Chúng ta học hình mẫu ở đâu để làm nông thôn mới (NTM) thưa ông?
Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến 3 cuộc làm NTM rồi:
- Thời kỳ 2000 - 2003, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ đã đưa ra chương trình phát triển nông thôn, lấy xã là đơn vị tổ chức thực hiện. Cả nước đã chọn 200 xã làm điểm. Bấy giờ mới chỉ nặng về phát triển hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) thôi, cơ chế và nguồn lực tài chính không rõ, không có dòng ngân sách cho chương trình. Người dân đều nghĩ sẽ có nhà nước lo cả nên các xã kê khai vốn lên nhiều quá… Vì vậy chỉ sau gần 3 năm triển khai đã không thành công như mong muốn.
- Cuối năm 2007, Bộ NN-PTNT lại đề xuất Chính phủ cho thí điểm chương trình phát triển nông thôn dựa vào cấp thôn (bản, ấp), cũng đã chọn 17 thôn, bản, ấp đại diện cho 7 vùng sinh thái để thử nghiệm. Được hơn 2 năm, chúng tôi thuê một nhóm các chuyên gia đánh giá độc lập… Kết quả là cũng không thành công.
Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lúc đó có hỏi tôi: Tại sao không thành công? Chúng tôi lý giải, có nhiều nguyên nhân nhưng điểm mấu chốt nhất là thôn không phải là đơn vị hành chính mà chỉ là cánh tay nối dài của xã, nó không đủ quyền lực, tư cách pháp lý để huy động sử dụng các nguồn lực, nhất là các nguồn lực công. Mặt khác ở thôn, ai hăng hái thì được bầu chứ không được đào tạo gì cả, nên thiếu tầm, thiếu kiến thức để thực hiện một việc lớn bao trùm các lĩnh vực như phát triển nông thôn.
- Sau khi có Nghị quyết 26 chúng tôi được giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện. Nhóm công tác đã đề xuất: Nếu có một chương trình phát triển nông thôn toàn diện (NTM) thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của tam nông. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương lúc đó đã nghe rất kỹ, đồng ý và giao cho nghiên cứu xây dựng chương trình NTM.
Ban chỉ đạo Trung ương đã cử nhóm công tác đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Bungari, Malaysia nghiên cứu học tập. Mỗi nơi cũng có những kinh nghiệm tốt được vận dụng vào chương trình NTM như: Hàn Quốc là kinh nghiệm về coi người dân làm chủ thể, về đào tạo cán bộ cơ sở…, Nhật Bản là phát triển nông thôn sinh thái và bảo tồn bản sắc văn hóa…, Trung Quốc là hạ tầng…, Malaysia là phát triển nông thôn ở miền núi… Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là bài học kinh nghiệm phát triển nông thôn trong quá khứ ở cả thành công và thất bại tại nước ta.
Chương trình NTM của chúng ta đặt vấn đề phải phát triển nông thôn toàn diện hướng tới phát triển sản xuất - dịch vụ nâng cao đời sống tại chỗ cho nông dân và cư dân nông thôn. Nông thôn phát triển theo quy hoạch và kế hoạch, có hạ tầng tương đối đồng bộ và đảm bảo phát triển lâu dài. Môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Dân trí và trình độ cán bộ cơ sở được nâng cao. Các bản sắc văn hóa tốt đẹp được bảo tồn. Tiếp tục chọn xã làm đơn vị tổ chức thực hiện để phát huy tính cộng đồng và có đội ngũ cán bộ đủ sức thực hiện.
Đặc biệt đã xác định lấy người dân làm chủ thể - tức là mọi chính sách về phát triển nông nghiệp và nông thôn phải hướng tới mang lại lợi ích cho họ. Đồng thời phải để họ tự đứng lên, đóng góp, làm chủ quá trình xây dựng NTM trên quê hương của mình. Đó là điểm khác biệt, khâu đột phá của chương trình NTM so với trước và đó là gốc của các thành công sau này. Thực tế có thể thấy: Nếu người dân không chịu đứng lên thì mọi sự hỗ trợ của Nhà nước cũng thành vô nghĩa.
Đã gọi là NTM rồi sao lại có nâng cao, kiểu mẫu? Chúng ta học ở đâu hay tự nghĩ ra thưa ông?
Các danh hiệu này đều do chúng ta nghĩ ra cả, mà theo tôi đó là cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc thù nông thôn ta. Muốn rõ thêm có lẽ phải bắt đầu bằng tiêu chí, NTM đạt chuẩn, nghĩa là phải đạt 19 tiêu chí. Lúc đầu chúng tôi chỉ đề xuất 10 tiêu chí thôi và cũng đã tổ chức một số hội thảo. Tôi nhớ có một cuộc mời 18 chuyên gia đầu ngành NN-PTNT và một số chuyên gia quốc tế. Tại đó có khoảng 50% là không tán thành. Họ bảo: Trên thế giới chưa thấy nước nào phát triển nông thôn toàn diện mà thành công, Đề án NTM (dự thảo) liệu có tham vọng quá không? Số khác nói: Thế giới người ta phát triển nông thôn chỉ đề ra mục tiêu chứ không có tiêu chí. Nếu các anh áp bộ tiêu chí thì khác gì đưa tất cả vào một khuôn.
Nhưng lại có 50% đồng tình. Họ bảo ở nước ta không có tiêu chí cụ thể, tiêu chí không lượng hóa được thì lấy gì làm cơ sở cho người dân biết phải làm gì? Lấy gì làm thước đo đánh giá kết quả khách quan… Rất may, khi đưa ra dự thảo với các Bộ, ngành, các địa phương thì nhận được sự đồng tình cao. Bộ nào cũng muốn có tiêu chí thể hiện công việc của mình và cuối cùng Chính phủ đã ban hành 19 tiêu chí.
Việc đặt ra mức độ phải đạt của từng tiêu chí là căn cứ vào yêu cầu phát triển nông thôn của ta có so sánh với một số nước phát triển trong khu vực và tính khả thi của ta. Mức đạt chuẩn là khá hơn trước nhưng so với nông thôn văn minh của các nước phát triển thì chỉ coi như là vừa “thoát khỏi mặt đất” thôi.
Theo quy luật phát triển không đều thì sẽ có nhiều xã đạt chuẩn trong khi nhiều xã phải một số năm sau mới đạt. Vậy phải có các tiêu chuẩn mới để các xã đã đạt chuẩn tiếp tục vươn xa. Chính vì vậy mà sau năm 2016 chúng ta đã đặt ra danh hiệu “NTM nâng cao”, “NTM kiểu mẫu” và các danh hiệu này đến nay vẫn gây tranh cãi. Ý kiến phản biện rất có lý khi cho rằng:
- Cùng một lúc có nhiều danh hiệu quá mà tiêu chuẩn danh hiệu “nâng cao”, “kiểu mẫu” không khác nhiều với “đạt chuẩn” làm cho cán bộ cơ sở và nhân dân thấy rối, khó nhận diện.
- Giả sử có đạt “NTM kiểu mẫu” thì cũng còn xa mới đến một nông thôn văn minh như các nước phát triển. Nhưng đã gọi là “kiểu mẫu” thì người dân cho là “đỉnh” rồi, không cần phấn đấu nữa. Nếu tiến lên sau “đỉnh” thì gọi bằng danh hiệu gì?
Một số nơi có biểu hiện bệnh thành tích trong xây dựng NTM. Ông bình luận sao về điều này?
Trong xây dựng NTM thì biểu hiện rõ nhất là “nạn” châm chước hoặc cho nợ tiêu chí khi xét chuẩn và nợ đọng trong xây dựng hạ tầng. Nợ xây dựng hạ tầng gần đây giảm rõ do chúng ta đã bổ sung điều kiện nếu còn là không xét đạt chuẩn. Tuy nhiên, nợ tiêu chí thì ngày càng tăng và rất chậm trả.
Cuối giai đoạn 1 (2010 - 2015) nhiều tỉnh, TP đã có biểu hiện này rồi vì lúc đó sắp chuẩn bị đại hội đảng các cấp. Tôi nhớ vào giữa 2015, Đồng Nai (lá cờ đầu NTM cả nước lúc đó) có đề nghị xét công nhận nốt 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành đạt chuẩn huyện NTM. Sau khi kiểm tra kỹ, chúng tôi thấy không thể công nhận được và đã mời lãnh đạo tỉnh phụ trách khối cùng lãnh đạo chủ chốt 2 huyện và các xã đến họp phân tích rõ những mặt chưa đạt để họ sửa. Ví dụ: Môi trường đang là vấn đề “cộm” thì phải di chuyển triệt để các cơ sở chăn nuôi tập trung ra khỏi khu dân cư, phải hoàn thành và đưa vào sử dụng các điểm xử lý rác tập trung đủ chuẩn… Những việc đó tối thiểu cũng phải 8 tháng đến 1 năm mới xong, sau đó, tỉnh hãy đề xuất lại việc công nhận. Vậy mà mới chỉ hơn 2 tháng sau, khi tôi đã về hưu, 2 huyện đó đã được công nhận “đạt chuẩn NTM”.
Ở nhiều tỉnh bây giờ đều có chuyện “huyện chuẩn NTM” mà có vài chục phần trăm số thôn bản ấp không có khu vui chơi hoặc không có nhà văn hóa đạt chuẩn. “Xã chuẩn NTM” mà vừa đến đầu làng đã thấy mùi hôi thối, rác trắng đường, trắng kênh, chợ họp ngay trên huyện lộ, tệ nạn cờ bạc xảy ra thường xuyên. Tình trạng nói chung là khi xét duyệt thì huyện, tỉnh châm chước cho xã (7 bỏ làm 10), Trung ương châm chước cho huyện.
Cái này nó xuất phát chính từ trình độ và cái tâm của cán bộ đi thẩm định, xét duyệt: Người thẩm định không hiểu bản chất, mục tiêu của NTM, không thuộc hết nội dung và yêu cầu của các tiêu chí thì khó mà soi đúng được. Hoặc là thiếu trách nhiệm, chỉ hời hợt “cưỡi ngựa xem hoa”, nhận phong bì rồi thì cái gì cũng OK hết. Nhưng nặng nhất vẫn là tâm lý lập thành tích (giả) của lãnh đạo nhiều địa phương để mong có được chiếc ghế cao hơn của địa vị. Với động cơ đó họ có nhiều ngón lắm, ngay cả việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư đánh giá sự hài lòng về kết quả NTM, tưởng là dễ khách quan, nhưng họ cũng có nhiều cách để biến nó thành hình thức, không có chất gì.
Vì thế những năm tới Ban chỉ đạo Trung ương nên tuyên chiến với vấn nạn này, nếu không nó gây nhiều hệ lụy xấu lắm và quan trọng là nó đang làm giảm thấp chất lượng cuộc sống của người dân so với mục tiêu NTM đề ra.
Sau 13 năm làm NTM, đến bây giờ còn bất cập nào lớn thưa ông?
Trước hết là vấn nạn môi trường. Từ khi làm NTM đến nay đã có nhiều thôn, xã sạch hơn nhưng tình hình chung là số đông đang có xu hướng ô nhiễm nặng hơn bởi tỷ lệ rác thải, nước thải sinh hoạt (nhất là ở những làng nghề có chế biến lương thực thực phẩm) được xử lý đạt tiêu chuẩn an toàn là rất thấp. Nó đang hàng ngày, hàng giờ hủy hoại sức khỏe của người dân.
Thứ 2 là văn hóa - cái hồn của NTM. Mong muốn của chúng ta làm NTM là phải tạo ra đời sống tinh thần sôi động hơn, trước hết là thể thao, văn nghệ, cảnh quan xóm làng xanh, sạch, đẹp để người nông thôn yêu và tự hào về quê mình. Thanh niên bớt bỏ làng ra phố. Chúng ta cũng chủ đích tạo ra các thiết chế nhà văn hóa, khu vui chơi cho các thôn bản. Nhưng quá nửa số đó đang ở tình trạng “sân mọc cỏ, ngõ mọc rêu” hoặc nhà văn hóa chỉ để họp.
Thứ 3 là về kinh tế thì kinh tế nông thôn vẫn phát triển chậm và không bền vững:
- Doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn mỏng lắm, mãi vẫn chỉ lẩn quẩn 2 - 3% số doanh nghiệp cả nước với số vốn đầu tư còn khiêm tốn hơn. Nguyên do là chúng ta chưa có chính sách đủ mạnh, chính sách chưa nhằm trúng cái mà doanh nghiệp cần nhất nên khó thu hút. Chừng nào chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản thì chừng đó vẫn khó giải quyết lao động việc làm ở nông thôn và khó mà có nền nông nghiệp hiện đại.
- HTX thì vẫn đì đẹt. Tiếng là có hơn 10.000 HTX nông nghiệp nhưng hiện chỉ có khoảng 7% là “đích thực HTX” có hiệu quả tốt về kinh tế và xã hội. Đang còn rất nhiều HTX nông nghiệp (nhất là khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ) tồn tại hình thức. Dù hầu hết đã chuyển đổi theo luật mới nhưng 2 vấn đề cốt lõi nhất là giám đốc, xã viên thì lại ít có đổi mới. Giám đốc HTX vẫn do Đảng ủy phân công chứ không phải do xã viên chọn bầu, phần đông trong số đó không có kiến thức quản lý và kinh doanh, không hiểu thị trường. Còn xã viên thì dường như cứ ai sinh ra ở nông thôn, có làm ruộng thì mặc nhiên được coi là xã viên HTX mặc dù không có đơn xin gia nhập, không góp cổ phần, không lao động theo phân công của HTX. Chúng ta vẫn chưa phân định rõ xã viên HTX với người mua dịch vụ của HTX. HTX đã nghèo (năm 2020 có 20% số HTX có lãi dưới 100 triệu đồng/năm) vậy mà thường được giao chi lo bao nhiêu việc của xã thì còn gì để tái sản xuất mở rộng và phúc lợi xã viên.
- Chúng ta đã có chương trình OCOP với hy vọng sẽ tạo ra “nhóm sản phẩm từ dân” làm giàu cho nông dân, tạo động lực mới cho nông thôn. Nhưng sau hơn 3 năm thực hiện dường như đang bị trượt khỏi đường ray. Bởi thay vì phải khai thác nguyên liệu sản xuất với sử dụng lao động bản địa là chính, nâng cấp lên để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tăng thu cho người sản xuất và lan tỏa bản sắc văn hóa cho các vùng quê thì nó đang bị trượt sang hướng sản phẩm của doanh nghiệp phi bản địa. Việc công nhận sản phẩm OCOP đang bị coi là “dễ dãi”.
Thứ 4 là đầu tư công đang chưa thực sự ưu tiên cho khu vực nông thôn để làm chuyển biến mạnh mẽ những vấn đề nổi cộm đã nêu nhiều trong các báo cáo tổng kết 2 giai đoạn như môi trường, văn hóa, đào tạo nghề, khởi nghiệp…
Sự thật là cả 2 giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2020 đầu tư công cho khu vực này chưa gấp 2 lần 5 năm trước như Nghị quyết đã đề ra, mặc dù mức đó vẫn khiêm tốn so với vị thế của nông nghiệp - nông thôn trong kinh tế - xã hội nước ta.
Thứ 5 là đất đai vẫn là vấn đề trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp - nông thôn, đang gây hệ lụy xấu ở nhiều mặt. Lãng phí trong sử dụng đất đai đang là lãng phí rất lớn. 75% các vụ khiếu kiện ở nông thôn 10 năm qua là liên quan đến đất đai.
Ông có thể cho biết rõ hơn về lãng phí trong sử dụng đất đai?
Trước 2005, chuyện nông dân bỏ ruộng là hiếm. Mấy năm trước Cục Kinh tế hợp tác có khảo sát một số tỉnh khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ cho thấy khoảng 1,6% ruộng canh tác bị bỏ hoang, giờ chắc còn tăng hơn. Nó có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là thiếu nhân lực và canh tác không có lãi.
Nhiều tỉnh thì đang có tình trạng đất dự án đô thị phát triển tràn lan, nhưng người đến ở thì ít mà mua đầu cơ thì nhiều. Chỉ lấy ví dụ như tỉnh Hải Dương, 7 năm lại đây có gần trăm dự án đất đô thị lớn nhỏ từ tỉnh đến huyện với diện tích khoảng gần 1.000ha. Hầu hết các dự án đã được phép bán cho người dùng. Tuy nhiên hầu hết các dự án ở các huyện tỷ lệ làm nhà ở chỉ khoảng 15 - 20%. Có dự án đã bán hết mà sau hơn 2 năm chưa có ai làm nhà. Chúng tôi có hỏi một anh có trách nhiệm ở tỉnh thì anh bảo: “Dân họ mua hết rồi đấy anh, có nhiều chỗ còn sang tay 2 - 3 lần ấy chứ”.
Nhưng nếu chỉ tính với trình độ canh tác của nông dân Hải Dương có thể thu bình quân 300 triệu đồng/ha/năm, nay sẽ mất đi do không còn sản xuất nông nghiệp. Nhà đầu tư bất động sản sẽ phải chi gần 3 tỷ đồng/ha đền bù cho giải phóng mặt bằng, khoảng 4,5 tỷ/ha cho đầu tư hạ tầng cơ bản và các khoản chi khác khoảng 4 tỷ/ha. Nhà đầu tư thứ cấp sẽ bỏ tiền ra mua trung bình 20 triệu đồng/m2 (chỉ tính cho tỷ lệ xây dựng 50%)…
Tính ra là con số khổng lồ, hàng chục ngàn tỷ đồng vốn xã hội đắp chiếu nằm đó, chưa kể phải lo công ăn việc làm cho hàng ngàn hộ mất ruộng. Đáng tiếc là lãnh đạo nhiều địa phương chỉ thích trong nhiệm kỳ tại vị có thật nhiều dự án bất động sản trên địa bàn của mình, bất cần cung cầu thực ra sao.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nói: NTM đang có cốt nhưng thiếu hồn. Ông nghĩ sao về điều này?
Nói như Bộ trưởng cũng không sai. Nhưng bàn về “hồn NTM” thì rộng lắm và nó cũng có cấp độ khác nhau theo sự phát triển của xã hội văn minh. Ở đây tôi chỉ nói đến cái mà NTM giai đoạn này hướng đến: Đó là nông thôn có dân trí, trình độ cán bộ cơ sở được nâng lên. Người dân đứng lên làm chủ được chủ động bàn bạc quyết định cái gì cần cho làng mình, xã mình. Các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi, lôi kéo các lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên tham gia. Cảnh quan xóm làng xanh, sạch, đẹp. Người dân sống có trách nhiệm với cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ nhau theo truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Các tệ nạn xã hội như mê tín, đánh nhau thành thương, rượu chè, cờ bạc, ma túy dường như không có, để người dân sống an lành và không lo hư hỏng thế hệ con cháu. Người dân yêu làng quê, tự hào với quê và nhiệt tình đóng góp xây dựng quê hương. Thanh niên không phải bỏ làng ra phố - sẽ là nguồn lực quan trọng xây dựng quê hương… Phần “hồn” nói nôm na là như thế.
Hơn 10 năm xây dựng NTM, điều rõ nhất là đã làm tốt phần “cốt”, đó là hạ tầng được cải thiện rõ rệt làm thay đổi bộ mặt làng quê. Sản xuất đã phát triển khá theo hướng hàng hóa góp phần cải thiện đời sống người dân nông thôn. Và về phần “hồn” thì cũng có nhiều xã tiến bộ (theo hướng như đã nói ở trên). Tuy nhiên nhìn chung thì nhiều mặt còn ì ạch:
- Trình độ cán bộ cơ sở có được nâng lên về bằng cấp nhưng số đông lại quan liêu, lười và thực dụng hơn. Thực hiện dân chủ với dân còn nặng về hình thức, ít thực chất.
- Tỷ lệ người thường xuyên tham gia hoạt động văn nghệ thể thao chỉ ở mức 5 - 7% dân số. Nhu cầu này của người dân không nhỏ, thôn bản nào cũng có nhà văn hóa (dù đủ chuẩn hoặc chưa) nhưng phong trào vẫn “lặng” do thiếu người tổ chức, hướng dẫn chuyên môn, cũng không có nguồn kinh phí nuôi dưỡng. Không có chỗ chơi thì người ta sẽ tìm đến bài bạc, bói toán, thanh niên dễ dính đến tệ nạn hơn.
- Tình trạng ô nhiễm môi trường đang có xu hướng gia tăng do rác thải sinh hoạt và chăn nuôi chưa được đầu tư xử lý đúng cách, nhiều nơi xả thẳng ra kênh tưới, không chỉ gây hại cho sức khỏe mà làm xấu cảnh quan, cũng không có nông sản sạch để dùng. Môi trường đang là vấn đề bức xúc làm cho ngay người ở quê cũng ngán ngẩm.
- Vẫn có tình trạng phổ biến là thanh niên muốn thoát ly khỏi nông nghiệp, thoát ly khỏi nông thôn ra phố. Nhiều “làng rỗng” không còn nguồn nhân lực khỏe cho phát triển.
Sơ bộ như thế cũng thấy phần “hồn” mà NTM hướng tới còn nhiều bất cập. Thực tế đã có nhiều mô hình xã thành công trong xử lý vấn đề này nhưng vẫn lẻ loi, chưa được các cơ quan chức năng tổng hợp, nghiên cứu và đưa ra chính sách phù hợp để nhân rộng…
Xin cảm ơn ông!