Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường của một thời máu và hoa (Phần I)

08/07/2022 14:34

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

Với gần 700 trang in, Bê trọc chứa đựng một dung lượng hiện thực khá lớn, với những chuyện đời thường có thật nhưng không tầm thường mà rất có ý nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nuóc của dân tộc ta.

Thông qua nhật ký chiến trường của một phóng viên Thông tấn xã giải phóng, cộng với thư từ, bài báo, ký sự, truyện ngắn được lồng ghép trong một kết cấu vững chắc, Bê trọc dựng lại cuộc sống hào hùng của dân tộc ta trong một giai đoạn rất vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: giai đoạn sau tổng tấn công tết Mậu thân (1968) đến ngày đại thắng mùa xuân (1975).

b1-1657265594.jpg
Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật kỳ chiến trường của một thời máu và hoa (Phần I)

Bê trọc gồm bốn chương:

- Chương một: Vượt Trường Sơn. Chương này miêu tả cuộc hành trình đi giải phóng miền Nam với bao nỗi nguy hiểm, nhọc nhằn của những cán bộ - trí thức trẻ. Họ đã vượt qua vùng đất lửa khu Bốn cũ trong vòng oanh tạc của máy bay Mỹ, hai lần vuợt qua đỉnh Trường Sơn để sang đất bạn Lào và trở lại Tổ quốc, xẻ dọc Trường sơn, vào tới vị trí chiến đấu ở ban Tuyên Huấn Khu Năm.

- Chương hai: Ở căn cứ. Chương này nói lên cuộc sống ở căn cứ vô cùng gian khổ, nguy hiểm nhưng cũng đậm đà tình nghĩa đồng chí, đồng bào. Tại đây, những trí thưc, nhà báo trẻ kiên trì gùi cõng, sản xuất, vượt qua những trận sốt rét rừng, qua thiên tai, địch họa để làm công tác chuyên môn, để chờ thời cơ xung trận bằng chính ngòi bút của mình

- Chương ba: Về đồng bằng. Chương này dựng lại không khí sôi nổi tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Trung Trung bộ những năm 1971 - 1972, trong đó đặc biệt sinh động là thế trận chiến tranh nhân dân ở tỉnh Bình Định. Bước chân phóng viên đã theo sát cuộc sống của nhân dân Bình Định, từ những ngày đồng bào bị địch kìm kẹp, cuộc sống ngẹt thở, cán bộ phải nằm hầm, bám dân làm công tác, tới những ngày chuẩn bị, rồi những ngày tấn công và nổi dậy cuốn băng đồn bốt địch, giải phóng quê hương.

- Chương bốn: Đi tới toàn thắng. Chương này phản ánh sức lớn mạnh không ngừng của lực lượng cách mạng, trong đó có lực lượng báo chí giải phóng. Đội quân báo chí được tăng cường, tỏa đi khắp các chiến trường ở Trung Trung Bộ để viết tin, viết bài, chụp ảnh, góp phần vào cuộc chiến đấu của dân tộc và cuối cùng đã cùng đồng bào, chiến sĩ Khu Năm đi tới toàn thắng.

Bê trọc là một bản hùng ca dung dị, đồng thời là một bản tình ca đằm thắm. Trên những trang sách, không chỉ có cuộc sống gian khổ, đói cơm, nhạt muối, cũng không chỉ có khí thế chiến đấu sôi nổi, hào hùng, mà còn có tình yêu đằm thắm - tình yêu đồng đội, đồng bào, tình yêu lứa đôi. Bằng những chi tiết sinh động, Bê trọc đã xây dựng nên hình tượng một Bê trọc giản dị mà hào hùng - đó là những cán bộ chiến sĩ chưa có gia đình riêng từ miền Bắc lên đường vào chiến trường B, những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trở lại miền Nam, những người miền Nam thoát ly gia đình chiến đấu ở chiến trường B (miền Nam) thời chống Mỹ, cứu nước, họ lên đường làm nhiệm vụ mà không có một phần lương trích để lại cho người thân, họ gắn bó với nhau vì một mục đích chung: giành độc lập - tự do cho dân tộc. Thông qua hàng loạt nhân vật, từ những chiến sĩ giao liên, những chú, bác nông dân, đến những chiến sĩ giải phóng, những nhà báo, những cán bộ lãnh đạo đảng các cấp - từ khu đến tỉnh, huyện, xã, Bê trọc đã xậy dưng nên một hình tượng nhân dân có sức sống mãnh liệt, có sức tỏa sáng và thuyết phục cao.

LỜI MỞ ĐẦU

Học lớp phóng viên, tôi ghi nhớ mãi lời thầy: "Nghề làm báo đòi hỏi người làm báo phải sâu sát thực tế, phải chịu khó quan sát, suy nghĩ và ghi chép". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi đã may mắn được sống trong thực tế đấu tranh anh hùng của dân tộc, và tôi đã chú ý quan sát, suy nghĩ, ghi chép, đồng thời cố gắng viết kịp thời những tin, những bài báo nhỏ...

Những cuốn sổ ghi chép, những tài liệu, thư từ của gia đình, anh em, đồng chí tôi luôn giữ bên mình, kể cả những lúc hành quân, những lúc bám dân đấu tranh với địch, những lúc chạy càn. Và đến tận bây giờ, chúng vẫn bên tôi, như là một phần của cuộc sống. Tôi đã khai thác những tài liệu ấy để viết vài ba truyện ngắn. Nhưng niềm khao khát lớn của tôi là phải viết được một cuốn tiểu thuyết, như là một sự trả ơn cho những năm tháng đầy tình sâu nghĩa nặng mà tôi đã có được ở chiến trường Trung Trung bộ. Tôi tâm sự với mấy người bạn về niềm khao khát ấy và đưa mấy bạn xem sổ ghi chép của mình. Không ngờ, tôi đã nhận được những lời khuyên bổ ích và sự cổ vũ nhiệt tình. Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Thị Hồng Ngát bảo tôi rằng không cần phải hư cấu gì cả, cứ đem Nhật ký Trường Sơn ra mà xuất bản, tất nhiên cũng nên sửa chữa đôi chút, nhưng phải giữ nguyên cái mộc mạc của nó.

Thế là tôi ngồi đọc lại Nhật ký, sổ công tác, đọc lại thư từ, tài liệu, đọc lại các bài báo mà bây giờ giấy đã ố vàng, nhiều trang đã mục, có chỗ không đọc nổi nữa. Tôi nhờ một số anh chị em trong cơ quan nhập vào máy vi tính những dòng chữ ấy. Một lần nữa, tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, cùng sự cổ vũ chân thành. Các bạn Bích Vân, Quốc Chính, Khánh Dư, Kiều Anh không những giúp tôi nhập máy với tốc độ và độ chính xác cao, mà còn thể hiện sự đồng cảm mạnh mẽ với những trang giấy chứa đựng bao nỗi niềm ấy của tôi.

Tôi chọn lọc thư từ, bài viết, xếp xen vào những trang nhật ký. Tuy nếu theo thực tế, thư đi từ hậu phương vào chiến trường phải mất 3 - 4 tháng, nhưng tôi cứ xếp theo thời gian ghi ở đầu thư, với ý định làm cho cuộc sống ở những vùng khác nhau được đồng hiện, thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa tiền tuyến với hậu phương, giữa những người ruột thịt, những người đồng chí, để thấy trong cùng một thời điểm, những con người có mối liên hệ máu thịt ấy làm gì, nghĩ gì?

Hôm nay, cuốn sách đã hoàn thành, xin gửi đến bạn đọc.

Xin kính dâng sản phẩm tinh thần này cho nhân dân Trung Trung bộ, cho Cha tôi (Người đã khuất từ năm 1984), mẹ tôi cùng anh em ruột thịt, bạn bè thân thương. Đây cũng là món quà của tôi cho vợ tôi - Nguyễn Thị Kim Ngân - hai con gái tôi - Phạm Thị Thuý Nga, Phạm Thuỳ Linh - như một sự nhắc nhớ về những kỷ niệm không thể phai mờ mà chúng tôi đã có với nhau trong gần một phần tư thế kỷ qua.

CHƯƠNG MỘT: VƯỢT TRƯỜNG SƠN

NĂM 1968

Sau chuyến đi công tác Nghĩa Lộ, tôi về Hà Nội, được hưởng một cái tết gia đình thật vui vẻ. Rồi họp và nhận được quyết định đi B. Bao sung sướng! Thế là tôi chẳng còn lòng dạ nào mà ngồi với bút sách nữa. Chạy nhào lên Sơn La mang các thứ về để kịp tập trung. Riêng cái xe đạp thì phải để lại, vì không có phương tiện chuyên chở, anh em sẽ đem về gia đình giúp khi có điều kiện. Điều duy nhất làm tôi luyến tiếc là không kịp lấy giấy chuyển đối tượng kết nạp Đảng. Việc phấn đấu, coi như phải làm lại từ đầu. Ngoài ra, còn có một số tài liệu hay mà không viết được vì lòng cứ rộn lên.

TỪ NGÀY 9 THÁNG 3 NĂM 1968

Chúng tôi đến nơi tập trung để bồi dưỡng và rèn luyện. Lại lên ở với núi rừng - trại 105 này đóng ở Hòa Bình, nơi có những ngọn núi đá vôi cùng nhiều hang động khá lớn. Ăn uống thật khá. Chúng tôi phát ngấy mỡ lợn, phải ăn kèm với các món chua (chủ yếu là giá muối chua). Chúng tôi tập hành quân: đeo gạch và leo núi. Công việc đó không có gì mới lạ đối với tôi, vì khi công tác ở vùng rừng núi Sơn La, tôi đã từng leo dốc cao, mang vác nặng.Tuy nhiên có những tối hành quân trên đường số 6 thì thật vui. Rừng vốn tĩnh mịch, chỉ có những ánh đom đóm lập loè nơi thung lũng. Song rừng bỗng chuyển động ầm ầm bởi những đoàn quân đi. Chúng tôi đi hàng hai ven đường, còn lòng đường thì nhường cho từng đoàn xe lớn. Có những đoàn chở vũ khí, phủ bạt kín mít, lầm lũi lăn bánh. Có những chiếc xe xích sắt rú ầm ầm, xủng xoảng, ở ống xả hơi, thỉnh thoảng lửa lại phụt ra, kéo thành một đường lửa nhỏ mà đỏ rực. Có những chiếc ô tô chở đầy chiến sĩ. Tối quá, không nhìn thấy họ, song nghe giọng nói và tiếng cười của họ, tôi dám chắc rằng họ còn trẻ lắm và nét mặt họ rạng rỡ lắm. Họ hò hát. Họ thét lên với chúng tôi:

- Đi trước nhé!

- Gặp nhau ở Khe Sanh nhé!

- Gặp nhau ở Sài Gòn nhé!

Và nhiều nữa. Họ lại hát những bài ca sục sôi khí thế cách mạng: Hành quân xa, Vì nhân dân quên mình... Trên một chiếc xe vọng lại tiếng kèn Acmônica với bài Giải phóng Miền Nam. Phải, giải phóng Miền Nam, chúng tôi, các đồng chí đang trên đường đi giải phóng Miền Nam đây! Trong tiếng xe chuyển động rầm rầm, tôi thấy máu trong người bốc lên hừng hực. Tôi muốn băng ngay theo những đoàn xe - chúng đi chếch sang phía Tây để vòng về phương Nam - Tiền tuyến đó.

NGÀY 30-4-1968

Chúng tôi đã nhận xong trang bị và hôm nay bắt đầu lên đường. Mưa phất nhẹ những hạt li ti như bụi phấn. Chúng tôi ra đi trước sự tiễn biệt của nhà trường, của những anh em đi sau. Vì bí mật, không ai được báo cho người nhà đến tiễn. Một số người có đại diện cơ quan đến đưa chân. Anh Điều - công nhân in tráng phim thuộc ngành Điện ảnh - đi trong đoàn tôi, bỗng khóc rưng rức. Anh em xúm lại hỏi, anh bảo khóc vì "nhớ cơ quan quá!" Tôi không ai tiễn đưa, nhưng lòng thấy thanh thản. Bẩy chiếc xe chở đoàn chúng tôi. Xe chuyển động và mọi người vẫy gọi. Tôi từng ra đi, từng gặp nhiều cuộc chia tay, song lần này sao thấy nó khác thế. Lòng bâng khuâng, háo hức, thương mến...Ôi, bao cảm xúc cứ xen vào nhau...

Chúng tôi đi theo đường quân sự, vắng lặng mênh mông. Không một bóng người. Không một bóng nhà. Chỉ thấy con đường mờ mờ trắng và bạt ngàn là màu tím đen của núi rừng cùng vô vàn ánh đom đóm lập loè khắp thung lũng.

Suốt từ 30-4 đến 5-5, chúng tôi đã vượt được hàng trăm cây số, vượt qua Hoà Bình, vượt Thanh Hoá đến Nghệ An.

Đoàn chúng tôi dừng lại ở Nam Vân - Nam Đàn, gần ngay quê Bác. Ở đây, máy bay Mỹ quần suốt ngày đêm. Một buổi trưa, chúng tôi nghe những tiếng bom nổ uỳnh uỳnh và một tiếng “bụp”. Một quả bom rơi rất gần chúng tôi, trúng vào một xóm trước mặt. Bụi đất tung lên vàng khè. Bọn quỷ Mỹ lại tàn sát dân ta đây! Lòng chúng tôi nghẹn lại căm thù!

Buổi tối, chúng tôi ra đi. Chẳng còn mấy chốc nữa sẽ đến thành phố Vinh. Trời xẩm tối. Đoàn xe chợt dừng lại. Người gác barie báo có bom nổ chậm ở phía trước. Thế là xe phải quay đầu lại. Phía xa, mấy chiếc đèn dù của lũ máy bay mới thả treo lơ lửng, hắt ánh sáng vào cả khoang xe chúng tôi.

Lại xuống xe, vào làng, tìm nhà dân để ở. Chúng tôi toàn dựa vào đồng bào thôi mà! Tổ chúng tôi đang ngơ ngác tìm đường thì có một ông cụ trạc 70 tuổi ra gọi:

- Các con vào nhà bố mà ở!

Mừng quá, chúng tôi tạt vào. Ông cụ đi trước, lưng hơi còng song dáng còn nhanh nhẹn lắm. Trong nhà, một phụ nữ ra mở cửa liếp - đó là con dâu cụ lão. Gia đình lục đục thức dậy. Cụ mở màn, lay gọi hai đứa bé. Chúng tôi gạt đi:

- Thôi, để các em ngủ, chúng con nằm đâu cũng được!

Cụ sốt sắng:

- Không, có chỗ cho chúng tôi rồi. Nằm đây cho tử tế.

Cái giường ấy rộng song hơi ngắn. Dưới gầm nó là một cái hầm lớn. Chiếc giường được kê nửa chìm, nửa nổi trên chiếc hầm đó.

Sáng, chúng tôi giật mình choàng dậy vì những tiếng động lớn. Mấy chiếc phản lực xà sát sạt, gầm rít điên loạn. Hai đứa chúng tôi vùng dậy định tụt xuống hầm, song lúng túng mãi vì mấy sợi dây dù ở cái võng chúng tôi dùng làm chăn đắp cuốn cả vào chân, tay. Lẫn trong tiếng phản lực, tôi nghe tiếng cười khanh khách ròn tan của trẻ thơ. Một cô bé chừng 14 tuổi đang đứng ôm cột nhìn chúng tôi mà cười. Trời, giữa vùng chiến sự ác liệt này sao lại có giọng cười hồn nhiên như vậy nhỉ?

NGÀY 8-5-1968

Chiều rồi mà số bom quái quỉ kia vẫn chưa được giải quyết. Đoàn chúng tôi quyết định phóng xe vượt qua nơi đó. Không còn cách nào khác. Chẳng lẽ nằm ì ra mãi?

Xe chúng tôi vẫn đi thứ hai. Nó ầm ì tiến khỏi làng, ra đường lớn. Rồi nó tăng tốc độ. Chúng tôi ngồi ngay ngắn, tay bám chặt lấy thành xe. Xe vượt qua nghĩa trang liệt sĩ 30-31, rồi qua gốc đa. Chỉ qua cái cống nữa là đến bãi bom. Nhìn lại sau xe, tôi thấy mấy cô gái đang thủng thẳng bước tới và cười rất tươi. Sắp đi qua bãi bom, sao mà thản nhiên vậy? Xe xóc mạnh và băng lên. Sau xe, cánh đồng lúa xanh mởn trải rộng dần ra. Và ở một vạt lúa sát bên đường có 2 hố đen ngòm, bùn bắn tung toé xung quanh. Còn 4, 5 hố khác ở mấy thửa ruộng xa hơn. Đó, các hố bom đó. Xe vẫn băng lên. Cái chết lùi dần lại phía sau. À, ra cũng đơn giản thôi.

Thế là qua bãi bom một cách an toàn. Xe tiến về thành phố Vinh. Nhà thờ Vinh đứng câm lặng bên những ngôi nhà tan hoang, những ngọn cây xơ xác vì bom Mỹ. Chợ Vinh tan tành, cái biển đề tên chợ treo ở cổng cũng bị bom hất xuống, chỉ còn bám chếch vào một trụ gạch như thách đố.

Chúng tôi xuống xe. Vừa lúc ấy nghe phía Nam Đàn có một tiếng nổ lớn: bãi bom đã lên tiếng! Không hiểu mấy cô gái tôi gặp có sao không?

Xe đỗ ở ngã tư thành phố để chờ qua phà. Còn cách 3-4 km nữa nhưng nơi đó rất nguy hiểm nên xe phải chờ ở đây. Khi nào phà đến sẽ có người gọi điện thoại báo cho trạm barie, trạm lại hướng dẫn cho xe đi. Hoàng hôn dần buông xuống. Bầu trời xam xám, điểm chút mây hồng ở phía Đông. Vinh đây, tơi tả vì sự tàn phá của chiến tranh. Vắng vẻ, đìu hiu. Mấy hàng phi lao cao vút đứng lặng, in bóng sẫm trên nền trời, cạnh những ngôi nhà gác đổ tan hoang. Trạm biến thế điện bỏ không, xung quanh có công sự. Bọn tôi đứng đó ngắm nhìn cái cảnh tĩnh mịch của thành phố và nghĩ mãi rằng tại sao lại có những lúc nó nổi bão lửa hừng hực trái ngược với cái vắng lạnh mênh mông này được? Chúng tôi khẩn trương lên xe. Xe từ từ tiến về Bến Thuỷ. Bên phải đường là nhà máy điện. Bom nổ làm đất đá ở đó bị đào xới lộn bậy. Những cột điện gẫy gục hoặc đổ nghiêng. Cạnh đó là núi Quyết. Phải, cái ngọn núi nhỏ nhoi lở loét ra vì bom đạn đó chính là ngọn núi anh hùng, đã từng nổi danh cùng đội tự vệ thành phố Vinh dám đương đầu với lũ "thần sấm", "con ma" Mỹ.

Sông Lam trôi êm đềm. Bến vẫn phẳng lắm. Xe nhẹ nhàng lên phà. Phà rộng thật, chở tới 5 xe. Bọn tôi đứng hai bên thành phà. Trăng lên rồi, toả ánh sáng nhàn nhạt xuống dòng sông. Tôi đứng bên trái phà ngắm nhìn sông không chán mắt. Dải Hồng Lĩnh đang im lặng in bóng tím trên bờ bên kia. Không có máy bay và cũng không có tiếng pháo. Một anh bạn đứng gần tôi chỉ về phía núi Quyết và hỏi:

- Núi Quyết đấy à? Nó bé thế sao lại nổi tiếng như vậy nhỉ?

Tôi cười:

- Nó nổi tiếng vì ý chí quyết chiến, quyết thắng của nó, ở những con người đã chiến đấu và chiến thắng trên đỉnh núi ấy.

Phà nhẹ nhàng cập bến. Ô tô rú ga. Chúng tôi chạy nhanh lên bờ. Tất cả đều phải khẩn trương. Có thể lũ máy bay sẽ đến bất ngờ hoặc pháo ở biển có thể nã tới trong phút chốc.

Đất Hà Tĩnh đây rồi. Vào làng. Hai bên đường, những quả núi nhỏ nằm im lìm dưới trăng.

Xe chợt dừng lại. Phía trước, lũ máy bay mới thả mấy quả pháo sáng. Chúng tôi tản ra hai bên đường. Tôi và Vượng vào ngồi gần một ruộng khoai, có gì thì nấp ở rãnh khoai cũng đỡ. Những quả pháo sáng vẫn treo lơ lửng lưng trời, hắt ánh sáng vàng vọt về phía chúng tôi. Ở ngôi nhà bên có mấy đứa bé chạy ra ngó chúng tôi và cười. Bố chúng đứng ở vườn sắn hò hét bắt chúng vào hầm, song chúng cứ ngồi cười mãi. Có vẻ chúng đã quen với cảnh máy bay dậm dọa lắm rồi.

Khoảng giữa đêm, đoàn xe dừng lại. Chúng tôi rẽ vào làng để ngủ. Đường đi phải qua một cánh đồng lớn. Ít lâu nay mưa lớn nên đường lầy lội và trơn quá. Phải dò dẫm từng bước, thụt lên thụt xuống mới đi nổi. Song được cái không ai ngã.

Sáng, chúng tôi chuyển sang nhà bên cạnh ở, vì nhà cũ chật quá. Gia đình này có hai cô con gái. Các cô rất tươi cười. Một cô bảo rằng mọi khi có bộ đội đến, thanh niên làng vẫn tổ chức đón tiếp nồng nhiệt lắm, nhưng vì chúng tôi đến vào ban đêm nên không tổ chức được.

Một bác nông dân có vóc người cao lớn sang chơi. Bác tỏ ra rất quan tâm đến tình hình thời sự. Bác hỏi chúng tôi, nhưng nhiều khi lại ngồi nói vanh vách tình hình trong nước, ngoài nước cứ như là phổ biến cho chúng tôi vậy. Bác nói rằng ở đây nhân dân tổ chức bán gà chống Mỹ, nếu đoàn có giấy tờ thì sẽ mua được. Bác ấy là chủ nhiệm hợp tác xã mua bán xã. Bác ấy nói đúng. Buổi chiều, có mấy bà xách vịt, ngan đến cho chúng tôi. Vì ban ngày, gà đã thả nên thay bằng ngan, vịt. Rồi lại có bà mang rau đến bán cho chúng tôi nữa. Tất cả đều có giá phải chăng. Hai cô gái ở nhà rất sốt sắng giúp chúng tôi. Cô thì rửa rau, vo gạo, cô thì đi mua giúp củi, nhen bếp. Điều đó làm chúng tôi rất vui vẻ và cảm động.

Tối, chúng tôi ra xe. Trăng ngào ngạt khắp làng quê. Các cô gái làng ríu rít đi tiễn, cô xách hộ xoong nồi, cô xách hộ túi.

Xe lại rú ga, gầm gừ tiến khỏi làng. Đường xóc nảy như rang ngô. Có một cái rãnh xẻ ngang đường to quá, xe phải chúi đầu xuống rồi lại dê đít vượt lên - lúc ấy thì thành xe chúi tịt xuống rãnh, chỉ cao ngang mặt đường. Được cái xe khoẻ nên vượt qua hết.

Đi được một đoạn thì xe dừng lại. Thật phiền phức, đường tắc rồi. Chiều nay bọn Mỹ vừa đánh đoạn đường phía trước, hiện ở đó còn bom nổ chậm. Thế là phải quay lại đường cũ, gặp lại con đường làng với những nụ cười vui vẻ của các cô gái.

NGÀY 11-5-1968

Tối nay là tối thứ bảy. Ở Hà Nội chắc vui lắm, còn chúng tôi thì đang làm nhiệm vụ bám chắc vào thành xe để khỏi bị xe hất tung ra ngoài qua những cú xóc. Nhưng không vì thế mà mất vui. Nhiều anh khoẻ tán lắm - đủ thứ chuyện - làm váng cả xe lên.

Tôi ngồi gần cuối, tay vịn vào thành xe và lặng nhìn về phía sau. Mây nhiều nên trăng bị che, trở nên nhạt nhẽo vô cùng. Lẫn trong tiếng động cơ ô tô, tôi nghe có tiếng rít và réo ầm ầm. Và hiện ra trước mắt tôi là hình thù đen trũi của một chiếc phản lực Mỹ. Nó bay thấp quá, trông như một con cá lớn trườn qua đầu chúng tôi, song nó mù, chẳng phát hiện nổi chúng tôi. Xe không dừng lại. Phải, nó bay nó cứ bay, mình đi mình cứ đi chứ sao.

Được một đoạn, xe dừng lại nhưng vẫn nổ máy. Vì ngồi sau, tôi không nhìn thấy gì ở phía trước. Tôi nghe tiếng mở cửa ô tô, rồi nghe Ca - một trong hai anh lái xe cho đoàn - hét lớn:

- Đi thôi Thịnh ơi. Bom bi, nó nổ bỏ mẹ bây giờ!

Cửa xe đóng cái “sầm”. Xe lướt tới. Chúng tôi lạnh gáy! Ngơ ngác chẳng rõ vì sao lại có chuyện ấy? Lúc này xe đã vượt qua nơi có bom bi. Quả bom nằm ngang trên đường, cánh mạ kền sáng lấp lánh dưới trăng. Đó là loại bom bi dứa. Bên đường, có một số hố nho nhỏ - đó chính là hố do các quả bom bi khác gây ra. Thật cái chết cứ rình mò và định nhảy xổ vào sự sống. Song cuộc sống vẫn cứ ung dung điềm tĩnh.

Nghỉ giải lao. Ngồi mãi trong xe cũng phát mệt, tai ù lên và người nôn nao. Chúng tôi nhảy xuống xe, vươn mình hít thở luồng không khí trong lành của buổi đêm. Phía xa, bọn máy bay lại thả mấy chùm pháo sáng. Chúng tôi tản ra xa xe và ngồi gần mấy cái hào. Tôi hỏi Thịnh:

- Lúc nãy bom bi thế nào đấy?

Thịnh cười rất tươi:

- À, mình nhìn dưới ánh trăng thấy vật gì lấp lánh, tưởng cái bút máy ai đánh rơi nên đỗ lại. Suýt nữa thì bỏ mạng!

Quanh tôi có những tiếng nói chuyện rì rầm. Có mấy anh đang gay gắt tranh luận về việc hút thuốc lá thì phản lực có phát hiện được không? Anh thì bảo nó chỉ như tàn đom đóm, thấy sao được. Anh thì bảo đừng chủ quan. Thế mà rồi cãi nhau om sòm.

Tôi nhìn trở lại con đường xe vừa qua. Cách nơi tôi ngồi không xa lắm, có một đoạn đường còn mang nặng vết tích chiến tranh. Hai hàng cây ven đường bị cháy xém và gãy gục. 6 chiếc xe - cái thì tung mui, cái thì còn trơ khung - nằm lăn lóc hai bên đường. Thịnh cho biết nơi đó trước đây có hai hàng cây rất lớn, xanh rì. Xe của ta đỗ ở đó, không may bị lũ giặc trời phát hiện, chúng điên rồ xâu xé. Xe bị bốc cháy. Có anh đã dũng cảm lái xe chạy xuống ruộng, lấy bùn dập lửa nhưng lại bị bọn Mỹ bắn rốc két trúng, nên hy sinh ngay bên xe.

Đêm, xe đi theo những con đường vòng khó hiểu rồi đỗ lại ở một bãi khá rộng. Tất cả người và đồ đạc đều xuống xe. Đây là trạm 12 ở Hương Khê, chúng tôi nghỉ lại rồi sẽ đi bộ. Chúng tôi bắt tay từ biệt những đồng chí lái xe dũng cảm và vui tính.

Vai vác ba lô, chúng tôi men theo những bờ ruộng để vào nơi nghỉ. Đi chừng 4-5 km mà thấy toát cả mồ hôi. Gặp mấy đoàn bộ đội đi ngược lại. Họ hỏi chúng tôi: "Quê đâu đấy? vào hay ra?..." Đường làng rộn rã bước hành quân.

Ngày 12, chúng tôi nghỉ ở đây, anh em mua con chó làm bữa liên hoan.

NGÀY 13-17/5-1968

Bắt đầu cuộc đi bộ. Nghe nói 10 ngày đầu là mệt lắm. Được cái đường bằng và ngắn nên đỡ mệt. Ngay hôm đầu vừa đi đã gặp mưa. Chưa có kinh nghiệm nên ai cũng để ni lông trong ba lô, tháo ra thật lâu.

Gặp một buổi hành quân đặc biệt. Trời tối như hũ nút, đường nhỏ, gập gềnh men theo triền núi, lại không được dùng đèn pin. Chúng tôi dò dẫm bước từng bước. Chỉ lo ngã. Phía thung lũng, hàng trăm ngàn cánh đom đóm sáng lập loè. Toàn khu rừng lốm đốm những ánh lân tinh phát ra từ các cây gỗ, lá mục.

Tôi lấy một miếng gỗ lân tinh lớn gài sau ba lô người đi trước và bám riết theo ánh sáng yếu ớt đó. Vậy mà có lúc tôi bước không kịp. Nhìn quanh chỉ thấy đen tối mịt mùng. Chân không dám bước vì sợ sa xuống vực. Tôi đứng tại chỗ gọi hoài người đi trước để nghe theo tiếng gọi mà lần tới. Mắt cứ căng ra mãi, nên đầu thấy nhức quá. Đoạn đường có hơn nửa cây số mà chúng tôi đi mất hơn một tiếng đồng hồ. Ra cửa rừng thấy ánh trăng tràn ngập.

NGÀY 18/5/1968

Ra đi từ 2 giờ sáng. Đoạn đầu đường cũng bằng. Đến gần trưa thì bắt đầu lên dốc. Chúng tôi nghỉ trưa ở một khu rừng nứa. Nóng và khát, bi đông đã gần hết nước.

Khoảng hai giờ, chúng tôi lại đi. Phải lên cái dốc cao, anh em gọi là dốc Đại tướng. Mệt thật, nắng cứ nắng hoài, và dốc cứ lên cao mãi. Rồi chúng tôi dừng lại khu rừng nứa. Đặt ba lô xuống, chúng tôi rút dao găm và chặt nứa để lấy nước uống. Những cây nứa bị phạt ngang, toé ra những tia nước trong mát. Chúng tôi chặt cả cây rồi chặt ra từng khúc, dùng ca, bát hứng ở dưới. Như vậy cũng tạm được, có chút nước bớt khô cổ. Cuộc hành quân lại tiếp tục. Trời vẫn nóng như đổ lửa. Phía bên kia sườn núi, những hố bom Mỹ lở lói, đỏ chói lên dưới ánh nắng. Lại khát, mồ hôi ra ướt đẫm áo. Mồ hôi túa ra trên mặt, chảy thành dòng xuống cằm. Tôi liếm những giọt mồ hôi đó, cảm thấy đỡ khát. Kỷ luật hành quân không cho phép dừng lại; khi qua một rừng nứa, tôi cầm con dao lăm lăm trong tay, hễ thấy cây nào dễ, là bập một nhát rõ mạnh vào thân nó, rồi ghé sát miệng vào đó, uống vội vàng từng giọt nước. Gần 4 giờ chiều, trời càng chói chang. Chúng tôi phải đi qua một khu đồi tranh. Đạp lên tranh mà đi. Tranh ngã rạp theo triền dốc, đặt chân lên thấy trơn tuột, chỉ muốn ngã. Tranh hấp nắng, toả ra cái nóng hầm hập. Tôi đi, trần trụi hai cảm giác khát và nóng, tưởng như đi trong một cái nồi rang khổng lồ, kỳ quái. Còn chiếc ba lô thì trĩu nặng xuống, đôi quai cứ trì riết hai vai rát bỏng. Xuống khỏi dốc, chúng tôi phải vượt qua đường 15. Đoạn đường này bọn Mỹ thường rải bom bi. Từng tốp 4-5 người chạy dọc theo đường, núp sát ta luy rồi băng qua phía bên kia. Tiếp đó, xuống một cái dốc sâu hun hút và trơn tuột. Không phải đi xuống mà là bò xuống, tụt xuống. Tôi phải dùng gậy, ra sức chống đỡ cho khỏi ngã. Suối nước reo róc rách dưới chân dốc kêu gọi chúng tôi. Nhiều người nhào xuống dưới chân dốc là quăng ba lô xuống, lấy bi đông ra vục nước, uống ừng ực. Tôi uống một ca đầy, thấy nước chạy khắp cơ thể, tới đâu mát tới đấy. Rồi rửa mặt thật thoả thuê. Nước, nước, mới xa nước vài tiếng đồng hồ mà thấy nhớ vô cùng, khi gặp lại nó ai cũng vồ vập. Tính, một cô gái có dáng người thấp, béo, ngồi gục vào chiếc ba lô. Tôi hỏi cô lấy nước chưa? Cô ngửng lên, lắc đầu. Mặt cô đỏ rực như muốn bốc lửa. Tôi cầm bi đông, khăn mặt, lấy nước dùm cô ấy.

Mãi tới 6 giờ tối mới tới trạm, kết thúc chuyến đi dài 36 km trong một ngày!

CHỦ NHẬT, NGÀY 19/5/1968

Chúng tôi ở trạm 15. Hôm nay sinh nhật Bác. Tôi ngồi nghĩ lại cuộc đời chiến đấu đầy gian khổ của Bác và thấy có thêm sức mạnh để vượt đường dài.

Đường đã thử sức người. Những đoạn đường đã trả lời cho chúng tôi rõ: Sức anh được bao nhiêu? Liệu bỏ bớt thứ gì? Bắt đầu cuộc “thanh trừng” các ba lô. Có anh mang sách ra xé bớt bìa. Có anh bỏ lại cái áo đông xuân, một vài chiếc quần, áo. Nguyễn Đại, phóng viên báo Nhân dân, người bé nhỏ, lượng không đủ sức mang vác, đã cắt bớt nửa dưới của chiếc màn cá nhân, bẻ vứt đi nửa đuôi chiếc bàn chải đánh răng... Còn tôi, tôi thấy vừa sức, vả lại cái gì cũng cần, không thể bỏ được.

Chúng tôi ngủ trong cái nắng hầm hập của miền Tây Quảng Bình và trong tiếng gầm rú của lũ phản lực để nửa đêm lại vùng dậy, vác ba lô đi.

NGÀY 20 VÀ 21/5/1968

Trời trở mát và mưa nhẹ hạt. Song nằm trong nhà nghe rõ giọt mưa rơi lộp bộp xuống những tầu dừa, tưởng mưa to lắm. Sáng sớm lại ra đi. Mắt díp lại, buồn ngủ quá. Hôm nay chúng tôi chỉ vượt 17 km nên đỡ mệt.

NGÀY 21/5/1968

Nghỉ lại trạm 17. Đây là trạm cơ giới. Mọi người hy vọng sẽ được đi ô tô. Đôi chân tệ quá mà.

Tình hình không cho phép chúng tôi đi xe. Lũ máy bay rình mò dữ lắm, đi bộ an toàn hơn. Chúng tôi được biết đoàn xe đi trước chúng tôi mới “bị” ở Xuân Sơn 3 xe, 40 người bị chết, bị thương. Tôi cũng nghe tin hôm vượt đường, chúng tôi qua một lúc thì lũ máy bay đến ném bom làm chết và bị thương 25 bộ đội...

Hôm nay chúng tôi được nghỉ ngơi hoàn toàn. Anh em đi lĩnh gạo, thịt hộp, đường, sữa, rau khô. Cuộc sống trên đường thật sung túc. Chúng tôi được cung cấp đầy đủ đường, sữa, thịt... để bồi dưỡng sức khoẻ.

TỪ NGÀY 22-25/5/1968

Tiếp tục đi đường bằng. Mỗi ngày vượt từ 18 đến 24 km. Trạm 18 ở trên một mảnh đất khô cằn.

CHỦ NHẬT, NGÀY 26/5/1968

Đi đến trạm 20. Nắng dữ dội. Đây, đất Bố Trạch, Quảng Bình đây. Đêm, máy bay quần đảo suốt.

NGÀY 27/5/1968

Chiều, chúng tôi xuất quân. Trời nắng chói chang. Gần đến đường 15, chúng tôi dừng lại bẻ lá nguỵ trang, rồi nai nịt gọn gàng. Chúng tôi khẩn trương tiến ra đường, rồi tiếp nhau chạy qua khoảng đất trống do con đường và một khoảnh ruộng bên đó tạo thành.

Đêm, chúng tôi tới trạm 21. Máy bay quần suốt, thi nhau thả pháo sáng và bắn rốc két.

NGÀY 29/5/1968

Ra đi từ 3 giờ sáng. Đoạn đường thật đẹp: men theo những bờ suối, nước trong vắt, có nhiều phiến đá có những hình thù kỳ ngộ, dễ ưa và những cây trúc đào lả lướt mọc hai bên bờ suối.

Gần trưa, chúng tôi tới một khu rừng già. Thật tấp nập: bộ đội, thương binh nườm lượp.

Bắt đầu cuộc sống ngủ rừng. Chúng tôi căng tăng, mắc võng thành một căn lều xinh xắn giữa rừng. Phải học cách mắc võng để không cho nước mưa chảy vào võng: đầu tiên, phải chọn 2 cây có khoảng cách vừa tầm võng (trên 2 mét), đóng 2 cọc và buộc dây chằng chúng vào 2 thân cây - gọi là cọc phụ - sau đó cột dây võng vào 2 cọc phụ. Cách mắc tăng thì đơn giản hơn: dùng dây căng thẳng qua hai thân cây làm “đòn nóc”, vắt tấm vải vi ni lông qua, rồi cột các góc vào các gốc cây xung quanh, tạo thành tấm lều nhỏ phủ trên võng.

NGÀY 30/5/1968

Tới hôm nay đã hành quân tròn một tháng. Chúng tôi nghỉ tại trạm 22 một ngày. Khu rừng rộng rãi và thoáng, sạch, tạo cho chúng tôi một không khí thoải mái. Song lũ máy bay quấy rối chúng tôi hoài. Chúng bay sát sàn sạt ngọn cây, gầm rít điên loạn. Qua những lùm cây, thỉnh thoảng tôi lại thấy lướt qua hình thù dài ngoẵng của một chiếc F105 hoặc múp hình vỉ ruồi của một chiếc F4. Chúng bỏ bom uỳnh uỳnh phía ngoài đường. Song, bọn tôi vẫn điềm tĩnh nghỉ ngơi. Người thì mang bộ tông đơ ra cắt tóc cho nhau, một số người thì xúm xít trong một chiếc lều, hò hét nhau trong những ván bài thú vị.

NGÀY 31/5/1968

Hôm nay phải vượt qua một đoạn đường dài 40 km. Chúng tôi đi từ sớm. Con đường thật hóc hiểm, toàn núi đá dựng đứng. Anh em công binh phải dùng mìn phá bạt sườn núi mở đường đi. Có những đoạn dốc dựng đứng, đá lởm chởm không thể làm đường được. Người ta phải đóng những thanh gỗ lớn bắc vượt qua nó. Đeo ba lô nặng, bước lên những bậc thang dựng đứng và ẩm ướt cảm thấy người nặng trịch và thiếu thăng bằng. Đoạn đường này, phải vượt qua chín dốc, ba thang.

Được nửa đường, chúng tôi dừng lại dựng lều để nghỉ. Ở đây xa suối quá, chúng tôi phải mang ni lông đi 3-4 km vác nước về. Trời thật tai ác, khi chúng tôi vừa nhen nhúm lửa lên thì đổ ập mưa xuống. Mưa rào quất những làn roi nước xuống mặt đất một cách phũ phàng. Chúng tôi vội vàng chuyển bếp vào một ngách đá và ngồi thu lu dưới cái vòm đá nhỏ nhắn đó mà nấu nướng.Vẫn không tránh khỏi ướt. Nhưng dù sao lửa vẫn cháy và cơm vẫn chín.

Chúng tôi ngồi co ro trong tăng ăn cơm nóng và chịu cái lạnh từ nước mưa thấm vào.

Tôi phải thay quần áo và xoa dầu khắp người cho nóng rồi mới yên tâm leo lên võng nghỉ.

Đêm, mưa vẫn rả rích. Mở mắt ra, tôi ngỡ ngàng với những đốm sáng xanh quanh võng: lân tinh phát ra từ những kẽ lá, thân cây mục rải khắp rừng.

NGÀY 1/6/1968

Sáng dậy, mặc lại bộ quần áo ướt và lại ra đi. Đến trạm - cũng là rừng thôi. Xa dân thật khổ.

NGÀY 2/6/1968

Lại ra đi khi mới 4 giờ sáng. Chúng tôi nhanh nhẹn chạy vượt đường 20. Đoạn đường này địch đánh ác liệt, thấy đầy hố bom và hai bên đường cây cối cụt hết ngọn, trơ cành xơ xác. Suốt 20 km này đường dốc liên tục.

Đêm, nằm trên đỉnh Trường Sơn lạnh buốt. Máy bay địch quần không ngớt.

NGÀY 4/6/1968

Sau khi nghỉ một ngày ở trạm 24, 5 giờ sáng nay chúng tôi lại ra đi.

Đường chúng tôi đi men theo những dòng suối nên khá trống trải. Lũ máy bay địch cũng quần lượn hoài trên vùng trời này. Những chiếc máy bay phản lực sáng loá lên trước ánh nắng và lao loang loáng giữa vòm trời xanh. Có những tiếng nổ “ùng ục” kéo dài. Không hiểu ta bắn lên hay địch bắn xuống. Chúng tôi phải hết sức nhanh nhẹn vượt những quãng quá trống trải để lũ máy bay khỏi thấy.

Trạm 25 này là một trạm mới di chuyển đến. Chỗ ở thật tai hại. Đó là một khu rừng nứa rất dốc - thật khó kiếm được một chỗ bằng để làm nơi ở - và rặt một thứ đất đỏ quánh, trơn như đổ mỡ.

Lâu ngày rồi không được ăn rau, thèm quá. Gặp mấy o thanh niên xung phong và được các o cho một bó rau tầu bay. Thế là chúng tôi được một bữa canh tươi! Bọn tôi lúi húi mỗi nhóm một góc rừng bắc ăng gô nấu cơm. Chật chội hết sức. Do vậy thật tai vạ, một ăng gô nước sôi vừa bắc ra bị anh Nhị đá phải đổ ập cả vào chân trái tôi. Nóng dãy lên. Bàn chân trái phút chốc đỏ rực lên và rất rát. Nó cứ nóng rát lên từng đợt, rồi dịu đi, rồi lại nóng rát lên từng đợt, từng đợt như vậy, thật khó chịu. Chống gậy về võng nằm. Tôi lo lắng vô kể: ngày mai đi đứng sao đây với cái chân này? Thấy tình cảnh ấy, Vượng rất lo lắng cho tôi. Anh trách móc mãi Nhị về sự vô ý vừa qua.

NGÀY 5/6/1968

Sáng dậy, thấy chân bị bỏng phồng rộp lên. Tôi bôi thuốc mỡ lên rồi băng nó lại, lồng nó vào chiếc bít tất. Tôi nới rộng quai dép để đi cho đỡ tức chân, rồi chống gậy tập tễnh bước đi. Đoàn quân nối dài trong khu rừng nứa lầy bùn. Một thứ bùn đỏ quánh, trơn tuột. Người ta thi nhau ngã oành oạch! Có đoạn xuống dốc đường trơn quá, tôi phải chống gậy xuống trước, lựa chiều để xuống dần từng bước, từng bước.

Đến đất Lào rồi đây. Chúng tôi đi qua một bản của người Lào, thấy dân ở đây giống người Xá Tây Bắc. Lâu lắm rồi mới gặp dân.

Trời u ám, xam xám một màu chì và thoảng những làn gió lạnh. Lòng tôi chợt buồn nao nao. Nhớ gia đình quá!

NGÀY 6/6/1968

Nghỉ lại ở trạm 26 - tức trạm 6. Đây là trạm đầu tiên trên đất Lào - thuộc tỉnh Khăm Muộn.

NGÀY 7/6/1968

Chúng tôi đi theo những rừng nứa thưa hoặc dòng suối cạn. Đất mịn màng dưới chân chúng tôi. Đoạn đường này đi khá dễ chịu.

NGÀY 8/6/1968

Đi. Đi hoài. Đường dốc ghê quá. Có hai dốc anh em gọi là “ác ôn” vì nó vừa dựng đứng, vừa trơn tuồn tuột, sảy chân là ngã liền.

CHỦ NHẬT, NGÀY 9/6/1968

Chúng tôi bắt đầu bước vào mùa mưa của đất Lào. Hôm nay mưa dầm dề suốt. Mưa không to lắm nhưng rất đều hạt và liên tục. Chúng tôi choàng ni lông, cắm cúi đi. Chiếc áo đi mưa bị cái ba lô đẩy phồng lên làm cho lưng chúng tôi trở thành gù, trông như những con lạc đà vậy. Lạc đà vượt Trường Sơn!

Đường lầy lội những nước. Tôi hết sức tránh nhưng dù sao vẫn sa chân vào những vũng nước bẩn. Nước bùn ngấm vào chỗ bỏng khiến nó rức buốt. Có lúc đau quá, tôi phải ngồi lại nghỉ - ngồi trên những khúc gỗ hoặc tảng đá ướt át. Rồi lại chống gậy, gắng đi. Phải đấu tranh dữ lắm mới đi nổi!

Chiều, trời ngớt đi một chút. Anh em xin được mấy con cá, kho ăn ngon lạ. Đặc biệt hôm nay chúng tôi ăn khoẻ quá - ăn hai lần, cách nhau một tiếng và mỗi người ăn mỗi lần nửa ăng gô cơm!

Đêm, trời lại ập cho một trận mưa. Thật đáng buồn, tăng chúng tôi mắc quá cẩu thả nên nhiều người bị nước tạt vào ướt sũng. Võng tôi cũng bị ướt. Thế là phải dậy lục đục căng lại tăng. Quần áo cũng ướt theo. Nằm trong cái ướt lạnh ghê người.

NGÀY 10/6/1968

Trời vẫn mưa hoài. Vì đau chân, tôi tranh thủ đi trước. Đường qua những khu rừng thưa. Thật kỳ lạ, trên đường sao lắm cua thế. Những con cua núi này trông rất ngộ nghĩnh: con nào con nấy có đôi càng to tướng và có bộ mai màu đỏ sặc sỡ. Gặp người, chúng chạy rõ nhanh và chui tụt vào hang. Nếu không chạy kịp, chúng giơ đôi càng lớn ra muốn chống cự. Tôi bắt được tới hơn 40 con. Bắt nó thật thú vị: phải nhanh tay, nhanh mắt chộp lấy nó, có con chạy gần tới hang, tôi lấy gậy hất một cái, cu cậu bật ngửa và giơ đôi càng to xù ra thật ngộ nghĩnh. Vui với việc bắt cua, tôi quên cả đau chân.

Trạm 10 nằm ở một khu rừng thưa rộng rãi, đất bằng phẳng. Trạm đón tiếp chúng tôi một cách rất trịnh trọng. Chúng tôi giã cua nấu canh và lấy một số rang mặn ngọt, ăn rất ngon.

NGÀY 11/6/1968

Nghỉ lại trạm 10. Trời tạnh mưa, sáng lên một chút. Gần trưa, chúng tôi ra ven suối nấu cơm. Lửa vừa nhen lên thì mưa ập xuống. Cái mùa mưa quái ác! Chúng tôi phải lấy ni lông che tạm bếp và người. Được cái củi là củi nứa nên dễ cháy. Người chúng tôi ướt mèm, nhưng dù sao cơm vẫn chín.

Chiều, chúng tôi gặp Hoàn, phóng viên của báo Thủ Đô Hà Nội, nay làm ở Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn xe. Chúng tôi vào Tiểu đoàn bộ chơi, được anh Nguyễn Hồng - Tiểu đoàn trưởng - và anh Trần Minh Khâm - anh hùng Quân đội - đón tiếp rất nhiệt tình. Cuộc sống ở đây khá sung túc. Các anh mang đường kính thỏi của Liên Xô ra tiếp chúng tôi. Chiều đó, chúng tôi được ăn một bữa cơm trịnh trọng và thịnh soạn: có bàn ghế, mâm bát hẳn hoi (lâu rồi chúng tôi chỉ ăn dưới đất và bằng nắp ăng gô), có thịt hộp, thịt lợn tươi kho (không phải là thịt hộp), canh chua, măng xào...

NGÀY 12/6/1968

Trời hửng lên rồi. Bầu trời trong xanh, hứa hẹn những ngày nắng.

NGÀY 13/6/1968

Nắng dữ dội. Mệt quá đấy, mãi đến chiều mới tới trạm.

NGÀY 14/6/1968

Đến trạm 13. Trời vẫn nắng.

NGÀY 15/6/1968

Nắng rực rỡ, trời xanh cao vời vợi thật đẹp. Chúng tôi nghỉ lại ở một khu rừng thưa. Trạm trưởng là một chuẩn uý khá điệu đà. Anh thường nhấn mạnh quá đến cái “tôi”: “Tôi đã chỉ thị....”, “Tôi không cho phép....”. Anh đưa ra một số mìn lá của biệt kích giới thiệu với chúng tôi và nói: “Tôi đã cho nhặt hết, nhưng các đồng chí phải cảnh giác, có nhiều loại màu: màu lá, màu đèn pin, màu bút bi....các đồng chí đã rõ chưa?”. Khi chúng tôi căng tăng, anh không cho, bắt đợi đến tối, bởi vì, theo anh, “tăng là chất mầu dễ lộ, máy bay dễ thấy”. Tôi thấy hơi khó chịu với thái độ của anh trạm trưởng. Vượng cứ đay đi đay lại cái câu " tăng là chất mầu dễ lộ", có ý chế riễu anh ta.

NGÀY 16/6/1968

Sáng, chúng tôi dậy thật sớm, ăn cơm rồi soạn ba lô.

Chúng tôi vượt sông Xi Bang Hiên bằng những chiếc thuyền lớn. Nước sông trong xanh và phẳng lặng như gương, trông thật đẹp.

Đi khỏi sông một quãng, thấy trời bỗng u ám, gió thổi thốc lên khiến lá rừng rơi lả tả và bay quay cuồng. Mỗi khi trời như thế, tôi lại nhớ tới Hà Nội mùa đông với những cơn gió mùa đông bắc ngắt lá rụng đầy đường và lòng thấy trạnh buồn. Nhớ lũ em quá.

Trời mưa một cách giả tạo để rồi lại nắng.

NGÀY 17/6/1968

Nghỉ lại trạm 15. Chúng tôi ở trên một triền dốc thoai thoải, chân đồi có một con suối lượn quanh.

Nghỉ ngơi thoải mái, tôi đi vào bản chơi. Dân Lào nói tiếng Thái nên tôi chuyện trò được. Bản tôi vào gồm khoảng chục nóc nhà sàn lụp xụp, với những người dân ít trò chuyện. Phụ nữ không mặc áo và da đen bóng. Kể ra, bản cũ của họ ở nơi rộng, thoáng, sạch sẽ và đẹp. Song bọn Mỹ ném bom, họ phải sơ tán vào khu rừng này.

NGÀY 18/6/1968

Nắng rực rỡ. Chúng tôi ra đi giữa trưa nên mệt tợn. Có gì sôi lục bục ở hai mang tai. Đầu óc muốn nổ tung ra. Mi mắt nặng trĩu, muốn sụp xuống. Tôi phải lấy đường pha với Vi ta min C uống cho lại sức.

Gần tối, chúng tôi vượt qua đường 9. Con đường nổi tiếng đó trải bằng đá và chỉ rộng 7-8 thước thôi. Sau đó, chúng tôi dùng thuyền vượt qua sông SêPôn.

NGÀY 19/6/1968

Sáng nay chúng tôi vượt dốc “Nguyễn Chí Thanh”. Từ các trạm trước, tôi đã nghe nói đến dốc này. Dưới chân dốc có làm một cái cổng chào và treo những khẩu hiệu động viên người ra tiền tuyến. Anh em giao liên đã làm những bậc gỗ để lên dốc cho dễ. Tôi hăng hái vượt hết bậc này đến bậc khác, vượt gần nghìn bậc thì lên tới đỉnh. Trên đỉnh cũng có một cổng chào. Bỏ ba lô xuống, tôi hít thở một cách thoải mái làn không khí trong lành. Nhìn xuống, tôi thấy ở tít xa, dòng sông SêPôn ánh lên bàng bạc.

NGÀY 20/6/1968

Đến trạm 19 A. Đường bằng nhưng dài quá nên đi khá mệt. Đến đây đoàn K191 chia tay với chúng tôi để rẽ về Trị Thiên.

Khu rừng chúng tôi ở toàn một loại cây nhỏ, thấp và thưa lá nên quá trống trải.

NGÀY 21/6/1968

Nghỉ lại nơi này. Chúng tôi ra bờ sông SêPôn nấu ăn. Lòng sông khá rộng và nông, có nhiều phiến đá lớn nằm giữa dòng nước trông thật là đẹp. Tôi tắm giữa dòng sông trong mát thấy thoải mái vô cùng.

Chiều, trạm tổ chức chiếu phim cho anh em xem.

NGÀY 22/6/1968

Đi sớm để qua cầu treo. Chiếc cầu nhỏ, chỉ rộng độ nửa thước đan bằng tre, được treo ở hai mỏm đá bằng những sợi mây lớn. Trên đất Lào này, chúng tôi hay gặp những cầu treo như thế. Chỉ làm toàn bằng gỗ, tre rồi dùng dây mây chằng, treo lên ngọn, thân cây hoặc tảng đá, vậy mà rất vững. Đoàn quân đi qua, cầu rung lên kêu ken két và đung đưa, đung đưa...

Đến trạm 23, tình cờ tôi nhặt được lá thư của một phụ nữ nông thôn gửi cho chồng, nói lên những công việc đảm đang của mình khi anh ra tiền tuyến, ở góc lá thư, anh bộ đội viết câu ca dao:

Vượt qua trăm núi ngàn khe

Đường ra tiền tuyến say mê lạ thường.

Anh lính ấy ra đi rất say mê, phải chăng vì có một lý tưởng đúng đắn, và phải chăng vì ngoài hậu phương lớn, hậu phương chung, anh còn có một hậu phương riêng rất vững? Tôi suy nghĩ nhiều về hậu phương. Ai ra tiền tuyến mà chẳng ôm ấp trong lòng mình những cái thân yêu của hậu phương. Ngoài cái hậu phương lớn, chung là cả miền Bắc, là công trường, nhà máy, đồng ruộng... mỗi người đều ôm ấp trong lòng một hậu phương riêng, đó là gia đình, bè bạn, nơi anh sinh trưởng! Cái hậu phương ấy tuy riêng, tuy nhỏ nhưng mặt nào đó nó bao hàm cả những cái chung, thông qua đó người ta nhớ đến hậu phương lớn vì nó có tác động rất mạnh mẽ và trực tiếp tới anh. Nó vững mạnh, nó tốt, nó sẽ nâng bước anh rất nhiều.

Tôi thấy rất tự hào về gia đình tôi, một gia đình có truyền thống cách mạng. Tự hào về người cha luôn tận tình phục vụ cách mạng - Ông đã được thưởng Huân chương kháng chiến và Huân chuơng lao động. Tự hào ở người mẹ đã tiến vượt lên trong cuộc kháng chiến thứ hai này. Cuộc kháng chiến trước, mẹ tôi chỉ ở nhà quanh quẩn nuôi chúng tôi. Cuộc kháng chiến này, mẹ tôi tham gia công tác cơ quan, đồng thời làm công tác Công đoàn. Mẹ tôi đã tự học để nâng trình độ văn hoá lên hết cấp 2, đã nỗ lực phấn đấu và đã trở thành Đảng viên. Tự hào ở những đứa em ngoan ngoãn, chăm học, chăm làm, đứa nào cũng là đoàn viên hoặc đội viên thiếu niên tiền phong.

Đây đã là tỉnh Xa Van Na Khét của Lào rồi. Chiều, trời đổ ập một cơn mưa dữ dội.

NGÀY 23/6/1968

Sáng đi sớm. Trời thật ẫm ờ, dở mưa dở nắng.

NGÀY 24/6/1968

Gần sáng, trời mưa như trút nước, chúng tôi dậy thu dọn mọi thứ trong mưa để lại ra đi. Chiều, trời lạnh và lại trong xanh một cách kỳ lạ.

NGÀY 25/6/1968

Sức khoẻ của anh em trong đoàn sụt dần, đã có nhiều người ốm phải nằm lại trạm. Thuyết - cùng tiểu đội tôi - cũng sốt, rên hừ hừ.

Chúng tôi kiếm được một quả bí đỏ, nấu chè ăn thật ngon.

NGÀY 26/6/1968

Sáng lại lên đường. Mấy anh ốm chống gậy khặc khừ ra đi.

Chúng tôi đi một cách chậm chạp. Tiểu đội tôi tụt lại phía sau vì anh Thuyết yếu quá. Tuy chúng tôi đã mang hết gạo và một số thứ nặng hộ anh, anh vẫn đi rất nặng nề. Chúng tôi mệt mỏi leo lên một cái dốc. Đến gần đỉnh, bỗng Thuyết đứng sững lại, mặt nhợt nhạt. Anh ngồi phịch xuống rồi nằm ngửa ra. Bọn tôi cuống quýt tháo ba lô cho anh. Người anh đầm đìa mồ hôi và lạnh toát. Chúng tôi xoa dầu cho anh và lấy mấy viên sâm, Polyvitamin bỏ vào miệng anh. Anh ta phều phào: “Đắng lắm anh ơi” và định nhè ra...

Chúng tôi lấy võng ra, buộc vào một khúc tre lớn rồi vực Thuyết vào võng, khiêng lên đỉnh dốc. Sau đó, chúng tôi buộc hai đầu đòn khiêng vào cây rừng để anh nằm nghỉ rồi vơ củi, lấy nước nấu cháo. Vừa lúc ấy thì đồng chí chính trị viên trạm tới. Anh tỏ ra lo ngại, song không thể ở lại với chúng tôi được. Anh mang hộ ba lô Thuyết đi trước và dặn “Chú ý, nơi này hay có biệt kích. Nó thường đi từ phía sườn núi lên”. Nghe nói biệt kích, San vội chạy vào ngồi giữa. Anh chàng này làm nghề chữa máy ảnh, máy quay phim, tính rất vô tư và rất sợ hổ, biệt kích. Chúng tôi cười ầm lên và nói vài câu nhạo báng San. Anh cười hì hì.

Ngọn lửa bừng lên sưởi ấm cho Thuyết. Chúng tôi bắc mấy ăng gô lên. Thật chán, vì vội vã, chúng tôi đóng cọc không cẩn thận nên cọc đổ làm ụp cả ăng gô xuống. Khói bốc mù lên. Lại phải xuống dốc lấy nước khác.

Nước sôi, cháo chín. Tôi lấy ruốc hoà vào cháo mang tới cho Thuyết. Anh húp được vài thìa.

Quá trưa rồi. Trời nắng và nóng dữ. Chúng tôi quyết định khiêng Thuyết đi. Tôi lấy cây gánh ba lô cho Vượng và Thành. Còn Thành, Vượng khiêng võng. Gánh có hai ba lô mà sao thấy nặng thế, người cứ lao đao, chúi về phía trước. Tôi đi sau như chạy một cách bị động, được vài chục thước là thở hồng hộc và phải đặt gánh xuống nghỉ. Còn Vượng và Thành khiêng mới vất vả. Hai anh rúm vai và bước đi xiêu vẹo...

May sao, đi được một lúc thì Thuyết hồi sức. Anh xuống võng, đi bộ. Bọn tôi mang hết đồ đạc cho anh và kèm anh đi. Chừng 5-10 phút lại nghỉ một lần. Nóng và mệt quá chừng.

Gần tối, chúng tôi tới trạm. Dù sao cũng đã vượt được một thử thách lớn!

NGÀY 27/6/1968

Chúng tôi nghỉ tại đây. Đồng bào mang hàng đến đổi. Chúng tôi đổi được một ít rau bí, ngô non và sắn. Canh rau bí thật ngọt ngào. Ngô để cả râu, luộc lên, chúng tôi lấy nước ấy cho Thuyết uống. Còn sắn luộc thì ăn “ thoả mãn bần cố ”.

Buổi chiều, Thuyết vào trạm xá nằm. Anh sẽ nghỉ lại trạm này, khi khỏi sẽ đi tiếp. Khi chia tay, anh khóc không dấu diếm, khóc hu hu như một đứa trẻ con...

NGÀY 28/6/1968

Dốc nhiều.

Lần đầu tiên chúng tôi được vào nhà của trạm nghỉ và được trạm nấu cơm cho ăn. Do vậy đỡ vất vả.

NGÀY 29/6/1968

Gần sáng, trời mưa xối xả. Có lẽ đây là trận mưa lớn nhất từ khi tôi đặt chân lên đất Lào. Nước xối ào ào, ào ào xuống rừng núi, chảy từng dòng theo các khe rãnh. May mà nằm trong lán nên không bị ướt.

Qua sông Nậm-Bạc bằng thuyền. Sang sông rồi, chúng tôi tiến vào một khu rừng. Lúc đó, một máy bay phản lực đen trùi trũi bay sát ngọn cây, rít ầm ầm.

NGÀY 30/6/1968

Sáng sớm, dậy nấu cơm ăn rồi lại đi. Chúng tôi cứ dọc theo sông Bạc mà tiến. Nước sông chảy tràn qua các tảng đá lớn, tung bọt trắng xoá dưới nắng và réo ầm ầm.

Đến trạm 32 này là chẵn 2 tháng trên đường rồi!

THỨ 2 NGÀY 1/7/1968

Nghỉ lại trạm 32. Hôm nay sinh nhật mình. Tuổi 22 ơi, ngươi chứng kiến những ngày phấn đấu của ta trong cuộc trường chinh lớn này. Đón ngày sinh thứ 22 trên đất Xa Van Na Khét (Lào), lòng mình không khỏi bồi hồi nhớ tới quê hương.

NGÀY 2/7/1968

Lên, lên mãi. Đến đỉnh dốc thấy mây mù bao phủ. Không khí ẩm ướt và lành lạnh.

NGÀY 3/7/1968

Dốc, dốc suốt. Lên cao mãi để xuống thấp mãi. Lên thấy nặng nề một cách mệt nhọc. Xuống thấy chùn chân, đầu gối run bần bật. Đứng trên đỉnh núi thấy mây bao phủ dưới chân. Con đường thật quái ác, không men theo triền núi mà cứ nhằm đỉnh núi mà tiến.

Trạm 34 này nằm ở tỉnh Xa Ra Van.

NGÀY 4/7/1968

Đến trạm 35. Đường khá bằng. Thấy dân Lào đào mương, làm thuỷ lợi thật vui. Lại nhớ đồng bào Tây Bắc. Đến tỉnh Ta Vên Ok (Mặt trời mọc).

NGÀY 6/7/1968

Sáng lại đi. Đến đây thêm 3 người nữa nằm lại trạm vì ốm. Thế là 7 người rồi! Đoàn chỉ còn lại 13 người.

Khi xuống dốc, tôi vô ý sảy chân, bị ngã một cái như trời giáng.

Đường toàn lên dốc mà không xuống. Chúng tôi đang trèo lên một cao nguyên lớn của nước Lào: cao nguyên Bô Lô Ven.

Chúng tôi vào trạm. Nhiều căn nhà nằm lạnh lùng trên đỉnh núi giá lạnh này và chìm trong sương mù. Mù mịt và ẩm ướt suốt ngày. Mặt trời trốn biệt và nếu có lúc nào đó chợt ló ra thì những tia nắng yếu ớt cũng không đủ sức xuyên qua những lớp lá cây xanh rì cùng những lớp sương mù dầy đặc. Ban chỉ huy trạm tiếp chúng tôi tại câu lạc bộ của trạm. Đó là một căn nhà xinh xắn, có làm mấy dãy ghế và trên trần có treo mấy chiếc dù pháo sáng màu trắng. Chúng tôi ngồi nghe anh trạm trưởng phổ biến địch tình trong cái ẩm ướt và lạnh ghê người. Nơi đây, địch đã ném bom vào bãi khách, làm chết và bị thương một số người. Chúng cũng thường thả biệt kích xuống. Ba bốn giao liên đã hy sinh trong một cuộc đọ súng bất ngờ với chúng tại một đỉnh dốc.

Chúng tôi nghỉ tại đây một ngày. Không lấy gì làm thú vị lắm vì trời quá u ám, không khí quá ẩm thấp và đêm ngủ quá lạnh. Đêm nằm trong lán, trên sạp, tôi trải ni lông lót lưng, lấy cả võng, tăng và chiếc dù pháo sáng trùm kín mà vẫn rét rúm cả người lại.

Tôi luôn thấy đồng bào Lào gùi rau đến cho trạm. Trạm cho đồng bào muối hoặc một vài thứ cần thiết cho sinh hoạt mà đồng bào không có. Tôi gặp một bà mẹ và một cô gái nhỏ mang gạo nếp, đậu xanh đến cho ban chỉ huy trạm. Bà mẹ và cô gái ngồi quanh một chiếc bàn cùng mấy đồng chí giao liên, vừa chuyện trò vui vẻ, vừa nghe đài.

Một phụ nữ khác cõng rau đến rồi ẵm con vào nhà mấy giao liên. Họ nói chuyện rất cởi mở bằng tiếng Lào. Một giao liên lấy cơm và ruốc bông cho đứa bé. Nó bốc ăn ngon lành.

NGÀY 8/7/1968

Giờ đây, chúng tôi nhằm hướng mặt trời mọc mà tiến về Tổ Quốc... Hai người nữa nghỉ tại trạm rồi, cái sốt rét rừng ác hại!

Chúng tôi đang đi trên đỉnh cao nguyên BôLôVen. Nắng yếu ớt và sương mù trải nhẹ khắp cao nguyên. Có những bãi bằng rộng như một cái sân bay trải đầy cỏ xanh rờn. Núi non trập trùng trải ra dưới tầm mắt chúng tôi, nhiều ngọn núi rực lên dưới ánh nắng. Chiều, chúng tôi tới trạm 60 - Binh trạm 21.

NGÀY 9/7/1968

Mặt trời Tổ Quốc luôn vẫy gọi chúng tôi. Ánh nắng buổi sớm xuyên qua những giọt sương long lanh đọng trên các ngọn cỏ tranh, chiếu thẳng mặt chúng tôi. Chúng tôi len lỏi trong rừng tranh, nhằm thẳng phương Đông mà tiến. Đi một chặp, người đã sũng nước sương. May mà đã thoát khỏi những đồi tranh. Trước mặt chúng tôi là rừng thông. Tôi ào tới khu rừng ấy. Chao, đẹp quá. Những cây thông cao vút, thẳng tắp đang khẽ reo lên trong gió. Rừng thưa và sạch. Dưới gốc thông không có những cây con và rác rưởi mà chỉ toàn là lá thông. Lá thông trải dầy, bằng phẳng và êm như đệm bông. Cả một giải rừng thông nối nhau trập trùng từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Thỉnh thoảng, tôi gặp vài cây thông cháy. Ngọn lửa cũng liếm gọn những lá thông dưới gốc, tạo thành những khoảnh đen. Anh giao liên cho biết sở dĩ thông bị cháy là do pháo sáng địch thả rơi xuống.

Gần trưa, trời nắng chói chang. Chúng tôi đi men mấy cái rẫy mới phát. Trên rẫy ngổn ngang những cây thông lớn đã bị cháy khô. Thật tiếc, đồng bào làm rẫy nên phá nhiều thông quá.

Rời khu rừng thông khô ráo, thơm tho và ngập tràn ánh nắng, chúng tôi chui vào một khu rừng gỗ già nua, vừa ẩm ướt, vừa âm u và lại lắm dốc.

Chúng tôi gặp Nguyễn Đại và Đỗ Quảng - phóng viên báo Nhân dân - hai anh không đủ sức khoẻ nên phải ra. Qua chiếc cầu tre, chúng tôi vấp phải một cái dốc khủng khiếp. Dốc dựng đứng, nhão nhọet bùn và trơn nhầy nhẫy. Tôi dùng tay bám vào rễ cây, thân cây, cố leo lên. Lên được một đoạn, gặp một cái thang gỗ cũng ướt nhọet và nhớp nháp. Nhưng dù sao, bước lên những bậc gỗ đó vẫn dễ hơn. Con đường nhầy nhụa và dốc đứng này, anh em giao liên vẫn thường cáng thương binh qua. Tôi vô cùng cảm phục họ, sao khiêng nặng trên vai như vậy mà vẫn đi được trên những đoạn đường như thế? Chỉ cần sảy chân một chút là cả anh, và kinh khủng hơn nữa, cả người thương binh nằm trên cáng, sẽ nhào xuống vực... Tôi luôn gặp những cáng thương. Hai giao liên hai đầu cáng, vai nâng cáng, chân thận trọng bám từng thớ đất mà lên dốc hoặc xuống dốc.

NGÀY 10/7/1968

Nghỉ lại trạm 61. Ở đây có loại cần rừng là món ăn phổ biến. Trông nó giống rau cần ta vẫn trồng, song ăn thì hắc quá, giống như mùi dầu hoả. Cần xào, canh cần, cần muối... Ôi! Chán ngấy. Chỉ có món nước mắm là hấp dẫn một chút. Đó là một loại nước có dính một tí thịt hộp. Thịt hộp ít quá, anh nuôi khui ra, cho vào nấu nát và đổ hàng soong nước vào. Thế mới đủ cho mọi người chấm mút một chút chứ...

Trạm này cũng ẩm ướt và lạnh. Ăn rồi, bọn tôi nằm trên võng tán gẫu, xong lại ca cẩm về cái lạnh và đói. Quái lạ, sao ăn 7 lạng mà trạm nấu thấy ít cơm thế? Còn ít gạo, chúng tôi rủ nhau đi nấu mà ăn. Chớ có nhờ trạm, họ sẽ gắt ầm lên vì phiền đến họ. Chúng tôi rúc vào rừng, tất nhiên mỗi nhóm một hướng để khỏi bị giao liên phát hiện, tìm củi mà nấu. Bốn đứa chúng tôi chui vào một hốc cây to, nổi lửa đùng đùng và bắc ăng gô lên. Chỉ ít phút sau là chúng tôi đã ăn xong, lại leo lên võng nằm tán gẫu, như chưa hề vào rừng nấu cơm vụng trộm vậy. Cách nấu nướng ngang tắt ấy, trên đường hành quân, bộ đội Trường Sơn gọi là “tụt tạt”.

NGÀY 11/7/1968

Đường qúa dài. Mãi 4 giờ chiều mới tới.

NGÀY 12/7/1968

Dốc dữ quá, lên cao chót vót rồi lại xuống thăm thẳm. Qua sông SêCaMáng.

Hôm nay, chúng tôi đã vượt qua biên giới, trở lại đất nước - tỉnh Công Tum. Đi trên đất Lào mất một tháng sáu ngày!

NGÀY 13/7/1968

Vẫn kiên trì đi. Đường đỡ dốc hơn.

NGÀY 14/7/1968

6 đứa chúng tôi nghỉ tại trạm này, đoàn tiếp tục đi.

NGÀY 15/7/1968

Chúng tôi đi qua một vùng rẫy. Ở đây bầu trời rộng ra và mặt đất sáng sủa hơn lên. Bà con dân tộc làm việc rộn rập ở rẫy, nhiều người mang ngô rang ra. Họ đổi ngô rang lấy thuốc bổ, thuốc cảm sốt... Khi đoàn gần chui vào một khu rừng rậm thì có một chiếc máy bay trinh sát loại L19 lượn đến. Tôi và Điều đi sau, nên còn ở khoảng trống. Chúng tôi đứng im. Chiếc L19 nghiêng cánh, nhòm ngó rồi vòng đi. Tôi và Điều vừa bước vài bước thì nó vòng lại, nghiêng cánh. Chúng tôi ngồi thụp xuống, mang cả ba lô trên vai. Thật khó chịu, chiếc L19 cứ lượn. Ngồi mỏi cả chân. Song, nó cũng cút. Chúng tôi nhanh chóng lẩn vào rừng. Giờ thì tha hồ cho mày tìm.

Trời nắng rực rỡ là vậy, lại ập cho một cơn mưa xối xả khi chúng tôi vừa tới trạm. Trạm 65.

NGÀY 16/7/1968

Chúng tôi lại đi qua những giải rừng thông bát ngát. Đồng bào ta cũng phá quá nhiều thông để làm rẫy.

Chiều, mưa tầm tã.

NGÀY 17/7/1968

Đường ngắn, đi thoải mái. Nhiều rẫy bắp sắp đến ngày thu hoạch nằm cạnh đường đi. Quanh rẫy, đồng bào cắm những cây nứa lớn được chẻ làm 2, 3, có một sợi dây dài chằng trên các cây đó, trên dây buộc nhiều giẻ rách và đầu dây nối với một guồng nước. Nước chảy rì rào làm cái guồng nhảy lên nhảy xuống, kéo sợi dây làm những cụm vải đung đưa và những cây nứa bị tẽ ra, dập vào nhau phát lên những tiếng “Crập! Crập” đều nhịp. Xen vào đó là những tiếng hờ của đồng bào nghe âm u, rờn rợn. Rừng núi Trường Sơn có những âm thanh huyền bí như vậy đó.

Chúng tôi tới trạm 67, trạm Xã hội chủ nghĩa cuối cùng của đường dây. Trạm có những ngôi lán sạch sẽ, ở đầu trạm có một bảng nội qui to bằng gỗ. Trạm có vẻ đàng hoàng.

Anh em cấp dưỡng lấy rất nhiều củ nưa - trông giống như móng ngựa nên anh em gọi là củ móng ngựa - về làm thức ăn. Loại củ này có chút chất bột nhưng cứng và rất chát, muốn ăn, phải gọt vỏ, thái ra, ngâm nước cả đêm. Nhưng với điều kiện thiếu thốn, đem thái nhỏ, trộn với bột trứng và rán lên thì thành một món chả ngon tuyệt.

Anh em đi lĩnh gạo. Tôi ở nhà nấu thêm vài ăng gô cơm cho anh em về đỡ đói. Tôi nấu nhờ nhà bếp. Cơm gần sôi thì có một anh chàng giao liên đến gắt nhặng lên và không cho tôi nấu nữa. Tôi nói sao anh ta cũng không nghe. Anh ta bảo: "Sợ hỏng gạo thì đổ ra mà phơi!" Bực tức, tôi xách ăng gô về. Tìm đâu cũng không ra chỗ để nấu cơm, sau một hồi loay hoay đành thôi. Lúc sau, thấy anh chàng giao liên nọ sục vào rừng. À, chắc anh ta tìm xem tôi có "tụt tạt" không? Con người gì mà khắt khe vậy? Thật đáng ghét. Mấy anh đi lĩnh gạo về, thấy không có cơm, đều tỏ rõ sự thất vọng. Nhất là anh chàng San háu đói, mặt xị đi trông thật buồn cười.

Tôi gặp mấy cháu nhỏ từ Quảng Nam ra. Bọn con trai khoẻ và nghịch như qủy. Bọn con gái gầy yếu và rủ rỉ kể chuyện rất hay. Cái Bốn, Đức sốt quá, tôi lấy thuốc lên trạm nhờ tiêm cho chúng.

Chúng tôi nghỉ tại trạm một ngày.

Phạm Việt Long