Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản khả năng sẽ cán đích 54 tỉ USD trong năm 2024

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, hơn nửa năm 2024 xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 29,2 tỉ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ. Bộ này dự đoán với kết quả đạt được, năm nay xuất khẩu nông - lâm - thủy sản khả năng sẽ cán đích 54 tỉ USD.

xk-nlts-16953768635081769228056-0-0-500-800-crop-16953768658461571664094-1722934288.jpg

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, hơn nửa năm 2024 xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 29,2 tỉ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ. Ảnh Internet

Với từng ngành hàng qua 7 tháng năm 2024, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đa số đều tăng trưởng ấn tượng và nhiều hy vọng tiếp tục tăng đến cuối năm. Cụ thể, rau quả: có mức tăng trưởng đột biến, có thể lập kỷ lục từ trước tới nay và sẽ cán mốc trên 7 tỉ USD. Trong đó, sầu riêng có thể đạt khoảng 3 tỉ USD; Gạo có nhiều khởi sắc và dự báo có thể đạt 5 tỉ USD; kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục trở lại, đạt mức 9,5 - 10 tỉ USD. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỉ USD; Cà phê đã vượt qua mốc kỷ lục 5 tỉ USD, thậm chí có thể lên đến 6 tỉ USD.

Đồng thời, đại diện phía Nam của Bộ NN&PTNT đánh giá nhìn số liệu thống kê, có thể nói đến hiện tại sản xuất nông nghiệp được giá và được mùa. Sản lượng nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực tăng, giá bán cũng tăng cao.

Trách nhiệm của bộ, ngành là hỗ trợ bà con, doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Tư duy của chúng ta là hàng hóa phải đi xa, nông sản không chỉ phục vụ trong nước mà còn phải hướng đến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, điểm nhấn vẫn là thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như thị trường Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm 2024.

Bộ NN&PTNT cho hay sẽ song hành cùng với Bộ Công Thương trong hoạt động đàm phán, mở cửa thị trường, kiểm dịch động, thực vật và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan để tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, vẫn phải chú ý chất lượng, đa dạng sản phẩm hơn nữa. Theo các chuyên gia, hiện có nhiều nhận định từ phía thị trường xuất khẩu rằng vào nửa cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng lên, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục bận rộn vào khoảng thời gian này. Vậy làm sao đón cơ hội "vàng" để bứt tốc và tạo dấu ấn đang là tính toán của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng.

Với rau quả Việt Nam nói chung và sầu riêng nói riêng, ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng quyết định cho sự tăng trưởng vẫn phải là chất lượng.

"Cần giữ mối liên kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp xuất khẩu để nhà vườn chạy theo giá cả, không bẻ "kèo" như hái sầu riêng non. Ngoài ra cần giữ quy định mẫu mã, vùng trồng, tránh để những lùm xùm về sầu riêng nhiễm cadimi như thời gian qua", ông Nguyên nói.

Đặc biệt, đặc điểm của sầu riêng là giá rất đắt, sầu riêng Tây Nguyên hết vụ thì sầu riêng miền Tây tiếp vụ nên có thời điểm cả thế giới chỉ Việt Nam có sầu riêng. Theo ông Nguyên, để tận dụng ưu thế này, các doanh nghiệp cần chuyển hướng sản phẩm sầu riêng đông lạnh để bán sang các nước giàu.

"Chỉ có các nước giàu mới mua nổi sầu riêng. Vì thế, ngoài Trung Quốc, cần mở rộng sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Khi đã có thị phần, có tiếng tăm rõ ràng thì câu chuyện kim ngạch xuất khẩu sầu riêng mong muốn mang về 3 tỉ USD trong năm 2024 là chuyện nhỏ. Con số này sẽ tăng, tăng nữa...", ông Nguyên nói.

Trước tiên trái cây phải đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật, mở rộng các loại quả mới vào các thị trường; không để dịch bệnh.

Với ngành thủy sản, đó là bận rộn đối diện với những khó khăn như giá nguyên liệu tăng, giá tôm không cạnh tranh lại được tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Độ khi bán sang Mỹ; bận rộn với những đơn hàng "đánh" vào sản phẩm mới mà "đối thủ" không có được như tôm chế biến, hàng giá trị gia tăng.

Ngoài ra theo ông Dũng, do biến động ở Trung Đông và chi phí vận chuyển cao nên nhóm thị trường có vị trí gần Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ được chú trọng. Những thị trường nhỏ lẻ cũng là động lực để xuất khẩu tôm Việt, góp phần tăng trưởng trong thời gian tới.

Với cà phê, cuối năm 2024, quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực, thị trường này cũng sẽ chịu tác động.