Trên nhiều diễn đàn giao thông và mạng xã hội, tình trạng phương tiện lưu thông ở làn trái với tốc độ chậm, thậm chí ngang bằng hoặc thấp hơn tốc độ tối đa cho phép ở làn bên phải, đang trở thành vấn đề gây tranh cãi.
Hàng loạt phản ánh từ các tài xế cho thấy hành vi này không chỉ gây ức chế tâm lý mà còn làm chậm toàn bộ dòng lưu thông, tạo nên điểm nghẽn khó chịu trên nhiều tuyến đường lớn.
Khi làn đường tốc độ cao trở thành "nút thắt cổ chai"
Theo quy chuẩn phân làn trên nhiều tuyến quốc lộ hỗn hợp (nơi cả ô tô và xe máy cùng lưu thông), làn trái vốn được thiết kế cho các phương tiện chạy với tốc độ cao hơn, hoặc để vượt.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy không ít trường hợp xe tải, xe con cố tình "ôm" làn trái mà vẫn di chuyển với tốc độ thấp, thậm chí chỉ đạt 60 - 70 km/h trong khi làn này cho phép chạy đến 90 km/h.

Hành vi này gây không ít khó khăn cho các tài xế phía sau. Trong trường hợp xe trước không nhường đường, xe sau chỉ còn hai lựa chọn: hoặc bám đuôi với tốc độ thấp hơn mong muốn - điều dễ gây bức bối và ảnh hưởng đến hiệu suất lưu thông, hoặc chuyển sang làn phải để vượt - nhưng lại đối mặt nguy cơ vi phạm tốc độ nếu vô tình vượt quá giới hạn cho phép ở làn đó.
Tình trạng này diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến đường lớn như Hà Nội - Bắc Giang, Hưng Yên - Thái Bình, hay một số đoạn thuộc Quốc lộ 1A. Nhiều tài xế cho biết, đây không còn là hiện tượng cá biệt mà đã trở thành "đặc sản giao thông" khiến họ nhiều phen ngao ngán.
Anh Nguyễn Trọng Hạnh, một tài xế thường xuyên di chuyển trên tuyến Hà Nội - Bắc Giang, cho biết tuyến này có hai làn dành cho ô tô, trong đó làn trái cho phép chạy tối đa 90 km/h, làn phải tối đa 70 km/h.
Tuy nhiên, không ít lần anh gặp xe tải hay xe con chạy lững thững ở làn trái, dù đã ra tín hiệu xin vượt vẫn không nhận được phản hồi. Việc chuyển sang làn phải để vượt là điều rất rủi ro vì dễ bị bắn tốc độ.

Vô tâm, thiếu ý thức hay cố tình gây khó dễ?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một số tài xế cho biết họ từng quan sát thấy người điều khiển các xe "án ngữ" làn trái thường mải mê dùng điện thoại, không chú ý quan sát gương chiếu hậu hay tình hình phía sau. Họ vô tình biến làn đường vốn để lưu thông nhanh thành nơi gây ùn tắc, làm ảnh hưởng đến hàng loạt xe phía sau.
Thậm chí, có tài xế thừa nhận họ cố tình không nhường khi bị xe sau nháy đèn thúc giục. Với tâm lý khó chịu vì cảm thấy bị hối thúc, họ chọn cách phản ứng tiêu cực, đi chậm lại như một hình thức đáp trả.
Một nguyên nhân khác xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về quy định giao thông. Nhiều người cho rằng chỉ cần chạy đúng tốc độ tối đa hoặc không thấp hơn tốc độ tối thiểu là đã "đúng luật". Thế nhưng, thực tế, việc không nhường làn khi có xe xin vượt dù điều kiện an toàn đã đảm bảo lại chính là hành vi vi phạm.
Tâm lý "ai nhanh thì ráng chịu", cộng với sự thiếu ý thức hoặc cố tình bỏ qua quy tắc, đang khiến các tuyến đường vốn đông đúc lại càng trở nên ngột ngạt, nguy cơ xung đột giao thông cũng theo đó mà tăng lên.

Một số lái xe tải thì đưa ra lý do riêng để biện minh. Tài xế Văn Hùng cho rằng đi ở làn trái giúp giữ tốc độ ổn định, hạn chế phải chuyển làn, từ đó tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, việc đi làn phải - sát với xe máy - có thể tiềm ẩn nguy cơ va chạm do xe tải lớn, điểm mù nhiều và khó kiểm soát không gian xung quanh.
Tuy nhiên, lập luận này chỉ đúng trong một vài tình huống đặc biệt và không thể trở thành lý do chính đáng cho việc chiếm làn trái rồi đi chậm. Đa phần người đi đường đều không đồng tình vì rõ ràng hành vi này gây cản trở luồng xe và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhịp độ giao thông chung.
Luật đã có nhưng chế tài chưa đủ mạnh
Theo Điều 13 trong Luật Giao thông đường bộ năm 2024, người điều khiển phương tiện khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, phải giảm tốc độ, bật tín hiệu rẽ phải và đi sát về phía bên phải phần đường để nhường đường. Dù quy định đã rõ ràng, thực tế việc tuân thủ lại vô cùng lỏng lẻo.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng quy định mức xử phạt từ 800.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu hoặc cản trở xe khác mà không đi về làn phải.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt này còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là với những tài xế cố tình phớt lờ quy định. Tình trạng "không nhường đường khi đủ điều kiện" gần như không bị xử lý trên thực tế khiến hành vi này ngày càng phổ biến và khó kiểm soát.
Trước thực trạng này, các chuyên gia giao thông cho rằng cần một chiến lược tổng thể, bao gồm cả tuyên truyền và chế tài. Việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông là điều cần thiết, nhưng không thể thiếu những biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn, đặc biệt là áp dụng phạt nguội cho các trường hợp cố tình đi chậm, chiếm làn trái và không nhường đường dù đủ điều kiện an toàn.