Lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sử dụng khái niệm hợp tác xã là trong báo cáo gửi Ban Biên tập về hoạt động của báo Le Paria vào cuối năm 1922. Trong đó, Người trình bày dự định thành lập một hợp tác xã xuất bản. Tại phiên họp lần thứ 7 Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế nông dân 13/10/1923 và sau đó tại Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội đỏ, Người đã trình bày về tình hình hợp tác xã ở Việt Nam và giải thích lý do tại sao ở Việt Nam người lao động chưa thành lập các hợp tác xã. Người viết: “Trước chiến tranh, Người An Nam có tổ chức vài hợp tác xã, nhưng chính quyền thực dân đã giải tán chúng, bắt giam những người tổ chức vì nghi là tuyên truyền cách mạng”1. Vấn đề hợp tác xã được Hồ Chí Minh trình bày một cách đầy đủ, dễ hiểu hơn khi Người soạn bài giảng cho lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc (những bài giảng này sau được tập hợp in thành cuốn sách Đường Kách mệnh xuất bản vào năm 1927). Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người đưa ra khái niệm: “Hợp tác xã là “góp gạo thổi cơm chung cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ”2. Sau khi nêu ra những ví dụ cụ thể, đơn giản để giải thích khái niệm nói trên, Người viết: Tục ngữ An Nam có những câu: “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó, và một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao”. Lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy. Trong tác phẩm, Người cũng tổng kết sự phát triển hợp tác xã của các nước trên thế giới, từ hợp tác xã đầu tiên ra đời ở Anh năm 1761, do một số thợ dệt rủ nhau lập ra một cái hội “làm vải cho tốt và bán giá trung bình trong hàng xóm”, cho đến các tổ chức, hình thức hợp tác ở Nga, Pháp, Đức...
Sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân từ cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện tư tưởng hợp tác xã vào thực tế Việt Nam. Trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11/4/1946, Người viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông mong vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã. Nói tóm lại, hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều”3. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất của hợp tác xã là hợp sức, hợp vốn với nhau để có nhiều sức mạnh hơn và lao động sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Mục đích của hợp tác xã được Người chỉ ra là để cải thiện đời sống nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh: “Hợp tác xã cốt làm cho những người vô sản giai cấp hóa anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây”4.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh lợi ích của hợp tác xã nông nghiệp. Người viết: “Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông... một cách đấu tranh kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà... là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng... giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”5. Sau lời kêu gọi của Người, hàng loạt cơ sở kinh tế hợp tác, lúc đó chủ yếu là tổ đổi công, tổ vần công được hình thành, mở ra một thời kỳ mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần giải phóng nông dân thoát khỏi sự ràng buộc của các phương thức sản xuất phong kiến, đưa nông dân lên vị trí người làm chủ.
Sau khi miền Bắc giải phóng, phong trào tham gia các tổ đổi công và hợp tác xã đã phát triển mạnh. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, ngày 16/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp, nông thôn: “... Chúng ta phải hợp tác hóa nông nghiệp làm cho nông nghiệp phát triển, làm cho công nghiệp và nông nghiệp tiến đều, thì mới cải thiện tốt đời sống của nhân dân, đồng thời đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”6. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phong trào tổ chức hợp tác xã đã tiến bước khá tốt, nhưng nhiều nơi còn lệch lạc. Vì thế, Người yêu cầu phải tuyên truyền và giáo dục nông dân, làm cho phong trào phát triển vững chắc.
Ngày 14/6/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đến dự và nói chuyện tại Hội nghị bàn việc củng cố và phát triển phong trào Hợp tác hóa nông nghiệp. Người đã phát biểu nhiều quan điểm chỉ đạo quan trọng về phong trào hợp tác xã nông nghiệp. Đầu bài nói, Người nhấn mạnh: “Đẩy mạnh sản xuất vụ mùa là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với việc củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa nông nghiệp”7, và “Vụ mùa đang bị hạn nặng. Nhiều nơi đang thiếu nước để gieo mạ và cày bừa. Mạ mới gieo được một nửa. Như thế là rất chậm. Cần ra sức chống hạn, làm công tác thủy lợi, gấp rút gieo mạ, đồng thời cày cấy kịp thời vụ”8. Đồng thời, Người cũng phê bình: “Nhiều nơi làm được phân bón tốt nhưng cũng có nhiều nơi làm chưa tốt; vì vậy, từ nay cần chú ý làm nhiều phân bón có chất lượng tốt. Việc cải tiến nông cụ chưa làm được bao nhiêu. Phải nhớ rằng có cải tiến nông cụ, thì nông dân làm lụng mới đỡ vất vả, đỡ tốn công sức”9. Cuối bài nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: “Muốn làm vụ mùa cho tốt, phải dựa vào lực lượng các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Nơi nào, hợp tác xã nào sản xuất khá là do cán bộ lãnh đạo khá. Vụ mùa năm nay, cán bộ các cấp phải hết sức chú ý lãnh đạo các hợp tác xã sản xuất cho tốt để làm gương cho những bà con chưa vào hợp tác xã”10.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất kì công việc gì thiếu cán bộ thì khó thực hiện được. Muốn thúc đẩy phong trào hợp tác xã thì trước hết cần phải lựa chọn, đào tạo cán bộ chuyên về hợp tác xã. Người nêu ý kiến: “Chính phủ nên mở ở các tỉnh những lớp huấn luyện cán bộ chuyên về hợp tác xã. Mỗi làng sẽ cử một hai người theo học lớp đó. Chương trình học, ngoài những thường thức về hợp tác xã, lại dạy cả những điều giản dị trong khoa kế toán và cách thức làm sổ sách... Học xong những người cán bộ đó về làng sẽ là những cái loa truyền bá lý tưởng hợp tác xã. Đồng thời, họ lại là những người giúp việc đắc lực cho dân chúng trong công cuộc vận động mở hợp tác xã”11.
Ngày 11/4/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du. Trong thư, Người dặn dò: “Ra sức củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Hiện nay ở vùng núi và trung du mới có gần 30% hợp tác xã. Chúng ta phải phấn đấu làm cho cho các hợp tác xã khác đều khá”12. Đồng thời, Người yêu cầu các hợp tác xã cần có phương hướng sản xuất trên mọi lĩnh vực: Lúa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, bảo vệ rừng. Để làm tốt việc này, “Hợp tác xã phải được củng cố, tức là làm cho xã viên có tinh thần làm chủ, làm cho ban quản trị được vững vàng và có năng lực, phải thực hành dân chủ, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, phải đoàn kết chặt chẽ trong hợp tác xã, làm tốt công tác cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và không ngừng nâng cao trình độ chính trị và văn hóa cho cán bộ và xã viên”13.
Từ sau năm 1960 là thời kỳ các hợp tác xã được phát triển mạnh mẽ và đồng bộ. Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng về hợp tác xã, về kinh tế tập thể được tổ chức thực hiện rộng khắp cả nước. Thời gian này, dù bận nhiều việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có nhiều chuyến đi thăm bà con nông dân, thăm các hợp tác xã nông nghiệp của nhiều địa phương. Đến với địa phương nào Người cũng chia sẻ, dặn dò các cách cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất. Hợp tác xã nào có thành tích đều được Người gửi thư khen ngợi, động viên. Hợp tác xã Đại Phong ở Quảng Bình lúc đó là một điển hình để cả nước “Thi đua học tập tiến kịp và vượt Đại Phong”. Dưới bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Một hợp tác xã gương mẫu”, khẳng định và khen ngợi “phong trào Đại Phong”. Đầu Xuân năm 1962, Bác Hồ gửi Thư chúc Tết đồng bào cả nước, trong đó có hai câu:
“Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi
Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong”14.
Những năm tháng cuối đời, tuy sức khỏe đã yếu nhưng Người vẫn sắp xếp thời gian để làm việc với các đồng chí phụ trách nông nghiệp. Trong các buổi họp Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường nhắc đến việc phải có Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao. Nhưng do điều kiện chiến tranh ác liệt, có nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết trước, nên việc ban hành Điều lệ mới chưa thực hiện được. Cuối năm 1968, Người đã có buổi làm việc với cán bộ phụ trách Ban nông nghiệp để ra cho được Điều lệ sản xuất nông nghiệp bậc cao. Người dặn dò: Cần viết bản Điều lệ sao cho nông dân ít học nhất cũng hiểu được. Sau đó, cuốn Điều lệ tóm tắt của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã được ra đời, sách in lần đầu với số lượng 3.500 cuốn. Sách in xong đúng dịp sinh nhật lần thứ 79 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn Điều lệ tóm tắt của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có 10 chương, quy định rõ tính chất và nhiệm vụ của hợp tác xã nông nghiệp; nhiệm vụ và quyền lợi của xã viên,...
Cho đến nay, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác xã vẫn giữ nguyên giá trị. Trải qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã đạt nhiều thành tựu lớn, nhất là giải quyết được vấn đề an ninh lương thực. Từ một nước luôn thiếu lương thực, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Các ngành nuôi trồng thuỷ hải sản, cây công nghiệp phát triển mạnh và mang lại nguồn thu lớn cho các hộ nông dân và đất nước. Tuy nhiên, nhìn lại một cách nghiêm túc thì trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp ở nước ta chưa tiên tiến so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Hàm lượng chất xám trong các sản phẩm nông nghiệp còn ít và thường là sản phẩm thô, sức cạnh tranh chưa cao. Trong khi đó, các hộ nông dân luôn phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, phải lo tìm nguồn vốn để sản xuất cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Tình hình này có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân quan trọng hàng đầu là do còn ít hộ nông dân liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất, năng lực của các hộ nông dân còn chưa được tập trung lại. Nói cách khác, muốn nông nghiệp phát triển vững mạnh, đời sống của các gia đình nông dân ngày càng cải thiện và sung túc, thì cần củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhanh và bền vững; phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều người dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã...
---
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập1, tr.231.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.343.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.246.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.343.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 4, tr.215.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.162.
7, 8, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.595.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.596.
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 4, tr.260.
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.294.
13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.295.
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.335.