Tuyên Quang: Lễ hội Lồng Tông của người Tày xã Thượng Lâm

Sáng 12/2, tức 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ, UBND xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) long trọng tổ chức Lễ hội Lồng Tông. Đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Tày nơi đây.
thuonglam-2-1739325443.jpg
Đoàn rước lễ từ đền Bà Chúa đến kệ tồng tại sân vận động Nà Tông đánh trống khai hội

Ông Ma Công Khâm, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm cho biết: Xã có khoảng 90% đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Lễ hội Lồng Tông là hoạt động tín ngưỡng cầu mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp để người Tày tri ân trời đất, tri ân Tổ tiên dòng họ, ông, bà, cha, mẹ, những người đã khai phá ra những mảnh ruộng đầu tiên và truyền dạy việc nuôi trồng, cấy hái, sự sinh khắc chuyển vần của ngũ hành, của trời đất, nắng mưa, sương gió, của mồ hôi lao động đã tạo nên những sản vật quý giá để nuôi sống con người…

thuonglam-1-1739325444.jpg
Ông Ma Công Khâm, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm

Phần lễ tại đền Bà Chúa tại thôn Nà Liềm được dòng hộ Ngô và con cháu  rước từ khu vực Trung tâm chợ về đến sân vận động của xã, và lễ dâng hương của các lãnh đạo xã Thượng Lâm tại chùa Phúc Lâm, thôn Nà Tông.

thuonglam-4-1739325444.jpg
Thầy mo làm lễ cúng tại lễ hội

Các lễ vật dâng cúng đều là các sản vật phẩm làm ra từ nông nghiệp đã được nhân dân dâng lên các vị thần linh, như mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh dầy, xôi ngũ sắc... thể hiện lòng biết ơn của con người với trời đất đã cho mùa màng bội thu, và thể hiện ước vọng của năm mới được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Khi các mâm lễ đã được đặt lên kệ tồng, thầy cúng kiểm tra lại và tiến hành các nghi thức cúng lễ với những bài khấn cầu thần nông, thần sông, thần núi,… phù hộ cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống của dân làng được bình yên.

thuonglam-3-1739325444.jpg
Mâm lễ cúng của người dân địa phương

Cùng với các hoạt động rước lễ, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đi kà kheo và không thể thiếu những làn điệu then mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày ở các địa phương đến giao lưu.

Đặc biệt, hấp dẫn và khó nhất là phần thi Tung còn; để chiến thắng, người chơi phải ném quả còn trúng vòng tròn được bọc giấy đỏ tâm vàng treo trên ngọn tre cao vút. Hàng trăm người chơi, may mắn chỉ có 1, 2 người tung còn trúng điểm. Người Tày quan niệm, nếu quả còn trúng đích khiến miếng giấy bọc trên đó bị thủng thì năm đó dân bản được thần thánh ban ơn, mọi việc đều may mắn, suôn sẻ…

Những trò chơi dân gian truyền thống trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hóa lâu đời của người Tày.

Lễ hội cũng là dịp để bà con các thôn trong xã có dịp trưng bày nhiều sản vật địa phương trên các mâm cúng, các gian hàng trưng bày như để báo cáo với đất trời về thành quả của một năm lao động miệt mài.

Không chỉ là hoạt động tín ngưỡng cầu cho mưa thuận, gió hoà, vạn vật sinh sôi nảy nở, Lễ hội Lồng Tông xã Thượng Lâm còn thể hiện khát vọng vươn tới ấm no, hạnh phúc của mọi người, mọi nhà, là lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với lớp lớp tiền nhân.

Trong thời khắc của những ngày đầu xuân năm mới, du khách gần xa cùng toàn thể nhân dân đã tung những quả còn cầu may, lắng nghe những làn điệu dân ca và hòa mình vào các hoạt động lễ hội. Thông qua đó đã tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân.