
Cho ý kiến vào dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: việc tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ "hình phạt tử hình" sang "hình phạt tù chung thân" là thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng ta; thể hiện sự trưởng thành, lớn mạnh của Nhà nước ta; thể hiện sự tự tin của các cơ quan pháp luật.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu rõ: dự thảo Bộ Luật Hình sự sửa đổi các điều liên quan đến hình phạt tử hình. Theo đó, dự kiến bỏ "hình phạt tử hình" và thay thế bằng "hình phạt tù chung thân" không xét giảm án, vẫn đảm bảo cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội tại 8/18 tội danh của Bộ luật hình sự hiện hành gồm:
Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất sản xuất, kỹ thuật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược; tội gián điệp; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết: Lịch sử sửa đổi Bộ luật hình sự đã giảm hình phạt tử hình đối với 44 tội xuống 30 tội, rồi xuống 28 tội và lần sửa đổi gần nhất là 18 tội. Lần sửa đổi này tiếp tục sửa bỏ "hình phạt tử hình" xuống bằng "hình phạt tù chung thân" không xét giảm án là đủ nghiêm khắc.
Riêng đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình phân tích: "Tội phạm mà lấy đồng tiền làm phương tiện và mục đích phạm tội thì hình phạt tiền chứ không phải hình phạt tù. Cho nên tội tham ô và hối lộ thì mục đích là tiền. Cho nên làm sao mà thu được cho hết, chứ không phải là hình phạt tử hình. Nguyên lý là như vậy, làm sao thu được hết tiền đã tham ô, nhận hối lộ".

Phát biểu về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, lần sửa đổi Bộ Luật Hình sự này phải bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị để rà soát, cụ thể hóa những vấn đề. Về tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ tử hình sang phạt tù.
Thủ tướng cho rằng: "Thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng ta; thể hiện sự trưởng thành lớn mạnh của Nhà nước ta; thể hiện sự tự tin của các cơ quan pháp luật. Những vấn đề gì "đã chín, đã rõ", đưa được vào Bộ luật Dân sự thì làm luôn, đừng quá phức tạp hóa vấn đề thì khó làm. Giảm tội tử hình thì tăng hình phạt tù lên. Tuyên án tử hình, nhưng sau 2 năm lại tiếp tục xem xét thì cái này là từ thực tiễn còn vướng mắc và còn tồn đọng nhiều".
Dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về việc Tòa án có thể tuyên hoãn thi hành án tử hình 2 năm đối với người bị kết án tại thời điểm tuyên án tử hình, nhằm tạo điều kiện khuyến khích người bị kết án tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý tội phạm, bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước. Bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Nâng định lượng là tiền đối với tội danh có định lượng tiền làm căn cứ định tội, định khung hoặc có hình phạt tiền thì nâng gấp hai mức số tiền so với quy định của luật hiện hành.
Mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 6 tội: tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi; tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tội sản xuất trái phép chất ma túy...để phù hợp với tình hình thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với các tội này.
Mở rộng phạm vi trách nhiệm của pháp nhân thương mại đối với các tội gồm: tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả; tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tội gian lận bảo hiểm y tế và tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại... để phù hợp với tình hình thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bổ sung hình phạt tù đến 30 năm, hình phạt tù chung thân, không xét giảm án là các hình phạt chính. Bổ sung quy định về việc loại trừ trách nhiệm hình sự, trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, để đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết 57. Nâng mức hình phạt tù, tiền đối với tội danh và một số hành vi để đảm bảo tính răn đe; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân; phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế như: tội phạm về môi trường, ma túy...nhằm bảo vệ môi trường sống an toàn, bền vững cho các thế hệ tương lai.
Bộ Công an đề xuất trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 diễn ra trong tháng 5/2025.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các Bộ: Công an, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các dự án luật, nghị quyết; cũng như các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, có chất lượng của các đồng chí Thành viên Chính phủ và các đại biểu tham dự Phiên họp; yêu cầu các bộ chủ trì tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật, Nghị quyết theo đúng quy định để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.