Tự hào 70 năm Giải phóng Thủ đô

Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến, biểu tượng vững bền của tinh thần và bản sắc Việt Nam. Với vai trò là trung tâm hội tụ tinh hoa dân tộc, Hà Nội không chỉ là niềm tin và hy vọng trong những năm tháng chiến tranh, mà còn là đầu tàu chính trị, kinh tế, dẫn dắt đất nước trên con đường đổi mới và hội nhập.

Chứng nhân lịch sử

Từ năm 1010, khi Vua Lý Thái Tổ viết Chiếu dời đô, Thăng Long đã trở thành chứng nhân cho bao thăng trầm của lịch sử. Nơi đây là nơi mà trái tim của dân tộc luôn hướng về, kiên cường trong từng bước đi dựng nước và giữ nước. Kinh đô Thăng Long cũng luôn là biểu tượng cho sự phát triển của nước Việt, với các giá trị chính trị, kinh tế, giao thương, văn hóa, nghệ thuật nổi bật và phát triển rực rỡ qua các thời kỳ.

Tỉnh Hà Nội ra đời năm Minh Mạng thứ 12 (năm 1831). Thành phố Hà Nội được thành lập vào năm 1858, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Những công trình mang dấu ấn văn hóa Pháp đã và đang làm nên vẻ đẹp kiến trúc Hà Nội, tạo nên đặc trưng riêng cho thủ đô với những câu chuyện gắn liền với một thời kỳ oanh liệt, hào hùng của người dân Hà Nội. Ban Chấp hành Lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập ngày 17 tháng 3 năm 1930, đánh dấu mốc son lịch sử về sự ra đời Đảng bộ đầu tiên của cả nước. Sự kiện Cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Năm 1946, kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa 1 thông qua Hiến pháp 1946, khẳng định nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, thủ đô đặt ở Hà Nội. Với tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, trong 60 ngày đêm của mùa đông năm 1946, quân và dân Hà Nội đã góp phần làm tiêu hao sinh lực, giữ chân đội quân tinh nhuệ của Pháp, để quân và dân cả nước có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Trải qua 9 năm kiên cường đấu tranh bằng nhiều hình thức, quân và dân Hà Nội đã cùng góp công, góp sức vào chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Để rồi, ngày 10 tháng 10 năm 1954, giải phóng thủ đô, lớp lớp đoàn quân tiến về Hà Nội tiếp quản thủ đô, tạo nên một ký ức không thể nào quên trong hành trình lịch sử của đất nước.

hoguom3-1456596622-660x0-tlimjpg-1728493676.jpg

Hồ Gươm đầu thế kỷ 20 còn nhiều nét hoang sơ.

Hà Nội tái thiết sau giải phóng

Ngay sau khi giải phóng, Hà Nội nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Những nhà máy, xí nghiệp bên trong rộn ràng tinh thần lao động hăng say; những hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến mang tới nhịp điệu sản xuất mới. Cánh cổng trường đại học rộng mở chào đón những trí thức sẽ góp trí tuệ cho dựng xây, kiến thiết nước nhà. Đời sống người dân được quan tâm với các khu tập thể mới, các bệnh viện lớn được xây dựng. Hà Nội mỗi ngày lại thêm khẳng định vai trò và vị thế của thủ đô yêu dấu. Những thành quả được vun đắp từ tình yêu và hy vọng, cùng những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, đã dệt nên một Hà Nội mạnh mẽ và đầy lòng nhân ái, một Hà Nội từng ngày phát triển và vươn lên.

Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội đã gồng mình chịu đựng kiên cường, đấu tranh vì hòa bình. Những phong trào sôi nổi đã làm nên một Hà Nội sẵn sàng vì cả nước, vì miền Nam ruột thịt, sẵn sàng, đảm đang. Trong 10 năm từ 1965 đến 1975, Hà Nội có 29 đợt tuyển quân, động viên hơn 89.000 thanh niên lên đường chiến đấu trên các chiến trường miền Nam. Trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972 đã khắc ghi chiến công lẫy lừng của thủ đô, mở đường cho Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, mang lại bình yên cho quê hương.

Chiến công của Hà Nội đã và mãi được bạn bè thế giới cùng cả nước ngợi ca là thủ đô của lòng chi và phẩm giá con người. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, Hà Nội cùng cả nước vỡ hòa trong niềm hạnh phúc, chào đón ngày thống nhất. Từ đây, Hà Nội tiếp tục hành trình xây dựng một Việt Nam vững mạnh, sẵn sàng sánh vai cùng các cường quốc nam châu.

Thành phố anh hùng và thời kỳ đổi mới

Ngày đất nước thống nhất, Hà Nội tiếp tục được Quốc hội chọn làm thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ 1976 đến 1980, Hà Nội cùng cả nước bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ hai, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Phong trào thi đua yêu nước dâng cao với các chiến dịch đổi mới trong công nghiệp, nông nghiệp và đô thị. Những công trình mang tính biểu tượng như sân bay Nội Bài, cầu Thăng Long, cầu Trương Dương và các khu nhà cao tầng xuất hiện, đánh dấu sự chuyển mình của thành phố Hà Nội.

520230729164224202307291709244115860-1728493329.jpg

Thủ đô ngày càng hiện đại và văn minh

Hà Nội cũng bắt đầu giao thương với các nước xã hội chủ nghĩa, với hàng xuất khẩu là thủ công mỹ nghệ, sản phẩm may mặc và giày dép. Các nhà máy như Rạng Đông, Dệt Minh Khai, Giày Hà Nội trở thành biểu tượng của nền kinh tế khởi sắc. Một Hà Nội đẹp thêm mỗi ngày dần hiện hữu với những công trình hiện đại, mang tới những diện mạo hoàn toàn mới cho thủ đô. Văn hóa xã hội được coi trọng và đầu tư nhiều, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Giao thông ngày càng phát triển, mở rộng kết nối thủ đô dễ dàng với các địa phương vệ tinh xung quanh. Những khu tập thể mới mang tới sức sống mới cho người dân.

Để rồi từ thủ đô, những bước chân người Hà Nội lại đi tới những vùng kinh tế mới. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ sáu của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới kinh tế được xác định là trọng tâm và đạt được nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế, xây dựng, quản lý đô thị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.

Thời kỳ đổi mới và hội nhập từ 1986 đến 2008 đã tạo nên bước ngoặt lớn cho Hà Nội và cả nước. Kinh tế thủ đô chuyển dịch mạnh mẽ, tăng trưởng cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thành phố đổi mới quản lý kinh tế với ba chương trình lớn: sản xuất hàng lương thực, tiêu dùng và xuất khẩu. Sau ba lần điều chỉnh địa giới hành chính lớn, Hà Nội phát triển mạng lưới giao thông công cộng, quy hoạch đường vành đai, cầu vượt và hệ thống xe buýt. Nhà ở, nhà chung cư cao tầng được chú trọng phát triển, như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Khu đô thị Nam Thăng Long, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính và khu đô thị Mỹ Đình. Diện mạo Hà Nội ngày càng hiện đại với các trung tâm thương mại, khu đô thị mới. Văn hóa xã hội được đầu tư mạnh mẽ, góp phần nâng cao vị thế của thủ đô.

Năm 1999, thủ đô Hà Nội tự hào được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) chọn là thành phố tiêu biểu của châu Á - Thái Bình Dương và là một trong năm thành phố trên thế giới nhận giải thưởng "Thành phố vì Hòa Bình." Hà Nội trở thành biểu tượng của sự an toàn, thân thiện, nhân văn. Năm 2000, Nhà nước trao tặng thành phố Hà Nội danh hiệu "Thủ đô Anh Hùng" vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước nhu cầu cấp thiết về một không gian phát triển đủ lớn cho Hà Nội, Hội nghị Trung ương lần thứ Sáu khóa 10 đã quyết định mở rộng địa giới hành chính thủ đô vào tháng 1 năm 2008. Gần nửa năm sau, nghị quyết này được Quốc hội thông qua với tỷ lệ ủng hộ 92,9%. Hà Nội chính thức trở thành một trong 17 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới, với hơn 3.000 km2.

Hà Nội không ngừng nỗ lực vươn lên, xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, hòa nhập, hội nhập sâu rộng. Với nền kinh tế không ngừng lớn mạnh, thủ đô luôn giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, với tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Những dấu ấn lịch sử cùng các giá trị văn hóa của Hà Nội vẫn tồn tại, tỏa sáng trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế. Từ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, những lễ hội dân gian độc đáo đến các truyền thống tốt đẹp của con người nơi đây, tất cả đã dệt nên một bức tranh tươi đẹp cho thủ đô.

Hà Nội đang bước vào thế kỷ XXI với những khát vọng mạnh mẽ. Những hoạt động văn hóa - xã hội, kinh tế - thương mại, thể thao - giải trí đã và đang phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò của Hà Nội trên bản đồ quốc tế. Những dự án giao thông hiện đại, những công trình hạ tầng lớn đang tiếp tục được đầu tư xây dựng. Với tầm nhìn phát triển bền vững, Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp và hiện đại. Thành phố sẽ tiếp tục là nơi hội tụ các giá trị văn hóa, lịch sử và nhân văn của đất nước, đồng thời cũng là nơi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế đất nước.