Phát triển gạo hữu cơ đến với cộng đồng

Nhắc đến gạo ngon, không thể không nhắc đến gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ). Đây cũng là sản phẩm gạo đầu tiên của Thủ đô được các chuyên gia và người tiêu dùng đánh giá cao bởi chất lượng gạo sạch, an toàn. Hiện, gạo hữu cơ Đồng Phú không chỉ được người Việt tin tưởng lựa chọn, mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia, hướng tới chinh phục thị trường Mỹ.
gao-huu-co-1-1734662260.jpg
 

Nói không với thuốc bảo vệ thực vật

Năm 2012, người dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, được tiếp cận dự án Pamci, sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ do tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ. Ban đầu, dự án được triển khai thử nghiệm chỉ với diện tích 5ha, sau đó nhân rộng và duy trì sản xuất 20ha lúa hữu cơ/năm. Đến tháng 9.2017, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú được thành lập, từng bước mở rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ lên 50ha/năm. Mô hình kinh tế này đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần cho nông dân ở Đồng Phú. Đặc biệt, từ ngày làm lúa hữu cơ, người dân Thượng Phúc chính thức “chia tay” với mọi loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ, góp phần bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân.

Trò chuyện với phóng viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt chia sẻ, HTX đã chỉ đạo, tổ chức nhân dân thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa hữu cơ theo dự án Pamci. Từ nguồn đất, nước phải được kiểm tra dư lượng chất kim loại nặng, nói không với thuốc trừ sâu, trừ cỏ, các chất hóa học sử dụng trong nông nghiệp, từ đạm, lân kali và chất bảo quản,... Không dùng bất cứ loại hóa chất nào ngoài phân chuồng ủ hoai mục. Hệ thống nước tưới trước khi dẫn vào ruộng thì mương máng phải được thau rửa, các cửa cống vào khu ruộng phải được đặt than hoạt tính. Đến khi thu hoạch lúa phải được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ quá trình sản xuất được ghi chép đầy đủ qua hệ thống sổ sách tin cậy. “Khác với việc sản xuất thông thường, trong quá trình sản xuất hữu cơ, nông dân hoạt động theo nhóm, sản xuất theo cả khu ruộng. Do đó, các hộ nông dân ngoài sản xuất còn phải giám sát nhau để quy trình sản xuất được thực hiện một cách nghiêm ngặt nhất” - bà Nguyệt cho biết.

Gắn bó với mô hình trồng lúa hữu cơ, nông dân thôn Thượng Phúc nói riêng và đông đảo hộ dân ở xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, nhận ra rằng, cái được lớn nhất chính là môi trường sống trong lành, không ám mùi hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm làm ra an toàn, sức khỏe được cải thiện. Ban đầu, khi tiếp xúc với phương pháp sản xuất hữu cơ người dân nơi đây bỡ ngỡ lắm. Nhưng sau khi được các chuyên gia hướng dẫn thì mọi người đều hiểu và nhanh chóng nắm bắt cách làm mới. Từ ngày làm lúa hữu cơ, mỗi mùa bà con đều làm cỏ cho lúa theo phương pháp thủ công, ủ phân chuồng làm phân bón, chế các loại thuốc trừ sâu sinh học. Sau nhiều năm nói không với hóa chất, đồng ruộng Thượng Phúc lại nhìn thấy những loài sinh vật có ích, không khí trong lành, bảo đảm sức khỏe cho người dân. Chưa kể, chất lượng gạo ngày càng dẻo, thơm, ngon hơn.

gao-huu-co-2-1734662260.jpg
 

Đầu ra luôn được bảo đảm

Đến nay, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú đã có 103 thành viên thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô sản xuất 50ha. Mỗi năm, HTX sản xuất 225 tấn lúa hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, gồm: Phân chuồng trộn với chế phẩm vi sinh Emina, tro, trấu, vôi, cây phân xanh; nguồn nước sản xuất được lọc qua than hoạt tính. Sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú đã được chứng nhận OCOP 4 sao và đã được tiêu thụ tại cửa hàng thực phẩm sạch và hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành trên cả nước.

Từ mô hình điểm ở Đồng Phú mà quy mô canh tác lúa gạo hữu cơ tại huyện Chương Mỹ liên tục tăng qua từng mùa vụ, trở thành địa phương đi đầu thành phố. Học tập theo Đồng Phú, chuỗi sản xuất-tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ Japonica của HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng được thành lập và bước đầu phát huy hiệu quả.  

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội diện tích sản xuất lúa của thành phố gần 100.000 ha mỗi vụ song một số nơi hiệu quả kinh tế chưa cao. Mặt khác, nhiều nơi ruộng trũng, thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa bão, do vậy, việc mở rộng vùng lúa hàng hóa tập trung gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, đầu tư vùng lúa hàng hóa quy mô lớn đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng sản xuất nông nghiệp lại bấp bênh, việc tham gia chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp còn lỏng lẻo nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì vậy cần đẩy mạnh việc doanh nghiệp liên kết với nông dân để hình thành các HTX kiểu mới, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo một cách bền vững.

TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI