Vĩnh Phúc: Tôn vinh các bậc tiên thánh, tiên hiền, danh nhân khoa bảng và Trưng bày chuyên đề “Thi đình thời Lê - Đỉnh cao khoa cử Việt Nam”

Sáng 10/9, tại Văn miếu tỉnh (đường Đặng Dung, phường Liên Bảo, Tp. Vĩnh Yên), Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Lễ dâng hương các bậc tiên thánh, tiên hiền, danh nhân khoa bảng Vĩnh Phúc - Trọng Thu, Giáp Thìn 2024 và khai mạc trưng bày chuyên đề: “Thi đình thời Lê - Đỉnh cao khoa cử Việt Nam".
img-8869-1725931457.jpeg
Các Đại biểu dâng hương

Đây là hoạt động này góp phần tôn vinh, tri ân các bậc hiền tài và sự lan tỏa truyền thống hiếu học của các dòng họ khoa bảng ở Vĩnh Phúc. Thông qua hoạt động này, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của vùng đất “anh hùng góp mặt, khoa bảng đề danh.

Dịp này, hoạt động trưng bày chuyên đề “Thi đình thời Lê - Đỉnh cao khoa cử Việt Nam”.  Với  hơn 200 hiện vật, tài liệu, tư liệu có nội dung sâu sắc, khoa học thẩm mỹ, trưng bày gồm 2 phần:
+ Phần 1: Thi đình thời Lê tại Hoàng thành Thăng Long – Đỉnh cao của khoa cử Việt Nam
+ Phần 2: Khoa cử Vĩnh Phúc thời Lê.

img-8871-1725931563.jpeg
Trưng bày chuyên đề “Thi đình thời Lê - Đỉnh cao khoa cử Việt Nam”

Thông qua trưng bày giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về lịch sử phát triển của Nho học Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng; tôn vinh truyền thống hiếu học – khoa cử, truyền thống tôn sư trọng đạo. Đồng thời, qua đó khích lệ, động viên thế hệ trẻ trong việc noi theo gương các bậc tiền nhân, không ngừng ra sức học tập, rèn luyện “đạt đức – đạt tài”, góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Trưng bày chuyên đề “Thi đình thời Lê - Đỉnh cao khoa cử Việt Nam” mở cửa đến hết ngày 31/12/2024.

Theo thống kê, từ năm 1075 đến năm 1919, Vĩnh Phúc có 86 tiến sỹ các đời, mở đầu là Trạng nguyên Phạm Công Bình triều Lý cho đến những tên tuổi như “Tứ nguyên” Phí Văn Thuật, “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Triệu Thái, Tể tướng Nguyễn Duy Thì thời hậu Lê. Vĩnh Phúc có một hệ thống văn miếu, văn chỉ, văn từ cùng những “làng tiến sỹ” nổi danh như: Quan Từ (có 13 tiến sỹ), Lý Hải (có 8 tiến sỹ), Thượng Trưng (có 5 tiến sỹ), Tứ Trưng (có 5 tiến sỹ)… và những dòng họ “Kế thế đăng khoa,” “Gia đình khoa bảng”…