Lâm Đồng: Vì những cung đường an toàn, bình yên

2 Tổ chuyên đề đặc biệt được thành lập và làm việc liên tục tại 12 huyện, thành phố đã đem đến hiệu quả cao trong tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên các tuyến đường liên xã, phường, đường nội thành trong toàn tỉnh. Sau hơn 1 tháng ra quân, các Tổ chuyên đề đã thực hiện 328 ca tuần tra kiểm soát với 1.540 cán bộ, chiến sỹ tham gia, dừng 10.244 lượt phương tiện để kiểm soát.

21 giờ tối, trời vừa tạnh sau cơn mưa lớn, Tổ chuyên đề đặc biệt tại Công an huyện Đức Trọng bắt đầu ra quân kiểm tra vi phạm nồng độ cồn… Lúc gần 22 giờ, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) phát hiện một ô tô khi được đề nghị kiểm tra nồng độ cồn, tài xế liên tục tránh né, xuống xe gọi điện thoại, đồng thời, ra sức năn nỉ cán bộ CSGT bỏ qua việc kiểm tra nhưng không thành. Sau gần 2 giờ đấu tranh, người vi phạm đã chấp hành ký vào biên bản. Đó là công việc hàng ngày mà các Tổ chuyên đề đặc biệt đã và đang thầm lặng làm nhiệm vụ.

t6a-img-1726-20230709212920-1688967919.jpeg
Thực hiện đo nồng độ cồn tại huyện Đức Trọng.

• KHÔNG CÓ NGOẠI LỆ, KHÔNG CÓ VÙNG CẤM

So với năm trước, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh giảm về số vụ và số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình an toàn giao thông vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tâm, đó là do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu - bia, chất ma túy nhưng vẫn tham gia giao thông.

Tổ chuyên đề đặc biệt được thành lập từ ngày 20/5 và làm việc đến ngày 20/7 gồm các cán bộ, chiến sĩ và chỉ huy của Phòng CSGT, Đội CSGT - Trật tự của công an các huyện, thành phố và các lực lượng công an khác thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT trên địa bàn 12 huyện, thành phố. 

Với phương châm “Không có ngoại lệ, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm giao thông”, tất cả các hành vi vi phạm TTATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhiệm vụ của các Tổ là tập trung ở các địa bàn, tuyến đường liên xã, đường huyện, đường tỉnh, tuyến đường hướng về khu công nghiệp và khu vực có nhiều nhà hàng, quán ăn, các mỏ khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng… và tập trung xử lý các hành vi vi phạm theo 3 nhóm chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn; “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải; vi phạm tốc độ và các hành vi vi phạm TTATGT khác như: đi sai phần đường, làn đường, đi ngược chiều, đi vào đường cấm… Ngoài ra, tổ chuyên đề còn tập trung kiểm tra, kiểm soát xe mô tô, xe máy, xe ô tô chở vật liệu xây dựng, nông sản, xe ô tô con, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm...

Tổ chuyên đề được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định, sử dụng camera được cấp để ghi lại toàn bộ hoạt động trong ca tuần tra, các hành vi không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật khác làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Thường xuyên thay đổi phương thức, tuyến, địa bàn tuần tra kiểm soát; kết hợp giữa hóa trang và công khai, không cho các đối tượng nắm được quy luật hoạt động, biết trước khu vực kiểm tra để né tránh, có biện pháp đối phó lại lực lượng làm nhiệm vụ. Vào tất cả các ngày trong tuần, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn; tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với người điều khiển phương tiện, qua đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, kết hợp tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy; hậu quả, tác hại của việc sử dụng chất ma túy, rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông... Chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ, như vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại, chống người thi hành công vụ...

Kết quả đợt đầu thực hiện đợt cao điểm (từ ngày 20/5 đến 20/6), Phòng CSGT Công an tỉnh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông (TNGT), không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi đua xe trái phép, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến đường bộ. Lãnh đạo Phòng CSGT đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, trạm CSGT tập trung tổng ra quân xử lý chuyên đề nồng độ cồn, tốc độ, xe quá tải… 

t6a-img-0996-20230709212945-1688967919.jpeg
Tổ chuyên đề thực hiện nhiệm vụ tại huyện Đơn Dương.

• QUYẾT TÂM TẠO CHUYỂN BIẾN VĂN HÓA GIAO THÔNG

Thượng tá Đoàn Mạnh Toàn - Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Điểm nổi bật trong đợt cao điểm lần này là các Tổ chuyên đề đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, kiểm soát, xử lý quyết liệt tình trạng uống rượu, bia khi tham gia giao thông, chạy quá tốc độ, xe quá tải… phù hợp với thực tế từng địa phương. Từ đó tạo chuyển biến tích cực trong văn hóa giao thông cho mọi người dân, thể hiện sự quyết liệt trong xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, ý thức của người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để mỗi cung đường đều là một hành trình an toàn và ý nghĩa, rất cần sự chung tay, ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng.

Để phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ chuyên đề, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các Tổ luân phiên địa bàn theo nguyên tắc tổ trưởng là người không thuộc địa bàn kiểm tra, kiểm soát, xử lý giao thông. Phương thức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm kết hợp giữa tuần tra cơ động với kiểm soát tại một điểm. Phòng CSGT và công an cấp huyện có liên quan thường xuyên chủ động trao đổi thông tin, phối hợp phân công cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát có hiệu quả, bảo đảm đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngoài 12 Tổ chuyên đề tuần tra kiểm soát, công an các huyện, thành phố tùy theo điều kiện thực tế thành lập thêm các tổ để tuần tra, kiểm soát độc lập hoặc phối hợp với các Tổ chuyên đề. Công an các huyện, thị xã, thành phố đã tuyên truyền đến các cơ quan, ban, ngành và người dân trên địa bàn nắm về hoạt động của tổ tuần tra, kiểm soát để ủng hộ, tạo điều kiện cho các tổ tuần tra hoạt động hiệu quả.

Sau 1 tháng ra quân, các Tổ đã lập biên bản 1.701 trường hợp vi phạm, phạt tiền 6,98 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 429 trường hợp, tạm giữ 91 xe ô tô, 364 xe mô tô. Đặc biệt, đã đo kiểm tra nồng độ cồn 7.649 lượt, lập biên bản 309 trường hợp vi phạm, tạm giữ 309 phương tiện; số lượt đo tốc độ đạt 1.454 lượt, lập biên bản 864 trường hợp, tước 215 giấy phép lái xe, tạm giữ 67 phương tiện.

Trong đợt ra quân, cũng theo dõi, kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích, những tấm gương người tốt, việc tốt trong tuyên truyền, đảm bảo TTATGT, phòng, chống tội phạm, gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động đang thực hiện trong lực lượng Công an Nhân dân.

Kết quả xử lý vi phạm của các Tổ chuyên đề được dư luận và quần chúng Nhân dân ủng hộ. Câu chuyện về “xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm từng gia đình”. Mọi người trong gia đình, bạn bè nhắc nhở nhau đã uống rượu, bia thì không lái xe, không chạy quá tốc độ cho phép. Từ đó đã dần dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân “không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia” và hạn chế tình trạng gây mất an ninh, trật tự, gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người do uống rượu, bia gây ra.

Công tác bảo đảm TTATGT tại tỉnh Lâm Đồng đang được đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, với xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng.

Đồng thời, thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về TTATGT của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về TTATGT; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân; giảm thiểu tai nạn giao thông.