Thách thức tồn đọng
Tại buổi gặp mặt, đại diện các vườn quốc gia, khu bảo tồn đã báo cáo nhanh các công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát huy các giá trị khai thác từ kinh tế rừng. Đồng thời, nêu lên những tồn tại khó khăn về thể chế, chính sách và các đề xuất giải pháp để Bộ NN-PTNT kịp thời tháo gỡ.
Theo đó, các vườn quốc gia, khu bảo tồn đều cho rằng, sau hơn 20 năm thực hiện cơ chế tự chủ, vẫn còn tới trên 70% các ban quản lý rừng đặc dụng do ngân sách bảo đảm chi thường xuyên và 30% còn lại tự chủ một phần kinh phí. Đây là vấn đề, là tồn tại lớn trong tổ chức triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp kinh tế trong ngành lâm nghiệp.
Nguồn thu từ các dịch vụ sự nghiệp kinh tế, dịch vụ hệ sinh thái có tiềm năng rất lớn, nhưng chưa được các BQL khai thác hiệu quả, nguồn ngân sách luôn hạn hẹp, có những qui định chưa phù hợp với các tính chất đặc thù trong hoạt động bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Đa số ban quản lý có trụ sở ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu không đáp ứng yêu cầu thực tiễn (thực hiện cơ chế tự chủ)…
Đơn cử, đại diện lãnh đạo VQG Cát Tiên cho biết, trên thực tế vườn đang quản lý trên 82.000 ha rừng. Đặc biệt, VQG có đường ranh giới trải dài 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, là một trong những khu vực bảo tồn lớn nhất cả nước. Với địa hình đa dạng, đây là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái của cả nước.
Trong những năm qua, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên được Vườn quốc gia Cát Tiên bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó có hơn 31.600 ha đã được ký hợp đồng khoán bảo vệ với 45 tổ với hơn 1.200 hộ nhận khoán và 02 đơn vị tập thể Công an, Ban chỉ huy quân sự huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài ra, lực lượng của Vườn tự bảo vệ hơn 47.000 ha. Kết quả kiểm tra hàng năm đều cho thấy các cá nhân, tổ chức được giao bảo vệ rừng thực hiện khá tốt các công việc đã cam kết, không để bị mất rừng, suy thoái rừng. Nhờ thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng, ý thức người dân trong bảo vệ rừng ngày càng được nâng cao, bên cạnh đó thu nhập của người dân cũng được cải thiện, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, do khu vực vùng đệm và xung quanh Vườn có mật độ dân cư sinh sống còn khá cao, cuộc sống của người dân trong vùng lõi, vùng đệm của Vườn còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, điều này cũng tạo sức ép lớn lên công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Các hoạt động khai thác lâm sản trái phép quy mô nhỏ vẫn còn xảy ra. Vườn vẫn đang phải đối diện với một số nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng, đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế mất rừng, suy thoái rừng và suy giảm đa dạng sinh học…
Trong khi đó, kinh phí không theo kịp đầu tư các hạng mục cơ sở vật chất, chế độ cho lực lượng bảo vệ rừng còn thấp, chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên du lịch sinh thái kết hợp quản lý bảo vệ rừng còn rất hạn chế và khó thực hiện. Việc sử dụng tài sản công, môi trường rừng vào mục đích kinh doanh, tạo nguồn thu còn nhiều vướng mắc, lúng túng…
“VQG kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng, tăng cường phương tiện, trang thiết bị cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng, tăng cường phương tiện, trang thiết bị cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Điều chỉnh, cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng cho kiểm lâm, người làm công tác quản lý bảo vệ rừng, cộng đồng dân cư”, ông Phạm Xuân Thịnh - Giám đốc VQG Cát Tiên chia sẻ.
Tương tự, đại diện VQG Chàm Chim, đơn vị có hệ sinh thái rừng ngập mặp tương đối rộng và đa dạng cho biết, Tràm Chim nằm ở hạ lưu sông Mêkông và Trung tâm Đồng Tháp Mười với diện tích: 7.313 ha, chiếm khoảng 1% của Đồng Tháp Mười với 130 loài thực vật, 232 loài chim nước, trong đó có 32 loài quý hiếm, 130 loài cá, 174 loài thực vật phiêu sinh, 110 loài động vật phiêu sinh, 23 loài động vật đáy, 44 loài lưỡng cư, bò sát…
Bên cạnh nhận được sự quan tâm của các đơn vị, hiện Vườn đối mặt một số tồn tại khó khăn như: thiếu nguồn kinh phí triển khai các chương trình, dự án sắp tới. Chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ Vườn còn thiếu và có nhiều hạn chế (cứu hộ, thú y, bảo vệ rừng). Thiếu quy chế quản lý rừng đặc dụng ở các vùng đất ngập nước.
Ngoài ra Vườn còn đối mặt với các thách thức về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự thay đổi chế độ thuỷ văn gây giảm đa dạng sinh học. Áp lực dân số vùng đệm tăng nhanh, sinh kế không ổn định phát sinh đánh bắt chim cò và động vật hoang dã trái phép…
“VQG Tràm Chim kiến nghị Bộ NN-PTNT và các Bộ ngành liên quan cần hỗ trợ kinh phí xây dựng dự án phát triển sinh kế bền vững cho người dân xung quanh vùng đệm. Có chính sách hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng. Cho phép địa phương xây dựng cơ chế đặc thù về Quy chế quản lý rừng đặc dụng ở các vùng đất ngập nước điển hình…”, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc VQG Tràm Chim cho biết.
Giải pháp tháo gỡ
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận, đánh giá cao công tác quản lý và bảo vệ rừng và các nhiệm vụ phát triển kinh tế rừng của các vườn quốc gia và khu bảo tồn.
Bộ trưởng cho rằng, tài nguyên rừng của chúng ta vô cùng phong phú và độc đáo, tất cả đều mang lại giá trị mới. Giá trị mới sẽ tạo nên sức sống mới cho cộng đồng sống gắn bó với rừng, để mỗi người chúng ta thấy yêu rừng hơn, yêu thiên nhiên, non sông gấm vóc và càng thêm yêu cuộc sống hơn…
Chúng ta đã có chủ trương triển khai Đề án “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng”. Đây không chỉ là một bản đề án mang tính kỹ thuật thuần túy, mà là một cách tiếp cận mới hơn, một tầm nhìn rộng mở, xa hơn về các giá trị của tài nguyên rừng. Tư duy về giá trị rừng đa dụng giúp hài hoà mối quan hệ giữa tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người, giữa tài nguyên hữu hình và tài nguyên vô hình, hướng đến sự phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng, phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng khởi tạo cơ hội, tăng thêm nguồn lực. Nguồn lực từ những giá trị mới sẽ bổ sung thu nhập, cải thiện cuộc sống cho lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng, lực lượng bảo vệ rừng, khi điều kiện ngân sách phải phân nhiều mục tiêu. Nguồn lực được tạo ra sẽ tạo thêm cơ hội việc làm, sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống ven rừng. Nguồn lực được tạo ra từ chính cộng đồng doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ tài nguyên rừng….
Chúng ta cần xây dựng tầm nhìn mới cho các vườn quốc gia và khu bảo tồn, tầm nhìn mới sẽ thúc giục yêu cầu điều chỉnh, thay đổi thể chế. Rào cản pháp lý ít nhiều giới hạn không gian phát triển. Ngày nay, phát triển không chỉ dựa vào đơn ngành, đơn lĩnh vực, mà hướng tới tích hợp đa ngành, đa chức năng để đạt tới mục tiêu đa giá trị.
Bộ trưởng dẫn chứng như Buhtan năm 2022 đã thông qua Luật Lệ phí Du lịch, loại bỏ mức phí trọn gói hàng ngày và tăng gấp ba số tiền thuế "phát triển bền vững" áp dụng cho bất kỳ ai muốn thăm Bhutan từ 65 USD lên 200 USD/người/ngày, với lý do “Bảo vệ môi trường lâu dài quan trọng hơn lợi nhuận kinh tế trước mắt”. Khoản tài chính này được dùng để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực trong ngành, bảo tồn văn hóa truyền thống, môi trường; đồng thời tạo ra khối lượng lớn việc làm với mức lương xứng đáng cho người dân. Số tiền thu được sẽ quay trở lại cộng đồng, hỗ trợ y tế và giáo dục cho tất cả người dân Bhutan.
Bộ trưởng nhấn mạnh, muốn vậy, cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận, tạo ra hệ sinh thái con người, kết hợp hài hoà chức năng quản lý nhà nước và cơ chế cộng đồng đồng quản lý. Tính bền vững của rừng, suy cho cùng, quyết định bởi con người, trong khi, thể chế, chính sách cần được điều chỉnh để bắt nhịp với sự thay đổi.
Dịp này Bộ trưởng cũng tặng Bằng khen đột xuất của Bộ NN-PTNT cho các cán bộ kiểm lâm có thành tích bảo vệ và quản lý rừng thuộc VQG Cát Tiên quản lý.
Bộ trưởng thông điệp, “Câu thần chú”: “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng” hứa hẹn mở ra kho báu từ rừng. Và kho báu lớn nhất, không chỉ là nguồn lợi, là tài nguyên, mà hơn hết, chính là tư duy mở: cùng trân trọng, nâng niu, vun đắp từng giá trị của rừng, để rừng mãi lên xanh, tỏa bóng mát cho thế hệ mai sau. |