Thị trường Anh tăng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam

Thị trường Anh đã nhìn nhận tích cực hơn về hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam, về sản phẩm Việt Nam thông qua lượng hàng nhập từ Việt Nam tăng mạnh sau khi UKVFTA có hiệu lực.
Tọa đàm “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA”.
Tọa đàm “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA”.

Sau hơn một năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) đã mang lại hiệu quả đối với doanh nghiệp Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hai con số, bất chấp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định (năm 2021) đã đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.

9 tháng 2022, xuất khẩu sang Anh đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Ước thực hiện 10 tháng trên 5,2 tỷ USD.

Đánh giá về kết quả sau 2 năm tận dụng UKVFTA tại Tọa đàm “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA”, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, Hiệp định có lợi ích cho cả hai phía khi đều tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu.  

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh tăng trưởng rất tốt, có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%, ví dụ như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép..., cho thấy các doanh nghiệp cũng đã hướng đến thị trường Vương quốc Anh là một kênh để đa dạng thị trường.

Doanh nghiệp Việt bước đầu tận dụng được nguồn nguyên liệu nhập từ Anh để sản xuất hàng hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ, hưởng ưu đãi.

Chẳng hạn, kim ngạch nhập khẩu vải từ Vương quốc Anh tăng, có nghĩa một số doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng vải nhập khẩu từ Anh để đáp ứng quy tắc xuất xứ. 

Ông Khanh phân tích: "Từ nguyên phụ liệu da giày, dệt may, dược phẩm, thức ăn gia súc từ Anh xuất sang Việt Nam tăng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, đồng nghĩa với việc Anh đang trở thành một nguồn cung cấp nguyên vật liệu chất lượng cho Việt Nam và điểm này nên phát huy trong thời gian tới".

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương): "Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Anh tăng mạnh trong gần 2 năm qua cho thấy thị trường Anh ngày càng đánh giá tích cực hơn về doanh nghiệp Việt cũng như chất lượng hàng sản xuất tại Việt Nam.

"Tất nhiên, xét về quy mô nhập khẩu khoảng 700 tỷ USD hàng hóa mỗi năm thì hàng Việt dù tăng nhưng hiện mới chiếm khoảng 1% thị phần, thì dư địa để khai thác còn rất lớn, nhất là khi thương mại thuận lợi hơn khi có UKVFTA, nhờ đó năng lực đáp ứng, tuân thủ của các doanh nghiệp sẽ được nâng lên", ông Dương nhấn mạnh.

Ngoài ra, cùng với sự hiện diện của nhà đầu tư Anh nhiều hơn tại Việt Nam thì thị trường Anh cũng sẽ nhìn nhận tích cực hơn về hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam, về sản phẩm Việt Nam và đấy là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội trong thời gian tới.

Ngành gỗ cũng tận dụng UKVFTA khá nhanh nhạy, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh có nhiều cải thiện.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), trước đây khi chưa có sự kiện Brexit thì Vương quốc Anh đã là một thị trường khá quan trọng, khá lớn của sản phẩm Việt Nam, cụ thể sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường này thường chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang tất cả các nước thành viên của EU.

Tuy nhiên, với việc Anh không còn là một thành viên của EU nhưng nhờ có UKVFTA, đã đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Anh đạt trên 265 triệu USD vào năm 2021, tăng trên 18% so với năm trước đó.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforest, "Sản phẩm gỗ  xuất khẩu sang Anh có đến trên 92% là đồ mộc, đồ nội thất, vốn là nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn so với các sản phẩm gỗ được dùng làm vật liệu trung gian cho các công đoạn chế biến tiếp theo trong ngành công nghiệp gỗ, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội mà UKVFTA mang lại".

"Tôi phải nhấn mạnh rằng, chúng ta khó cạnh tranh với các nước khác trên thị trường UK, nếu không có hiệp định thương mại tự do UKVFTA, nếu không có sự xúc tác từ giảm thuế. Bởi các quốc gia châu Âu khác có lợi thế lớn hơn Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm gỗ vào Anh. Doanh nghiệp gỗ Trung Quốc cũng đến sớm hơn, mạnh hơn Việt Nam, hàng năm họ xuất sang Anh trên 5 tỷ USD", ông Hoài nói.

Thị trường rộng lớn, nhu cầu nhập hàng hóa gần 700 tỷ USD/năm, nhưng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn sản xuất, nên rào cản với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vẫn là vấn đề lớn. Do đó, theo ông Nguyễn Anh Dương, với những đối tác ở thị trường Anh, một yêu cầu rất quan trọng là doanh nghiệp Việt phải tìm hiểu kỹ để có thể “chơi” theo cơ chế thị trường”.

Chơi theo cơ chế thị trường cũng có nghĩa doanh nghiệp không thể trông chờ quá nhiều vào bảo hộ, hỗ trợ của cơ quan nhà nước mà phải xử lý các biện pháp theo đúng cách của thị trường.

Cần nâng cao ý thức về khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị, bởi vì khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị nếu doanh nghiệp chỉ nhìn nhận lợi thế từ UKVFTA là lợi thế từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu thì rõ ràng đấy là một cách nhìn chưa đầy đủ về lợi thế cạnh tranh.

Vấn đề nữa được các chuyên gia lưu ý các doanh nghiệp là phải tìm hiểu kỹ về thị trường, về hiệp định UKVFTA để tận dụng tối ưu nhất cho các lô hàng xuất khẩu.