Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười Nga là có tội với lịch sử

Tôi đã nhiều lần đến quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga, chứng kiến nhiều đoàn khách nghiêng mình kính cẩn viếng lãnh tụ V.I.Lenin tại Quảng trường Đỏ và được nghe nhiều người Nga kiêu hãnh nói về ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng vĩ đại này. Có người còn khẳng định với tôi rằng: Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười Nga là có tội với lịch sử.

Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười Nga là có tội với lịch sử

Cách mạng tháng Mười Nga. Ảnh tư liệu.

Cách đây 105 năm, ngày 7.11.1917 (tức ngày 25.10.1917 theo lịch Nga), Cách mạng Tháng Mười Nga do V.I.Lenin và Đảng Bolshevik lãnh đạo đã giành thắng lợi, lập nên nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mở ra một thời đại mới của xã hội loài người. 105 năm qua, thế giới đã có quá nhiều đổi thay, các thế lực thù địch tung ra rất nhiều chiêu trò xuyên tạc,  nhưng tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười vẫn giữ nguyên giá trị.

Theo những người dân Nga, phải hình dung nước Nga và cả thế giới hơn 105 năm trước mới thấy hết được tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng vĩ đại đó. Trước Cách mạng Tháng Mười, nước Nga với chế độ chuyên chế Nga Hoàng được ví như tù ngục lớn nhất của các dân tộc phương Đông.

 Cách mạng Tháng Mười Nga đã lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, của lực lượng chuyên chế phong kiến Nga Hoàng, xóa bỏ tình cảnh nô lệ của quần chúng công - nông, đem lại cho họ quyền tự do, dân chủ và địa vị làm chủ xã hội. 

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga cùng với sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới được xem là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực và có sức mạnh vô cùng to lớn, mở đường cho các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do.

Có Cách mạng Tháng Mười Nga mới có Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam và có Tổ quốc Việt Nam hùng cường ngày hôm nay.

Thế nhưng, trong nhiều năm qua, đã có không ít kẻ cơ hội chính trị vẫn luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười. Thậm chí, có người còn cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga là “sai lầm lịch sử” nên cần phải xóa bỏ mọi sản phẩm ra đời từ “sai lầm” đó, bao gồm tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Nhà nước Liên Xô, Đảng Cộng sản Liên Xô, hệ thống xã hội chủ nghĩa… Đặc biệt từ khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu do mắc các sai lầm và sụp đổ (năm 1991), họ đã “kết luận” rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga kéo nước Nga theo con đường xã hội chủ nghĩa là trái với quá trình “lịch sử-tự nhiên”.

Có lẽ những kẻ cơ hội chính trị nói trên không biết hoặc cố tình không muốn biết rằng, ngay sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lenin và Đảng Bolshevik Nga đã tập trung củng cố chính quyền Xô viết, xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho quần chúng nhân dân. “Sắc lệnh hòa bình” và “Sắc lệnh ruộng đất” được ban hành ngay sau khi cách mạng thành công đáp ứng được ý nguyện của quần chúng nhân dân lao động Nga về một cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc. Nhờ sức mạnh công nghiệp hùng hậu, nhờ sức động viên của chế độ xã hội mới, nhờ sự quên mình của nhân dân, tài tổ chức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, một đảng được tôi luyện trong ngọn lửa Tháng Mười, Liên Xô đã trở thành lực lượng quyết định nhất tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít, cứu loài người khỏi thảm họa hủy diệt. Chỉ trong vòng 20 năm sau chiến tranh, Liên Xô đã đạt những thành tựu vĩ đại làm cả thế giới khâm phục: nước đầu tiên khai phá con đường chinh phục vũ trụ, cũng là nước đầu tiên đưa năng lượng hạt nhân vào phục vụ đời sống hòa bình của con người.

Với người lao động ở vị trí làm chủ xã hội, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã phát triển kinh tế rất mạnh mẽ trong thập kỷ 50, 60, 70 của thế kỷ trước, vượt qua chủ nghĩa tư bản về tốc độ tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa thành công, nhanh chóng xóa bỏ tình trạng nghèo nàn ở nhiều quốc gia, trở thành một lực lượng kinh tế - vật chất hùng hậu trên thế giới. Phát triển xã hội với nhiều ưu việt về văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở, thể thao, bình đẳng giới, phúc lợi xã hội và quyền của nhân dân lao động nói chung. Phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ với tốc độ và thành tựu bước ngoặt, dẫn đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực, điển hình là khoa học vũ trụ, kỹ thuật quân sự... Thực hành nền đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển, gắn hòa bình với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết, bình đẳng trong sinh hoạt quốc tế; tạo ra một kiểu quan hệ quốc tế mới giữa các quốc gia dân tộc; giương cao ngọn cờ chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Vào những năm 80, 90 của thế kỷ XX, do những sai lầm về đường lối và phương thức tổ chức sản xuất, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng, dẫn tới sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội  tại đây.

Hiện nay, chủ nghĩa xã hội hiện thực mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng xu thế phát triển tất yếu của thời đại từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội vẫn luôn tỏ rõ trong thực tế. Chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn tồn tại ở một số nước và khẳng định sức sống mãnh liệt, triển vọng phát triển. Sự phát triển của Việt Nam, Trung Quốc trong những năm qua là một ví dụ sinh động. 10 tháng đầu năm nay, hai nước xã hội chủ nghĩa này dù phải đương đầu với vô vàn khó khăn nhưng vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế đứng hàng đầu thế giới.

Những tư tưởng về một xã hội công bằng, bình đẳng vẫn tiếp tục thẩm thấu trong nhận thức và biến thành hành động cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Các định hướng về giải phóng lực lượng sản xuất, xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công, sự phân hóa giàu nghèo… để hướng tới một xã hội văn minh, giàu mạnh vẫn là những giá trị cơ bản, phù hợp với tình cảm, nguyện vọng và lợi ích của đại đa số nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Thực tế là như vậy, nhưng một số người lại xuyên tạc lịch sử, họ lợi dụng sự sai lầm của một số đảng cộng sản để phản bác Chủ nghĩa Mác-Lênin, cho rằng, “Chủ nghĩa xã hội là không tưởng”, là “sai lầm của lịch sử”… 

Năm 2005, trong thông điệp trước Quốc hội Liên bang Nga, Tổng thống Nga, ông V.Putin đã mô tả sự sụp đổ của Liên Xô như thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ trước.

Nếu chỉ coi sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu là bằng chứng để thừa nhận thời đại hiện nay là của chủ nghĩa tư bản thì đó là một cách nhìn thiển cận, thiếu kiến thức lịch sử và khoa học về thời đại. Vì quá trình ra đời, phát triển và thay thế thời đại này bằng một thời đại khác phải trải qua một chặng đường lâu dài, quanh co, phức tạp, chứa đựng cả bước tiến mạnh mẽ và cả sự tụt lùi, đổ vỡ.

Phủ nhận giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga là có tội với lịch sử.