
Sau khi các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trao đổi cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, đề xuất hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công; kết luận hội nghị, ghi nhận và nhất trí cao với các ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp, xây dựng văn bản trình Thủ tướng ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức xử lý, thúc đẩy đẩy giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền”.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, đặc biệt là 10 bộ, cơ quan và 36 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, Phát triển hạ tầng chiến lược của đất nước như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Cảm ơn các lực lượng trên các công trường và nhân dân đã di dời, nhường đất ở, sản xuất kinh doanh cho các dự án vì sự phát triển của đất nước, Thủ tướng cho biết, nhiều dự án, nhất là dự án quan trọng quốc gia trên toàn quốc được triển khai khẩn trương với khí thế thi công “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”... Trong đó, các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội… được ưu tiên bố trí vốn và tập trung triển khai.
Đặc biệt, đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; nhiều nhà thầu, cơ quan quản lý đã ứng dụng mạnh mẽ và làm chủ các công nghệ hiện đại, đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng công trình.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc nhở và yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp, thâm chí chưa giải ngân kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới. Các địa phương được giao nhiều vốn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Bình Dương… cần nỗ lực, cố gắng hơn.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhằm tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; tạo không gian phát triển mới; giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào của hàng hoá; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải bám sát công việc, sát sao, đôn đốc, kiểm tra, xử lý ngay các vướng mắc, khó khăn phát sinh tại các công trình, dự án; vận dụng một cách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các nghị quyết, các luật, nhất là các nghị quyết, các luật mới được sửa đổi, bổ sung, ban hành để tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; xây dựng cơ sở dữ liệu về đầu tư công, về môi trường, đất đai, các nhà thầu… để đo lường việc thực hiện giải ngân đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bí thư và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đầu tư công với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền.
Các bộ, ngành và các địa phương phối hợp thúc đẩy giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với sự chỉ đạo của người đứng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện nghiêm việc cấp mỏ vật liệu, hỗ trợ, điều chuyển vật liệu thông thường cho các dự án theo chỉ đạo.
Các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá làm căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương áp dụng, triển khai dự án. Rà soát tất cả các quy hoạch, đề xuất giải quyết triệt để các vấn đề chồng chéo, chồng lấn. Thúc đẩy triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, chất lương, kỹ - mỹ thuật công trình; đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường và đặc biệt là không xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định liên quan vốn ODA, sửa các quy định tránh thủ tục rườm rà, gây ách tắc các dự án; sửa đổi Luật đấu thầu theo hướng tăng cường trách nhiệm trong lựa chọn các nhà thầu, đấu thầu, song phải thông thoáng, dễ làm, đạt hiệu quả.
Các bộ: Tài chính, Xây dựng, Dân tộc và Tôn giáo, Nông nghiệp và Môi trường, Nội vụ… thực hiện phân cấp, phân quyền, giao cho các địa phương thực hiện các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án giao thông, nhất là các dự án giao thông kết nối trên nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Riêng việc mở rộng các dự án đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ nhất trí thực hiện theo phương thức hợp tác công tư.
"Trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn và hồ sơ pháp lý phù hợp với thay đổi về địa giới hành chính và phân cấp, phân quyền, tránh ách tắc khi thay đổi đơn vị nhận vốn, chủ thể ký hợp đồng, quyết định đầu tư…", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của 7 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các Tổ công tác của bộ, ngành, địa phương về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách từng dự án, nhóm dự án gắn với chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, liên quan, xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo ngay cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chuẩn bị đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị kỹ, tổ chức tốt, truyền thông hiệu quả Lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trên cả nước chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; tập trung hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 có 3.000 km đường bộ cao tốc, 1.000 km đường ven biển, khởi công tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng…
Nhắc lại phương châm "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng thời gian tới, các khó khăn, vướng mắc, hạn chế sẽ được khắc phục hiệu quả; thực hiện đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công như đã đề ra.
Hội nghị đánh giá, trong 5 tháng đầu năm, nhờ có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên nhìn chung, công tác giải ngân đầu tư công vẫn chậm so với yêu cầu. Theo đó, đến ngày 30/4/2025, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công năm 2025 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là gần 818 ngàn tỷ, đạt 99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cả nước giải ngân đầu tư công đạt hơn 128 ngàn tỷ đồng, đạt 15,56 %.
Trong đó, giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt khoảng 46,6 ngàn tỷ đồng, đạt 13,33%; giải ngân vốn ngân sách địa phương khoảng 81,8 ngàn tỷ đồng, đạt 17,2%; giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia hơn 4,7 ngàn tỷ đồng, đạt 21,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2025, có 10 bộ, cơ quan trung ương và 36 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, có một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thảo luận nêu ra một số khó khăn, vướng mắc là nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như: vướng mắc trong công tác bồi thường, thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng; thiếu nguyên vật liệu thông thường; các vướng mắc về đơn giá, định mức; vướng mắc do chống chéo, chồng lấn về quy hoạch; ảnh hưởng do quá trình tổ chức thực hiện sáp nhập địa giới, sắp xếp bộ máy hành chính.