Trong quá trình sản xuất, các hãng xe thường thử nghiệm pin bằng cách sạc và xả liên tục để dự đoán tuổi thọ. Tuy nhiên, phương pháp này không phản ánh chính xác cách sử dụng pin trong đời thực, nơi việc tăng tốc, phanh tái tạo năng lượng, hay để xe nghỉ lâu giữa các lần sử dụng là điều phổ biến.
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Energy cho thấy, trong các tình huống sử dụng thực tế, tuổi thọ pin ô tô điện có thể kéo dài hơn tới 40% so với dự đoán từ các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Nghiên cứu kéo dài hơn 2 năm với 92 bộ pin lithium-ion thương mại và 4 kịch bản xả pin khác nhau đã cho thấy, các điều kiện sử dụng thực tế giúp pin bền hơn đáng kể.
"Các hành vi lái xe thông thường như phanh tái tạo năng lượng, dừng xe và để pin nghỉ giúp làm chậm quá trình lão hóa pin so với thử nghiệm tiêu chuẩn", bà Simona Onori, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.
Theo nghiên cứu, tuổi thọ pin không chỉ phụ thuộc vào "lão hóa chu kỳ sạc-xả" – yếu tố được cho là quan trọng nhất trước đây – mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ thói quen sử dụng. Đặc biệt, các xe cá nhân với tần suất sử dụng thấp thường có tuổi thọ pin kéo dài hơn so với xe thương mại hoạt động liên tục.
Những phát hiện này có thể thúc đẩy các nhà sản xuất cập nhật phần mềm quản lý pin để tối ưu hóa việc sử dụng và kéo dài tuổi thọ. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí sở hữu xe mà còn góp phần giảm tác động đến môi trường từ quá trình sản xuất pin mới.
Ngoài ra, năm 2024 chứng kiến giá pin ô tô điện giảm 20% – mức giảm mạnh nhất trong 5 năm qua, xuống còn 115 USD/kWh. Nguyên nhân chính là sự gia tăng sản lượng và giá nguyên liệu giảm.
Theo dự báo, giá pin có thể giảm xuống dưới 100 USD/kWh vào năm 2026 và chạm mức 69 USD/kWh vào năm 2030, đưa ô tô điện đến gần hơn với người tiêu dùng.
Dù giá pin thấp là tin vui với người dùng, nhưng nó lại tạo áp lực lớn lên các nhà sản xuất, đặc biệt tại Trung Quốc – thị trường pin ô tô điện lớn nhất thế giới. Các hãng như CATL và BYD đang giảm giá để cạnh tranh, gây khó khăn cho những nhà sản xuất nhỏ hơn.
Những công ty nhỏ hoặc startup buộc phải cắt giảm biên lợi nhuận hoặc giảm sản lượng để tồn tại, và không ít hãng đối mặt nguy cơ phá sản.