Liên quan tới thị trường xuất khẩu, TS. Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, lưu ý, trong quy định của thị trường Trung Quốc và một số thị trường chính đối với nông sản xuất khẩu. Hiện, Trung Quốc có nhiều thay đổi trong quy định an toàn thực phẩm. Hai bên đã có các nghị định thư, thỏa thuận kiểm soát An toàn thực phẩm (ATTP) sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước; kiểm soát an toàn nông sản, thực phẩm xuất nhập khẩu giữa hai nước; nghị định thư kiểm dịch gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc...
Trước mắt, Việt Nam sẽ xuất khẩu bưởi da xanh sang Mỹ, sau đó triển khai tiếp với các loại bưởi đặc sản khác (Ảnh: Báo Hải quan).
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thị trường Trung Quốc hiện mới tập trung truy xuất nguồn gốc, chưa thực hiện nhiều quy định kiểm tra, giám sát mức dư lượng. Song đối với các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đã nhận cảnh báo từ phía bạn về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật.
Đối với thị trường Nhật Bản, các quy định đều thuận lợi cho doanh nghiệp song yêu cầu tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp sang thị trường này. Hàn Quốc cũng là một thị trường khó tính. Họ có quy định cụ thể về dư lượng, các loại hóa chất, thuốc BVTV. Đối với thị trường EU, sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường này cần tuân thủ các quy định về ATTP. Doanh nghiệp cần đăng ký danh sách với cơ quan có thẩm quyền (NAFIQAD) để kiểm tra và phê duyệt vào danh sách được phép xuất khẩu sang EU...
Với các quy định này, ông Hòa kiến nghị doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các qui định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức và quan niệm - từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường.
Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn về chất lượng và số lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm. Ông Hòa cũng đề xuất tăng cường đầu tư máy móc thiết bị và nghiên cứu sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu; đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về ATTP cho quá trình sản xuất và chế biến...
TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay, nhiều thị trường đã yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói của nước xuất khẩu phải được giám sát chặt chẽ và được cấp mã số định kỳ.
Về vấn đề này, TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật chia sẻ, quả bưởi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Mỹ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS). Trái bưởi không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm; được xử lý chiếu xạ và được Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại Mỹ quan tâm bao gồm các loại ruồi đục quả, sâu đục quả và các loại nấm gây đốm trái Cylindrocarpon lichenicola, Phyllosticta citriasiana.
Bà Hiền lưu ý quả bưởi xuất khẩu đi Mỹ phải đảm bảo loại quả không có tì vết trên bề mặt và được đóng gói ở cơ sở đóng gói do Mỹ cấp phép... Trái bưởi sẽ được xử lý chiếu xạ tại các cơ sở chiếu xạ được Mỹ cấp phép APHIS. Đối với kiểm dịch thực vật, áp lực quản lý sâu bệnh hại trên đồng ruộng và vùng trồng đóng vai trò cốt lõi trong vấn đề xuất khẩu. Về vấn đề bao trái, giải pháp bao trái cho cây ăn trái hiện nay là an toàn nhất.
Ông Henry Bùi, Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Khoa học công nghệ Hoàn Vũ khẳng định chất lượng và thông tin truy xuất nguồn gốc chính là giấy thông hành cho xuất khẩu nông sản.
Trong khi đó, ông Henry Bùi, Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Khoa học công nghệ Hoàn Vũ khẳng định, chất lượng và thông tin truy xuất nguồn gốc chính là giấy thông hành cho xuất khẩu nông sản. Hiện nay, sau 15 năm hoạt động, Công ty Hoàn Vũ đang sở hữu những kỹ thuật để phân tích, xác định chất lượng, truy xuất được nguồn gốc của nông sản bằng công nghệ phân tử, cụ thể là thông qua các đồng vị bền. Kỹ thuật phân tích đồng vị bền cho phép phân tích thành phần đồng vị bền của các hợp chất cụ thể, giúp thăm dò sâu hơn vào các quy trình cơ bản chịu trách nhiệm về thay đổi môi trường hoặc sinh thái ở cấp độ phân tử.
Khi ứng dụng công nghệ này, Hoàn Vũ có thể xác định được dấu vết của đường trong mật ong, nguồn gốc hữu cơ của thanh long, các chất pha thêm vào nước ép trái cây, phân biệt tôm sú nuôi với tôm sú tự nhiên hay xác định phân bón sử dụng có phải hữu cơ hay không. Với những khả năng nói trên, Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Khoa học công nghệ Hoàn Vũ khẳng định, kỹ thuật phân tích đồng vị bền mở lối cho kỷ nguyên xác thực nguồn gốc nông sản và tất cả các chủng loại thực phẩm.