 1888 vua Hàm Nghi bị tùy tướng Đặng Bình Tình và Trương Quang Ngọc dẫn đường cho quân Pháp bắt ở vùng núi Quảng Bình và bị đày đi An giê ri. Tinh thần nghĩa quân nao núng, nhiều người bỏ về quê, quân số chỉ còn vài chục người, đa số là người Quảng Nam. Trong tình thế đó, Tán Hàm rút về Eo Gió (Quảng Nam) theo đường rừng núi. Khi đến đoạn đường Cầu Cháy vách núi cheo leo hiểm trở thuộc huyện Bình Sơn thì bị quân Nguyễn Thân mai phục. Tướng Hồ Học trúng đạn hy sinh, còn Tán Hàm bị bắt giam ở nhà Lao Quảng Ngãi. Nguyễn Thân vì phục tài ông nên ra lệnh quân lính không được giết nhằm mua chuộc dụ dỗ ông ra làm quan với Nam Triều, nhưng ông khéo léo từ chối, lấy cớ phụng dưỡng mẹ gia, Nguyễn Hàm xin được về quê sinh sống. Nguyễn Thân chấp thuận nhưng nhưng lệnh cho phủ Thăng Bình quản thúc, theo dõi, giám sát ông.

  Về quê Nguyễn Hàm xây dựng Nam Thịnh Sơn Trang ở làng Thác Mỹ, Phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Những năm đầu ông chỉ chăm chú điều hành công việc cày cấy, phát triển nông nghiệp, vui vẻ chuyện trò, nhắc nhở người làm, chứng tỏ thái độ an phận để che mắt bọn mật thám của nha phủ. Chỉ sau ba năm sơn trang đã phát triển, người làm ăn ra vào táp nập. Nguyễn Hàm thường đi thăm các gia đình nghèo khổ, hòa đồng với cuộc sống của họ, cùng ăn với họ củ khoai lang chấm muối, uống bát nước chè lá mùng 5. Ai cũng vui mừng khi được ông ghé thăm túp lều tranh của họ, nhờ đó ông hiểu thêm cuộc sống và thân phận của họ. Thấy Nguyễn Hàm lúc nào cũng vui vẻ, không đả động gì đến lính vực cứu nước, mọi người lầm tưởng ông đã thỏa mãn với cuộc sống ấm no của riêng mình mà lãng quên tổ quốc đồng bào. Nhưng nào ai biết đêm đêm Nguyễn Hàm vẫn đi lại một mình trong vườn tìm kiếm đắn đo một hướng đi khác thích hợp để đánh đuổi quân thù. Con đường Cần Vương đã thất bại, đất nước còn điêu linh mà hướng đi mới chưa ló dạng. Ông đem tâm sự của mình gửi cho hai đồng chí là Đỗ Đăng Tuyển và Châu Thương Văn.

  Ít lâu sau, Đỗ Đăng Tuyển đưa cho ông tài liệu “Thiên hạ đại trí luận “ của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch, sau đó Nguyễn Hàm còn nhận được các sách báo của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, báo Trung Quốc hồn, Tân Văn tùng báo, Dinh Hoàn chí lược, Trung Đông chiến kỷ, Pháp-Phổ chiến kỷ, các sách mới về nhân quyền, dân quyền, dân chủ của các nhà tư tưởng Âu-Tây dịch ra tiếng Hán như Dân ước luận, Vạn Pháp tình lý do các lái buôn người Hoa đem đến Hội An bằng thương thuyền để bán mà ông Châu Thương Văn mua được. Nhờ nghiên cứu các tài liệu sách báo đó, Nguyễn Hàm hiểu được thực trạng nghèo đói, lạc hậu của Trung Quốc cũng như của Việt Nam, sách báo mới cũng cho ông những quan điểm tư duy mới. Ông bỏ tên Nguyễn Hàm thời kỳ Nghĩa hội Cần Vương thay bằng tên Nguyễn Thành, hiệu Tiểu La để bước sang một giai đoạn hoạt động mới”.

(Còn nữa)

CVL