Vào tháng 10 cùng năm chính phủ Đan Mạch đã đưa ra chiến lược dài hạn cho những nỗ lực toàn cầu về khí hậu, mang tên "Một thế giới xanh và bền vững". Chiến lược này định hướg cho các nỗ lực quốc tế về khí hậu với tư cách là quốc gia tiên phong xanh trong chính sách đối ngoại, phát triển, thương mại và khí hậu. Bài viết tổng hợp một số nét cơ bản về con đường đi đến phát thải ròng không của Việt Nam.
Vị thế Đan Mạch trong phát triển xanh toàn cầu
Mục tiêu quốc gia của Đan Mạch là giảm 70% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, Chiến lược này cho thấy tham vọng xanh của Chính phủ được chuyển trực tiếp thành hành động và tạo ảnh hưởng toàn cầu. Chính phủ Đan Mạch đã kích hoạt tất cả các lĩnh vực và chính sách quốc tế có liên quan trong chiến lươc"Một thế giới xanh và bền vững". Là một phần trong chiến lược phát triển Quốc gia, chính phủ Đan Mạch đã tăng cường thỏa thuận đối tác chiến lược và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh ở cả các nước có thu nhập cao, đang phát triển và những kinh tế mới nổi.
Việt Nam và Đan Mạch có quan hệ đối tác lâu dài trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh. Đan Mạch sẽ tiếp tục quan hệ đối tác với Việt Nam để chia sẻ bí quyết và công nghệ tiên tiến cho các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, đây là đòn bẩy thiết yếu cho quá trình chuyển đổi xanh và giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam.
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không là một ấn phẩm trong chuỗi các Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam, được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch đã đưa ra các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, tập trung vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Thông điệp của báo cáo rõ ràng: Về lựa chọn tốt và hiệu quả nhất về chi phí nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững của Việt Nam, mở rộng quy mô điện mặt trời và điện gió, cũng như điện khí hóa ngành giao thông vận tải và công nghiệp. Điều quan trọng báo cáo gợi ra là cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam để tránh những chi phí lớn không cần thiết. Đặc biệt, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể về cách Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050 và đảm bảo đạt đỉnh phát thải CO2 vào năm 2030.
Thực trạng năng lượng Việt Nam từ góc nhìn nghiên cứu
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Hoàng Quốc Vượng cho biết, cùng với tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 7,26% trong giai đoạn 2001-2010 và 5,91% trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu năng lượng đã gia tăng với tốc độ cao, trung bình trong giai đoạn 2001-2010 là 13%/ năm và khoảng 11% trong những năm từ 2011 đến 2015.
Nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã thi hành những chính sách để phát triển bền vững ngành năng lượng, trong đó, tập trung vào các giải pháp phát triển bền vững năng lượng tái tạo (NLTT) và thúc đẩymạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam khai thác gần như tối đa nguồn tài nguyên hóa thạch, đã phải nhập thêm than đá, khí đốt và trở thành một trong những nước nhập khẩu năng lượng. Than đá là đầu vào được sử dụng nhiều nhất chiếm tới 53% trong cơ cấu năng lượng, tạo ra 33% sản lượng điện, trong khi năng lượng tái tạo mới chiếm 26% và việc phát triển hạ tầng truyền tải phù hợp đang là thách thức lớn.
Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam (Vietnam Energy Outlook) được xây dựng công phu, qua quá trình tham vấn mở, đưa ra những phân tích về lộ trình phát triển hệ thống năng lượng Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không và các cam kết quốc tế khác về giảm phát thải. Báo cáo đã xây dựng những kịch bản với mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, nhấn mạnh đến tác động của tính bất định về công nghệ, tăng trưởng xanh, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, giao thông xanh và xem xét các quy hoạch điện lực, năng lượng và các quy hoạch liên quan đã được phê duyệt. Cập nhật công nghệ phát điện, công nghệ sản xuất năng lượng xanh và các thông số liên quan. Báo cáo này được kỳ vọng là một tài liệu tham khảo quý giá hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, đầu tư, học thuật trong lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.
Thay cho lời kết
Đồng chủ trì lễ công bố báo cáo, Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch, Kristoffer Böttzauw cho rằng: “Việt Nam và Đan Mạch đều có chung mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không thể hiện nỗ lực hợp tác của hai nước trong quá trình chuyển đổi xanh và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Báo cáo cho thấy, Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào và chuyển đổi xanh sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững cho toàn xã hội”.
Từ năm 2013, Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác dài hạn trong lĩnh vực năng lượng. Các chương trình hợp tác với Đan Mạch đã đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu của Việt Nam về đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cục Năng lượng Đan Mạch và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương,Việt Nam các chuyên gia trong nước và quốc tế đã xây dựng Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam. Đường đến phát thải ròng bằng không. Đây là báo cáo được xây dựng tại Việt Nam, đem lại những thông tin và kinh nghiệm có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách.
Với nhiệt tình đóng góp của các chuyên gia và những nhà khoa học, chúng ta có niềm tin và hy vọng con đường đến phát thải ròng bằng không ở Việt Nam sẽ sớm thành công./.