Sóc Trăng sẽ tích cực triển khai Dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh” trong nông nghiệp và thực phẩm - GIC

Ngày 17-3, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam làm việc với Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tham vấn tham gia Dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh” trong nông nghiệp và thực phẩm. Tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Sóc Trăng khẳng định sẽ tích cực triển khai Dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh” trong nông nghiệp và thực phẩm - GIC.
gg-1672206085.jpg

Buổi làm việc, tổng quan về quá trình xây dựng văn kiện Dự án “Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh” trong nông nghiệp và thực phẩm tại Việt Nam. Theo đó, dự án do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tài trợ, với tổng kinh phí là 7.000.000 Euro. Thời gian triển khai từ 2021 - 2024 tại 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có tỉnh Sóc Trăng) và Hà Nội, với 2 sản phẩm, chuỗi giá trị chủ lực là gạo và xoài.

Mục tiêu tổng quát của dự án nhằm thúc đẩy việc giới thiệu và nhân rộng các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo thông qua nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nhau, góp phần phát triển nông thôn bền vững tại khu vực vùng dự án. Dự án có 4 hợp phần gồm: Áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị;  tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo cho các tác nhân tham gia; lồng ghép và thúc đẩy áp dụng các sáng kiến vào mô hình đổi mới sáng tạo vào kinh doanh nông nghiệp bền vững; tư vấn chính sách và truyền thông thúc đẩy việc áp dụng các đổi mới sáng tạo.

Dự án có mục tiêu rất phù hợp với định phướng phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương. Sóc Trăng cam kết sẽ sẵn sàng tham gia dự án; đồng thời tỉnh rất đồng thuận trong việc bố trí nguồn vốn đối ứng của địa phương và sẽ có văn bản trả lời chính thức đến đoàn. Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh là cơ quan đầu mối trong việc liên hệ các vấn đề liên quan đến dự án.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc kỳ vọng, Dự án GIC sẽ giúp tỉnh Sóc Trăng đối mặt với các vấn đề trên và thực hiện các định hướng phát triển mà Chính phủ xây dựng thông qua các giải pháp phát triển chuỗi giá trị của gạo và trái cây là hai ngành thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, là việc xây dựng cơ chế thúc đẩy tìm kiếm, thử nghiệm và nhân rộng các giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp lấy tài nguyên thiên nhiên làm trọng tâm, góp phần giảm qui mô diện tích trồng lúa theo định hướng tái cơ cấu ngành gạo, giảm diện tích trồng lúa 3 vụ xuống còn 2 hay 1 vụ đồng thời đa dạng hóa chuyển sang sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như rau củ quả hay nuôi trồng thủy sản phù hợp với thế mạnh của từng địa phương.

Cũng như tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo trong tổ chức quản lý sản xuất theo hướng phát triển chuỗi, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành hoạt động của từng khâu trong chuỗi giá trị (ví dụ như mô hình block chain), gắn kết hiệu quả các tác nhân trong chuỗi, bao gồm liên kết ngang giữa các nông dân để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung và liên kết dọc bao gồm liên kết giữa nông dân với các đơn vị tổ chức doanh nghiệp cung ứng vật tư, công nghệ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.