Phục hồi đất - Mục tiêu phát triển bền vững

Phục hồi đất là một mục tiêu then chốt của Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc (2021-2030). Thông qua các chính sách, sáng kiến và cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái trên toàn thế giới, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, tài nguyên đất đang đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, đã có những giải pháp hiệu quả được áp dụng như luân canh mùa vụ, cải tạo đất, bón phân hợp lý và phát triển kinh tế tuần hoàn. Những yếu tố này được xem là chìa khóa để đảm bảo đất được khỏe mạnh và bền vững.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, Bộ đã và đang xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia: lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn. Đến năm 2030, sẽ có ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương.

Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, sử dụng phân bón đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp sạch, người nông dân cần thay thế phân hóa học bằng các loại phân hữu cơ, phân bón sinh học. Bón phân hữu cơ cho cây, ngoài việc phục hồi dinh dưỡng cho đất còn duy trì cấu trúc đất, tăng cường hoạt động của vi sinh vật đất, làm đất tơi xốp, giúp rễ cây hút dinh dưỡng tốt hơn. Chưa kể tác dụng của chất hữu cơ là nguồn cung cấp CO2 cho cây quang hợp.

19b1-1719392637.jpg

Sử dụng phân bón hữu cơ giúp phục hồi dinh dưỡng cho đất

Chất hữu cơ còn chứa một số chất có hoạt tính sinh học, kích thích sự phát sinh và phát triển của bộ rễ, nâng cao tính thẩm thấu của màng tế bào, huy động dinh dưỡng, đồng thời làm tăng tính đệm của đất. Phân hữu cơ có ưu điểm là chứa đầy đủ các nguyên tố đa, trung, vi lượng mà không một loại phân khoáng nào có được.

Được biết, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng ổn định cho cây trồng còn có tác dụng cải thiện tính chất vật lý, hóa học, sinh học đất, hạn chế rửa trôi, tăng độ thấm và khả năng giữ nước của đất, tăng khả năng chịu hạn của cây trồng.

Những năm gần đây, người làm nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang đã bắt đầu ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng nhiều hơn. Sử dụng loại phân bón này đã giúp người dân tạo ra sản phẩm sạch an toàn và thân thiện với môi trường.

Trong nông nghiệp tuần hoàn, chất thải được xem như nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm mới. Các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với quan điểm chiến lược “thuận thiên” trong phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó giải quyết những thách thức lớn của vùng.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, trong chiến lược chuyển đổi nông nghiệp bền vững hướng đến đa giá trị, bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái của tỉnh, kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng được thí điểm và vận động sự tham gia của bà con nông dân.

Với sự khuyến khích của chính quyền, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nhiều mô hình đã được triển khai, đem lại giá trị, từ những mô hình nhỏ như kết hợp chăn nuôi dê, ốc bươu đen, trồng sầu riêng và mít trên diện tích chỉ vỏn vẹn 1ha của lão nông Huỳnh Văn Tấn cho đến mô hình lớn kết hợp nấm, bò, vịt, lúa và sản xuất điện của Công ty HF Farm.

Bạc Liêu là địa phương sở hữu lợi thế về năng lượng tái tạo. Theo chính quyền tỉnh Bạc Liêu, bên cạnh những giải pháp ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nuôi tôm như nuôi tôm tuần hoàn nước, sử dụng chế phẩm sinh học, địa phương này đang tích cực nghiên cứu để kết hợp kinh tế tuần hoàn với điện gió, điện mặt trời, phát huy tối đa lợi thế.

Còn tại Long An, địa phương sở hữu thế mạnh về công nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, các ngành công nghiệp cũng được chú trọng đẩy mạnh áp dụng kinh tế tuần hoàn. Đơn cử, huyện Đức Hòa của tỉnh Long An là nơi tọa lạc của một số nhà máy tái chế nhựa quy mô lớn, nằm trong danh sách cơ sở tái chế đạt tiêu chuẩn được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Có thể thấy, chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành xu thế phát triển tất yếu, là một hướng đi quan trọng góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng an ninh.