Chiều 20-11 tại khách sạn Majestic (Q.1, TP.HCM), gần 300 doanh nghiệp, người bán hàng, sàn thương mại điện tử, người làm chính sách đã có mặt tham gia hội thảo 'Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử'.
Đáng chú ý tại Hội thảo là ý kiến của các hộ doanh nghiệp về những giới hạn để đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh việc đưa hàng Việt lên các sàn TMĐT là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn. Với tình hình các sàn TMĐT đã trở thành kênh phân phối quan trọng, giúp hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Mạnh dạn đưa các sản phẩm đạt OCOP lên các kênh
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm OCOP, trong đó có hơn 70% là được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao còn lại là sản phẩm 5 sao. Đến nay, chương trình OCOP đã vượt mục tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2025 phấn đấu có 10.000 sản phẩm.
Hiện nay, số lượng các sản phẩm OCOP đang phát triển rất nhanh, tính đến nay cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP. Chất lượng các sản phẩm OCOP được nâng cao và cải thiện, từ ứng dụng khoa học công nghệ đến bao bì mẫu mã. Công tác xúc tiến thương mại đã giúp cho các sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, để chương trình OCOP cần phải tiếp sức để vươn xa, tạo trục sản xuất nông sản để xuất khẩu, cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia trong khu vực và nâng cao giá trị gia tăng cho các chủ thể tham gia OCOP.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nhằm đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, công tác xúc tiến thương mại đã và đang được triển khai với nhiều giải pháp. Trong đó, là tại các hội chợ, phiên chợ… Điểm nhấn sẽ là hoạt động livestream bán nông đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, các sản phẩm nông đặc sản các tỉnh/thành phố sẽ tạo được sự lan tỏa rộng khắp đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Việc tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các kênh quảng bá, sẽ thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn. Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.
Cần chung tay tiếp sức đưa sản phẩm đạt OCOP bắt kịp các nền tảng mạng xã hội
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Công ty Meet More - một trong những đơn vị tiên phong đưa nông sản Việt chế biến sâu ra thế giới, đã có những chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu Việt và những bài học rút ra trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển.
Với các doanh nghiệp, đây là hình thức mới, do đó bản thân ông cũng không ngừng học hỏi từ thị trường trong và ngoài nước. Trong hành trình này, ông từng đi học livestream và làm nội dung cùng các bạn trẻ Gen Z để tìm ra công thức riêng phù hợp với doanh nghiệp của mình.
Doanh nghiệp cũng tự tổ chức các phiên livestream giới thiệu sản phẩm OCOP từ Cần Giờ đến chợ Bến Thành và thông qua các chương trình giúp doanh nghiệp Việt thử nghiệm và thích nghi với xu hướng thương mại điện tử.
Ông Luận nhấn mạnh việc sử dụng thương hiệu OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) là một bước tiến quan trọng để nâng tầm hàng Việt. Việc OCOP phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, và 5 sao một cách rõ ràng đã giúp thương hiệu Việt có định hướng trọng tâm, tạo sức bật để cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử lẫn thị trường quốc tế.
"Tôi cho rằng lấy thương hiệu OCOP làm trọng tâm là một cách tiếp cận đúng đắn. Thay vì dàn trải, hàng Việt cần đi sâu vào từng phân khúc cụ thể, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tập trung vào nhóm sản phẩm thế mạnh. Đây là chìa khóa để thành công, nhất là trên các sàn thương mại điện tử", ông nói.
Bà Trần Thị Tân, giám đốc trách nhiệm xã hội TikTok Shop nêu ý kiến về việc chung tay tiếp sức. “Để chung tay tiếp sức hàng Việt trên thương mại điện tử, cần sự ủng hộ nhiều của đối tác, người bán hàng, cơ quan ban ngành. Các yếu tố này sẽ tạo bệ phóng cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử. Đối với TikTok Shop, đơn vị đã có nhiều chính sách tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử, như thực hiện chương trình "Chợ phiên OCOP", ra mắt sáng kiến "Tự hào hàng Việt" cả online và offline, hợp tác các sở ngành tổ chức lễ hội kết nối cung cầu... Tính đến nay đơn vị đã triển khai hợp tác tại 33 tỉnh thành với 100 chương trình đã thực hiện và con số này còn tăng lên…” Ý kiến chung của các khách mời tại hội thảo đều nêu quan điểm rào cản lớn nhất đối với hàng Việt là chưa tiếp cận được nhiều công nghệ bán hàng và sàn thương mại điện tử. Doanh nghiệp lớn có lực lượng nhân sự tốt nên ổn, nhưng cơ sở nhỏ, nông dân thì chưa rành cách bán hàng trên sàn, thậm chí không biết sàn thương mại điện tử là gì. Gần đây, sau buổi training do Tiktok Shop hỗ trợ, đào tạo bán hàng, cô chú nông dân bất ngờ khi chỉ 2-3 tiếng đã bán được rất nhiều hàng, hơn hẳn cách bán truyền thống.
Đầu tiên là các đối tượng làm ra các sản phẩm OCOP là các chủ thể, chủ yếu họ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có năng lực sản xuất hạn chế, khó cạnh tranh với các dây chuyền máy móc của các công ty lớn.
Tiếp đến, các sản phẩm OCOP thường là đặc sản, do vậy sẽ là quý hiếm ở các vùng miền địa phương, nó có tính lịch sử, có câu chuyện văn hóa và được tạo ra bởi lịch sử truyền thống, bằng những kinh nghiệm của người dân địa phương cũng như là bàn tay của nghệ nhân tạo ra những sản phẩm OCOP của địa phương.
Mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ cho chương trình, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân. Một khó khăn nữa là các chủ thể sản phẩm OCOP là những người nông dân, thậm chí là những người dân tộc thiểu số, nên trình độ tiếp cận với khoa học công nghệ chưa phải là nhanh.
Xu hướng hiện nay, ngoài những kênh bán hàng truyền thống thì muốn bán được hàng, tiếp cận nhanh với người tiêu dùng tại các đô thị lớn, cần phải có những kênh tiếp cận hiện đại như thương mại điện tử, mạng xã hội (facebook, tiktok hoặc các sàn thương mại điện tử…)
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Sau 6 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (sản phẩm OCOP), Chương trình đã mở rộng triển khai ở 63/63 tỉnh, với 13.368 sản phẩm. Đặc biệt, từ các hoạt động xúc tiến thương mại đã thúc đẩy tiêu thụ, chắp cánh sản phẩm OCOP vươn xa.