Tư duy dám đổi mới, mở hướng phát triển đột phá trong nông nghiệp

26/12/2022 22:08

Thời gian qua, với tư duy dám nghĩ dám đổi mới, cùng với việc tuân thủ quy trình canh tác sạch theo hướng thực phẩm an toàn, nhiều mô hình sản xuất đã tạo đột phá, mở hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị cho nông sản và tăng thu nhập cho nông dân…

Mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) cho hiệu quả kinh tế cao.

Hà Nội: Mở hướng đi cho nông nghiệp hữu cơ

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 2 điểm tại xã Thanh Văn và thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) mô hình thâm canh lúa theo hướng hữu cơ, quy mô 20ha. Cụ thể, 100% diện tích lúa sử dụng phân bón hữu cơ, áp dụng quy trình thâm canh cải tiến, lúa đẻ nhánh và trỗ tập trung. Tại các nơi thực hiện mô hình, yếu tố kỹ thuật đều bảo đảm. Quá trình sản xuất, diện tích lúa được sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học thay thế phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Chủ tịch UBND xã Thanh Văn Nguyễn Huy Oánh cho hay, với năng suất sản xuất theo hướng hữu cơ đạt 57,3 tạ/ha, vụ tới, xã tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất theo hướng này để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả. Đơn cử, từ tháng 4-2022, hộ gia đình ông Cao Xuân Trường ở thôn Cẩm Thủy (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã áp dụng mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP (1ha) nuôi cá chép, rô phi.

Ông Cao Xuân Trường chia sẻ, với sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ khuyến nông, hộ chăn nuôi tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn từ chăm sóc, quản lý, thu hoạch, hạn chế sử dụng kháng sinh đến sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình xử lý môi trường ao nuôi. Sau khi kiểm nghiệm đạt chuẩn an toàn, mô hình được cấp chứng nhận an toàn VietGAP, làm tiền đề để mô hình chuyển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tạo điều kiện cho sản phẩm thủy sản tiêu thụ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Thực tế hiện nay, sản phẩm chăn nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ có giá trị cao hơn so với chăn nuôi theo quy trình thông thường 10-20%, được người tiêu dùng tin tưởng.

Theo Trạm trưởng Trạm khuyến nông Phúc Thọ Khuất Thúy Thỏa, dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chăn nuôi thủy sản nên khi xây dựng mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, thay đổi thói quen chăn nuôi của bà con, sử dụng kháng sinh an toàn, đúng liều lượng. Ông Đỗ Tuấn Anh ở xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) cho biết, việc áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn VietGAP, hữu cơ, giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thay thế bằng sản phẩm sinh học thảo dược thân thiện môi trường, tăng sức đề kháng cho vật nuôi và cung ứng cho thị trường sản phẩm chăn nuôi an toàn, bảo đảm chất lượng.

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thông tin, sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ là quá trình dài, đòi hỏi nhiều công đoạn khắt khe từ môi trường đất, nước, không khí đến quy trình chăm sóc của người dân. Do đó, đơn vị hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình khuyến nông VietGAP và theo hướng hữu cơ làm tiền đề để sau 3-5 năm sẽ xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn, chất lượng cao. Mục tiêu của các mô hình sản xuất an toàn VietGAP nhằm chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ cho nông dân để nhân rộng trong sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ. Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, nâng cao năng lực canh tác cho nông dân, tăng hiệu quả đơn vị diện tích trên đồng ruộng. Hơn nữa, so với sản xuất thông thường, các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn, an toàn, thân thiện với con người, môi trường...

Để khuyến khích nông dân áp dụng trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có các chương trình hỗ trợ thông qua lồng ghép nguồn vốn chính sách nông nghiệp. Cùng với triển khai các dạng mô hình khuyến nông sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang nỗ lực hỗ trợ kết nối cung - cầu nhằm mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, góp phần từng bước hình thành nền nông nghiệp an toàn bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô...

Thanh Hóa: Tư duy dám nghĩ dám đổi mới từ trồng măng tây trong nhà lưới

Trên triền đồi dốc của gia đình ở thôn 4, xã miền núi Ngọc Liên (Ngọc Lặc), anh Phạm Phú Phục đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đầu tư hệ thống nhà lưới trồng cây măng tây. Tư duy dám nghĩ dám đổi mới, cùng với việc tuân thủ quy trình canh tác sạch theo hướng thực phẩm an toàn, giống cây trồng mới trên đất đồi Ngọc Liên này đã tạo được bước đột phá trong thu nhập. Mô hình còn tạo được hiệu ứng góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nhiều hộ dân địa phương, được nhiều đoàn đến tham quan, học tập, nhân rộng.

Mô hình trồng măng tây theo hướng công nghệ cao trong nhà lưới của anh Phạm Phú Phục, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) được nhiều chủ vườn tham quan, học tập kinh nghiệm.

Hai bên con đường bê tông dẫn vào mô hình vườn mẫu điển hình của huyện Ngọc Lặc, những hàng chè xanh tít tắp được trồng làm hàng rào đã tạo ấn tượng đầu tiên với những người khách đến thăm. Trên vườn đồi quanh căn nhà cấp bốn xinh xắn, từng hàng cây cảnh, cây ăn quả, đào phai được quy hoạch thành vùng canh tác khá khoa học, có sự cắt tỉa chăm bón mang đậm dấu ấn bàn tay cần cù lao động. Điểm đáng chú ý nhất của khu vườn chính là 2 khu nhà lưới với tổng diện tích 5.000m2 chuyên canh tác cây măng tây. Sau hơn 3 năm du nhập và canh tác theo hướng hiện đại, cây trồng mới này đã khẳng định được sự đột phá trong thu nhập, không chỉ với gia đình mà với cả địa phương.

Dẫn chúng tôi thăm khu nhà lưới sản xuất, người nông dân năng động đất Mường nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm canh tác của gia đình mình. Hệ thống tưới nhỏ giọt được lắp đặt đến từng gốc cây để cung cấp độ ẩm. Chỉ cần một thao tác mở vòi nước, khâu tưới được thực hiện thay thế cho nhiều lao động phun nước thủ công. Từng hàng măng tây mơn mởn xanh tốt được trồng thẳng hàng tít tắp. Trên những luống đất trộn chất mùn màu mỡ, hàng vạn mầm măng như những ngón tay liên tục đâm chồi...

Theo lời kể của chủ vườn sinh năm 1974 này, trước đây, gia đình anh trồng nhiều loại cây ăn quả trên đất vườn, trong đó có nhãn, bưởi, mít... Ở địa phương với quỹ đất vườn đồi rộng, nhà nhà đều canh tác những cây trồng như nhau dẫn đến khó khăn đầu ra cho sản phẩm. Cây ăn quả canh tác kiểu truyền thống, nhiều cây tạp và rậm rạp nên năng suất cũng không cao, đó là chưa kể liên tục lặp lại điệp khúc “được mùa rớt giá”. “Thấy cứ kéo dài hoạt động trồng trọt truyền thống thì mãi nghèo, không thể có đột phá nên tôi đã nung nấu tìm hướng mới. Sau khi đi tham quan nhiều mô hình ở Hà Nội, một số mô hình trồng măng tây ở Yên Định, Hoằng Hóa... Tuy yêu cầu kỹ thuật cao, nhưng tôi quyết tâm tìm hiểu, đầu tư trồng cây mới này. Đầu năm 2019, tôi mạnh dạn phá bỏ cây tạp trong vườn, vay mượn đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới để canh tác măng tây” - anh Phục kể.

Để chọn được giống măng phù hợp, anh Phục đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp ở huyện Hoằng Hóa chuyển giao kỹ thuật canh tác, đồng thời bao tiêu sản phẩm măng bền vững. Sau nhiều năm canh tác, chủ nhà lưới Phạm Phú Phục đã thạo như trong lòng bàn tay về đặc tính sinh học, kỹ thuật trồng và chăm sóc nghiêm ngặt của măng tây. Xác định canh tác sạch là hướng đi bền vững cho đầu ra sản phẩm, gia đình anh hầu như không dùng phân bón hóa học. Dinh dưỡng cho cây măng tây được cung cấp bởi phân chuồng hoai mục, các loại chất hữu cơ. Nhờ đó, sản phẩm đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Thanh Hóa kiểm định và công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Măng tây là cây trồng có thể cho thu hoạch ngay sau một vài tháng. Những năm qua, gia đình anh Phục phải thuê 3 lao động để thu hái mầm măng hằng ngày, những đợt thu hoạch rộ cần 4 đến 5 lao động. Liên tục hái, liên tục có những mầm đâm chồi nên măng tây cho thu hoạch quanh năm, trừ một số ngày mùa đông lạnh giá do cây phát triển chậm. Từ thực tế, trung bình mỗi ngày cây măng đem về thu nhập cho gia đình anh Phục từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Sản phẩm hái ra được doanh nghiệp ở huyện Hoằng Hóa thu gom đóng túi nhập đi các thị trường trong và ngoài tỉnh nên có tính ổn định. Theo hạch toán của gia đình, năm 2021, vườn măng tây cho tổng thu nhập hơn 1,1 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí vẫn có lợi nhuận hơn 330 triệu đồng. Năm 2022 này, vườn măng cho tổng thu khoảng 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 50%.

“Từ khi trồng măng tây, thu nhập của gia đình tôi có bước đột phá, xây dựng được nhà cửa khang trang, có điều kiện tái đầu tư cũng như cải tạo khuôn viên xanh - sạch - đẹp. Gia đình tôi hiện đang làm đất, cải tạo để phát triển thêm 5.000m2 nhà lưới tiếp theo” - chủ vườn Phạm Phú Phục, chia sẻ. Thời gian gần đây, nhiều hội làm vườn, các chủ vườn trong và ngoài huyện đã về tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ mô hình này.

Ở vùng đất màu mỡ này đã khẳng định thành công với cây sắn dây và dong riềng truyền thống, nhưng anh Phục đã cho nhiều người thấy hoàn toàn có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có thu nhập cao hơn nhiều. Tư duy sản xuất hiện đại cũng được nhiều người dân địa phương quan tâm nhờ học tập cách làm này.

Ông Nguyễn Viết Võ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Liên, cho biết: Mô hình nhà lưới trồng măng tây theo hướng hiện đại của anh Phạm Phú Phục là bước đột phá trong cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như tạo ra thu nhập ở địa phương. Xã cũng lựa chọn mô hình, xây dựng thành công vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương. Đây còn được coi là vườn mẫu nông thôn mới điển hình của huyện Ngọc Lặc.

Hưng Yên: Hướng phát triển kinh tế từ trồng dâu tây

Sau 3 năm làm việc tại Nhật Bản, đầu năm 2022, anh Lê Thế Mão, thôn Hồng Thái, xã Đông Kết (Khoái Châu) đầu tư nhà màng, quạt thông gió, hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 360m2 để trồng dâu tây. Anh Mão chia sẻ: Thời gian làm việc ở Nhật Bản, tôi được đi tham quan, tìm hiểu phương pháp trồng dâu tây. Do đó, ngay khi về nước, tôi đã bàn với gia đình đầu tư trồng dâu tây, mở hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Để có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế, tôi đã đi tham quan nhiều mô hình trồng dâu tây trên cả nước để học hỏi kỹ thuật xử lý giá thể, cách phòng, tránh một số bệnh thường gặp trên dâu tây.

Vườn dâu tây của gia đình anh Lê Thế Mão xã Đông Kết (Khoái Châu)

Cây dâu tây phù hợp với thời tiết ôn đới, nhiệt độ thích hợp dao động từ 19 đến 250C. Do đó, cuối tháng 9 dương lịch, khi tiết trời mát mẻ, anh Mão xuống giống gieo trồng dâu tây, đến cuối tháng 10 dương lịch, dâu tây ra hoa. Thời gian từ khi cây ra hoa đến thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng. Theo anh Mão, dâu tây thường gặp một số bệnh phổ biến như: Nấm rễ, nhện đỏ, nấm trắng… nên người trồng cần chú ý theo dõi để xử lý kịp thời. Hiện nay, vườn dâu tây của gia đình anh có 6 giống dâu tây có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hàn Quốc… với tổng số 4,5 nghìn cây, được trồng trên các khung sắt, xếp tầng. Quá trình sinh trưởng cho thấy, các giống dâu tây của Hàn Quốc phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam, chất lượng quả đồng đều, kháng chịu sâu bệnh.

Là cây trồng mới nên vườn dâu tây của gia đình anh Mão thu hút nhiều khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ đến tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm quá trình thu hoạch dâu tây. Hiện nay, dâu tây được bán tại vườn với giá 300 nghìn đồng/kg loại 1, loại 2 có giá 250 nghìn đồng/kg. Ưu điểm của dâu tây trồng trong nhà màng, trên các khung sắt là sạch, có thể thưởng thức tại vườn, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh, gia tăng mật độ trồng trên cùng 1 đơn vị diện tích.

Anh Mão cho biết thêm: Vụ dâu tây chỉ kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Khi năng suất quả ổn định sẽ cho sản lượng khoảng 1,2 tấn quả/sào/vụ. Thời gian tới, tôi có kế hoạch sản xuất siro dâu tây để đa dạng sản phẩm từ dâu tây. Cùng với đó, tiến hành trồng dưa lưới sau khi kết thúc vụ dâu tây để tận dụng khu vực nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt giúp nâng cao hiệu quả kinh tế; xây dựng phương án mở rộng sản xuất để phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm./.

Thanh Tâm (T/h)
Bạn đang đọc bài viết "Tư duy dám đổi mới, mở hướng phát triển đột phá trong nông nghiệp" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309