Thế rồi vào một ngày đẹp trời ông nói với tôi: “Chủ nhật này nếu rỗi rãi tôi mời anh đi chơi Thái Bình, sáng đi tối về”. “Có vụ gì thế sếp”, tôi hỏi lại. Ông trả lời, “tôi rủ tay nhà báo Mỹ Nick Út xuống đấy thăm nhà báo Thu Vân - cô học trò cũ ở trường Báo chí, nhưng nay đã bỏ ra kinh doanh thành đạt lắm”. “Vinh dự lớn thế thì dù nhà có bị đổ giàn thiên lý tôi cũng bỏ để theo sếp!”. Ông nheo mắt cười hóm hỉnh, sao mà giống nhau thế! Rồi ông thêm, “Nick Út chủ nhật này vợ chồng một vị Đại sứ nước ngoài ở Hà Nội có lịch tiếp riêng thế mà tôi rủ đi chơi xa là hắn “ok” liền, rồi điện ngay cho Đại sứ xin hoãn, thế mới máu!”.
Nói đến Đỗ Quảng thì trong làng báo Việt, thế hệ các nhà báo tuổi 8X trở về trước không mấy người là không biết tiếng. Ông từng là phóng viên chiến trường những năm đánh Mỹ, là cây bút phóng sự điều tra ngoại hạng báo Nhân Dân với hàng trăm bài báo gây chấn động. Những sự việc gai góc, những góc khuất ma trận mà không phải nhà báo nào cũng đủ dũng cảm và trí tuệ để tiếp xúc và mổ xẻ phơi bày ra trước công luận. Từ những bài báo mang sức nặng bút chiến như thế, không ít kẻ gian manh giấu mặt đã bị lôi ra trước vành móng ngựa và cũng không ít người oan khuất đã thoát vòng lao lý. Thời gian Đỗ Quảng làm phóng viên chiến trường ông được tiếp cận với nhiều sự kiện lớn của đất nước cả ở chiến trường và hậu phương. Ông đi nhiều nơi, gặp nhiều người đủ mọi tầng lớp xã hội, những nhân vật lịch sử và những người nổi tiếng, trong số đó có nhà báo Mỹ Nick Út.
Nick Út là con út trong một gia đình nông dân ở Long An nên khi ra đời năm 1951, cậu bé được cha mẹ đặt cho cái tên giản dị là Huỳnh Công Út. Năm 16 tuổi Út bước vào nghề ảnh. Sau những bức ảnh thành công như bức Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu, bức ảnh Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn bị tấn công, Út trở thành phóng viên chiến trường của hãng truyền thông Hoa Kỳ AP với nghệ danh Nick Út.
Tháng 8/1972 Nick Út tác nghiệp ở miền Đông Nam Bộ. Ngày 16/8, trong một trận càn quét, máy bay Mỹ trút bom xuống một thôn nhỏ ở Trảng Bàng, lửa cháy lan ra khắp thôn xóm. Từ trong đám lửa khói, một tốp trẻ em lao ra đường quốc lộ gào khóc, trong đó có một bé gái chừng chín mười tuổi trên người không một mảnh vải che thân vừa chạy vừa kêu cứu vì lửa bom thiêu đốt thân mình. Trực tiếp chứng kiến cảnh tượng bi thương đó, Nick Út đã kịp thời bấm máy chụp một loạt ảnh, sau đó tìm mọi cách đưa cháu bé đi bệnh viện cấp cứu. Rồi anh nhanh chóng tráng phim làm ảnh gửi ngay về Sài Gòn báo cáo giám đốc chi nhánh. Ngay hôm sau và những ngày tiếp theo, bức ảnh của Nick Út mang tên Napalm girl (Em bé Napalm) đã lần lượt được đăng tải trên hàng loạt tờ báo lớn ở Hoa Kỳ, tiếp theo là trên báo chí các quốc gia khác. Bức ảnh có sức tố cáo mãnh liệt, đã góp phần thổi bùng ngọn lửa phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam lan rộng ra toàn cầu. Và cái tên Nick Út tác giả bức ảnh cũng chỉ trong phút chốc đã trở thành nổi tiếng khắp thế giới. Nổi tiếng đến độ sau này ông đã được hàng trăm yếu nhân và nguyên thủ quốc gia trên thế giới gặp gỡ và tiếp thân mật, trong đó có Đức Giáo hoàng La Mã, Nữ hoàng Anh, hai tổng thống Mỹ Obama và Donald Trump…
Cùng là phóng viên chiến trường nhưng tạm gọi là từ hai đầu chiến tuyến, Đỗ Quảng và Nick Út đã gặp nhau trong một sự kiện chính trị quốc tế. Gặp nhau, hiểu nhau, thông cảm với nhau và quý trọng nhau rồi họ trở thành bạn bè. Việt Nam thống nhất, Nick Út tiếp tục làm báo và cùng gia đình định cư ở Mỹ. Đỗ Quảng làm báo và dạy học ở Hà Nội cho tới khi nghỉ hưu, nhưng nay vẫn làm cố vấn cho mấy tờ báo bạn bè và còn là người phát ngôn cho một tập đoàn thương mại lớn ở Việt Nam.
Nhà báo Đỗ Quảng và Nick Út thăm vườn cây cảnh bonsai.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, sống ở hai quốc gia cách nhau nửa vòng trái đất nhưng tình bạn của hai con người nổi tiếng này vẫn luôn gắn bó mật thiết. Họ vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, và những khi có dịp thì hai người luôn tìm cách đến với nhau. Những lần Đỗ Quảng đi Mỹ thì Nick Út luôn đóng vai tổ chức sự kiện gặp gỡ và hướng dẫn viên du lịch. Còn khi Nick Út về Việt Nam thì Đỗ Quảng lại là đầu mối mọi chuyện giao lưu bầu bạn và những chuyến đi miệt mài trên từng cây số. Phương châm sống của họ lúc này có vẻ như đã được khẳng định là luôn coi tình cảm bạn bè thân hữu là trên hết thì phải, điều đó được chứng thực vì sao họ đã không ít lần từ chối hoặc xin hoãn những cuộc gặp gỡ với những yếu nhân, giống như chuyến đi Thái Bình lần này là một ví dụ.
Theo như chương trình đã định, vợ chồng nhà báo Thu Vân lái hai xe ô tô đến đón chúng tôi tại nhà Đỗ Quảng ở phố Nguyễn Chí Thanh từ sớm. Ngoài Đỗ Quảng ra, tất cả những người còn lại đều là lần đầu tôi gặp mặt. Đỗ Quảng giới thiệu từng người. Đến lượt Nick Út tôi bắt tay rất chặt và theo thói quen tôi chào hỏi ông bằng mấy câu tiếng Anh bồi, ông cười hồn nhiên cởi mở đến là thân thiện: “Thôi, nói tiếng Việt đi!”. Và tôi cảm thấy gần gũi ông ngay từ câu nói đầu tiên ấy.
Tôi được bố trí ngồi chung xe với Đỗ Quảng và Nick Út do anh Đỗ Bảo, chồng của Thu Vân lái. Ngồi xe của Thu Vân có nhà báo Peter người Anh và mấy người nữa. Chúng tôi lên đường trực chỉ gia đình bố mẹ Đỗ Bảo ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đường tốt, xe xịn, thời tiết đẹp, chuyện trên đường cứ nổ như ngô rang. Nghe chuyện của hai nhà báo chiến trường đã từng đến từ hai đầu chiến tuyến, tôi thầm nghĩ, trên đời này có điều gì khác biệt mà lại không trở thành hòa hợp một khi nó được điều chỉnh theo nhịp đập của những trái tim thiện chí và nhân hậu?
Hai thầy trò nhà báo Đỗ Quảng và Thu Vân.
Đến Nam Định đoàn dừng lại nghỉ ngơi tại một quán giải khát. Tôi ngồi đối diện trò chuyện với hai thầy trò Đỗ Quảng - Thu Vân. Đến lúc này tôi mới được biết người phụ nữ có khuôn mặt khả ái và dáng dấp người mẫu này đã từng là Tổng thư ký tòa soạn Báo Đời sống và Pháp luật, một tờ báo lớn ở Việt Nam. Rồi chị bỏ nghề chuyển sang kinh doanh, và sau cả chục năm lăn lộn thương trường, hai vợ chồng chị nay đã là chủ của một doanh nghiệp tên tuổi, có văn phòng đại diện ở nước ngoài. Tôi hỏi sao lại có sự chuyển dịch lạ lùng đến thế? Chị bảo, cuộc đời con người ta mọi thứ đều tùy duyên mà có, em ngộ ra điều này và thuận theo nó cũng là nhờ thầy Quảng và cũng từ thực tế đời sống mà thành anh ạ! Tôi lấy điện thoại chụp ảnh chân dung, cố ghi lại cái thần thái hai con người nổi tiếng rồi chuyển ảnh ngay cho họ.
*
Ngôi làng Phượng Cáp xã Hiệp Hòa - Vũ Thư, Thái Bình của doanh nhân Đỗ Bảo cũng giống như nhiều ngôi làng văn hóa khác ở vùng đồng bằng Sông Hồng mà tôi có nhiều dịp lui tới. Đường ngang ngõ tắt rộng rãi phong quang, những ngôi nhà vườn duyên dáng như những ngôi biệt thự, hoa nở rực rỡ phủ trên những hàng rào thâm thấp và những cánh cổng sắt hoa văn thanh bình nửa đóng nửa mở. Hai chiếc ô tô vào làng êm ả lăn trên con đường bê tông phẳng phiu sạch sẽ. Đã thấy những chiếc ô tô khác đỗ rải rác ven hàng rào. Đỗ Bảo cho xe lách qua một khoảng trống rồi từ từ dừng lại và mời mọi người xuống xe. Anh phân trần, đường làng mở rộng thế nhưng nay thành chật vì hầu như nhà nào cũng có ô tô các anh ạ! Nick Út hỏi như không phải là hỏi, đây là nhà quê à? Vâng, đây là Phượng Cát, một làng thuần nông của quê hương Thái Bình chúng em, Đỗ Bảo trả lời.
Nick Út giơ máy ảnh hướng về dãy ô tô và con đường làng bấm máy. Trong khoảnh khắc im lặng của nhà báo Mỹ, dường như Đỗ Bảo đã nhận ra điều gì đó đã khiến cho ông trở nên trầm ngâm, và anh nhanh nhẹn kể như có ý giải thích, làng này trước chỉ làm ruộng nghèo lắm, nhưng ngày nay lớp trẻ trong làng đã thoát ly ra thành phố lập nghiệp, không ít người đi làm ăn xa ở nước ngoài, nhiều người thành đạt khá giả gửi tiền về cho bố mẹ xây nhà xây cửa, tài trợ cho thôn xóm hình thành quỹ cộng đồng xây dựng nông thôn mới, từ đấy mà xóm làng trở nên khang trang sạch đẹp, chẳng riêng gì làng em mà đi đến đâu ở Thái Bình bây giờ cũng gặp cảnh như thế. Nick Út im lặng rồi quay sang hỏi tôi, Thái Bình à, có phải Thái Bình 5 tấn không? Tôi gật đầu, đúng rồi đây là quê hương 5 tấn. Sao gọi là quê hương 5 tấn? Tôi giải thích tóm tắt từ lúc năng suất lúa miền Bắc Việt Nam rất thấp chỉ hơn 2 tấn một hecta, Nhà nước đầu tư thủy lợi rộng khắp và nghiên cứu đưa giống lúa mới vào canh tác, hướng dẫn nông dân đưa các quy trình canh tác tiên tiến vào đồng ruộng, kết quả là năng suất lúa đã nâng dần lên, và Thái Bình là tỉnh đi đầu toàn miền Bắc đạt được năng suất bình quân 5 tấn một hecta nên đã được vinh danh là Quê hương 5 tấn! Hai nhà báo chiến trường nghe tôi giải thích, Nick thì gật gù, còn Đỗ Quảng thì nheo mắt cười hưởng ứng.
Nhắc đến cái thời xa xăm ấy tự dưng tôi lại nhẩm hát thành lời bài Hai chị em của nhạc sĩ Hoàng Vân như muốn minh họa lại cái không khí hào sảng những gì đã qua: Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai 5 tấn quê ở Thái Bình. Hai chị em trên hai trận tuyến, anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang…! Vừa hay lúc đó mọi người đã đi vào đến sân. Một người cao tuổi bước ra, Đỗ Bảo bước lên, giới thiệu đây là bố em, còn đây giới thiệu với bố nhà báo Mỹ…, nhà báo Việt… thầy giáo của vợ con ngày trước, đây là… Nhóm ô tô thứ hai cũng vừa vào, thủ tục giới thiệu cũng thế. Xong xuôi chủ nhà mời khách ngồi vào bàn nước kê dưới một mái hiên rộng nhìn ra vườn cây trước mặt.
Ông chủ nhà Đỗ Dược giới thiệu với khách về ngôi nhà cổ của mình.
Sau một tuần chè xanh ủ trong ấm giỏ nhâm nhi với kẹo lạc Sìu Châu Nam Định và Bánh Cáy đặc sản Thái Bình, tôi đề nghị với ông chủ nhà Đỗ Trí Dược cho phép mọi người đi thăm ngôi nhà và sân vườn của gia đình. Sáng kiến của tôi được nhiệt liệt hưởng ứng. Ông Dược giới thiệu, ngôi nhà và thổ đất này được các cụ nhà tôi bồi chúc và xây dựng nên từ hơn trăm năm trước, tính đến đời con nhà thằng cháu Bảo thì cũng đã 13 thế hệ. Biết bao vật đổi sao dời, biết bao thay thầy đổi chủ nhưng rồi gia tộc chúng tôi vẫn giữ được trọn vẹn như xưa. Trong lúc đi thăm, tôi luôn thấy Nick Út mỗi khi được nghe kể về một điều gì đó thì đều đưa máy ảnh lên bấm, có lúc lại thấy ông chuyển sang chế độ quay camera.
Cũng phải nói thật là đã từ lâu lắm rồi tôi mới được nhìn thấy một ngôi nhà cổ ở nông thôn miền Bắc mà còn giữ được những nét kiến trúc và bài trí căn bản như ngôi nhà này, cho nên sau khi tham quan một vòng, lúc tất cả quay về tề tựu đông đủ trên mặt sân gạch rộng trước hiên nhà, tôi liền kể với mọi người, nhưng cũng có ý là dành nhiều hơn cho Nick Út, rằng đây là một mẫu nhà ở điển hình của một gia đình nông dân khá giả ở đồng bằng Bắc Bộ khi xưa.
Những ngôi nhà như thế thường có đầy đủ những tiêu chí cơ bản như: nhà ngói cây mít, ba gian hai chái, tường hoa bể nước, hàng cau liên phòng, sân trước vườn sau, kín cổng cao tường. Nghe tôi nói thế ông chủ nhà mới bảo tôi sống ở thành phố sao mà hiểu nông thôn rõ vậy? Tôi khoe cũng là nhờ những năm học sơ tán ở nông thôn mà có được sự hiểu ấy, chẳng biết có đúng thế không. Ông Dược gật đầu tỏ ý tán thành rồi quay sang phía nhà báo Mỹ chỉ tay vào bức tường thấp ngang thắt lưng chạm trổ hoa lá giới thiệu, ví như bức tường hoa đây, nó được xây nên để ngăn cách mảnh sân gạch này với mảnh vườn bên cạnh.
Bên ngoài vườn, chạy dọc sát bức tường hoa là một dãy cau được trồng thẳng tắp gọi là hàng cau liên phòng. Về mùa mưa bắc máng làm bằng nửa thân cau nối với nhau để hứng nước mưa từ thân cau cho chảy vào cái bể nước xây cuối bức tường hoa. Nước mưa cũng được hứng từ mái ngói theo máng chảy vào bể. Ở nông thôn ngày trước, những nhà khá giả thường xây những cái bể lớn nửa chìm nửa nổi dự trữ nước mưa đủ dùng quanh năm, nhưng đấy là chuyện ngày xưa chứ bây giờ làng đã có nước máy bắt vào từng nhà nên bể nước dự trữ cũng phá đi từ đấy. Say sưa nghe bác nông dân vùng quê 5 tấn lúa xứ Bắc kể lại đôi nét sinh sống quê mình, nhà báo Mỹ sinh ra và lớn lên ở vùng quê tôm cá hoa trái đồng bằng Nam Bộ mới bảo, làng quê Nam Bộ không giống như ở đây, nhà cửa đa phần xây cất đơn giản hơn! Vâng đúng thế, sinh hoạt nếp sống mỗi nơi mỗi khác tùy thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên, trong đó khí hậu ôn hòa, giông bão không có mấy nên nhà cửa xây cất phóng khoáng nhẹ nhàng cũng là thuận thiên, Nick Út gật đầu tỏ vẻ tán thành với lời giải thích của tôi.
Theo hướng dẫn của chủ nhà chúng tôi được vào tham quan một khu vườn cây cảnh bonsai của gia đình cách khu nhà ở không xa. Đấy là một khu vườn rộng kín cổng cao tường, nơi chăm sóc và giữ gìn hàng trăm chậu cây cảnh quý. Rất nhiều chậu cây được Hội sinh vật cảnh đặt tên, phong tặng danh hiệu và định giá, ví dụ như chậu cây mang tên Đa Ngũ Phúc đã từng được trưng bày đặt ở vị trí trung tâm vườn hoa Lý Thái Tổ nhân dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, được trả giá 4,5 tỷ đồng nhưng chủ nhà không bán… Trước đây tôi đã từng nghe có những chậu cây cảnh của các đại gia đáng giá bạc tỷ, thậm chí chục tỷ đồng, nghe thấy nó hoang đường thế nào ấy, nhưng hôm nay đứng giữa khu vườn cây cảnh này, tôi tin điều đó là có thật.
Thăm Nhà Thờ Đổ xã Hải Tiến, Nam Định.
…Cứ thế, cứ thế, cuộc đi chơi theo kiểu lướt sóng ngẫu hứng của chúng tôi đã qua trọn một ngày để rồi kết thúc ở cuộc viếng thăm ngôi nhà thờ đổ ở bãi biển Hải Tiến, Hải Hậu, Nam Định vào lúc chiều muộn. Có một điều thú vị là trong suốt chuyến đi, kể cả lúc ăn lúc ngồi nghỉ, lúc ngắm cảnh hay chụp ảnh… thì hầu như lúc nào vẫn cứ thấy hai ông bạn Đỗ Quảng - Nick Út ở bên cạnh nhau. Tôi phát hiện ra điều ấy khi xem lại những bức ảnh mình chụp một cách ngẫu nhiên. Hay thật đấy! Hai ông già, chơi với nhau cả nửa thế kỷ mà lúc nào cũng thấy họ nói chuyện được với nhau. Chuyện gì mà lắm thế không biết? Và đến đây thì tôi chợt nhớ đến mấy dòng thơ cổ của người xưa:
Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu.
Thoại bất tương đồng bán cú đa.
Có nghĩa là: Rượu uống với người tri kỷ thì nghìn chén vẫn còn ít. Chuyện nói mà không phù hợp thì nửa câu đã là nhiều! Tư duy của cổ nhân là thế, “đanh đá” thật đấy, nhưng nghĩ lại cũng thấy đúng. Rồi tôi tự nhủ lòng, hai nhà báo chiến trường Đỗ Quảng và Nick Út, họ gặp nhau khi đến từ hai đầu chiến tuyến nửa thế kỷ rồi mà tình bạn của họ vẫn gắn bó, hình ảnh đẹp đó mới thật xứng đáng để minh họa cho hai câu thơ trên.