CHƯƠNG HAI: Ở CĂN CỨ
TỪ NGÀY 25/8/1968
Chân đau khiến tôi phải nằm suốt. Thật là phiền phức. Cô Nga - y tá - rất tận tình chữa vết thương cho tôi. Ngày nào cũng vậy, cứ buổi chiều là cô mang nước nóng đến rửa vết chông và cái nhọt rồi bôi thuốc đỏ vào. Qua mấy ngày, miệng vết chông khép kín lại và bọng mủ ở trong, nhức nhối. Cái nhọt cũng căng mủ. Nga nặn ra toàn máu đen và mủ. Sau đó, cô lấy panh cặp bông và thọc nó vào tận trong lòng vết thương để kéo máu mủ ra. Miệng vết chông đã liền thịt nên phải lấy panh chọc ra rồi luồn bông có tẩm thuốc vào. Ngày nào tôi cũng phải chịu cái đau và ghê rợn kinh khủng khi rửa vết thương. Chiếc panh ngoáy vào lòng vết thương như bào từng thớ thịt tôi ra. Tôi cắn răng chịu đựng để khỏi phải la lên, để cô y tá yên tâm làm việc. Rồi tôi được tiêm hai lọ Pê-nê-xi-lin. Công hiệu lắm, vết thương dịu dần.
Cơ quan đang gặp khó khăn về lương thực. Anh em chạy nháo nhào đến các làng đổi bắp về. Ngày đầu chúng tôi được ăn ba bữa cơm. Sau đó xuống còn hai bữa: sáng 9 giờ ăn bắp, chiều 4 giờ ăn cơm.
Từ ngày 29-8, tôi bắt tay vào việc: soạn những bản tin khai thác từ những bức điện báo cáo và những tài liệu, bài vở từ các địa phương gửi về. Tôi ngỡ ngàng với phương thức làm việc này.
NGÀY 2/9/1968
Chúng tôi đón ngày tết Độc lập tại cơ quan. Anh em đi đánh cá về làm một bữa liên hoan rôm rả. Chiều, sau khi nghe bài diễn văn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chúng tôi ngồi bàn luận về cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, củng cố thêm quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.
NGÀY 18/9/1968
Tôi đi A7 cõng gạo. Ở đây, cõng gạo về ăn là nghĩa vụ của mỗi người. Mỗi tháng cần đi cõng gạo ít nhất một lần.
Lại qua bến đò Giằng. Trời bỗng ập mưa rào. Rồi phút chốc nước lũ kéo về ầm ầm. Dòng sông bỗng trải rộng ra, nước đỏ ngầu, chảy điên cuồng, tung lên những con sóng bạc. Đò không thể qua sông được. Chúng tôi lùi về một dải cát, căng tăng mắc võng nghỉ. Nhưng tai ác thay, vừa ăn cơm xong thì nước tự nhiên tràn đến, dâng cao dần. Lúc đầu, nước chỉ sâm sấp bàn chân. Phút chốc, nước đã lên tới đầu gối, lạnh ngắt. Chúng tôi cuống cuồng thu đồ đạc, kéo lên một dông cao. Rồi mò mẫm phát cây, kiến thiết chỗ ở. Ướt nhớp nháp. Rét run cầm cập. Vắt được dịp bò đến hút máu chúng tôi.
SÁNG 19/9
Chúng tôi qua đò. Tôi gặp lại Xuân Quý, người cùng tập trung ở Hòa Bình với chúng tôi, đã rời miền Bắc trước chúng tôi ít ngày và hiện ở tiểu ban Văn nghệ, cùng công tác viết văn với chồng là Bùi Minh Quốc - tức Dương Hương Ly. Xuân Quý đi cõng gạo về và đêm qua phải ngồi suốt bên bến đò, dưới trời mưa tầm tã.
Đi qua rừng loòng boong. Cây loòng boong từa tựa như cây hồng bì, có những chùm quả vàng, tròn căng. Quả loòng boong có 4 múi như quả hồng bì, song ngọt lịm và thơm lạ. ở một múi, có một vết hằn, giống như vết bấm của móng tay. Loòng boong là đặc sản của miền Tây Quảng Đà này. Chúng tôi hái loòng boong ăn thoả thuê. Rừng núi cũng tình nghĩa lắm chứ.
NGÀY 20/9
Tôi cõng 90 lon muối ra về. Chán quá, để quên chiếc mũ trong gùi, lún sâu dưới muối, nên không lấy ra được. Nắng xiên vào gáy nhức nhối.
NGÀY 21/9
Tôi mang muối vào làng đồng bào Thượng để đổi bắp cho cơ quan - cứ một lon muối ăn ba lon bắp. Làng này khá sạch sẽ. Trẻ em được học chữ dân tộc mình và hay hát những bài hát cách mạng.
Tôi thấy người ngây ngấy sốt. Có lẽ cảm nắng.
NGÀY 23/9
Tôi cõng hơn 100 lon bắp về. Bến lội của chúng tôi trở nên sâu và nước chảy xiết vì mưa lũ. Tôi phải vác gùi bắp lên vai, chống gậy lội qua sông. Nước sâu tới ngực, chỉ chực quật ngã tôi. Hãy cẩn thận. Nhiều người đã chết vì cách vượt sông nguyên thuỷ này.
NGÀY 24/9
Tôi đã bị vi trùng sốt rét tấn công. Đây là trận sốt rét đầu tiên mà tôi phải chịu. Đầu đau như búa bổ. Các khớp xương nhức nhối. Bụng anh ách, lúc nào cũng thấy no một cách khó chịu. Uống ký ninh vào, tai bùng lên, bùng lên bùng bục. Mắt cảm thấy bị chói nắng, không nhìn rõ gì cả. Miệng đắng ngắt, không muốn ăn uống. Cố gắng ăn tý cháo, song nuốt không nổi, cổ họng ghê lợm cứ bắt nôn mửa. Đêm, mắt chong đèn không sao ngủ được. Đầu cứ buốt thon thót.
Tới chín, mười ngày sau tôi mới khỏi sốt. Dậy đi lại thấy chân nặng trịch, người lảo đảo muốn ngã. Phạm Hồng động viên tôi: Ai ở Trường Sơn mà chẳng bị sốt rét nghĩa vụ, rồi sẽ quen đi và sẽ thấy bình thường!
Bây giờ là mùa mưa rồi. Những trận mưa rào xối xả và kéo dài khiến các con suối trở nên dữ tợn, khiến những dòng sông tràn đầy nước, chảy ào ào, cuốn những cây gỗ trôi băng băng.
Chính trong mùa mưa dữ dội này, chúng tôi được lệnh chuyển xuống A7. Anh Hồng bảo tôi rằng ở căn cứ, di chuyển cơ quan là chuyện thường. Ở đâu lâu nhất là 3 tháng, có nơi chỉ một tháng, vì ở lâu dễ bị địch phát hiện, cho máy bay B.52 dội bom hoặc đổ quân tấn công. Chuyến đi đầy vất vả và đã gây tổn thất cho chúng tôi: Điều đã bị chết, chết một cách vô lý. Mấy hôm trước đó Điều sốt rét. Anh sang ở với tôi cho gần y tá để tiện tiêm thuốc. Sau đó anh khỏi nhưng sức vẫn yếu và phải hành quân. Tới dòng suối lớn chảy xuôi về A7, Điều tụt lại đi sau. Và điều không ngờ đã xảy đến: anh ngã ngửa, ngồi dựa vào ba lô, ngâm mình trong nước suối mà chết. Sớm hôm sau San, Thành... mang cuốc xẻng ra chôn Điều. Tôi cũng muốn ra tiễn đưa Điều, song công việc bận quá, không bỏ đi được. Tôi bùi ngùi nhớ tới Điều, nhớ tới những câu chuyện tiếu lâm của Anh; Nhớ tới tài uốn lưỡi câu, cắt tóc của Anh; Nhớ tới những điều tâm sự của anh về gia đình; Nhớ tới lời hẹn của anh: ngày thống nhất về Nghệ An quê hương Anh, Anh sẽ cho ăn cá thoả thích. Anh đi ngày 30-4 và chết ngày 28-10-1968. Cũng trong chuyến đi này, một đồng chí ở Ban An ninh không may xảy chân ngã xuống cầu, lập tức dòng nước sông Thanh hung dữ cuốn anh đi, nhận chìm anh dưới thác nước khủng khiếp.
Công việc vẫn tiếp diễn. Chúng tôi chặt cây dựng nhà, đào hầm hố và làm chuyên môn. Những trận sốt rét từ nay đã điểm nhịp vào cuộc sống của tôi, ít ra mỗi tháng một lần.
Từ trung tuần tháng 11-1968, cơ quan hai lần lâm vào cảnh bế tắc về lương thực. Gạo gần hết rồi mà không sao moi được ở đồng bằng lên. Hồi này, địch buộc phải ngừng đánh phá miền Bắc nên chúng đánh phá miền Nam điên cuồng hơn. Phi pháo, B57, B52 thi nhau hoành hành. Ở Sơn Phúc, Lộc Thành, chúng càn quét liên tục, bịt mất đường lấy gạo của chúng tôi. Mức ăn phải giảm xuống, từ 2 lon xuống 1 lon rưỡi, rồi 1 lon một ngày. Anh em thi nhau xuống núi kiếm rau rừng, củ nưa về ăn cho đỡ đói lòng. Vùng này quá lạnh. Sương mù bao phủ suốt ngày. Cái rét và đói hành hạ chúng tôi. Đêm, chúng tôi phải đốt lửa cho ấm. Nhìn lửa than, chỉ ước có củ sắn mà nướng.
NGÀY 21/11/1968.
Tôi và Hồng xuống Quảng Đà lấy một số đồ đạc gửi đoàn Trọng Quyền mang vào. Tại đây, tôi được sống trong bầu không khí ấm cúng, vui nhộn của một tổ phóng viên, giống như khi sống ở Sơn La vậy. Hoàng Mẫn vẫn béo tròn và say mê in, phóng ảnh bằng ánh sáng mặt trời. Đinh Trọng Quyền vẫn sôi nổi và cởi mở. Trần Mai Hạnh, Thế Trung vẫn vui nhộn, hoạt bát và vẫn có những câu chuyện sinh động về các cô gái. Chỉ có Trần Biên - điện báo viên - là dao động, sợ chết, nay đã ra Bắc rồi. Trọng Định đã hy sinh hồi cuối tháng 8 vì bị pháo trên đường công tác.
Nghỉ một ngày, sáng hôm sau tôi và Hồng rủ nhau xuống Sơn Phúc mua một ít hàng. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm xuống Quảng Đà. Song muốn thấy đồng bằng một chút nên liều đi. Đường xuống dần, trườn qua những đồi lúp xúp, cây cối thưa thớt. Qua một quãng rừng, tôi thấy có mấy hố bom lớn do B57 thả. Cây cối tơi tả. Bên đường có những mảnh quần áo rách và ở một vài đám đất có nhặng bu đến - từ đó mùi hôi thối xông ra nồng nặc. Chắc có anh nào xấu số bị bom xé vụn ra. Chúng tôi tiến gần vùng ranh. Có những người mang hàng đi ngược chiều với chúng tôi. Họ cho biết tình hình rất căng. Bọn biệt kích ở núi Chóp Nón luôn kiểm soát con đường vượt ranh. Hễ phát hiện người là chúng bắn cối đến hoặc gọi pháo nã tới. Do vậy phải vượt ranh vào sáng tinh mơ hoặc sẩm tối. Chúng tôi định tranh thủ vượt ranh buổi trưa, tối đó mua hàng và sáng sau về sớm. Ai cũng ngăn chúng tôi: chớ nên liều lĩnh. Tôi và Hồng bàn cãi mãi: đi hay không đi. Một mặt mong được thấy đồng bằng, một mặt sợ xảy ra chuyện gì sẽ bị kỷ luật. Vừa bàn cãi vừa đi xuống. Sắp tới con đường dưới chân núi Chóp rồi. Đường vắng ngắt, không một bóng người, chỉ có những hố bom, những thân cây đổ ngổn ngang. Tôi bỗng nghe hai tràng súng máy nổ ròn. Ai bắn đấy? Hồng bảo hình như du kích bắn máy bay. Một lúc sau, tôi thấy một cậu bộ đội trạc 18-19 tuổi tay xách dép hớt hải chạy tới. Cậu ta cho biết mình vượt ranh, bị bọn biệt kích phát hiện. Chúng không nã cối mà bắn đạn thẳng tới. May mà không trúng. Tôi và Hồng dừng lại bàn bạc: thôi, quay lên thôi kẻo chết uổng mạng, lại bị kỷ luật. Nếu là đi công tác thì dù ác liệt đến mấy cũng phải vượt qua, đằng này lại tự ý đi...
Chúng tôi quay lại, xa dần gò Đu. Tại đó có hai xác bộ đội nghĩa vụ bị biệt kích bắn chết cách đây đã lâu. Không ai chôn cả, giờ đây hai xác chỉ còn là hai bộ xương, lồng trong hai bộ quân phục mục nát.
Cuối tháng 12, địch điên cuồng mở cuộc càn lên nơi Khu đóng quân. Một thằng phản bội đã tiết lộ mọi điều bí mật. Thế là ngày đêm địch cho máy bay B52, B57 trút bom xuống các khu rừng khả nghi, nhưng chẳng trúng ai cả. Pháo cũng bắn ì oành suốt đêm. Tình hình căng, chúng tôi phải ngủ hầm. Có hôm nằm trên nhà, chúng tôi bỗng nghe tiếng rít xoáy vào không khí. Bom B57! Mọi người nhào xuống hầm. Tôi đang nằm trên võng, người quấn tròn trong màn, bọc võng, vậy mà cũng bật tới hầm từ lúc nào, không vướng víu gì cả. Bản năng sinh tồn của con người có một sức mạnh kỳ diệu thật.
Địch đổ quân ở A7 - giữa nơi cơ quan tỉnh Quảng Đà đóng. Chúng dò dẫm mò theo đường, đã lên tới cây gỗ vuông, rồi tới suối Nước Lớn, nghĩa là chúng chỉ còn cách chúng tôi vài tiếng đồng hồ. Song chúng bị ta chặn đánh ở đó, diệt một số, nên chưa tiến thêm được bước nào.
Tiểu ban Văn nghệ mở cuộc họp tại Ban. Bùi Minh Quốc và Xuân Quý đến nhà tôi. Chúng tôi chuyện trò về văn học, nhạc hát rất sôi nổi. Xuân Quý sắp đi công tác Quảng Đà, đang bận rộn chuẩn bị mọi thứ cần thiết. Chúng tôi chuyện trò trong cái giá lạnh và trong cái đói quặn thắt lòng. Quốc sang Quân khu, lúc về được Thu Bồn cho ít gạo. Buổi tối, chúng tôi nấu cháo “liên hoan”: 1 lon gạo, 4 người. Cháo loãng có mì chính và muối, cộng thêm ít dầu xà lách, mà thấy ngọt ngào, bùi béo tợn. Chúng tôi xì xụp húp. Quốc nói rằng chưa bao giờ được ăn cháo ngon như vậy.
Gạo gần cạn kho rồi. Cái đói vẫn tấn công điên cuồng vào chúng tôi. Song, mọi người vẫn vững vàng, không một lời ca thán. Chính trong lúc này, tôi bận rộn nhất: tuyên truyền cho thắng lợi của miền Bắc ruột thịt đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tuyên truyền cho ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng 20 -12. Tài liệu rất nhiều. Chúng tôi say mê làm tin cả ngày lẫn đêm. Và cuộc sống của cơ quan vẫn vui tươi, lạc quan. Nơi ở được tổng vệ sinh thêm quang đãng. Nhà ăn được sửa sang lại với những dãy bàn, ghế ngay ngắn. Thanh niên chúng tôi sáng vẫn tập thể dục đều đặn, vẫn viết báo tường, chỉ tiếc là không được ca hát vì gần địch quá, sợ chúng nghe thấy. Thay vào đó là những câu chuyện vui. Chẳng hạn, anh Trần Phát, còn gọi là Sáu Phát vì anh là con thứ sáu, đi lạc, bí quá bèn bắn súng làm hiệu, mọi người tưởng địch đột kích... Thế là có mấy câu nhắc nhẹ anh:
Anh Trần Phát
Một hôm anh đi lạc
Anh rút súng bắn sáu phát
Khiến mọi người ngơ ngác
Đổ ra rừng nhao nhác
Ồ, hóa ra anh Sáu Phát
Một hôm anh đi lạc...
Thứ "thơ xà quần" - đọc vòng tròn, không bao giờ hết - kiểu này, ai cũng thích.
Hôm qua họp cơ quan, anh quản lý tuyên bố bắt đầu ăn một lon gạo một ngày và Ban quyết định đưa một đoàn vào A5 - cơ sở sản xuất ở hậu cứ - lấy gạo về cứu đói. Sáng ngày 18-12, đoàn chúng tôi ra đi. Mưa rả rích. Đường trơn tuồn tuột. Song phải đi thật khẩn trương, đi như chạy vậy. Tới nơi, chúng tôi khẩn trương giã gạo và vẫn ăn một lon gạo một ngày, song có sắn ghế nên vẫn no. Sắn ở đây bị chất độc hoá học nên lụi hết, củ sượng như củ chuối và phải đào vất vả lắm. Ở đây, bọn Mỹ rải chất độc dữ quá. Từng cánh rừng bị trụi lá, phủ đầy một màu xám hoặc màu nâu vàng úa. Đứng trên núi cao nhìn xuống, thấy rừng cây xơ xác mà đau lòng quá. Có những rừng quế rất quí cũng bị tàn lụi cả, thật tiếc đứt ruột.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH.
Quảng Đà, ngày 26/11/1968.
Bố mẹ và các em yêu quý!
Không hiểu những thư trước con gửi về, gia đình có nhận được không mà vừa rồi cơ quan con điện vào hỏi chúng con đã đến nơi chưa? Con gửi lá thư đầu ở trong này vào cuối tháng 8. Lẽ ra ngoài đó phải nhận được rồi mới phải chứ! Con rất sốt ruột và rất mong thư gia đình nên hễ có ai ra là con tranh thủ viết thư ngay.
Hiện con vẫn khoẻ và công tác bình thường. Dạo này con đã quen với sốt rét nên không bị trận nào nặng, chỉ thỉnh thoảng sốt 2,3 ngày rồi lại khỏi ngay thôi, khỏi thì lại khoẻ, lại làm việc ngay được. Đặc biệt con ăn khoẻ lắm, có bao nhiêu cũng hết, nên luôn thấy đói.
Còn tình hình gia đình thế nào? Có gì bố nhờ bác Đào Tùng, anh Đỗ Phượng điện vào báo tin cho con mừng. Nhưng điện vào chỗ anh Quyền, tổ phóng viên Quảng Đà, chứ không phải điện thẳng tới chỗ con đâu, từ đó các anh ấy sẽ nhắn lên cho con. Bố mẹ cũng nhớ đến số 47 Bát Đàn - Hà Nội tìm anh Trần Tô (mới ở Miền Trung Trung Bộ, chỗ anh Đống, ra) để gửi thư vào cho con. Hồi ra đi, con có gửi về nhà thẻ phóng viên của con, vào đây con thấy cần dùng, vậy bố mang đến anh Tô, nhờ anh ấy mang vào cho con nhé. Cái thẻ này chỉ gửi người trực tiếp mang vào thôi, không gửi theo bưu điện được.
Do cần khai lý lịch, con cần rõ quá trình hoạt động cách mạng của bố từ trước đến nay. Bố tìm cách gửi người mang vào cho con với.
Các em dạo này có khoẻ không, học tập giỏi không? Anh rất nhớ các em. Các em phải viết thư ngay cho anh nhé.
Thôi, con vội viết vài dòng. Chúc bố mẹ, các em khoẻ mạnh. Cho con gửi lời thăm cô chú trong cơ quan.
Con của gia đình
Việt Long
Hòm thư 3.105 Vinh Quang
TB:
Nếu gửi theo bưu điện thì mang đến cơ quan con hoặc Ban Thống nhất Trung ương nhờ chuyển.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Bắc ngày 8/12/1968
Long thân mến của mẹ.
Từ ngày con đi đến nay bố mẹ và các em mong tin con đỏ cả mắt, lần nào mẹ về Hà Nội cũng đến chỗ chị Sáu hỏi tin con mãi đến cách đây độ 2 tháng chị Sáu mới cho biết tin là con đã vào đến nơi an toàn rồi mẹ đỡ sốt ruột một ít.
Mẹ nói chuyện cái xe đạp cho con nghe, sau khi con đi thì cô Chung ngày nào cũng đến hỏi xe đạp mà vẫn không thấy về, sau cách đến 3 tháng anh Phối mới đem về cho và xe như thế là hỏng hết, lốp săm dính vào nhau vì bùn, xích bị rỉ không đi được, gác đờ xen không có, bê đan không có, còn gác đờ bu thì lại để ở một chỗ khác, mẹ phải đến lấy sau, nói chung là cái xe chỉ còn được mỗi cái khung thôi. Về mẹ phải sửa mất gần 2 chục mới đi tạm được và lốp bây giờ thì cứ đứt hết tanh, nhưng thôi con ạ, mẹ tính anh Phối đem hộ về như thế là cố gắng lắm rồi, mẹ chỉ tiếc là cái xe mới có hơn một năm mà nó hỏng quá sức tưởng tượng. Hôm ấy mẹ có gặp anh Phối và anh Phối nói là anh đổi vào Thanh Hoá mà xe của anh Phối cũng chưa đem về được mà anh Phối phải đem xe về cho gia đình mình để con được yên trí và anh Phối cũng khoe mẹ về vấn đề vào Đảng của con. Anh Phối có cho mẹ xem cái giấy của chi bộ trên ấy nhận xét về con và có báo cho tổ chức để gửi vào cho con chả biết có nhận được không, anh Phối có nói là kết hợp với thời gian thử thách con đi ngoài này vào trong ấy tốt thì sẽ có triển vọng kết nạp. Khi con đi thì cô Chung có gửi lên cho mẹ 30đ và cái bút máy nắp vàng của con rồi, và tất cả đồ dùng con gửi về mẹ nhận đủ rồi. Bố mẹ và cả gia đình rất thương con về bước trưởng thành của con quá vất vả nhưng mẹ nghĩ đấy cũng là sự yêu cầu của con và cũng hợp với thanh niên thời đại này. Bố con về nhà lúc nào cũng nhớ đến con và cứ nhắc đến con luôn, mẹ thì hàng ngày nhìn lên ảnh con mà không sao cầm được nước mắt, mẹ nhớ bồn chồn cả người vì trước con còn ở Sơn La, tuy xa nhưng còn có hy vọng con được về chơi hay nghỉ phép, nhưng bây giờ thì không biết là thời gian nào mới gặp lại con được. Hôm bố mẹ mới đi Hà Nội về thì nhận được thư của con vào đầu tháng 12, cả nhà mừng quá, khi đọc thư con các em con và bố xúm quanh lại nghe thư. Mẹ đọc, mẹ không sao đọc được vì quá xúc động và thương con quá nhất là em Thuỷ và Lan nó cứ ngó mặt mẹ, nhưng dù sao bố mẹ và các em con cũng mừng là con đã vượt được chặng đường nguy hiểm và đã vào đến nơi an toàn thế là cả nhà mừng rồi, còn việc ở trong ấy ra thế nào thì đấy là số phận may rủi thôi con ạ. Ở nhà thì mẹ lo cho con lắm lắm, còn các em con ở nhà học vẫn tốt, em Ngọc được khen là học sinh toàn diện, vừa được bình cho mua cái xe đạp Liên Xô con, mẹ mua cho em và hiện nay tạm để cho Việt đi còn xe của con thì để cho Phúc dùng, để em học thêm văn hoá sang năm thì em Ngọc cũng phải đi học xa rồi, còn anh Đức con thì vừa rồi gửi cho bố cái đài lại không đủ giấy tờ, thành ra họ lại phải giữ lại và trả lại anh thế có chán không?
Trên nhà cụ bà, cậu Hiến vẫn bình thường, cậu Hiến mới về công tác qua Hà Nội mẹ cũng gặp. Hồi này ngoài này tạm yên ổn do đó trường mình có mấy trăm học sinh học ngắn hạn được về trường Mễ Trì học, còn trường thì vẫn ở khu sơ tán, bố mẹ cũng vẫn ở sơ tán. Về phần con ở trong ấy hết sức giữ gìn sức khoẻ và nhất nhất con làm gì hoặc đi đâu là phải hết sức thận trọng. Cẩn thận đấy con ạ, mẹ lo cho con lắm đấy.
Con cố gắng năng viết thư cho nhà đỡ sốt ruột, như thế là thư con gửi hơn 3 tháng là nhanh đấy con ạ, chỉ cần con viết ít chữ thôi cũng đủ rồi, còn việc con đi thì mẹ có hỏi chị Sáu về vấn đề quyền lợi của gia đình nhưng chị Sáu bảo chả có gì cả vì con chưa có gia đình riêng, và chỉ có mỗi cái thẻ để đi khám bệnh thôi.
Thôi mẹ muốn viết rất nhiều nhưng sợ thư nặng quá còn để bố và các em viết nữa. Cuối thư mẹ chúc con khoẻ mạnh, tiến bộ để ngày thống nhất gia đình được đoàn tụ vui vẻ.
Mẹ của con.
T107.BC13/9 - 8/12/1968
Con yêu dấu của bố mẹ!
Bố đã nhận được lá thư đầu tiên con gửi từ địa điểm công tác mới. Mẹ đọc thư, bố và các em chăm chú ngồi nghe, mừng mừng, thương thương, mừng vì con đã vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, thương con nhiều lắm. Chuyện nhà mẹ đã nói rồi. Nói chung bình yên, khoẻ mạnh. Các em đều học tốt cả. Ngoài này từ khi giặc Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc, mọi người ra sức làm việc, đẩy mạnh công tác các mặt, đồng thời không ngừng nâng cao cảnh giác. Tình cảm đối với miền Nam càng thắm thiết con ạ! Có con hoạt động bên trong, cả gia đình thấy thắm thiết tình cảm Bắc Nam ruột thịt, có thể nói không ngày nào gia đình không nghĩ tới miền Nam, tới đứa con yêu dấu đang sống và chiến đấu trong sự chăm sóc nuôi dưỡng của đồng bào miền Nam. Mong con ra sức phấn đấu, đạt nhiều kết quả trong công tác, xứng đáng là thanh niên của thế hệ Hồ Chí Minh. Con hết sức chú ý tu dưỡng vươn lên Đảng.
Hoàn cảnh chiến đấu trong đó là điều kiện khách quan thuận lợi để con phấn đấu tốt. Đồng thời con hết sức chú ý giữ gìn sức khoẻ. Mỗi lần nhớ con, bố lại đem ảnh con ra xem, nhớ lại hồi con còn bé. Con là đứa con yêu quý nhất của bố trong các đứa con yêu dấu của gia đình. Bố yêu con, thương con, nhớ con nhiều lắm. Bố mong thư con, mong con khoẻ mạnh, mong được tin con phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng. Bố, mẹ ở nhà ra sức công tác với tinh thần "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Tin thắng trận dồn dập làm nức lòng mọi người. Mong con góp phần xứng đáng cho thắng lợi đó.
Mong đến ngày thống nhất gặp con, đứa con yêu quý đã được tôi luyện trong khói lửa.
Bố của con.
NGÀY 25/12/1968
Đúng Noel, bọn tôi nghỉ ngơi để hôm sau kéo quân về. Chiều đó, anh em kiếm được một con gà, ít nếp làm bữa liên hoan nhỏ. Tôi nhớ lại cách đây đúng một năm, tôi đến thăm Phúc, đứa em trai kề tôi. Những ngày ấy thật ấm cúng. Hai anh em chụp ảnh, phóng ảnh và đi bắn chim rất say mê. Tôi cũng nhớ đến cô Chung - em ruột mẹ tôi. Gian phòng của Cô nhỏ bé, lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng và rất ấm cúng. Trước lúc ra đi, tôi thường đến nhà Cô và được Cô hết sức chiều chuộng. Những bữa ăn, Cô dọn cho tôi những món tôi ưa thích nhất: bánh mì nóng hổi, ròn tan, bơ, pa tê, rau xà lách trộn dấm... Cô đùm bọc tôi với tình thương yêu của người mẹ. Hôm tiễn tôi đi lên trại 105 tập trung, Cô khóc, làm tôi vô cùng xúc động. Tôi nhớ người mẹ hiền hậu, người cha nghiêm nghị, lũ em ngoan ngoãn của tôi. Trong lá thư viết cho tôi, cha tôi đã viết lên những lời đầy tình cảm, chan chứa yêu thương. Ông yêu quý tôi nhất nhà, song không hay biểu lộ tình cảm đó và đối với tôi rất nghiêm khắc. Giờ đây khi xa tôi, khi tôi đã mạnh bạo bước vào đời, Ông mới nói rõ tình cảm đó. Ông ước mong gặp tôi một lần nữa trước khi tôi đi B, song lúc đó gia đình tôi sơ tán tận Hà Bắc, tôi tập trung tại Hòa Bình, không thể về thăm, nên Ông không được gặp tôi. Ông kể lại: Khi tôi ra đi, đêm đến gia đình không ai ngủ được. Mẹ tôi nói: “Thôi từ nay đứa con duy nhất biết chăm lo việc gia đình đã đi xa”. Ngọc, đứa en gái thứ 5 nói: ”Từ nhỏ anh Long đã dũng cảm rồi...”. Diệp, đứa em gái thứ sáu nói: ”Anh Long học giỏi và rất giỏi văn, Diệp cũng muốn học theo anh”. Bé Lan, đứa em gái thứ 7 nói: ”Lan rất thích hát cho anh nghe và thích anh dạy hát cho”. Còn bé út Thuỷ thì bảo: “Anh Long đúng là anh của Thuỷ, anh chụp cho Thuỷ nhiều ảnh rất đẹp”. Tôi hình dung rõ mồn một từng đứa em của tôi, đứa nào cũng rất đáng yêu. Phúc có tài câu cá, bắt ếch... và chỉ thích rèn rũa những con dao, cái nhẫn... Cậu ta đã trở thành công nhân nguội. Phúc lầm lỳ ít nói song đối với anh rất tận tình. Cậu ta biểu hiện bằng tình cảm chứ không biểu hiện bằng lời nói. Việt đang học lớp 10, học văn khá và rất thích đi làm công tác như tôi. Ngọc cũng lầm lỳ, hiền như cục đất và rất chăm việc gia đình, học giỏi và ngoan ngoãn. Ngọc làm bánh bao rất khéo, hôm tôi về nhà được ăn bữa bánh bao do chính tay Ngọc làm, rất ngon. Diệp mảnh khảnh, nhí nhảnh, hay múa hát. Diệp bộc lộ những cá tính rất độc đáo và tỏ ra có năng khiếu về văn. Tôi thường mong muốn được kèm cặp Diệp, hướng nó đi vào sâu con đường văn học. Lan béo tròn, mắt đen láy, tính tình lỳ sì, nhưng rất hay hát và hát rất hay, rất đúng nhạc. Lan thường ngồi hát cho tôi nghe suốt buổi theo “Yêu cầu của thính giả”. Lan có đức tính rất đáng yêu là biết chăm sóc bé Thuỷ một cách tận tình. Lan thường dẫn Thuỷ đi học và có khi Thuỷ dỗi không đi thì Lan dỗ dành rất ngon ngọt và kiên trì. Còn cô út Thuỷ thì rất nũng nịu, hay hờn dỗi và đã biểu hiện tính cẩn thận. Tôi nhớ có lần tôi mở cửa tủ và quên không đóng lại, Thuỷ im lặng đến và nhẹ nhàng đóng lại rất cẩn thận. Lũ em mỗi khi thấy tôi về là chạy ùa ra đón, níu lấy tôi và Thuỷ bao giờ cũng dang tay ra đòi anh bế. Có những ngày chủ nhật, anh em quây quần bên nhau đàn hát rất vui vẻ. Tôi nhớ cha mẹ tôi rất hoà thuận và chăm sóc tôi rất chu đáo. Hồi công tác ở Hải Dương, chủ nhật tôi thường hay về nhà. Lần nào mẹ tôi cũng mua gà, vịt, gạo nếp... để bồi dưỡng cho tôi. Có thời gian tôi bận quá không về nhà được, bố mẹ tôi trông mong hoài. Con ngan mẹ tôi mua để chủ nhật liên hoan cứ được để dành suốt mấy tuần lễ. Khi tôi về, con ngan đã nặng thêm 4 -5 lạng, lúc ấy mẹ tôi mới thịt nó. Gia đình tôi sinh hoạt ấm cúng, hoà thuận và được bà con rất quý mến. Tôi nhớ bà ngoại, bà trẻ tôi đã từng tần tảo nuôi anh em chúng tôi từ nhỏ để cha tôi yên tâm đi kháng chiến. Hai bà luôn luôn sống vất vả, nghèo nàn, lận đận, song chăm sóc con cháu rất chu đáo với tình cảm đằm thắm. Tôi quặn thắt lòng nghĩ đến Cụ ngoại đã quá cố. Người lúc nào cũng vất vả. Có lần giã giò để bán nuôi chúng tôi, Cụ bị giã phải tay. Bàn tay Người dập nát, đẫm máu, song Người không hề kêu rên. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh cụ tôi người bé nhỏ, đội thúng bánh dày, giò chả ngược xuôi trên con đường Dốc Đỏ, Miếu cô, chợ Tam Cờ ở Tuyên Quang để bán lấy tiền nuôi bọn tôi. Tôi thường lon ton chạy theo Người trong những buổi chạy chợ đó. Tôi nhớ cô Tuyết tôi tính tình hiền lành, hay làm và không may bị giặc Mỹ sát hại. Gia đình bên ngoại tôi rất nghèo, song sống đùm bọc nhau và rất giàu lòng thương người. Anh em bộ đội đi ngang đường ghé nghỉ nhờ hoặc ở chiến khu với cha tôi về đều được săn sóc rất chu đáo. Điều đặc biệt trong họ hàng nhà tôi bên ngoại là rất nghèo nhưng rất gắn bó với bố mẹ tôi, với chúng tôi. Còn bên nội (trừ bà và ông nội tôi quá cố từ lâu) thì giàu có hơn song hơi xa chúng tôi. Gia đình bên ngoại tôi đều sống ở vùng tự do, tham gia kháng chiến, còn họ hàng bên nội phần lớn sống ở vùng địch kiểm soát, buôn bán để sinh sống.
SÁNG 26/12/1968
Chúng tôi ra về, trên lưng mỗi người nặng một bao gạo. Tối hôm sau bọn tôi ghé vào một đơn vị bộ đội nghỉ nhờ. Ở đây cũng thiếu gạo, anh em ăn toàn sắn. Có một anh bộ đội trẻ bị phù phổi, thở phì phò và sẩm tối đó thì tắt thở. Chúng tôi nằm gần nơi để xác anh, thấy lạnh ngắt. Người đồng chí ơi, anh quê ở đâu? Hẳn cũng có một gia đình ấm cúng ở hậu phương đang ngóng chờ anh! Đau lòng quá! Song làm sao khác được, cuộc kháng chiến này ác liệt quá, gian khổ quá, đòi hỏi chúng ta phải hy sinh mọi quyền lợi cá nhân, kể cả sự sống của bản thân mình.
Chuyến đi đầy vất vả. Lúc này địch đổ biệt kích lung tung và cho máy bay bám riết hành lang của ta. Do vậy phải đi rất khẩn trương. Chạy, chạy và chạy: Chạy qua bãi trống. Chạy vượt đường xe. Chạy vượt những khu rừng tan hoang vì bom B52, trơ trụi vì hóa chất độc. Lội qua sông cũng phải chạy. Khi chạy qua một khu rừng trống trải vì bọn Mỹ mới rải hóa chất độc, cây cối không còn một nhành lá, tôi vấp ngã tới hai lần. Bao gạo nặng trịch đè dúi lưng, dúi cổ xuống, song phải bật dậy ngay. Một chiếc Mô ranh hai thân rà sát ngọn cây. Nó bay thấp quá, thấy ở buồng lái nhô ra hai đầu giặc lái. Tôi phải núp vào một bụi lách nhỏ. Sao thấy trống quá, thân mình, bao gạo như phơi ra trước mắt bọn chúng vậy. Nó quần đảo mãi với cái đầu mum múp, với cái đuôi gọng bừa, với thân hình đen trũi xấu xí, trông thật đáng ghét. Nó mù, chẳng thấy gì hết.
Anh em đi đường cho biết bọn biệt kích mới nổ mìn clâymo (mìn định hướng, chúng tôi gọi tắt là mìn mo) ở đội 6 - nơi chúng tôi sẽ đi qua. Nhưng không thể dừng lại được. Thời giờ là vàng ngọc. Chúng tôi lặng lẽ tìm vào nơi đó. Ở một gốc cây kề bên đường, đất bị toác ra vì mìn nổ. Bên triền núi đầy vỏ đồ hộp do bọn biệt kích vứt lại. Rồi cũng qua nơi đó một cách an toàn.
Con đường chúng tôi đi, nay trở về đã khác hẳn. Bom B57 rải dọc theo đường, lấp cả lối đi. Chúng tôi ngửi thấy mùi thối nồng nặc xông ra từ trong bìa rừng. Chắc có anh nào bị thương bò vào đó và chết tại đó.
Cơ quan lại dời về A9. Chúng tôi mang gạo về đó.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 25/12/1968
Con thân yêu của bố mẹ!
Con ơi con! Hàng ngày bố mẹ hướng về miền Nam trông chờ tin tức, chờ tin con, chờ tin thắng trận. Thư con gửi tháng 8/1968 đã đến tay bố mẹ, đến tay cô Chung và các bà. Đọc thư con, lòng của mẹ hồi hộp. Các em con đều im lặng ngồi nghe. Mẹ dơm dớm nước mắt, phần thì thương con gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, phần thấy mình lại được vinh dự có con tham gia tiền tuyến, bõ công nuôi dưỡng con từ nhỏ tới lớn. Bây giờ bố kể chuyện gia đình con nghe.
Gia đình ta vẫn bình yên, bố mẹ đều cố gắng làm việc, như hồi con còn ở ngoài này về thăm gia đình. Các em con ngày một lớn, ngày một ngoan thêm. Việt đang phấn đấu để cuối năm đỗ lớp 10 và vào đại học. Ngọc cũng đang phấn đấu học hết lớp 7 để vào được lớp 8 cấp III. Việt phấn đấu tương đối tốt, đặc biệt từ khi cậu ta được vào Đoàn. Ngọc cố gắng cả 2 mặt: học tập và đạo đức, Ngọc là học sinh xuất sắc và là cháu ngoan Bác Hồ, được đi họp ở Huyện 2 lần. Diệp vẫn nhí nhảnh như trước, học khá, rất mê đi xe đạp. Mẹ mới mua chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô cho Việt đi học. Ngọc, Diệp, Lan tập đi cả ngày. Còn chiếc xe đạp Thống nhất của con, mẹ đã nhận được rồi và em Phúc đang dùng.
Bố kể tiếp chuyện các em con:
Lan học giỏi, tương đối toàn diện, thường được xếp thứ 3, thứ 4 trong lớp. Thuỷ đang học lớp 1, em học cũng khá và có triển vọng.
Mẹ con vẫn làm việc như cũ, và vẫn bận cả ngày, giặt giũ cho các em bé, nấu cơm, nuôi gà v.v... Bố vẫn vậy, vẫn gắng đem hết sức mình ra để cống hiến cho cách mạng. Có điều con ạ, bố cảm thấy cũng yếu hơn trước vì tuổi đã 53 rồi, tuy vậy, bố vẫn cố gắng vượt mọi khó khăn mệt nhọc để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Con đã phấn đấu rất nhiều. Bố đọc thơ con cũng hình dung được con bố đã vượt được bao khó khăn nguy hiểm, con bố đã bước đầu thể hiện được Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bố cảm thấy như con đang mở đầu một bản anh hùng ca. Con ạ! Cố gắng lên nữa, bố mong con đem hết nghị lực, ý chí, và quyết tâm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng đã giao phó cho con. Viết thư cho con, bố nhớ con lắm, hình dung lại cả lúc con còn thơ ấu quấn quýt với bố, hình dung lại hiện nay con đã trưởng thành và đang gắng sức cống hiến thật nhiều cho cách mạng.
Con ơi! nhớ con lắm lắm, mong con hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngày càng được gần Đảng và mong ngày thống nhất được gặp con..
Bố. Phạm Đức Hoá.
Hà Nội ngày 25/12/1968
Anh Long mến thương !
Nhận được thư của anh đã gần một tuần rồi, hôm nay nhân tiện có người vào chỗ anh công tác em tranh thủ viết thư tới anh đây.
Đọc thư anh em mới hiểu hết được cuộc sống đầy gian khổ và mạo hiểm của anh, thiếu thốn tất cả từ vật chất đến tình cảm, song em tin rằng với anh, một người giàu nghị lực, mạo hiểm và tràn đầy sức sống, anh sẽ vượt qua được tất cả những khó khăn trên và tạo cho nó trở thành một cuộc sống bình thường như những thói quen thường ngày của mình vậy.
Viết thư cho anh đúng vào ngày Nô en, ngày mà cách đây mới có một năm anh đến thăm em và chụp ảnh cho em ở trường mới. Một năm trôi đi rồi thế nhưng những hình ảnh ấy nó vẫn luôn luôn gợi lại trong trí nhớ của em tưởng như bình thường mà lại chứa đựng đầy tình thương.
Anh yêu quí. Cuộc sống hiện tại của em vẫn trôi đi một cách bình thường, những ngày chủ nhật được nghỉ em thường xuống cô Chung chơi.
Hôm vừa rồi em có tranh thủ về qua nhà chơi, các em đều khoẻ và học giỏi cả, đặc biệt có cô Ngọc học giỏi nên được phiếu mua chiếc xe Liên Xô nhỏ. Bố mẹ đã mua cho các em rồi, các em cũng nhắc tới anh luôn.
Em hiện giờ vẫn công tác tại trường. Không phải đi sơ tán nữa. Em cũng đang tranh thủ bắt đầu học thêm bổ túc văn hoá. Trong năm tới em có thể sẽ được tăng lên bậc hai. Hiện tại em đang chuẩn bị để thử nghề. Anh Đức hiện nay cũng đang đi thực tập. Cũng lâu rồi em không nhận được thư của anh ấy nên cũng không rõ tình hình.
Anh mến thương! vào công tác trong trong ấy chắc anh bận nhiều lắm phải không. Lúc nào rỗi anh có hay đàn hát cho nó vui không. Cuộc sống mới đến với anh chắc sẽ có nhiều nguy hiểm hơn. Song cũng như bố mỗi lần nhắc đến anh hay kể chuyện về anh cho các bác, các chú nghe, Bố rất vui sướng và tự hào có một người con như anh, biết hy sinh lợi ích riêng của mình vì lợi ích chung của Tổ quốc. Em tin rằng anh sẽ làm được tất cả những gì mà anh muốn đấy.
Thôi em tạm dừng bút ở đây nhé! Ước gì có một ngày nào cả gia đình mình sẽ sum họp và cùng chụp chung một tấm ảnh nhỉ.
Chúc anh đạt được nhiều thành tích trong công tác và chiến đấu.
Ôm hôn anh nhiều lần
Em của anh - Phúc.