Bảo tồn và Phát triển Làng nghề, ngành nghề phát triển Nông thôn Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp

Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 diễn ra từ tháng 10 và tháng 11 tại Thủ đô Hà Nội. Trong đó, những hoạt động chính của Festival diễn ra từ ngày 9 - 12/11/2023 tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội. Để hiểu rõ hơn về thực trạng và giải pháp bảo tồn và phát triển Làng nghề, ngành nghề phát triển nông thôn, Tạp chí PHANO có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

PV: Trước hết xin ông có thể giới thiệu qua một số nét tổng thể về bức tranh làng nghề, ngành nghề phát triển nông thôn Việt Nam?

Ông Lê Đức Thịnh: Trải qua hàng ngàn năm lịch sử văn hiến - anh hùng, ông cha ta đã trao truyền cho muôn đời sau những di sản vô giá về nghề và làng nghề truyền thống, mà ngày nay rất cần phải bảo tồn và phát triển. Trong số hàng ngàn làng nghề, đến nay cả nước đã công nhận hơn 2.000 làng nghề và nghề truyền thống. Và một nửa trong số đó là những tinh hoa hội tụ ở Thăng Long - Hà Nội. 

5d75f67c-bd29-419c-a02e-50fa98441f08-1699141502.jpeg
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. 

Hiện nay, quy mô của ngành nghề nông thôn có doanh thu là 202.391 tỷ đồng, giảm 11.624 tỷ đồng so với năm 2020; Tổng số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh 808.201 cơ sở, giảm 4.705 cơ sở so với năm 2020 (trong đó: có 13.201 doanh nghiệp, 5.582 hợp tác xã,5.594 tổ hợp tác và 783.474 hộ sản xuất); Tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, tăng 1,45 triệu lao động so với năm 2020 (trong đó: lao động thường xuyên là 2,73 triệu và lao động thời vụ là 0,96 triệu); Thu nhập bình quân đầu người đạt 05 triệu đồng/người/năm. Xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu đạt khoảng 3,3 tỷ USD (trong đó: xuất khẩu lâm sảnngoài gỗ là 1,08 tỷ USD; gỗ mỹ nghệ 0,03 tỷ USD, sản phẩm gốm sứ 0,71 tỷ USD...).

Đối với các làng nghề, làng nghề truyền thống: Cả nước có khoảng 2008 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, tăng 80 làng nghề so với năm 2020 (bao gồm: 1356 làng nghề và 652 làng nghề truyền thống) và có 54 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình Nghề thủ công truyền thống; Doanh thu của các làng nghề đã được công nhận là 75.720 tỷ đồng, tăng 17.332 tỷ đồng so với năm 2020; Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh 270.760 cơ sở, tăng 59.705 cơ sở so với năm 2020 (trong đó: có 3.307 doanh nghiệp, 401 hợp tác xã, 508 tổ hợp tác và 266.544 hộ sản xuất); Tạo việc làm cho khoảng 1,58 triệu lao động, tăng 0,96 triệu lao động so với năm 2020; Thu nhập bình quân đầu người đạt 05 - 06 triệu đồng/người/năm.

Có thể thấy, các làng nghề không chỉ là không gian kết tinh và lưu giữ những giá trị văn hoá, lịch sử, mà còn là sinh kế góp phần đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân. Ngày nay nhiều làng nghề đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam - Đất nước - Con người với bạn bè quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PV: Ông đánh giá thế nào về công tác phát triển ngành nghề nông thôn nói chung và công tác bảo tồn, phát triển nghề truyền thống nói riêng trong thời gian vừa qua?

Ông Lê Đức Thịnh: Công tác phát triển ngành nghề nông thôn đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện.

Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về Phát triển ngành nghề nông thôn; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch Bảo tồn và phát triển làng nghề; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 3671/QĐ-BNN-KTHT ngày 28/9/2022 về triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

e5d1da50-0536-45d0-a020-f6b481190e05-1699141875.jpeg
Phát triển Nghề truyền thống gắn với hoạt động thu hút du lịch đang được nhiều địa phương quan tâm.

Tổ chức sản xuất ngành nghề nông thôn đang có xu hướng chuyển sang mô hình sản xuất hợp tác theo chuỗi giá trị. Bắt đầu hình thành hệ thống doanh nghiệp thương mại làm nòng cốt, trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn, góp phần tăng khối lượng hàng hoá xuất khẩu, hoạt động dịch vụ du lịch làng nghề. Các sản phẩm xuất khẩu ngày càng đa dạng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu nhu cầu thị trường, nhưng vẫn giữa được nét văn hoá đặc sắc.

Các địa phương đã quan tâm xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, xúc tiến thương mại… để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhân tham gia sản xuất kinh doanh các nhómngành nghề nông thôn. Đây là các cơ sở để ngành nghề nông thôn phát triển và nâng cao chất lượng lao động nông thôn của địa phương. Tạo nhiều việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực ngành nghề nông thôn; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn.

53bc1f37-af84-420d-a126-1f0501c32fab-1699141993.jpeg
Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống góp phần gìn giữ văn hoá và giải quyết sinh kế ổn định cho người dân.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ về bảo tổn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Tổ chức các hội thảo, hội nghị và các hoạt động thông tin tuyên truyền về chương trình phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề; bản tin trên truyền hình để nâng cao nhận thức và tăng cường công tác quản lý Nhà nước. Tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước, tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề tại các địa phương nhằm phát hiện tồn tại, vướng mắc và để kịp thời tháo gỡ cho các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. 

PV: Từ thực tiễn công tác quản lý, theo ông, công tác phát triển ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống có những khó khăn hạn chế nào?

Ông Lê Đức Thịnh: Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, công tác phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Nông nghiệp và PTNT cùng với những lợi thế về truyền thống phát triển, cơ hội tiếp cận thị trưởng rộng mở...là những tiền đề rất thuận lợi để phát triển. 

Tuy nhiên, công tác này cũng gặp một số hạn chế, khó khăn cơ bản như: Nhận thức còn có nhiều hạn chế của một bộ phận cấp ủy, chính quyền, cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của việc phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống trong cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vùng, miền.

Một số cơ chế chính sách được cho là chưa đủ để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn như: quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, tiền thuê đất chưa phù hợp với đặc thù của ngành nghề nông thôn.

Phát triển ngành nghề nông thôn phần nhiều còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững,các địa phương chưa xác định được tiềm năng, lợi thế trong các hoạt động ngành nghề nông thôn; quy mô sản xuất nhỏ, tận dụng lao động và sản xuất trong không gian các hộ gia đình là chủ yếu. 

d796e177-a4d8-4116-8b67-3ad5245a4524-1699142178.jpeg
Những nghệ nhân tài hoa là linh hồn của các làng nghề truyền thống

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết bị, máy móc vào sản xuất, kinh doanh các nhóm ngành nghề nông thôn đang còn nhiều hạn chế, dẫn đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn còn hạn chế như: phần lớn vẫn chưa qua đào tạo, thiếu kiến thức về thị trường…

Nguyên liệu tự nhiên phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn đang bị suy giảm, thậm chí cạn kiệt do khai thác quá mức, thiếu tổ chức. Trong các kế hoạch đã được các địa phương ban hanh, vẫn chưa có những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng làng nghề để thực hiện công tác bảo tồn và phát triển các làng nghề của địa phương.

Khó khăn trong tiếp cận tín dụng cũng như đầu tư khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng caonăng xuất lao động, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, gắn nhãn sản phẩm làng nghề cũng như liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

PV: Vậy đâu là nguyên nhân của những hạn chế đó?

Ông Lê Đức Thịnh: Có thể điểm một vài nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến một số khó khăn, hạn chế trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề phát triển nông thôn trong thời gian qua như: Chưa có những hoạch định, định hướng lâu dài có tính chiến lược cho việc phát triển ngành nghề, làng nghề, chưa xây dựng hệ thống chính sách hoặc chương trình tác động thiết thực cho làng nghề. Khả năng liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường và nguồn lực từ bên ngoài còn hạn chế.

Các chính sách trong Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn, Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 chưa được các địa phương cụ thế hoá bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai nên chưa huy động được các nguồn lực đầu tư.

Sự liên kết giữa các trường, làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp (thương nhân) trong việc mở mang, truyền nghề, cấy nghề, cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm chưa rộng rãi. Các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn thường có quy mô nhỏ, không có tài sản đảm bảo, thủ tục vay vôn phức tạp nên rất khó tiếp cận các nguồn vồn tiến dung.

Nhiều địa phương chưa có chính sách phong tặng nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh để làm cơ sở phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Chưa có chính sách để phong tặng nghệ nhân đối với các lĩnh vực như: sinh vật cảnh, chế biến thực phẩm...Việc quy hoạch và đầu tư các cụm tiểu thủ công nghiệp để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môitrường ra khỏi du dân cư ở các địa phương do thiếu vốn nên triển khai còn chậm.

Công tác bảo vệ môi trường làng nghề vẫn chưa thực sự được ưu tiên tại các địa phương, kinh phí sự nghiệp môi trường còn hạn chế, thiếu cán bộ chuyên trách về bảo vệ môi trường làng nghề, công tác quản lý còn thiếu chặt chẽ dẫn đến môi trường bị ô nhiễm chưa được khắc phục, cải thiện. Nguồn vốn ngân sách để thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn rất hạn chế và chủ yếu lồng ghép từ các Chương trình MTQG, dự án, các nguồn vốn khác nên không đủ nguồn lực. Các vùng nguyên liệu nuôi trồng tập trung thiếu quy hoạch, bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác và chịu áp lực về đất đai của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.

PV: Ngành Nông nghiệp và PTNT theo ông cần phải có định hướng và giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trong tình hình mới?

Ông Lê Đức Thịnh: Trước hết, cần tập trung đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh ngành nghề, làng nghề ở nông thôn. Tham mưu rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật phát triển ngành nghề, làng nghề nhằm đẩy mạnh sản xuất, bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Định hướng phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực ngành nghề nông thôn để phát huy thế mạnh, khắc phục những tồn tại hạn chế và gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường nông thôn. Trong đó, có một số giải pháp chính như áp dụng các tiến bộ khoa học, máy móc, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm...

Kết hợp các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các hoạt động ngành nghề nông thôn để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Đa dạng hoá các sản phẩm và loại hoạt động ngành nghề nông thôn ở khu vực nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tích hợp đa giá trị, nhất là giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống. Quan tâm phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đời sống dân cư nông thôn.

Phát triển mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển nghề, làng nghề, các hội và hiệp hội nghề, làng nghề quy mô vùng, quốc gia. Đồng thời củng cố hoat động của các trường, cơ sở dạy nghề phục vụ nhu cầu đào tạo, dạy nghề ở các địa phương.

Phát triển hạ tầng, xây dựng các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Thúc đẩy phát triển bền vững (các loại hình kinh tế nông thôn, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên, môi trường…) trong hoat động sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn.

Đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các ngành nghề, làng nghề; ưu tiên phát triển một số sản phẩm chủ lực như: Mây tre lá, gốm sứ, thêu dệt, dược liệu…tại các địa phương có điều kiện.

Thứ hai, tập trung cho ứng dụng KHCN, bảo tồn và phát triển giá trị văn hoá, lịch sử, truyền thống, cảnh quan và môi trường nhằm phát triển ngành nghề, làng nghề hiệu quả, bền vững.

Hình thành các mô hình du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái và du lịch các làng nghề truyền thống. Định hướng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực đồng bộ như: Khu thu gom rác tập trung, hệ thống cung cấp nước (sinh hoạt và phục vụ sản xuất), điện, đường giao thông...

1bb665a3-0899-4cb1-94d6-c2043b695742-1699142387.jpeg
Nhiều sản phẩm làng nghề Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới.

Phát triển ngành nghề nông thôn gắn với việc bảo tồn các công trình, di tích lịch sử, công trình văn hoá, tâm linh ở nông thôn. Thực hiện và triển khai các giải pháp về công tác bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Thứ ba, phát triển thương mại các sản phẩm ngành nghề nông thôn. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm ngành nghề nông thônđể tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực như: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, một số sản phẩm chế biến truyền thống...

Đa dạng hoá các hệ thống phân phối sản phẩm từ chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, diểm du lịch, khách sạn, resort đến các kênh thương mại điện tử (sendo, lazada, shopee..), các mạng xã hội (facebook, youtube, tiktok, zalo...). 

Hỗ trợ năng lực tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất (thiết lập mã số vùng nguyên liệu, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ,...) gắn với các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

PV: Vâng, xin ông có thể chia sẻ một vài thông tin về Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam 2023?

Ông Lê Đức Thịnh: Năm 2023, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT là đầu mối thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng có liên quan đến công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn như: Dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ và triển khai các nội dung tại Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hướng dẫn các địa phương triển khai Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/07/2022 của Thủ tướng chính phủ về Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và triển khai các nội dụng Quyết định số 3671/QĐ-BNN-KTHT ngày 28/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 801/QĐ-TTg...

Trong đó, tổ chức các hoạt động trong Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 với các hoạt động chính như: Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2023; Hội thảo Quốc tế về phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Hội chợ quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm.

Xuất phát từ vị trí vai trò to lớn đó, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức “Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam” từ tháng 10 đến tháng 11 với chuỗi hoạt động thiết thực diễn ra tại nhiều địa điểm ở Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, từ ngày  9 đến ngày 12 tháng 11 tại Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long sẽ diễn ra các hoạt động chính của Festival như: Vinh danh 100 nghệ nhân, thợ giỏi; Lễ khai mạc và Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.

Đây thực sự là cơ hội để thay đổi nhận thức mới về nghề và làng nghề; khơi dậy mạnh mẽ những nguồn lực nội sinh và ngoại sinh, cũng như tình yêu nghề và làng nghề truyền thống trong nhân dân; thúc đẩy kết nối giao thương, hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề...hướng tới mục tiêu “Kết nối tiềm năng - Gia tăng giá trị - Phát triển bền vững” và phát huy những giá trị tinh hoa làng nghề Việt trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế hiện nay. Đây cũng là sự kiện thiết thực chào mừng 78 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2023) và 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!