Không sử dụng thuốc trừ cỏ, bón phân hữu cơ từ đạm thực động vật, che phủ đất… là những biện pháp cải tạo đất được nhiều nông dân vùng bưởi đặc sản Đại Minh áp dụng. |
Nhiều năm trước, tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan vào đất khá phổ biến. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, công sức nhưng đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn đất, nước và ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Ngoài ra, việc lạm dụng phân vô cơ và khai thác triệt để tài nguyên đất là nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng về hệ sinh thái tự nhiên trong đất; chất hữu cơ trong đất bị mất đi ngày càng nhiều nên kết cấu đất bị phá vỡ, đất càng lúc càng chai cứng, dễ bị xói mòn, chất dinh dưỡng dễ bị rửa trôi và hệ vi sinh vật trong đất bị mất dần.
Riêng việc sử dụng quá nhiều phân đạm còn là nguyên nhân gây tích tụ cao hàm lượng nitrat trong nông sản ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều diện tích đất hiện nay, khi đi vào sản xuất theo quy trình an toàn còn không đạt tiêu chuẩn ngay từ bước kiểm nghiệm mẫu đất bởi tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn trong đất dù đã không sử dụng nhiều năm liền.
Sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, người dân trên địa bàn tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao đã nhận thức được những tác hại để ngừng sử dụng thuốc trừ cỏ, dần sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hoá học cũng như biết cách sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm.
Ông Lê Văn Minh ở thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình có gần 2 ha đất trồng bưởi, song toàn bộ diện tích này đều được ông làm cỏ thủ công hoặc dùng máy phát cỏ, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ.
Ông Minh chia sẻ: "Vất vả hơn đấy nhưng an toàn cho mình, cho cả người tiêu dùng. Gia đình tôi cũng sử dụng phần lớn các loại phân hữu cơ: phân chuồng ủ hoai mục với chế phẩm sinh học; phân ủ từ đạm động, thực vật như: cá, ngô, đỗ tương nghiền ủ với chế phẩm sinh học để bón cho cây. Phân hóa học chỉ sử dụng chút ít sau khi thu hoạch quả. Cách bón phân đúng tỷ lệ, đúng thời điểm cũng được áp dụng hiệu quả. Nhờ đó, đất đủ dinh dưỡng để nuôi cây và quả phát triển tốt. Sản phẩm đạt chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng và xuất bán được vào một số hệ thống siêu thị ở miền Nam”.
Rõ ràng, đất có màu mỡ thì cây trồng mới phát triển tốt và cho năng suất cao. Bởi vậy, bên cạnh việc giữ gìn, bảo vệ, nông dân cũng cần áp dụng đa dạng các biện pháp tác động tích cực vào đất nhằm cân bằng chất dinh dưỡng cho đất.
Cách làm tại nông trại Tomofarm ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn là một ví dụ điển hình. Lựa chọn vùng đất rộng 1 ha vốn là đất hoang hoá bỏ không với đặc thù về chất đất chua, đất đồi pha nhiều đá sỏi, khá khó canh tác để trở thành nông trại chất lượng cao, đội ngũ kỹ thuật đã mất vài tháng để cải tạo đất từ việc cày xới, sử dụng vôi bột để giảm chua, các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, gốc ngô để làm phân bón và luân canh các giống cây ngắn ngày để cải thiện độ phì nhiêu cho đất.
Kỹ sư Hoàng Vĩnh Phúc - Trợ lý sản xuất tại nông trại cho biết: "Trong quá trình canh tác nông nghiệp, cây trồng cần lấy các chất dinh dưỡng kiềm từ đất. Tuy nhiên, do đất ở khu vực này không được chăm sóc nên nồng độ PH sẽ mất cân bằng. Dẫn đến nồng độ axit trong đất thấp, PH dưới 6,5 nên chua, cộng với hiện tượng rửa trôi mất chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài cải tạo, đất ở đây đã có thể sản xuất. Chúng tôi đã tiến hành trồng thử nghiệm gần 20 loại cây, trái và cho kết quả khả quan”.
Hay tại vùng nguyên liệu sắn ở huyện Văn Yên, người dân cũng đã biết áp dụng các biện pháp như: trồng băng cỏ chống xói mòn, trồng xen canh các cây họ đậu… mang lại hiệu quả tốt trong cải tạo độ phì cho đất.
Phải khẳng định rằng, việc khai thác, sử dụng tốt đi đôi với bảo vệ, tăng độ phì cho đất sẽ góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá, hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng. Đây cũng là một trong những yếu tố để phát triển nền nông nghiệp bền vững, lâu dài.