Theo báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc, đến đầu giờ chiều 08/9, tỉnh Vĩnh Phúc không có thiệt hại về người nhưng có khoảng 100 nhà kiên cố, bán kiên cố, nhà đơn sơ, 10 điểm trường bị tốc mái, hư hại; hơn 6.000 ha lúa, gần 460ha rau màu bị thiệt hại, ảnh hưởng. Đồng thời, có khoảng 4.000 cây xanh, 72 cột điện hạ thế bị đổ, gãy; 16 trạm hạ thế hư hỏng; nhiều biển quảng cáo gãy chắn ngang trên các trục đường tỉnh lộ. Riêng tại các khu công nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 2 khu bị ảnh hưởng, gồm Khu công nghiệp Khai Quang có nhiều cành cây, cây xanh và 40m tường rào bị đổ; Khu công nghiệp Bá Thiện II có một số cây thông vỉa hè bị đổ.
Chủ động khắc phục hậu quả do bão số 3, Sở Giao thông vận tải đã kiểm tra, rà soát hệ thống biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn; các bến đò, đường dân sinh qua suối và chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các huyện, thành phố bố trí máy móc, phương tiện, vật liệu theo phương châm "4 tại chỗ" tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng khắc phục khi có sự cố. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác tại các điểm giao thông bị ngập cục bộ, hướng dẫn tổ chức giao thông bảo đảm thông suốt, nhất là tại 3 điểm còn ngập trên tuyến tỉnh lộ xe chưa lưu thông được.
Sở Công Thương đã chỉ đạo Công ty Điện lực Vĩnh Phúc sửa chữa, khắc phục các sự cố mất điện tại các địa phương, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, rà soát, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống truyền tải điện trên địa bàn tỉnh; chủ động các phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố điện trong điều kiện thời tiết phức tạp; ưu tiên bảo đảm cấp điện cho các trạm bơm tiêu, hệ thống điện các hồ có cửa van như Đại Lải, Thanh Lanh, Xạ Hương. Chỉ đạo các Trung tâm thương mại, siêu thị... cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ người dân trong đợt mưa bão.
Để mưa bão không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt chú ý an toàn về điện, ổn định sản xuất.
Bảo đảm an toàn thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Vinaphone Vĩnh Phúc, Mobiphone Vĩnh Phúc, Viettel Vĩnh Phúc tập trung khắc phục ngay những sự cố về đổ, đứt dây cáp; bảo đảm an toàn hạ tầng thông tin, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong mọi tình huống; bảo đảm đường truyền Internet, sóng điện thoại di động, thông tin liên lạc được thông suốt.
Ngay sau khi bão số 3 đi qua, để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ cùng các phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ các địa phương ứng phó với bão, nhất là thu dọn cây xanh, cột điện bị đổ... Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng tập trung tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, nhất là những nơi ngập úng, cây xanh, cột điện gãy đổ… để cảnh báo và điều tiết giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn giao thông cho Nhân dân và các phương tiện tham gia giao thông. Tổ chức tuần tra, kiểm soát các địa bàn theo kế hoạch nhằm phòng chống tội phạm lợi dụng thời điểm có bão xảy ra để có những hành vi vi phạm pháp luật tại các địa phương.
Tại các huyện, thành phố các đơn vị đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra; yêu cầu các lực lượng tiến hành dọn dẹp cây đổ, biển quản cáo, các công trình bị sập, hư hỏng, vệ sinh môi trường, bơm tiêu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Tiến hành tuần tra, canh gác tại các vị trí xung yếu, trọng điểm về thiên tai, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tăng cường phát sóng phát thanh cảnh báo người dân tuyệt đối không ở gần các công trình thủy lợi, hồ, đập có nguy cơ mất an toàn; chủ động khắc phục hậu quả do bão.