Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã xác định phát triển mạnh hơn các loại hình kinh tế tập thể (KTTT) đa dạng về hình thức sở hữu và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bao gồm các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) kiểu mới, chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, liên HTX cổ phần... Theo đó, trong giai đoạn 2006-2011, kinh tế hợp tác và HTX phát triển khá đa dạng, đóng góp bình quân 6,8% GDP/năm.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng tiếp tục nêu rõ: Đẩy mạnh phát triển KTTT với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là HTX. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc ra đời, phát triển các HTX, các tổ hợp tác kiểu mới và các mô hình KTTT khác theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, có chức năng kinh tế - xã hội... Điều này khẳng định, Đảng và Nhà nước đã quan tâm tới việc tổng kết tình hình sau thời gian thực hiện Luật HTX để xem xét, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT, HTX phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đến Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đã khẳng định, khuyến khích phát triển bền vững kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế HTX trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, HTX gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực. Mục tiêu phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia KTTT, HTX.
Đặc biệt, việc Trung ương ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của KTTT và Quốc hội ban hành Luật HTX năm 2012 đã khẳng định rõ vai trò của KTTT và HTX đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả phát triển kinh tế tập thể
Cùng với tiến trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức. Nổi bật là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế đất nước.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển về chất lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; Việc chuyển đổi, tổ chức lại các HTX theo quy định của Luật HTX cơ bản được hoàn thành...
Về cơ bản, Nghị quyết số 13-NQ/TW đã được các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc, từ việc học tập, quán triệt và thể chế hóa, đến việc thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra. 100% các tỉnh, thành phố đã ban hành đề án, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch phát triển KTTT theo từng giai đoạn. Nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về HTX kiểu mới được nâng lên, cơ bản xây dựng, ban hành hệ thống quy định pháp luật và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX theo yêu cầu của Nghị quyết và tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp thực tế của từng giai đoạn phát triển.
Việc chuyển đổi xong cơ bản các HTX cũ, tập trung xử lý, giải thể các HTX tồn tại hình thức, yếu kém kéo dài đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX trong những năm qua, nhất là trong giai đoạn từ năm 2017 trở lại đây. Bên cạnh việc chuyển đổi, tổ chức lại các HTX cũ, công tác vận động, hướng dẫn thành lập các HTX mới cũng có kết quả tốt.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, số lượng hợp tác xã nông nghiệp đã tăng 12.569 HTX. Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm tăng thêm 800 hợp tác xã; tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có khoảng 20.057 HTX nông nghiệp, 92 Liên hiệp HTX và hơn 30.000 tổ hợp tác nông nghiệp; số lượng thành viên hợp tác xã nông nghiệp khoảng 3,78 triệu người. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, mà chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp cũng đã được cải thiện (trong đó có 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao). Năm 2020, doanh thu của các hợp tác xã đạt bình quân 2,44 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu đồng/năm, gấp 9,1 lần so với năm 2001. Các chuỗi liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được phát triển với 4 tác nhân tham gia gồm 271 tổ chức khoa học, 586.585 hộ nông dân, 4.028 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thông qua mô hình kinh tế HTX, các thành viên có điều kiện tham gia và được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại, an toàn vệ sinh lao động, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... đã hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo.
Một số HTX bước đầu hỗ trợ kinh tế thành viên, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các HTX ngày càng tập trung hơn vào hỗ trợ kinh tế thành viên phát triển thông qua việc cung cấp các dịch vụ thành viên, nhất là thành viên HTX nông nghiệp. Từ năm 2002 trở lại đây, các HTX nông nghiệp chuyển đổi đã khắc phục được tình trạng thua lỗ kéo dài, tổ chức các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống của các xã viên. Trong khi tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực HTX trong tổng vốn đầu tư của nền kinh tế là rất thấp, chỉ chiếm 0,63% nhưng khu vực HTX đã đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân với mức đóng góp bình quân 5,21%/năm (giai đoạn 2001-2020), thu hút số lượng lớn thành viên tham gia...
Bên cạnh kết quả đạt được, khu vực KTTT của nước ta còn một số tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên, cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT còn thấp và tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra; công tác nghiên cứu lý luận về HTX chưa có hệ thống, chưa có các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy chuyên sâu về HTX; chưa đưa nội dung phát triển KTTT vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề như yêu cầu của Nghị quyết; khung khổ pháp luật, chính sách về HTX còn nhiều rào cản, chưa bao quát được sự phát triển sinh động của các loại hình kinh tế hợp tác ở nước ta...
Mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế tập thể
Với quan điểm KTTT nòng cốt là HTX là một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế, chiến lược phát triển KTTT tiếp tục đưa ra các mục tiêu phát triển mới. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45 nghìn HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% - 70% trên tổng số HTX cả nước.
Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; khoảng 80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc. Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có trên 5.000 HTX và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản. Đồng thời, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012.
Định hướng phát triển chung của KTTT là khuyến khích phát triển trong các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, chương trình OCOP...; mở rộng quy mô thành viên.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, trong thời gian tới cần triển khai các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX và pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng...), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để KTTT, HTX phát triển bền vững. Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với KTTT, HTX phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển KTTT, HTX.
Ba là, mở rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả để tạo sức lan tỏa trong xã hội. Đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX.
Bốn là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phát triển KTTT. Trong đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (nhất là Hội Nông dân Việt Nam).
Năm là, phát huy vai trò của Liên minh HTX Việt Nam. Đây là tổ chức đại diện cho quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các HTX và các xã viên. Vì vậy, Liên minh HTX cần thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình trong việc chủ động đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển KTTT. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các HTX phát triển.
Sáu là, phát triển KTTT với nhiều hình thức đa dạng từ thấp đến cao: Các tổ hợp tác, các HTX, liên minh các HTX… tăng cường liên kết, hợp tác giữa KTTT với các thành phần kinh tế khác như kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài.
Tài liệu tham khảo:
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội IX, X, XII, XII, XIII;
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Nghị quyết số 13-NQ/TW khóa IX;
- Quốc hội (2012), Luật Hợp tác xã;
- Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX.