Sau khi nghe báo cáo và ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ban, ngành, hoan nghênh những kết quả đạt được trên các lĩnh vực công tác, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong những vấn đề lớn liên quan đến lĩnh vực kinh tế - xã hội, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, gần 40 năm qua, Ban Kinh tế Trung ương đã có rất nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn quan trọng về quản lý kinh tế - xã hội, góp phần đưa đất nước ta đạt được những thành tựu phát triển kinh tế đầy ấn tượng và đáng tự hào.
Tổng Bí thư đã gợi mở nhiều nội dung đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tập trung nghiên cứu sâu, toàn diện để tham mưu, đề xuất với Trung ương trong thời gian tới.
Nhấn mạnh muốn có một bộ máy hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, buộc phải thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư nêu rõ, Ban Kinh tế Trung ương cần cách mạng về tư duy, cách mạng về tổ chức bộ máy để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới, phương thức làm việc để tạo đột phá về hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Điều này gắn với mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mà Trung ương đang đề ra.
Ban Kinh tế Trung ương phải hình thành một cơ quan nghiên cứu tham mưu chiến lược hàng đầu của Đảng về kinh tế - xã hội, có uy tín quốc tế, trên cơ sở không ngừng kế thừa những thành tựu đã có và phát triển lên tầm cao mới, phải luôn luôn kiên định và đổi mới trên cơ sở phải thấm nhuần sâu sắc nguyên tắc cốt lõi của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm xuyên suốt của Đảng nhất là cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Tổng Bí thư đề nghị, không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, tăng cường năng lực hoạch định chiến lược, năng lực nghiên cứu, phân tích, dự báo. Nhất là trước các xu hướng lớn của thế giới như cách mạng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, thách thức về an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống, tình hình địa kinh tế - chính trị khu vực và quốc tế, từ đó đề xuất chủ trương, chính sách, giải pháp phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo về kinh tế - xã hội của Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa với cơ quan hành pháp, lập pháp, các Ban xây dựng Đảng, địa phương trong sơ kết, tổng kết các chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội, trước mắt là tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng, thành quả 40 năm đổi mới đất nước.
Ban cần chủ động hợp tác quốc tế với cơ quan nghiên cứu, lý luận của các Đảng anh em; hợp tác với tổ chức quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu về chính sách hàng đầu trên thế giới; vừa học tập những kinh nghiệm phát triển hay của nước bạn; đồng thời chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm phát triển thành công của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Để đạt được các yêu cầu nhiệm vụ, Tổng Bí thư chỉ rõ, điều cốt lõi là phải hình thành đội ngũ nghiên cứu cao cấp, chuyên sâu, phải kết nối và sử dụng chất xám của những nhà trí thức thực sự, chuyên gia, nhà khoa học có năng lực và tâm huyết; xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ công chức có chất lượng cao, năng lực nghiên cứu độc lập, bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ.
Tổng Bí thư đề nghị, Ban Kinh tế Trung ương chủ động, tích cực tham gia đóng góp cả về lý luận, thực tiễn, phát hiện những nhân tố mới, mô hình hay, đúc kết kinh nghiệm tốt, đóng góp thiết thực vào việc chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, trong đó có việc hoàn thiện các văn kiện của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.
Được thành lập theo Quyết nghị số 57 ngày 30/9/1950 của Ban Thường vụ Trung ương (khóa I), kể từ khi thành lập đến nay, dù trải qua nhiều lần hợp nhất, điều chỉnh về tên gọi và chức năng, nhiệm vụ nhưng Ban Kinh tế Trung ương vẫn khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong việc tham mưu giúp Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời các vấn đề lớn về kinh tế - xã hội.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban đã chủ trì xây dựng và hoàn thành 23 đề án về kinh tế - xã hội trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 19 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, cụ thể gồm: 03 nghị quyết của BCH Trung ương; 07 nghị quyết và 04 kết luận của Bộ Chính trị; 02 kết luận và 03 Chỉ thị của Ban Bí thư. Đây là các văn kiện hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các quan điểm, định hướng lớn của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Bên cạnh việc chủ trì xây dựng các đề án, Ban đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng 15 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng về kinh tế - xã hội.